Tham dự Lễ ký kết về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị.

Về phía VCCI có Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, cùng Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, các Trưởng ban và cán bộ phụ trách chuyên môn của VCCI.

Toàn cảnh Lễ ký kết giữa Bộ Công Thương và VCCI
Toàn cảnh Lễ ký kết giữa Bộ Công Thương và VCCI

Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong phát triển kinh tế đất nước chính là hướng tới trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách và mở cửa nền kinh tế theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia có hiệu quả trong hội nhập quốc tế.

Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ Công Thương là thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Chính phủ trong hướng tới chủ thể của kinh tế xã hội là cộng đồng doanh nghiệp.

“Tinh thần này đã luôn được Bộ Công Thương, từ các đồng chí lãnh đạo Bộ cho đến tất cả các đồng chí lãnh đạo các Cục, Tổng cục, Cục, Vụ, Viện của Bộ Công Thương và cán bộ, công chức thuộc Bộ, quán triệt và thấu hiểu rất rõ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sự đồng hành của VCCI với Bộ Công Thương trong quá trình hội nhập và cải cách hành chính thời gian qua
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sự đồng hành của VCCI với Bộ Công Thương trong quá trình hội nhập và cải cách hành chính thời gian qua

Suốt thời gian qua, VCCI đã thể hiện được vai trò là một tổ chức có uy tín, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh và đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Với sự chứng kiến, đồng hành của VCCI, Bộ Công Thương đã từng bước thực hiện cải cách, hoàn thiện bộ máy thể chế, nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức ngành công thương trong đáp ứng yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là đẩy mạnh tương tác với người dân, doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng sự phối hợp này của VCCI với Bộ Công Thương là nền tảng quan trọng cho sự đồng thuận và lan tỏa kịp thời tinh thần chỉ đạo, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp đồng thời cũng là một kênh thông tin vô cùng quan trọng giúp các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương có cơ hội được trao đổi, nhìn nhận, khắc phục những thiếu khuyết của mình trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

“Lễ ký kết chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương với hoạt động công nghiệp Việt Nam càng có ý nghĩa và quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là khi chúng đang ở trước bối cảnh mới, cần phải đưa nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường mới” sau khi dịch Covid-19 vẫn còn đang tiếp diễn và vẫn còn đang có nguy cơ đe doạ tính mạng, sức khoẻ người dân và cho sự ổn định, phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Vũ Tiến Lộc ký kết hợp tác
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Vũ Tiến Lộc ký kết hợp tác

Chia sẻ với Bộ trưởng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự hoan nghênh với những nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian qua khi đã đi đầu trong cải cách, tiên phong trong hội nhập.

“Quan trọng nhất là sau khi thực hiện yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh thì một số Bộ đã dừng lại. Bộ Công Thương là một trong hai Bộ hiện nay vẫn tiếp tục những nỗ lực để cải thiện điều kiện kinh doanh, mặc dù mức độ cải thiện đã là cao nhất trong các Bộ nhưng vẫn tiếp tục, không mệt mỏi”, Chủ tịch VCCI nhận định, nhấn mạnh đây là sự cải cách bài bản xuất phát từ chủ động, nhận thức trách nhiệm chứ không vì áp lực từ Chính phủ.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc hoan nghênh Bộ Công Thương đã "đi đầu trong cải cách, tiên phong trong hội nhập"
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc hoan nghênh Bộ Công Thương đã "đi đầu trong cải cách, tiên phong trong hội nhập"

Đồng thời, Bộ Công Thương - từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước và VCCI - từ góc độ tiếng nói của doanh nghiệp, đã “đồng tâm” thúc đẩy hội nhập, từ quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn đến thực thi các Hiệp định Thương mại tự do nhằm giúp doanh nghiệp, người dân nắm bắt cơ hội.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng là Bộ đầu tiên kiến nghị với Chính phủ trong ban hành quy định các vấn đề hội nhập đều cần tham khảo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI, đây là tư duy sát cánh được Chủ tịch VCCI đánh giá rất cao.

Trong thời gian tới, VCCI đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tiếp tục tiên phong trong cải cách thể chế hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh, đặc biệt cần đi đầu trong cải cách thủ tục chuyển giao dịch vụ công cho xã hội và thị trường, để Nhà nước thực hiện vai trò giám sát và điểm tựa.

Đồng thời, không bỏ lỡ các cơ hội mở ra từ khuôn khổ hội nhập, tăng cường hợp tác “đều tay” với các Bộ, ngành để toàn hệ thống chính trị đều phải có tinh thần hội nhập được như Bộ Công Thương, chủ động tiếp cận các chuỗi giá trị của thế giới như Bộ Công Thương đang thực hiện.

Cùng với đó, Chủ tịch VCCI cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phát triển tốt thị trường trong nước song song với xuất nhập khẩu để làm bệ đỡ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Việc ký kết hợp tác giữa Bộ Công Thương và VCCI được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp, với các chính sách, cơ chế mang tiếng nói của doanh nghiệp, hướng đến hỗ trợ “trúng” và “đúng” theo nhu cầu của doanh nghiệp phù hợp với định hướng của Chính phủ và bối cảnh kinh tế xã hội trong, ngoài nước.

Chương trình phối hợp lần này là một Chương trình phối hợp toàn diện, bao trùm với 03 trụ cột hành động chính là:

(i) Hoạt động xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại;

(ii) Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp;

(iii) Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Để cụ thể hóa các trụ cột này, Chương trình cũng đã chỉ rõ một loạt các hoạt động rất cụ thể trong các ngành lĩnh vực của ngành Công Thương như công nghiệp, thương mại trong nước, thương mại quốc tế, cạnh tranh, quản lý thị trường, năng lượng và hội nhập kinh tế quốc tế.

Chương trình cũng nêu rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thực hiện các hoạt động cũng như nêu rõ hai bên sẽ cụ thể hóa hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động theo Chương trình công tác từng năm.