"Bắt mạch" các dự án năng lượng chậm tiến độ

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, năm 2018 Sóc Trăng đã thực hiện và vượt 16/20 chỉ tiêu, tăng trưởng kinh tế đạt 7,2%. Trong đó, sản xuất công nghiệp – thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp là 30.250 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Sóc Trăng năm 2018 tăng 7,66% so với năm 2017; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,56%, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,39%, quý 1/2019, giá trị công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Một vài chỉ tiêu kinh tế của Sóc Trăng tăng trưởng không như đề ra, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nguyên nhân do một số dự án năng lượng trên địa bàn đang bị chậm tiến độ. Cụ thể, theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 3 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú; trong đó Nhà máy 1 dự kiến đưa vào vận hành 2018 – 2019; còn Nhà máy 2 và Nhà máy 3 dự kiến đưa vào vận hành 2021- 2022. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ cả 3 nhà máy đều bị chậm.

Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 công suất 1.200 MW do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư: Dự án bị chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu do nhà thầu EPC bị ảnh hưởng lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Nga. Theo Quy hoạch được duyệt, Nhà máy đưa vào hoạt động thương mại Tổ máy 1 năm 2018 và Tổ máy 2 năm 2019 nhưng đến nay Chủ đầu tư chưa xác định được thời gian đưa vào vận hành thương mại.

Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 công suất 1.320 MW do Tập đoàn TATA Power (Ấn Độ) làm chủ đầu tư: Dự án đầu tư theo hình thức BOT. Theo quy hoạch được duyệt, Nhà máy có Tổ máy 1 đưa vào vận hành năm 2021, Tổ máy 2 đưa vào vận hành năm 2022. Tuy nhiên đến nay Chủ đầu tư chưa thực hiện đàm phán xong hợp đồng BOT với Bộ Công Thương nên chưa thể triển khai các bước tiếp theo (như lựa chọn nhà thầu EPC, đàm phán hợp đồng mua bán điện, đàm phán hợp đồng thuê đất …).

Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 3 công suất 1.800 MW cũng do PVN làm chủ đầu tư: do khó khăn về nguồn vốn nên PVN đã giao lại và đang chờ Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư khác.

Bên cạnh đó, Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Bộ Công Thương phê duyệt) toàn tỉnh có 22 vị trí phát triển điện gió với quy mô tổng công suất tiềm năng là 1.470 MW.

Tính đến nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án điện gió với tổng công suất 180 MW. Các nhà đầu tư đang tiến hành đo gió, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và đàm phán để ký hợp đồng mua bán điện với EVN, đảm bảo điều kiện để khởi công dự án theo quy định.

Đồng thời UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung 09 dự án vào Quy hoạch để đấu nối và phát triển trong giai đoạn 2020 với tổng công suất 705 MW; trong đó có 3 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung. Tỉnh đang chỉ đạo rà soát, cập nhật đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để triển khai thực hiện.

Tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Công Thương xem xét có kiến nghị cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá mua điện đối với khu vực đất liền và vùng đất ven biển (có ranh giới ngoài là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong 18,6 năm) là 8,5 Uscent/kWh. Các dự án điện gió của tỉnh Sóc Trăng phần lớn nằm trên vùng đất bãi bồi, liền kề với ranh giới nước biển thấp nhất nên phải áp dụng giá mua điện 8,5 Uscent/kWh, việc điều chỉnh giá bán điện đối với vùng đất bãi bồi với giá điện 9,7 Uscent/kWh  nhằm đảm bảo cho dự án mang tính khả thi.

Theo Ông Phan Văn Sáu, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng, nhà đầu tư trong quá trình thi công tua bin gió khu vực bãi bồi cao hơn giá đất liền, vì vậy áp dụng giá mua cho phù hợp mới khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.

Ông Phan Văn Sáu cũng đề xuất với Bộ trưởng kiểm tra và rà soát các việc trước đây đã triển khai liên quan đến ngành Công Thương mà chưa có kết quả như nâng công suất điện mặt trời, giải quyết những vướng mắc để có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án điện Long Phú. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần xem xét lại khi ký giá mua điện thấp, hay vấn đề đấu nối với các dự án điện gió.

Phát biểu tại buổi làm việc về vấn đề này, bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đối với ngành công nghiệp năng lượng cần ưu tiên phát triển coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đối với dự án Long Phú 1 cần phải cập nhật làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương, Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước xem xét trình Thủ tướng Chính phủ trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm rõ trách nhiệm nhà thầu, chủ đầu tư... Về cơ chế phát triển điện tái tạo, ngay sau buổi làm việc này sẽ cử đoàn công tác của Bộ đánh giá hoạt động triển khai điện gió trên địa bàn, nếu cần thiết sẽ có điều chỉnh, báo cáo lại với Quốc hội, Chính phủ.

Một vấn đề nữa là việc cấp điện nông thôn, Dự án cấp điện nông thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ Công Thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (tại Quyết định số 11830/QĐ-BCT ngày 30/10/2015), do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư, cấp điện cho 12.063 hộ và 208 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, tổng vốn đầu tư 425 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa được bố trí nguồn vốn. Kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với các Bộ ngành bố trí vốn để ngành điện triển khai thực hiện cấp điện cho bà con vùng sâu, vùng xa.

Tỉnh ứng trước khoảng 15 tỷ cho các trạm bơm phục vụ nông nghiệp, đồng bào khơ me đông, yêu cầu Bộ hỗ trợ thêm.

Về vấn đề này, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, việc cấp điện đã được EVN chỉ đạo Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia đẩy nhanh tiến độ, cơ bản cung cập điện cho người dân, đồng bào của tỉnh Sóc Trăng, đó cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đối với nguồn vốn Sóc Trăng đã bỏ ra, EVN sẽ xem xét cấp bù, hoàn trả trong thời gian tới.

Sóc Trăng đẩy nhanh xây dựng Dự án chợ đầu mối

Thông tin được đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đưa ra tại buổi họp này. Theo đó Vụ Thị trường trong nước đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị trong tỉnh, chủ đầu tư tham quan các mô hình chợ đầu mối hiện đại trên thế giới để xây dựng tại Sóc Trăng trong thời gian sớm nhất.

UBND tỉnh Sóc Trăng nhận được đề nghị của Công ty TNHH một thành viên Proton (đơn vị đã đầu tư Chợ đầu mối Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai) đề xuất thực hiện Dự án đầu tư Chợ đầu mối nông sản tại thành phố Sóc Trăng, phục vụ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Sau khi xem xét tính khả thi và sự cần thiết, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH một thành viên Proton khảo sát, nghiên cứu, đề xuất Dự án đầu tư Chợ đầu mối tại Phường 8, thành phố Sóc Trăng với quy mô khảo sát khoảng 188 ha (trong đó, đất trồng lúa là 97,89 ha).

Đây là dự án rất có ý nghĩa đối với tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung. Nhằm giải quyết đầu ra một cách căn bản và lâu dài cho nông sản của Vùng, góp phần khép kín và gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời nâng cao năng lực cung cấp hàng hóa xuất khẩu, tạo lợi thế thương mại cho ĐBSCL trong khu vực cộng đồng kinh tế ASEAN; cũng như tận dụng cơ hội giao thương mua bán trong khối các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đang là thành viên.

Nhằm tạo điều kiện triển khai thực hiện Dự án nêu trên, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng, đưa Dự án Chợ đầu mối nông sản Sóc Trăng vào Đề án phát triển hệ thống chợ đầu mối quốc gia. Đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ Tỉnh kinh phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng cơ bản cho Chợ đầu mối.