Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ với báo chí về điểm nhấn của Hội nghị AEM hẹp 26 ngày 10/3/2020
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ với báo chí về điểm nhấn của Hội nghị AEM hẹp 26 ngày 10/3/2020

Thưa Bộ trưởng, năm 2020, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN đã đưa ra những ưu tiên nào và những ưu tiên đó sẽ thể hiện được tinh thần gắn kết chặt chẽ và vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam đến đâu trong năm nay?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ những nội dung của Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam - năm 2020.

Điểm đặc biệt là những nội dung mà chúng ta đưa ra như những trọng tâm hợp tác của ASEAN vừa thể hiện được sự kế tục, kế thừa những nền tảng của hợp tác ASEAN trong thời gian vừa qua, nhưng đồng thời cũng thể hiện rõ tầm vóc mới của ASEAN trong bối cảnh thế giới đang biến động rất nhanh chóng và không thể lường trước được, mà chúng ta đã chứng kiến không chỉ là chiến tranh thương mại mà còn cả những dịch bệnh ở quy mô và mức độ hoàn toàn không thể dự báo và biết trước được.

Thế thì trong năm nay, 13 chủ đề lớn của ASEAN mà Việt Nam đã đưa ra để định hướng và tập trung trong hợp tác là:

Một là, tăng cường hơn nữa tính liên kết và kết nối trong nội khối ASEAN để đảm bảo vai trò của ASEAN như một trung tâm trong các khung khổ hợp tác chung với khu vực và thế giới, đặc biệt là với đối tác bên ngoài khu vực.

Hai là, tiếp tục tăng cường hơn nữa và mở rộng hơn nữa những khung khổ, những mô hình hợp tác về hướng tới hoà bình, ổn định và phát triển giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài.

Ba là, tiếp tục hướng tới năng lực ứng phó và đối phó, có thể nói, ngày càng có hiệu quả hơn với chất lượng và chiều sâu hơn nữa trong các khung khổ hợp tác cũng như những nền tảng hợp tác mà ASEAN đã có trong thời gian vừa qua.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời cho thấy sức mạnh và sự năng động của khu vực trong ứng phó với những bất ổn toàn cầu
Năm Chủ tịch ASEAN 2020 nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời cho thấy sức mạnh và sự năng động của khu vực trong ứng phó với những bất ổn toàn cầu

Chính vì vậy, có thể nói là 12 sáng kiến mà Việt Nam đã đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế hẹp lần này đã nhận được sự ủng hộ có thể nói là tuyệt đối của tất cả các nước tham gia. Các sáng kiến trải rộng trong tất cả các lĩnh vực, nhưng đặc biệt tập trung vào những nền tảng, mục tiêu như tôi đã nói ở trên.

Ví dụ như, chúng ta đã đặt ra vấn đề trong giai đoạn mới, câu chuyện làm sao để đảm bảo sự bền vững hơn nữa của các chuỗi cung ứng, mà trong đó vai trò của ASEAN phải chủ động hơn, đồng thời có khả năng thích ứng cao hơn.

Hay những câu chuyện liên quan đến việc tiếp tục mở ra những cơ hội hợp tác phát triển lĩnh vực rất mới như thương mại điện tử, mà chúng ta đang rất cần những bộ chỉ số cũng như những tiêu chí để đảm bảo cho sự phát triển của thương mại điện tử khu vực tư nhân tại các nước ASEAN.

