Bộ Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính

Để tạo chuyển biến mới trong công tác CCHC, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc nêu cao vai trò của truyền thông, tuyên truyền trong công tác CCHC.

Xác định cải cách hành chính là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo với phương châm Chính phủ kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân để phát triển kinh tế; Bộ Công Thương khẳng định tầm quan trọng của cải cách hành chính (CCHC) trong công cuộc đổi mới, là yêu cầu tất yếu khách quan, xuất phát từ chính đòi hỏi của thực tế. Công tác CCHC của Bộ Công Thương được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã luôn quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC của Bộ nói chung cũng như của từng đơn vị nói riêng. Hằng năm, Bộ đã ban hành các kế hoạch triển khai các nhiệm vụ CCHC kịp thời, đầy đủ; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc và bố trí nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện. Lấy kết quả CCHC làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xem xét các danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Để tạo chuyển biến mới trong công tác CCHC, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc nêu cao vai trò của truyền thông, tuyên truyền trong công tác CCHC. Thông qua công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức tích cực tham gia công tác tuyên truyền CCHC; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường sự hiểu biết của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích để tiết kiệm thời gian và chi phí; tạo điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tích cực góp ý, tham gia hoàn thiện TTHC, giám sát cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền CCHC, cũng đã được Bộ hết sức quan tâm, trong đó đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về nội dung này. Hằng năm, để có cơ sở thực hiện các nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tế tại Bộ Công Thương, Bộ đã ban hành kế hoạch CCHC nói chung và Kế hoạch tuyên truyền CCHC nói riêng. Trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3504/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch CCHC năm 2021 và Quyết định số 3637/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính năm 2021 của Bộ Công Thương. Yêu cầu nội dung thông tin, tuyên truyền bám sát chỉ đạo của Chính phủ về cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025, lồng ghép nội dung tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện tuyên truyền về công tác CCHC

Thông tin đầy đủ, liên tục quá trình thực hiện các nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính của Bộ; các kết quả nổi bật trong công tác này trên các lĩnh vực; kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, kết quả từng hoạt động CCHC. Thông tin, tuyên truyền điểm đột phá, sáng tạo, mô hình mới, cách làm hay của tổ chức, tập thể trong CCHC; các sáng kiến, ý tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các tấm gương cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ứng xử văn minh, có trách nhiệm tận tụy, có tinh thần, thái độ đúng mực trong phục vụ nhân dân; các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc được khen thưởng trong công tác CCHC.

Về thể chế và cải cách TTHC: tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; các TTHC đã được đơn giản hóa, ban hành mới; tuyên truyền việc phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước các cấp, đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ. Tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Bộ. Qua đó, khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuyên truyền đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp về việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Thông tin kịp thời các phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về các quy định hành chính, TTHC.

Tuyên truyền về việc triển khai sắp xếp, cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ; sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ. Tuyên truyền về các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ đổi mới phương thức tuyển dụng đến sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, chú trọng tuyên truyền công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động; chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao; kỷ cương, kỷ luật hành chính, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tuyên truyền, phổ biến vai trò, trách nhiệm của của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC đến từng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên thuộc Bộ.

Tuyên truyền cải cách tài chính công, cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học công nghệ; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính công của các đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Tuyên truyền việc đổi mới lề lối và phương thức làm việc trong cơ quan nhà nước; chú trọng đến hiện đại hóa nền hành chính, các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tuyên truyền về kết quả, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX của Bộ.

Đẩy mạnh công tác truyền thông nội bộ về CCHC

Thông qua các buổi giao ban, họp định kỳ của các cơ quan, lồng ghép tuyên truyền các nội dung về công tác CCHC của Bộ như cải cách thể chế, bộ máy hành chính nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước,... Các cách thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ; cách thức tra cứu TTHC; cách nộp hồ sơ về TTHC, phản ánh, kiến nghị qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin điện tử của Bộ

Bộ thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, quán triệt nội dung, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo CCHC của Bộ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đầu mối thực hiện công tác CCHC tại các đơn vị thuộc  Bộ

Đa dạng các phương thức truyền thông đến các tổ chức, cá nhân về CCHC của Bộ          

Duy trì thường xuyên các chuyên mục, cung cấp các thông tin về cải cách hành chính, thực hiện các tin, bài phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền CCHC thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền tại các hội nghị, cuộc họp giao ban; tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; lồng ghép tuyên truyền CCHC với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; thông qua các buổi tọa đàm... Tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp về các TTHC thuộc thẩm quyền của cơ quan giải quyết. Thông qua việc khảo sát mức độ hài lòng của người dân về cải cách hành chính để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các cải tiến và mô hình mới về CCHC.

Tuyên truyền hướng đến doanh nghiệp, người dân

Để cải thiện Chỉ số CCHC, có nhiều tiêu chí đánh giá sự tác động đến phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến cảm nhận của doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, hiểu biết của doanh nghiệp, người dân về CCHC vẫn còn có những hạn chế nhất định, đặc biệt là trong việc tiếp cận những dịch vụ công trực tuyến mà Bộ cung cấp. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Bộ đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường tiếp nhận, xử lý, giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến tại các địa chỉ: Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bộ. Tuy nhiên, để người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông thì các cơ quan, đơn vị vẫn phải tuyên truyền trực tiếp, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp theo hình thức gần như “cầm tay chỉ việc”, từng bước để doanh nghiệp, người dân làm quen với dịch vụ công.

Do đó, các cơ quan, đơn vị, thuộc Bộ cần tích cực phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức viên chức, người dân và doanh nghiệp về công tác CCHC, góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về quan điểm, mục tiêu, nội dung thực hiện CCHC. Cần phải tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân thấy được quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong tiếp cận thông tin theo quy định pháp luật, trong mối quan hệ với các cơ quan hành chính; quyền và nghĩa vụ của đối tượng thực hiện TTHC; các nội dung thông tin liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức, đơn vị hành chính để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời và taọ thuận lợi trong việc liên hệ, giải quyết công việc, TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Có thể nhận thấy, Bộ đã gắn nội dung Chương trình tổng thể CCHC vào kế hoạch triển khai nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, việc nhận thức về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CCHC chưa đầy đủ và chưa tương đồng, công tác tuyên truyền chưa tương xứng, chưa đủ mạnh để tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động về cải cách; nội dung tuyên truyền chưa sâu, chủ yếu là nêu những mặt tốt, tích cực, chưa mạnh dạn nêu những mặt yếu kém, hạn chế...

Do vậy, cần có cơ chế phối hợp tích cực, có hiệu quả hơn nữa giữa Bộ với các cơ quan thông tin, truyền thông. Qua đó, tuyên truyền, quán triệt, giáo dục để cán bộ, công chức, viên chức cùng nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về CCHC, phải coi CCHC là nhiệm vụ cấp bách có tính chất đột phá tạo phát triển bền vững. Công tác tuyên truyền CCHC phải thông qua nhiều hình thức với các giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ; phát huy tối đa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm góp phần chung tay thực hiện CCHC với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng công tác CCHC của mình”./.

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương