Bộ Công Thương đề xuất giãn thuế, giảm phí "cứu" thị trường ô tô ảm đạm do Covid-19

Theo Bộ Công Thương, những giải pháp như gia hạn thời gian nộp thuế hay giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp kích cầu tiêu dùng tại thị trường trong nước vào thời điểm hiện nay, khi mà tâm lý mua sắm người dân bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.

Nguồn cung linh phụ kiện vẫn được kiểm soát

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 4,16 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 1,145 tỷ USD (27,53%), từ Nhật Bản là 0,722 tỷ USD tương đương 17,34%, từ Trung Quốc là 0,708 tỷ USD (17,01%), và từ Thái Lan là 0,645 tỷ USD, tương đương 15,51%.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu linh phụ kiện ngành ô tô ước đạt 907 triệu USD, giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ 2019.

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô thương mại (gồm ô tô tải và ô tô bus) trong nước hiện nay chủ yếu nhập khẩu linh kiện từ phía Trung Quốc, trong đó có đến hơn 70% số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tải Việt Nam dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc.

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp xe du lịch (xe con), hầu hết các dòng xe nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á.

Bộ Công Thương cho rằng dù có ảnh hưởng nhưng nguồn cung linh kiện phụ tùng ô tô vẫn ở mức kiểm soát ổn định trong quý I/2020
Bộ Công Thương cho rằng dù có ảnh hưởng đến sản xuất nhưng nguồn cung linh kiện phụ tùng ô tô vẫn ở mức kiểm soát ổn định trong quý I/2020

Các quốc gia này hoặc đang là nơi đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - một số nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô tạm đóng cửa hoặc có nguy cơ tạm đóng cửa, hoặc đều phải phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất linh phụ kiện như Ấn Độ, Đông Nam Á.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương thông tin thêm, hiện nay, nguồn linh phụ kiện nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ phải dừng khoảng 3 tuần do lệnh phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ Ấn Độ đối với các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện tại quốc gia này.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, trong quý I/2020, mặc dù đã gây ảnh hưởng nhất định đến các ngành công nghiệp trong nước, tuy nhiên các khó khăn, vướng mắc về nguyên phụ liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cơ bản chưa tác động quá nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất do hầu hết các doanh nghiệp vẫn có thể cân đối từ nguồn nguyên phụ liệu dự trữ cũng như các đơn hàng sẵn có từ cuối 2019 và đầu 2020.

Nhu cầu mua sắm ô tô giảm mạnh

Ảnh hưởng gián đoạn của nguồn cung linh phụ kiện sản xuất cũng như sức mua của thị trường ô tô giảm đã tác động mạnh tới ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong quý I/2020.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) của ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi quý I/2019, IPP của ngành tăng mạnh ở mức 20,8% so với cùng kỳ 2018.

Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng rất cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019, phản ánh khó khăn rất lớn của ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội.
Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội

Về hoạt động dịch vụ, lượng xe được sửa chữa, bảo dưỡng đã giảm khoảng 30 - 40%, và về lâu dài có thể giảm mạnh tới 60 - 70% nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn.

Một số hãng ô tô như Ford, Toyota, TC MOTOR, Honda đều đã lần lượt tuyên bố tạm dừng hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam. Thời gian tạm ngừng sản xuất có thể kéo dài vài tuần tùy thuộc vào tình hình bệnh dịch, lệnh hạn chế của Chính phủ, tình trạng hoạt động của nhà cung ứng, nhu cầu của khách hàng và tình hình tồn kho của đại lý.

Đề xuất giãn thuế, giảm phí 

Có thể thấy, sự sụt giảm tăng trưởng của ngành ô tô chủ yếu do nguyên nhân từ thị trường tiêu thụ trong nước suy giảm.

Tâm lý tiết kiệm chi tiêu do thu nhập sụt giảm cũng như tâm lý e ngại dịch bệnh Covid-19 còn có khả năng kéo dài của phần lớn người tiêu dùng.

Đặc biệt, các hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, không thiết yếu như ô tô, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, xe máy sụt giảm nhu cầu mua sắm rất lớn.

Ngày 19/3/2020, Bộ Công Thương đã có Công văn số 202/BCT-KH trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp trước tác động của dịch Covid-19, trong đó có đề xuất một số hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Đoàn công tác Bộ Công Thương thăm quan hoạt động sản xuất lắp ráp tại nhà máy Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO)
Đoàn công tác Bộ Công Thương thăm quan hoạt động sản xuất lắp ráp tại nhà máy Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO)

Ngày 31/3/2020, Bộ Công Thương tiếp tục có Công văn số 2282/BCT-CN trình Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm ngành Công Thương.

Theo đó, riêng đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Công Thương đề xuất cho phép gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế VAT đến hết Quý I/2021.

Đồng thời, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.

Trong dài hạn, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp gần nhất.

Thy Thảo