Bộ Công Thương ban hành kế hoạch hành động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch hành động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1907/QĐ-BCT về việc Ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước với bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

bảo vệ người tiêu dùng
Bộ Công Thương ban hành kế hoạch hành động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

 

Theo đó, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan đến ngành công thương đã được nêu trong Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW.

Các nhiệm vụ giải pháp trong Kế hoạch hành động số 1907/QĐ-BCT được xây dựng chi tiết về nội dung, thời gian thực hiện, cũng như có sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương nói riêng và ngành công thương nói chung.

Cụ thể, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách bao gồm xác định rõ vai trò, đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hơn nữa, nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật; thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đa dạng hóa phương thức truyền thông.

Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng. Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hơn nữa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN, APEC và các Hiệp định Thương mại tự do và quốc tế./.