Bộ Công Thương xếp thứ 5/18 Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính

Bộ Công Thương xếp thứ 9/18 bộ, cơ quan ngang bộ về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, xếp thứ 5/18 về cải cách hành chính, xếp thứ 8/18 về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xếp thứ 7/18 về cải cách tài chính công...

Ngân hàng Nhà nước đứng đầu, Bộ Giao thông vận tải đứng cuối

Chiều 24/5/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2018) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS 2018).

Chỉ số PAR INDEX 2018 được đánh giá ở 18 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 39 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần; cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 41 tiêu chí, 96 tiêu chí thành phần.

công bố chỉ số cải cách hành chính
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình và các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính

 

Ở khối Bộ, ngành, kết quả Chỉ số PAR INDEX 2018 cho thấy, có 14 bộ đạt kết quả cải cách hành chính hơn 80%; 4 bộ dưới 80%.

Cụ thể, ở nhóm thứ nhất, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục dẫn đầu (91%). Các bộ tiếp sau là Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương (84,38%), Ngoại giao...

Nhóm thứ hai, đạt kết quả từ trên 70% đến dưới 80% bao gồm: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Xây dựng. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải có chỉ số cải cách hành chính thấp nhất.

PAR INDEX 2018 được tổng hợp từ hai phương pháp là cán bộ trong đơn vị tự đánh giá và điều tra xã hội học. 50.000 phiếu khảo sát được phát ra, trong đó có 17.000 cán bộ, công chức và 33.000 người dân.

công bố chỉ số cải cách hành chính
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh TTXVN

 

Ban chỉ đạo đánh giá, PAR INDEX 2018 tăng 6% so với 2017. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực còn hạn chế như cải cách tổ chức bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin.

Ở các địa phương, dẫn đầu bảng cải cách hành chính là các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh (89,06%,), Hà Nội (83,98%), tiếp sau là các tỉnh Đồng Tháp, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính 2018, lần đầu tiên có sự xuất hiện của 2 địa phương đó là Long An và Ninh Bình.

Các tỉnh xếp cuối bảng là Phú Yên, Kon Tum, Trà Vinh. Đồng bằng sông Hồng đứng đầu các vùng kinh tế, sau đó là Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng công bố kết quả chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018. Theo điều tra, 83% người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính trong cả nước. Tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhất là 98%, thấp nhất là 70%.  

So với năm 2017, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước năm 2018 tăng hơn 2%.

Tuy nhiên, một nửa số địa phương có chỉ số hài lòng dưới 80%, thấp hơn mục tiêu tối thiểu đặt ra năm 2020. 20% số người được hỏi trong cả nước phải đi lại nhiều lần làm thủ tục, 5% bị trễ hẹn, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, đất đai và ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Xét trên từng tiêu chí cụ thể, Bộ Công Thương xếp thứ 9/18 bộ, cơ quan ngang bộ về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, xếp thứ 5/18 về cải cách hành chính, xếp thứ 8/18 về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xếp thứ 7/18 về cải cách tài chính công và xếp thứ 9/18 về hiện đại hóa hành chính...

Trong tham luận gửi tới hội nghị, Bộ Công Thương cho biết đã cung cấp tổng số 158/292 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 thực hiện ở cấp Trung ương thuộc phạm vị quản lý.

Trong năm 2018, Bộ Công Thương đã xử lý 1.491.611 bộ hồ sơ điện tử qua các DVCTT mức độ 3, 4 trên tổng số 1.508.199 bộ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) do Bộ quản lý (tương ứng 98,9%).

4 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã xử lý 363.319 bộ hồ sơ điện tử qua các DVCTT mức độ 3, 4 trên tổng số 368.852 bộ hồ sơ TTHC được gửi đến Bộ (tương ứng 98,5%). Trên Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW), Bộ Công Thương đã triển khai 11 DVCTT.

Tiêu cực, tham nhũng là do bộ máy cồng kềnh, nhiều trung gian

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác cải cách hành chính, chưa thể hiện vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thúc đẩy cải cách, chưa tạo chuyển biến rõ rệt.

công bố chỉ số cải cách hành chính
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm lại việc thực hiện công tác cải cách hành chính thời gian qua

 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2018, kiểm điểm lại việc thực hiện công tác cải cách hành chính thời gian qua, đề ra các biện pháp khắc phục; khuyến khích, nhân rộng cách làm mới, mô hình hay tạo động lực thúc đẩy cải cách.

Phải sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương và có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức.

“Việc giải quyết thủ tục hành chính phải nhanh gọn, với các quy định cụ thể như nhận hồ sơ bao nhiêu ngày thì phải trả cho dân, trễ hẹn phải xin lỗi và giải thích lý do vì sao. Nếu chúng ta vẫn để bộ máy cồng kềnh, qua nhiều khâu trung gian thì đây là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, kể cả tham nhũng vặt, tồn tại cơ chế xin-cho, tình trạng “chạy dự án”, “cò dự án” vẫn còn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Thanh Thúy