Bộ Công Thương tổ chức tham vấn công khai vụ áp thuế đường mía Thái Lan

Theo Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 của Bộ Công Thương, đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang chịu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời ở mức 33,88%.

Bộ Công Thương bắt đầu điều tra vụ việc vào ngày 21/9/2020 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của đại diện ngành sản xuất trong nước (mã số vụ việc: AD13-AS01) đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan được phân loại theo các mã HS: 1701.13.00; 1701.14.00 và 1701.99.10, 1701.99.90; 1701.91.00 và 1702.90.91.

Trên cơ sở điều tra, ngày 9/2/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế - xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước (gồm cả tạo điều kiện về nguyên liệu cho sản xuất), người tiêu dùng; căn cứ trên thông tin thu thập, tính toán được trong quá trình điều tra, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bên liên quan khác, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế chống bán phá giáchống trợ cấp đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. 

“Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức cao hơn”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khẳng định.

Theo quy định tại Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Điều 13 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, ngày 12/5/2021, Cục Phòng vệ thương mại đã tổ chức buổi tham vấn công khai dưới hình thức trực tuyến nhằm tạo cơ hội cho các bên liên quan đến vụ việc trình bày ý kiến, quan điểm cũng như cung cấp các thông tin có liên quan đến vụ việc. 

Buổi tham vấn diễn ra với sự tham dự của hơn 80 đại biểu đại diện cho các nhóm bên liên quan đến vụ việc, gồm: Đại diện Chính phủ Thái Lan và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Thái Lan; Đại diện các Bộ ngành của Việt Nam có liên quan; Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam; Đại diện các doanh nghiệp sản xuất trong nước; Đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu và các doanh nghiệp sử dụng đường mía bị điều tra; Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Các bên liên quan khác. 

Tại buổi tham vấn, Cục Phòng vệ thương mại đã lắng nghe ý kiến của đại diện tất cả các nhóm bên liên quan về vụ việc. Tất cả các ý kiến, quan điểm của các bên liên quan sẽ được Cục tổng hợp, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng trong kết luận điều tra cuối cùng của vụ việc và đảm bảo việc điều tra được thực hiện một cách công bằng, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và WTO. 

Sau buổi tham vấn, Cục Phòng vệ thương mại sẽ hoàn thiện kết luận điều tra cuối cùng của vụ việc. Trên cơ sở kết luận điều tra cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ ban hành quyết định chính thức về vụ việc. 

Theo Bộ Công Thương, kết quả điều tra vụ việc cho thấy ngành sản xuất đường mía Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua. Một loạt các nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. 

“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019”, Bộ Công Thương cho hay.

Thy Thảo