Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nghị quyết 55 tạo nguồn lực cho phát triển năng lượng bền vững

Từ thực tiễn chuyến đi, từ kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương xem xét, tham mưu cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách, với mục tiêu cao nhất là triển khai có hiệu quả Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị theo hướng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai - Dương Văn Trang đi thực tế tại dự án điện gió điện gió đang được triển khai tại Gia Lai
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai - Dương Văn Trang đi thực tế tại dự án điện gió đang được triển khai tại Gia Lai

Cơ chế chính sách là nguồn lực

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Đúng một tuần sau đó, đoàn công tác của Bộ Công Thương đến một số địa phương, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là để “Lắng nghe, nắm bắt thực tiễn; trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị”.

Có thể, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi điểm đến đầu tiên của đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu, ngay sau Nghị quyết 55 là Gia Lai và Quảng Trị, hai địa phương có nhu cầu điện chưa lớn. Năm 2019, sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người trên địa bàn Gia Lai trên 500 kWh, còn Quảng Trị đạt trên 1.000 kWh, thấp hơn từ 2 đến 4 lần so với mức bình quân cả nước (trên 2.000kWh).

Theo Bộ trưởng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã xây dựng nên những nền tảng mà từ đó tạo ra khung khổ pháp lý và nguồn lực cho phát triển năng lượng bền vững.

Trong đó, yêu cầu phát triển một cách hài hòa các nguồn năng lượng, đặc biệt ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Đây cũng chính là thế mạnh của 2 địa phương. Quảng Trị có 72 dự án điện gió  được đề xuất với tổng công suất gần 3,7 nghìn MW và 22 dự án điện mặt trời tổng công suất gần 1.800 MW.

Dự kiến trong thời gian tới, công suất phát của các dự án đã đầu tư và phê duyệt tại đây đã lên đến gần 10.00 MW. Với Gia Lai, tổng công suất của các dự án điện gió và điện mặt trời đề xuất lên tới gần 14.000 MW.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lắng nghe chia sẻ thực tế hoạt động của doanh nghiệp tại Trạm biến áp 500kV Đông Hà
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lắng nghe chia sẻ thực tế hoạt động của doanh nghiệp tại Trạm biến áp 500kV Đông Hà

2 địa phương này sau nhiều năm tìm hướng đi, khi “gặp” Quyết định 11, Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện mặt trời và điện gió, đã quyết định chọn năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột trọng yếu trong chiến lược phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết, Gia Lai là một tỉnh nghèo của cả nước, tỉnh xác định tiềm năng lớn nhất là nông nghiệp và năng lượng tái tạo. Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng, Năng lượng tái tạo- Khai thác hành lang kinh tế Đông-Tây - Nông nghiệp sạch là 3 hướng ưu tiên phát triển của tỉnh. Nói như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hai tỉnh này đã “biến các cơ chế chính sách thành nguồn lực phát triển”.

 Xử lý nút thắt thời gian

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhưng 2 địa phương (và chắc còn ở nhiều tỉnh khác) đang gặp phải nút thắt về thời gian trong thực hiện các dự án điện gió. Cụ thể, Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ có cơ chế giá mua điện ưu đãi “Được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 01 tháng 11 năm 2021”.

Do vướng mắc của Luật Quy hoạch, nên năm 2019 chưa triển khai được. Cuối năm 2019, căn cứ vào Nghị quyết số 751 của UBTV Quốc hội, Chính phủ có Nghị quyết 110 ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch quốc gia, thì vấn đề mới được tháo gỡ.

Nhưng mất đứt 1 năm “nín thở” nằm chờ nên nhiều chủ đầu tư e ngại không đủ thời gian triển khai dự án điện gió vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 - một điều kiện tiên quyết để được hưởng cơ chế giá ưu đãi.

Thực tiễn chuyến đi tại Gia Lai, Quảng Trị cho thấy, có rất nhiều ý kiến, kiến nghị của hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, chủ đầu tư xin được kéo dài thời gian vận hành thương mại đến cuối 2022 hoặc đầu năm 2023 để bù lại quãng thời gian “nằm chờ” của cả năm 2019.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng chia sẻ về những tiềm năng về năng lượng sạch của tỉnh
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng chia sẻ về những tiềm năng về năng lượng sạch của tỉnh

Tập hợp những ý kiến, kiến nghị này, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trên tinh thần để các địa phương tận dụng được mọi nguồn lực xã hội và khai thác tốt các cơ hội do cơ chế của Quyết định 39 mang lại, cũng như yêu cầu của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là  “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo”.

Trên quan điểm toàn diện và tổng thể

Gia Lai và Quảng Trị có một đặc điểm chung, tổng công suất nguồn lớn hơn nhiều lần nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn. Như vậy, các dự án điện gió, điện mặt trời đã và đang được đầu tư, hay đang chờ phê duyệt nhằm mục đích chuyển tải đi chứ không phải để sử dụng tại chỗ.

Theo phân tích của Bộ trưởng, Gia Lai và Quảng Trị không còn nhiều dư địa để giải tỏa công suất cho các dự án điện gió mới. Chẳng hạn, hiện tại khả năng đường dây và trạm biến áp của Gia Lai chỉ có thể giải tỏa được thêm 300 MW, nếu mở rộng công suất trạm biến áp  Pleiku 2 lên gấp đôi cũng chẳng "bõ bèn” gì so với 8.000 MW điện gió mà tỉnh gửi ra cho Bộ Công Thương thẩm định.

Chính vì thế, ở 2 địa phương, Bộ trưởng cho rằng, để khai thác hiệu quả Quyết định 39, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với các địa phương để lọc ra những dự án có tính ưu tiên cao và mang tính khả thi để Bộ Công Thương ưu tiên phê  duyệt, hoặc trình Chính phủ phê duyệt. Nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Đầu năm nay, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ. Trong đó, các dự án điện bổ sung vào quy hoạch phải đáp ứng được các điều kiện về đấu nối, giải tỏa công suất; năng lực của nhà đầu tư. Như vậy, chỉ đưa vào Quy hoạch Tổng sơ đồ VII hiệu chỉnh những dự án điện cấp bách có tổng công suất bằng với năng lực giải tỏa công suất của hệ thống lưới điện và trạm biến áp.

Đồng thời, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết “Sáng nay Bộ trưởng đã chỉ đạo, không chỉ có lưới điện và trạm biến áp của Gia Lai, Quảng Trị, mà phải rà soát toàn bộ để có một báo cáo tổng thể với Bộ Công Thương ngay trong đầu tháng 3”.

Tại 2 địa phương, Bộ trưởng cũng nhiều lần nhấn mạnh, hướng tiếp cận của Gia Lai, hay của Quảng Trị không nên dừng lại ở vấn đề giải tỏa công suất (đành rằng chuyện đó rất quan trọng) mà từ thực tiễn chuyến khảo sát  này, cần tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn để có quan điểm toàn diện và tổng thể hơn trong phát triển năng lượng, cần đồng bộ hóa cả về nguồn, lưới điện và trạm biến áp.

Xã hội hóa trên cơ sở quy định của pháp luật

Phát triển đồng bộ, hợp lý về nguồn, lưới điện và trạm biến áp là yêu cầu thực tiễn của ngành điện. Nhưng thực tế không đơn giản. Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, từ nay đến 2030, mỗi năm ngành điện cần đầu tư 12 tỷ USD, nếu chỉ riêng Tập đoàn thì không đủ sức thu xếp, nên Bộ trưởng Công Thương đã chỉ đạo vấn đề xã hội hóa hết sức quyết liệt.

Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh, để bàn giao tài sản sang EVN, luật quy định phải đấu thầu trong xây dựng đường dây hay trạm điện

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khi giới thiệu Nghị quyết 55 tại 2 địa phương cũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết này là “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”.

Hoạt động thực tiễn tại Gia Lai và Quảng Trị cho thấy, cơ chế đầu tư (của doanh nghiệp tư nhân) và chính sách hoàn trả vốn đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn những điểm vướng mắc.

Theo Luật Điện lực thì truyền tải điện là lĩnh vực độc quyền nhà nước. Nhưng nội hàm của cụm từ “Hoạt động điện lực” chưa được giải thích rõ. Hiện Bộ Công Thương đang khẩn trương nghiên cứu và đề xuất theo hướng: Hoạt động đầu tư sẽ được xã hội hóa, còn quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện thuộc độc quyền nhà nước.

Nói nôm na là các nguồn lực xã hội có thể tham gia đầu tư vào hệ thống truyền tải (lưới và trạm) sau đó bàn giao lại cho nhà nước (đại diện là EVN). Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý, EVN và nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng đi vào thực tế vẫn phát sinh những nút thắt. Cụ thể, theo Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh, để bàn giao tài sản sang EVN, luật quy định phải đấu thầu trong xây dựng đường dây hay trạm điện. Trong khi doanh nghiệp tư nhân thường sử dụng hình thức chỉ định thầu, vì đấu thầu mất khá nhiều thời gian.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trên cơ sở thực tiễn và chỉ đạo của Chính phủ thời gian qua, các địa phương cần tính toán phương án tiếp tục thí điểm xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào các dự án truyền tải. Về phía Bộ Công Thương sẽ tập hợp các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp để báo cáo với Chính phủ.

Từ thực tiễn chuyến đi, từ kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương xem xét, tham mưu cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách, với mục tiêu cao nhất là triển khai có hiệu quả Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị theo hướng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Trên tinh thần của Nghị quyết 55, Bộ Công Thương ủng hộ cho việc đa dạng hóa nguồn đầu tư vào hạ tầng năng lượng, nhưng phải theo đúng quy định của pháp luật. Bộ trưởng cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề này, phải đặt trên cơ sở một nền tảng pháp lý cao hơn. Do đó, việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tham mưu cho Chính phủ là hết sức quan trọng. 

Nguyễn Văn