Hay chúng ta tiếp tục những sáng kiến đổi mới chiến lược phát triển năng lượng, đặc biệt là trên nền tảng bền vững cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hiệu quả và tạo ra sự kết nối của các quốc gia trong ASEAN, v.v…

Tất cả những điều này cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ là một năm thực sự có tính thực tiễn và có những hoạt động cũng như nội dung hợp tác đáp ứng được yêu cầu và thể hiện được vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng đồng thời cho thấy sức mạnh và sự năng động của ASEAN để có thể ứng phó và đáp ứng được với những thách thức cũng như những đe doạ từ môi trường đang rất bất ổn của thế giới trong tất cả các khía cạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Thưa ông, có thể thấy một trong những định hướng ưu tiên của Việt Nam chúng ta trong Năm Chủ tịch ASEAN là xây dựng thương mại và đầu tư nội khối, đặc biệt là nêu cao vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi liên kết vững chắc của ASEAN khi chống chọi lại những tác động từ bên ngoài, trong đó có những tác động từ phía thiên tai, dịch bệnh,… Vậy ông đánh giá thế nào về xây dựng chuỗi cung ứng, đặc biệt là những chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn chung hàng hoá để ASEAN xây dựng được nên liên kết này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đúng, đây có thể nói chính là một điểm nhấn và cũng là một trọng tâm lớn của Hội nghị lần này.

Có lẽ cũng là một dịp rất may mắn khi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần này họp vào đúng thời điểm mà dịch bệnh Covid-19 đang phát triển rất mạnh với quy mô toàn cầu.

Và thực tế từ các nước ASEAN đều cho thấy, trong mô hình tăng trưởng và kể cả những khuôn khổ hợp tác của ASEAN trong thời gian vừa qua thì đã thấy những nguy cơ đe doạ ổn định của sự phát triển nhanh của các nền kinh tế trong ASEAN, cũng như vai trò và khả năng chống chọi với những tác động từ những sự cố, sự kiện hoặc những nguy cơ lớn của kinh tế thế giới mà ta không dự đoán trước được và không thể định đoạt được.

Chính vì vậy thì lần này ngay tại Hội nghị, bên cạnh 12 sáng kiến mà Việt Nam đã nêu ra để định hướng lâu dài trong năm 2020, cũng như lâu dài hướng hợp tác của ASEAN, thì chúng ta đã chủ động bàn và đưa ra cho Hội nghị Bộ trưởng lần này thống nhất thông qua Tuyên bố chung của ASEAN về Covid-19.

Trong đó, chúng ta cũng khẳng định nhu cầu của ASEAN cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nhanh chóng mô hình tăng trưởng, trong đó có tạo nên cơ hội mới để tăng cường hợp tác trong ASEAN và khai thác các nguồn lực của ASEAN, đặc biệt là thông qua tiếp tục hoàn thiện về thể chế và pháp luật, hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư cũng như kinh doanh kể cả trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác bên ngoài.

Đặc biệt là chúng ta phải định hướng để tạo ra nguồn lực trong nội lực của ASEAN được huy động và phát triển, trên định hướng đảm bảo tính bền vững và khai thác được những thế mạnh, điểm mạnh của các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết Việt Nam đã chủ động đề xuất AEM hẹp 26 thống nhất thông qua Tuyên bố chung của ASEAN về Covid-19
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động đề xuất AEM hẹp 26 thống nhất Tuyên bố chung của ASEAN về Covid-19 bên cạnh 13 đề xuất, sáng kiến ưu tiên về hợp tác kinh tế

Thứ hai, chúng ta cũng tiếp tục định hướng để xây dựng ASEAN vẫn tiếp tục trở thành một trung tâm thu hút đầu tư các nguồn lực của thế giới.

Và điều đó cũng phù hợp với quan điểm cũng như định hướng phát triển của ASEAN. ASEAN luôn luôn là trung tâm trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, nhất là đối với các đối tác mà đã có Hiệp định thương mại tự do hoặc các khuôn khổ hợp tác chung.

Chưa kể đến là cả trong những định hướng lâu dài sắp tới, ASEAN cũng đã đưa ra thông qua Hội nghị Bộ trưởng lần này, những định hướng để tiếp tục mở rộng và tăng cường các khung khổ hợp tác với đối tác khác có tiềm năng để tham gia vào chuỗi cung ứng chung như thế, như Anh sau khi đã rời khỏi EU (sự kiện Brexit).

Nhưng cái thứ ba nữa là trong khuôn khổ sáng kiến về Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng lần này, các Bộ trưởng đều thống nhất là phải tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trao đổi giữa khu vực doanh nghiệp của các nước trong ASEAN với nhau.

Đặc biệt, để làm được điều đó thì các nước phải tiếp tục đẩy nhanh cải cách thể chế, pháp luật. Nhất là trong tuần qua, khi ký kết các hiệp định hoặc các thoả thuận để công nhận các tiêu chuẩn tương đương của sản phẩm.

Trong đó ví dụ như là chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ô tô hoặc những sản phẩm trong lĩnh vực liên quan đến nông sản, thuỷ sản, thực phẩm chế biến, v.v…

Tôi cho rằng đây là cơ hội rất lớn nguồn lực của các nước ASEAN cũng như là các doanh nghiệp, tổ chức trong ASEAN có điều kiện tiếp tục tham gia sâu vào chuỗi cung ứng với sự chủ động của mình và đảm bảo được sự bền vững hơn nữa ở trong các chuỗi cung ứng này.

ASEAN sẽ khai thác cơ hội hình thành những chuỗi cung ứng mới từ trong thách thức mà Covid-19 đang đặt ra
ASEAN sẽ khai thác cơ hội hình thành những chuỗi cung ứng mới từ trong thách thức mà Covid-19 đang đặt ra

Một điểm nữa trong Tuyên bố chung của các Bộ trưởng liên quan đến Covid-19 là các Bộ trưởng cũng yêu cầu và đề nghị mỗi nước tăng cường hơn nữa trong chia sẻ thông tin dữ liệu để chúng ta xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu chung, đặc biệt là trên cơ sở của Big Data.

Để từ đó, không chỉ doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tham mưu chính sách sẽ có điều kiện để thúc đẩy, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác cũng như tiếp tục hoàn thiện hơn nữa việc xây dựng các chính sách, khung khổ pháp luật của mỗi nước, để từ đó là hợp tác chung trong ASEAN.

Trong từng nước, hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư sẽ đạt được hiệu quả tối đa trong việc tham gia trở thành trung tâm của thế giới và cũng như ứng phó sau sự kiện này.

Như vậy có thể nói là một điều rất có ý nghĩa là chúng ta thấy rất rõ thông qua Covid-19 lần này, mặc dù hiện nay dịch vẫn đang có nguy cơ lan rộng ở thế giới, nhưng các Bộ trưởng của ASEAN đã nhìn thấy rất rõ thách thức không hề nhỏ đối với các nước trong ASEAN, bởi vì phần lớn các nước trong ASEAN đều đã bị tác động rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của một số ngành sản xuất vật chất cũng như các ngành công nghiệp, các ngành kinh tế.

Thế nhưng, các Bộ trưởng cũng đã nhìn thấy đây chính là cơ hội để ASEAN phải đẩy nhanh hơn nữa những biện pháp để tái cơ cấu lại các ngành kinh tế của mình, đặc biệt là để khai thác được những cơ hội của nội khối hợp tác cũng như hợp tác giữa nội khối với các đối tác bên ngoài để chúng ta có thể hình thành những chuỗi cung ứng mới.

Và để làm được những điều đó thì như tôi đã nói trên, ngoài những cải cách, ngoài những biện pháp nỗ lực để tăng cường định hướng, tạo sự kết nối và tăng cường quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các nước, chúng ta còn phải tạo ra những lực đẩy cho khu vực doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân. Và phải bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể để cho các doanh nghiệp tư nhân này đổi mới mình và đổi mới ngay chính trong cơ cấu hoạt động, trong những chiến lược hội nhập của mình.

Điều đó mới có thể mang đến được năng lực cạnh tranh ngày càng cao hơn của doanh nghiệp ASEAN.