Thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 15-16%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 30-40%.

Sự phát triển của ngành logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có tiềm lực và năng lực để đẩy mạnh xuất khẩu.

 Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, từ rất sớm đã tận dụng được thế mạnh của mình khi có cụm cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc và đa dạng các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không kết nối với cả nước cùng hệ thống kho bãi đa dạng, các khu công nghiệp phát triển cùng với hàng hóa của các tỉnh, thành phố miền Bắc tạo nguồn hàng dồi dào cho hoạt động xuất nhập khẩu thông qua Cảng Hải Phòng.

Bo truong Tran Tuan Anh

 

Từ đó Hải Phòng có đủ các điều kiện để phát triển ngành dịch vụ logistics, làm động lực thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cho đến nay, Hải Phòng đã thể hiện vai trò của mình trong hoạt động công nghiệp hóa, cũng như phát triển thương mại, dịch vụ và logistics. Hải Phòng đã thật sự có nền tảng bài bản trong cả chính sách cũng như quan điểm phát triển. Chính vì vậy, Hải Phòng hiện được biết đến như là trung tâm kinh tế công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, đồng thời trở thành một trung tâm dịch vụ logistics quan trọng của quốc gia.

Đánh giá cao quyết tâm của Hải Phòng trong phát triển dịch vụ logistics, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề nghị thành phố Hải Phòng tập trung chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai 9 giải pháp. Cụ thể là (i). Ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam; (ii). Phát huy tối đa lợi thế về kinh tế, công nghiệp dịch vụ và liên kết vùng, kết hợp công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; (iii). Đặt Hải Phòng là trọng tâm để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường biển nhằm đẩy mạnh liên kết vùng trong Tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc, hai hành lang kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; (iv). Tập trung ứng dụng trình độ khoa học công nghệ tiên tiến để tiếp tục phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng của các cảng trong hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng; (v). Khơi thông, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên; (vi). Tập trung đầu tư, hỗ trợ một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề tại Hải Phòng nâng cao chất lượng đào tạo trình độ chuyên môn chuyên ngành logistics trong lý thuyết và thực tế; (vii). Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; (viii). Các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với thành phố để giải quyết những điểm nghẽn trong logistics; (ix). Tạo sự liên kết ngang giữa Hải Phòng với các địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, Hải Phòng cần đầu tư đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại, thu hút doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực logistics, đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó phải quan tâm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực logistics.

chủ tich

 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ, Hải Phòng đã được Trung ương xác định là cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới. Hàng năm, lưu lượng hàng hóa thông qua đây luôn tăng trưởng ở mức cao, năm 2018, sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển Hải Phòng ước đạt 109 triệu tấn (tăng 18,44%).

Thanh hai

 

Trong giai đoạn 2011-2017, tốc độ tăng trưởng của logistics ước đạt 18%÷23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 10%÷15%.

Bên cạnh lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị thì Hải Phòng còn có hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối liên hoàn và khá đồng bộ như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được kết nối thuận tiện với đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với hệ thống đường sắt quốc gia và với hệ thống giao thông đường thủy nội địa; cùng với đó là hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng được đầu tư khá bài bản như bãi container, kho ngoại quan, kho CFS và lực lượng các loại hình vận tải đa phương thức rất phong phú.

ký két
Lãnh đạo Bộ Công Thương và TP. Hải Phòng chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận về logistics

Theo quy hoạch phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, Hải Phòng được xác định là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh phía Bắc Việt Nam và Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc); một trọng điểm phát triển kinh tế biển; một trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của tuyến hành lang và của cả Việt Nam.

Do đó có thể nói, Hải Phòng hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển ngành dịch vụ logistics. Hải Phòng sẽ sớm trở thành trung tâm logistics quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển thông minh; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại và logistics được kỳ vọng sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, xây dựng, giúp Hải Phòng hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và thế giới.