Bỏ phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm

Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ thu phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm hiện là 30.000 đồng/người/lần. Theo quy định hiện hành, phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm là 30.000 đồng/lần/người.

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bỏ thu phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm hiện là 30.000 đồng/người/lần.

Theo dự thảo thông tư, tổ chức thu phí là: Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm), Bộ Công Thương, sở công thương, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm và các đơn vị được phân công, phân cấp thực hiện dịch vụ thu phí quy định tại biểu phí ban hành kèm theo thông tư này.

Mức thu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện theo quy định tại Biểu phí ban hành kèm theo thông tư này. Theo đó, dự thảo thông tư đề xuất bỏ thu phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm hiện là 30.000 đồng/người/lần.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định: Đối với thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, mức phí là 1.500.000 đồng/lần/sản phẩm.

Đối với thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh thực phẩm, mức phí là: 1.000.000 đồng/lần/cơ sở….

Chậm nhất là ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách trừ trường hợp theo quy định. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ, thì được trích lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định; nộp 30% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Bộ Công Thương.

2 .Thông tư này áp dụng đối với người nộp, tổ chức thu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người nộp phí

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, xác nhận, công bố, kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm phải nộp phí.

Tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan, tổ chức được chỉ định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, cơ sở kiểm nghiệm khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy và kiểm tra nhà nước về thực phẩm phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này.

Thanh Xuân