Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lập Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Hiện nay, Dự thảo lần 1 Đề án đã hoàn thiện.

Quy hoạch điện VIII gồm 19 chương, tập trung vào tính toán, phân tích, đánh giá sự phát triển của ngành điện lực trong kỳ quy hoạch trước, chỉ các tồn tại và bài học kinh nghiệm; tính toán, phân tích khả năng phát triển kinh tế xã hội và dự báo phụ tải điện; tính toán khả năng sử dụng năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; tính toán chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; tính toán vốn đầu tư và phân tích kinh tế của chương trình phát triển điện lực. Đồng thời, đề xuất các giải pháp và cơ chế để thực hiện quy hoạch.

Mục tiêu Quy hoạch điện VIII hướng đến là huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực để bảo đảm cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; 

Sử dụng đa dạng, hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; 

Đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ nhiên liệu nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; 

Hình thành và phát triển hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp với nguồn năng lượng tái tạo tỷ lệ cao.

Quy hoạch điện VIII hướng đến huy động đa dạng nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực
Quy hoạch điện VIII hướng đến huy động đa dạng nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực

Có xét đến tác động của dịch Covid-19, Quy hoạch điện VIII dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 6,6%/năm, giai đoạn 2031-3045 bình quân 5,7%/năm. Dự báo điện thương phẩm năm 2030 đạt 491 tỷ kWh, năm 2045 đạt 877 tỷ kWh. Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt 1,13 lần năm 2030 và giảm xuống 0,58 lần năm 2045 (năm 2020 hệ số này là 1,20).

Về phát triển nguồn điện, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2GW, trong đó nhiệt điện than 26%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%; nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%.

Năm 2045, tổng công suất đặt nguồn điện đạt gần 276,7GW, trong đó nhiệt điện than 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%; nhập khẩu khoảng gần 2%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%.

Cơ cấu nguồn điện cho thấy Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lến tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. 

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045
Đặt mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045

Về phát triển lưới điện, Quy hoạch điện VIII đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Hồng. Tăng cường lưới điện truyền tải liên kết để hỗ trợ truyền tải công suất liên miền Bắc - Trung - Nam.

Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 cần xây dựng thêm tổng cộng khoảng 86GVA công suất trạm 500kV và gần 13.000km ĐZ, giai đoạn 2031-2045 cần xây dựng thêm khoảng 103GVA công suất trạm 500kV và gần 6.000km ĐZ. 

Lưới điện 220kV tương ứng cần xây dựng 95KVA, gần 21.000km ĐZ và 108GVA, hơn 4.000km ĐZ. 

Như vậy, lưới điện của Việt Nam sơ bộ đáp ứng được tiêu chí N-1 đối với cung cấp điện cho các phụ tải, tiêu chí N-2 đối với các phụ tải đặc biệt quan trọng. Việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong Quy hoạch điện VIII.

Quy hoạch điện VIII đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Hồng
Đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Hồng

Với chương trình phát triển điện lực như trên, hàng năm Việt Nam cần đầu tư cho ngành điện khoảng 12,8 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030 (9,5 tỷ USD cho nguồn; 3,3 tỷ USD cho lưới) và cũng 12,8 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2031-2045 (9,3 tỷ USD cho nguồn; 3,4 tỷ USD cho lưới). 

Để thực hiện, Quy hoạch điện VIII đề xuất nhiều giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch như: đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, đảm bảo thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện; đề xuất cơ chế xây dựng Kế hoạch phát triển Điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đề xuất cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện; đề xuất cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải… 

Các đề xuất này sẽ từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện để đảm bảo thực hiện xây dựng, quản lý và vận hành các công trình điện theo đúng quy hoạch, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư từ các nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển điện lực.

Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 828/BCT-ĐL xin ý kiến các Bộ ngành liên quan đối với Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII.

Theo quy định tại Điều 19 Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và Điều 30 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch về việc lấy ý kiến đối với Quy hoạch ngành quốc gia, Bộ Công Thương đăng tải toàn bộ Dự thảo Quy hoạch điện VIII để các Bộ, ngành và cơ quan liên quan có ý kiến trong 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo.