Bình Thuận: Tích cực kiểm tra, kiểm soát, ổn định thị trường

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã tích cực, chủ động thực hiện công tác kiểm soát, ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh.

Bám sát chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, lực lượng quản lý thị trường Bình Thuận đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình thị trường, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng quan trọng như đường cát, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón, vật tư nông nghiệp và hóa chất, nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thuốc lá mới, xì gà, đường, nhóm hàng thời trang… và thu nộp ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Theo đó, nhiều vụ việc vi phạm với số lượng lớn đã được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, điển hình là vụ việc kiểm tra, phát hiện 99 bao đường tinh luyện các loại nhập lậu (loại 50 kg/bao) do Thái Lan sản xuất, có tổng giá trị trên 89 triệu đồng vào ngày 21/4/2022 của Đội Quản lý thị trường số 5 tại hộ kinh doanh tạp hóa tại thôn Kim Ngọc, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc hay vụ việc kiểm tra, phát hiện 373 sản phẩm hàng gia dụng các loại không rõ nguốc gốc, xuất xứ và 1.153 sản phẩm hàng gia dụng, loa, nước xả vải, mỹ phẩm các loại nhập lậu có tổng giá trị trên 90 triệu đồng của Đội Quản lý thị trường số 1 tại một Hộ kinh doanh đường Trương Hán Siêu, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết.

Lực lượng quản lý thị trường Bình Thuận đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình thị trường, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng quan trọng
Lực lượng quản lý thị trường Bình Thuận đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình thị trường, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng quan trọng

Năm 2022, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 659 vụ, xử lý 225 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách Nhà nước là 4.559,27 triệu đồng; tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 10.076,57 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã thanh tra, kiểm tra 350 vụ, xử lý 154 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước là 2.693,44 triệu đồng (trong đó số tiền xử phạt là 1.996,75 triệu đồng, bán hàng hóa tịch thu là 406,89 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 289,80 triệu đồng). Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 2,4 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã thanh tra, kiểm tra 350 vụ, xử lý 154 vụ vi phạm
6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã thanh tra, kiểm tra 350 vụ, xử lý 154 vụ vi phạm

Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh cho 656 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn; tổ chức cho 3.503 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ký cam kết “Thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Đơn vị đã thông tin kết quả kiểm tra, kiểm soát trên trang thông tin điện tử của Cục với 131 bản tin, 1 Bản tin chống buôn lậu trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bình Thuận.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá theo Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở Bộ Công Thương.

Đồng thời, quyết tâm kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, trong đó đặc biệt tập trung quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương. Thực hiện công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của đơn vị trên trang thông tin điện tử của Cục.

Thắng Cảnh