Bộ Công Thương tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 24/03/2020 của Ban Bí thư

Thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng. Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, cách mạng số, không gian mạng kết nối toàn cầu với đặc tính không biên giới cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới, khiến cho an ninh mạng không còn là vấn đề của riêng một quốc gia, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu.
Các thành viên tham gia diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2019.
Các thành viên tham gia diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2019.

 

Chính vì vậy, bảo đảm an ninh mạng đang là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Nhiều chính sách, pháp luật đã được ban hành nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh mạng như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành... Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 24/3/2020 về tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho thấy mức độ quan trọng của công tác này.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong các hoạt động của Bộ Công Thương, cụ thể:

Thứ nhất, kiện toàn và đẩy mạnh triển khai công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Ngày 27 tháng 12 năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4918/QĐ-BCT về việc ban hành quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng của Bộ Công Thương, trong đó nêu rõ nguyên tắc chung Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng. Đồng thời, bảo đảm an toàn thông tin mạng là yêu cầu bắt buộc trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành, nâng cấp, sử dụng và huỷ bỏ các hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước.

Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản số 568/TMĐT-CNTT ngày 26/9/2016 và Công văn số 985/TMĐT-DVC ngày 03/12/2019 đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin nhằm nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại; tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam theo tinh thần của Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/5/2018 về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại và  Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.

Bộ Công Thương thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và yêu cầu các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương không chia sẻ, cung cấp những thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Bên cạnh đó là chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tăng cường cung cấp thông tin chính thống, các gương điển hình tiên tiến, mô hình, cách làm hay, hiệu quả… của ngành, cơ quan, đơn vị lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Trang thông tin điện tử của các đơn vị và mạng xã hội để dư luận xã hội và nhân dân nắm bắt, hiểu rõ các hoạt động của Ngành.

Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của các cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc nắm, định hướng tình hình tư tưởng, thái độ, quan điểm của cán bộ, đảng viên, quần chúng khi chia sẻ, bình luận, đăng tải thông tin trên mạng xã hội, nhất là trong những đợt cao điểm liên quan đến tình hình an ninh chính trị; siết chặt công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước, nghiêm cấm để lộ bí mật của Đảng và Nhà nước, cơ quan, đơn vị; xử lý kịp thời, kiên quyết các trường hợp vi phạm.

Bộ Công Thương đã cử 20 cán bộ tham gia các khóa tập huấn, diễn tập về an toàn thông tin mạng do Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức. Đồng thời Bộ cũng chủ động tổ chức 02 khóa đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bô. Các cán bộ vận hành hệ thống, chuyên trách về công nghệ thông tin của Bộ cũng được tham gia những khóa đào tạo chuyên sâu, đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong các hoạt động của Bộ như bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề về kỹ năng giám sát an toàn thông tin đối với cơ quan nhà nước; bồi dưỡng tập huấn chuyên đề về thu thập và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác bảo đảm an toàn thông tin; đào tạo phân tích tình báo an toàn thông tin không gian mạng theo chương trình.

Thứ hai, thực hiện việc kiểm tra, đánh giá độc lập. Bộ Công Thương thường xuyên tiến hành kiểm tra đánh giá cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ theo định kỳ hàng năm. Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong tình hình mới, Bộ Công Thương đã có Công văn số 575/TMĐT-DVC ngày 31/7/2020 yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát và xếp hạng cấp độ các hệ thống thông tin theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và Quyết định 05/QĐ-TTg ngày 16/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia. Trên cơ sở đó đã xây dựng được các phương án bảo đảm an toàn thông tin cho từng hệ thống, xây dựng các kế hoạch ứng cứu sự cố an toàn thông tin.

Thứ ba, kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia. Hiện tại, Bộ Công Thương đã kết nối kỹ thuật thành công với Hệ thống Chia sẻ và Giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia NCSC (thuộc Cục An toàn thông tin) phối hợp cùng các thành viên trong Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng gồm Viettel, VNPT, CMC, FPT, BKAV xây dựng. Hệ thống này giúp giám sát, phân tích thông tin từ đó chia sẻ và đưa ra cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử.

 Thứ tư, phối hợp với doanh nghiệp có kinh nghiệm thực hiện việc giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp. Nhằm tăng cường hiệu quả công tác an toàn, an ninh mạng, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin của Bộ.

Thời gian tới, tình hình an ninh mạng sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, không gian mạng tiếp tục là mục tiêu trọng yếu của các cuộc tấn công, là môi trường chủ yếu để tiến hành các hoạt động gián điệp, khủng bố, phá hoại, thực hiện các hành vi phạm tội; đặc biệt là tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống Đảng, Nhà nước, nhất là từ nay đến Đại hội XIII của Đảng. Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với các hoạt động của Bộ, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện theo mô hình 4 lớp theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư.

 

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương