Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ngày 20/6/2023, Bộ Tài chính đã chính thức trình Chính phủ dự án Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thị trường đang "nín thở" chờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Thị trường đang "nín thở" chờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Theo đó, Bộ Tài chính trình mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và kinh tế - xã hội.

“Tuy nhiên, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ tác động tới thu ngân sách nhà nước”, Bộ Tài chính cho biết.

Cụ thể, Bộ Tài chính đánh giá việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng; đồng thời thông tin thêm, trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước của các địa phương. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương.

Dù vậy, ở khía cạnh khác, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký, do đó số thu từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng có thể tăng.

Lượng xe tồn kho lớn, sức mua suy giảm là những khó khăn của thị trường ô tô trong những tháng đầu năm. Hàng loạt báo cáo tài chính quý I công bố hồi tháng 4 của nhiều doanh nghiệp phân phối ô tô đều cho thấy rõ thực trạng kinh doanh đi lùi của toàn ngành.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tháng 5/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 20.726 xe, giảm 8% so với tháng 4/2023 và giảm 53% so với tháng 5/2022. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp sụt giảm về sức tiêu thụ của toàn thị trường khi chỉ có hơn 20.700 xe được bán ra.

Lũy kế 5 tháng, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 43% trong khi xe nhập khẩu giảm 23% so với cùng kỳ. 

Nguyên nhân của việc doanh số ô tô toàn thị trường giảm sút trong 2 tháng liên tiếp xuất phát chủ yếu từ việc sức mua giảm mạnh do khó khăn của kinh tế nói chung. Kèm theo đó là việc người tiêu dùng “nghe ngóng” việc Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ.

Thy Thảo