Bổ sung quy định áp dụng Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 57/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2019-2022.

Để triển khai thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019-2022. Nghị định áp dụng cho 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đến ngày 26/6/2019 gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore.

Theo thông báo của Bộ Công Thương tại Công văn số 4510/BCT-ĐB ngày 28/7/2021 về việc rà soát, sửa đổi hoặc bổ sung các văn bản pháp luật để thực thi cam kết Hiệp định CPTPP đối với Peru, ngày 21/7/2021, Peru đã chính thức hoàn tất các thủ tục trong nước phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thực hiện thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định.

Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực đối với Peru vào ngày 19/9/2021. Bộ Tài chính cần xây dựng dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019-2022 để bổ sung quy định áp dụng đối với Peru.

Do vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 57/2019/NĐ-CP là cần thiết để thực thi cam kết quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2019/NĐ-CP trong đó: Bổ sung các quy định về thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Cộng hoà Peru hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Cộng hoà Peru.

Bổ sung các quy định về điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Cộng hoà Peru hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Cộng hoà Peru.

Về nội dung chuyển tiếp, do Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Peru từ ngày 19/9/2021 và Nghị định sửa đổi sẽ được Chính phủ ký ban hành sau ngày Hiệp định có hiệu lực đối với Peru, Bộ Tài chính dự thảo quy định về xử lý thuế đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Peru hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Peru đăng ký từ ngày 19/9/2021 đến trước ngày Nghị định sửa đổi có hiệu lực thi hành nếu đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3/2010, bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP được chính thức ký ngày 4/2/2016 và được dự kiến sẽ có hiệu lực từ 2018.

Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP, khiến TPP không thể đáp ứng điều kiện có hiệu lực như dự kiến ban đầu. Tháng 11/2017, 11 nước thành viên TPP ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Hoa Kỳ). Hiệp định CPTPP đã được 8 nước thành viên phê chuẩn, bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Việt Nam, Peru.

CPTPP chính thức có hiệu lực tại Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand vào ngày 30/12/2018, có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/1/2019, và có hiệu lực tại Peru từ ngày 19/9/2021. CPTPP giữ nguyên gần như toàn bộ các cam kết của TPP ngoại trừ (i) các cam kết của Hoa Kỳ hoặc với Hoa Kỳ; (ii) 22 điểm tạm hoãn (có Danh mục chi tiết) và (iii) một số sửa đổi trong các Thư song phương giữa các Bên của CPTPP.

[Quảng cáo]

Thanh Xuân