Bộ Công Thương: Đặt mục tiêu chỉ số tiếp cận điện năng tăng 5-7 bậc đến năm 2021

Theo Bộ Công Thương, thông qua thực hiện các giải pháp toàn diện, năm 2019 Việt Nam đặt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận điện năng lên 3-5 bậc, đến năm 2021 lên 5-7 bậc.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng thực hiện theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch hành động nhằm nâng cao thứ hạng Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế của Ngân hang Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam vào nhóm ASEAN 4.

Theo báo cáo Doing Business 2019 của WB, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2018 của Việt Nam đạt 87,94 điểm, đứng vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia, nền kinh tế.

Việc tăng tới 37 bậc so với xếp hạng năm 2017 cùng thời gian tiếp cận điện năng (31 ngày) đã đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia ASEAN-4, đạt mục tiêu đặt ra của Chính phủ đến 2020.

Xét riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2019 Việt Nam đặt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số tiếp cận điện năng lên 3-5 bậc, đến năm 2021 lên 5-7 bậc.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng Kế hoạch thực hiện cải thiện bộ chỉ số tiếp cận điện năng, cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất sửa đổi và rút gọn các thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước đối với quá trình tiếp cận điện năng.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương địa phương tập trung theo dõi, báo cáo để UBND các tỉnh, thành phố ban hành Cơ chế “một cửa liên thông” giữa cơ quan quản lý nhà nước và ngành Điện, giúp rút ngắn thời gian, giảm thủ tục và công khai minh bạch việc tiếp cận điện năng cho người dân và doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho bộ máy quản lý hoạt động có hiệu quả.

Đối với EVN, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn này nghiên cứu tiếp tục giảm thời gian thực hiện các thủ tục của ngành điện và triển khai việc cấp điện qua công trình của ngành điện đầu tư cho nhóm khách hàng kinh doanh bất động sản. Thực hiện các giải pháp quyết liệt tiếp tục cải thiện độ tin cậy cung cấp điện (Thời gian mất điện khách hàng bình quân SAIDI, Tần suất mất điện bình quân SAIFI) và minh bạch về giá điện, cùng với đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4.

Thy Thảo