Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối triển khai nhiều Hiệp định thương mại tự do

Tính đến tháng 11/2021, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu... Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng trong các Hiệp định thương mại tự do này.

Bộ Công Thương là đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA và CPTPP

Ngày 14/7/2021, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4721/VPCP-QHQT về việc kết quả triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) của các Bộ, cơ quan và địa phương trong năm 2020.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh giao Bộ Công Thương bám sát, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Chủ động, tăng cường phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương theo dõi số liệu đầu tư với các nước tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA, cung cấp cho Bộ Công Thương để Tổng hợp.

Bộ Tài chính bố trí bổ sung kinh phí cho các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP và EVFTA để bảo đảm việc triển khai các hoạt động đạt được hiệu quả và theo tiến độ đã được phê duyệt. Theo dõi số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA theo từng địa phương và từng thời kỳ, cung cấp cho Bộ Công Thương để tổng hợp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan và địa phương xây dựng chuyên mục FTA trên các trang thông tin điện tử chính thức của mình và kết nối trực tiếp với Cổng Thông tin điện tử FTA (FTAP); thường xuyên cập nhật các nội dung liên quan và cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương để đăng tải trên FTAP.

Kiện toàn và nâng cao năng lực cho bộ phận phụ trách về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực hiện Hiệp định CPTPP và EVFTA nói riêng, chủ động kết nối và phối hợp với đầu mối thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Công Thương để nâng cao hiệu quả thực thi.

Nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA. Đặc biệt, chú trọng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định.

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội có liên quan tăng cường việc định hướng các doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng cường tận dụng cơ hội từ các thị trường mới có FTA trong CPTPP và EVFTA.

Đầu mối thực thi nhiều nhiệm vụ quan trọng của Hiệp định UKVFTA

Ngày 24/8/2021 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 1425/QĐ-TTg, chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).

Trong đó, Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Chương 1 - Các mục tiêu và định nghĩa chung; Chương 3 - Phòng vệ Thương mại; Chương 7 - Các rào cản phi thuế quan đối với Thương mại và Đầu tư trong sản xuất năng lượng tái tạo; Chương 10 - Chính sách cạnh tranh; Chương 11 - Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, doanh nghiệp được cấp đặc quyền hoặc ưu đãi đặc biệt và doanh nghiệp độc quyền chỉ định; Chương 17 - Các điều khoản về thể chế, các điều khoản chung và các điều khoản cuối cùng.

Cơ quan đầu mối triển khai Chương 2 - Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa gồm: Bộ Công Thương (đối với các quy định chung và quản lý xuất nhập khẩu); Bộ Tài chính (đối với các nội dung về thuế quan); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các nội dung liên quan đến nông sản).

Bộ Tài chính (Tổng cục hải quan) là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Chương 4 - Hải quan và thuận lợi hóa thương mại.

Đầu mối triển khai thực hiện Chương 6 - Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng SPS Việt Nam).

Cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Chương 8 - Tự do hóa Đầu tư, Thương mại dịch vụ và Thương mại điện tử gồm: Bộ Công Thương (đối với các nội dung Thương mại dịch vụ và Thương mại điện tử liên quan đến các nội dung về thương mại); Bộ Thông tin và Truyền thông (đối với các nội dung Thương mại điện tử liên quan đến các nội dung về dữ liệu, viễn thông, lưu chuyển thông tin); Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (đối với các nội dung về hiện diện tạm thời của thể nhân vì mục đích kinh doanh); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với nội dung về tự do hóa đầu tư).

Trong quá trình triển khai thực thi Hiệp định, trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Thanh Xuân