Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành hiệu quả nhiệt điện than, thủy điện để đảm bảo điện

Bộ Công Thương vừa có Công văn số 8050/BCT-ĐTĐL ngày 13/11/2023 về việc thực hiện các giải pháp vận hành nhà máy nhiệt điện than và nguồn thủy điện để đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các giải pháp vận hành nhà máy nhiệt điện than và nguồn thủy điện để đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các giải pháp vận hành nhà máy nhiệt điện than và nguồn thủy điện để đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024

Công văn gửi các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than.

Theo đó, thực hiện Thông báo số 457/TB-VPCP ngày 6/11/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung.

Về nguồn thủy điện, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp về nguồn thủy điện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 457/TB-VPCP ngày 6/11/2023.

Về vận hành các nhà máy nhiệt điện than, Bộ Công Thương yêu cầu các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị phát điện chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện than thuộc phạm vi quản lý thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng vận hành tối đa công suất khả dụng của tổ máy khi có nhu cầu huy động của hệ thống điện Quốc gia các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 (đặc biệt vào thời gian cao điểm mùa khô); thực hiện nghiêm các Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trong thời gian qua về việc chuẩn bị nhiên liệu than đảm bảo cho sản xuất điện năm 2024.

Các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt tại miền Bắc khẩn trương hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định theo kế hoạch vận hành và huy động của hệ thống điện Quốc gia các tháng còn lại năm 2023 và năm 2024; theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường công tác kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy; rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống rơ le bảo vệ, tự động của nhà máy điện; đảm bảo vật tư dự phòng cho các thiết bị của nhà máy điện.

Đồng thời, thực hiện sớm, triệt để các giải pháp để hạn chế tối đa sự suy giảm công suất phát điện các tổ máy do ảnh hưởng bởi nguồn nhiên liệu than, nhiệt độ nước làm mát tuần hoàn cao hoặc ảnh hưởng của các điều kiện về môi trường khác. Chủ động các giải pháp để đảm bảo tuân thủ quy định về môi trường, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc để đảm bảo khả dụng tối đa của các tổ máy.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong thời gian qua và các quy định của pháp luật trong việc chuẩn bị than cho hoạt động sản xuất điện trong các tháng còn lại năm 2023 và năm 2024.

Hạn chế tối đa sự suy giảm công suất phát điện các tổ máy do ảnh hưởng bởi nguồn nhiên liệu than
Hạn chế tối đa sự suy giảm công suất phát điện các tổ máy do ảnh hưởng bởi nguồn nhiên liệu than

Tại Thông báo số 457/TB-VPCP, Thường trực Chính phủ kết luận, việc xây dựng Kế hoạch và triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho các tháng cuối năm 2023, năm 2024, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về nguồn điện, lưới điện, tiết kiệm điện và điều hành giá điện.

Riêng đối với thủy điện, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ thẩm quyền chỉ đạo EVN, Trung tâm A0 và các đơn vị có liên quan chỉ đạo điều hành linh hoạt tích giữ, sử dụng nước phù hợp với tình hình thực tế trên nguyên tắc chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc và tiếm kiệm giữ mực nước bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào thời gian cao điểm mùa hè (thường là vào tháng 5, tháng 6 hàng năm) và có tính toán dự phòng cao nhất trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.

Các chủ sở hữu hồ, đập, thủy điện chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ; tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên nước.

Xem nội dung Thông báo số 457/TB-VPCP về việc thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 tại đây.

Theo kịch bản xây dựng của Bộ Công Thương và EVN, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,0-6,5%, trong điều kiện tổng nguồn chỉ có từ 50.000 MW đến tối đa là 52.000 MW. Để thực hiện được kịch bản này, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN và các cơ quan liên quan phải chủ động trong việc bố trí nguồn vốn thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phân công thực hiện kịch bản đã đề ra bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 và có thể tính toán cao hơn khi có điều kiện cho phép tăng trưởng cao hơn.

Thy Thảo