Brexit “mắc kẹt” ở nước Anh

Với tình hình chính trường Anh như hiện tại, giới phân tích và chính trị gia của cả Anh và EU đều nhận định không chắc chắn về tương lai của Brexit.
Thu tuong Anh
Thủ tướng Anh Theresa May

 

Mặc dù chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là tới hạn chót 29/3/2019 để Anh rời khỏi EU, cả Chính phủ Anh và EU đều mong muốn có một “thỏa thuận ly hôn" để cuộc “chia ly” giữa hai bên diễn ra êm đẹp, nhưng những tiếng nói phản đối gay gắt từ chính trường Anh đang khiến tiến trình Brexit có nguy cơ bế tắc.

Cách đây ít hôm, truyền thông châu Âu đã hoan hỷ đưa tin Anh và EU đã đạt được một thỏa thuận mới giúp khai thông bế tắc đàm phán và có thể sớm đưa tiến trình Brexit “về đích”. Bản dự thảo thỏa thuận mới đạt được dài 585 trang, được cho là tạo bước đột phá cho tiến trình Brexit, trong đó có các điều khoản nhằm tránh thiết lập một đường biên giới cứng giữa CH Ireland và vùng Bắc Ireland, bảo vệ quyền công dân và thống nhất "chi phí chia tay" mà Anh sẽ phải thanh toán cho EU. Nội các Anh đã thông qua những điều khoản chính trong thỏa thuận mới nói trên.

Tuy nhiên, ngay sau khi nội dung bản thỏa thuận được thông báo, chính trường Anh đã lập tức “dậy sóng” bởi nhiều quan chức trong Nội các phản đối dữ dội thỏa thuận này. Thậm chí, Nghị sỹ đảng Bảo thủ của Anh Jacob Rees Mogg đã trình thư trên lên Chủ tịch Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ Graham Brady đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với lãnh đạo đảng Bảo thủ Theresa May. Ông Rees Mogg chỉ trích rằng dự thảo thỏa thuận Brexit mà Chính phủ của bà May vừa đạt được với EU hôm 14/11 “hóa ra tồi tệ hơn dự kiến” và không thể thực hiện những cam kết đối với quốc gia. Hàng chục chính trị gia trong Nội các Anh đã “dứt áo ra đi”, từ chức để phản đối thỏa thuận Brexit của chính quyền Anh.  Khoảng 40 Nghị sĩ đã ủng hộ quan điểm của ông Rees Mogg và chiếc ghế Thủ tướng của bà May đã lung lay dữ dội bởi trong trường hợp có 158 trong số 315 nghị sỹ bỏ phiếu chống lại Thủ tướng, bà May sẽ phải rời nhiệm sở trước thời hạn.

Trong khi đó, nữ Thủ tướng Anh cũng sẵn sàng “chơi canh bạc tất tay” và không chịu lùi bước trước sức ép của phe đối lập. Phát biểu trước Quốc hội Anh, bà May tuyên bố bảo vệ đến cùng thỏa thuận sơ bộ vừa đạt được với EU và bày tỏ tin tưởng rằng lộ trình Brexit mà bà theo đuổi là đúng đắn. Bà May khẳng định dự thảo thỏa thuận trên là “thỏa thuận tốt nhất” mà Anh có thể hy vọng đạt được khi rời EU, đồng thời cảnh báo chỉ có một trong hai phương án là rời EU mà không đạt thỏa thận hoặc không rời khỏi khối này. Trong phát biểu khẩn cấp trước Hạ viện hôm 22/11, Thủ tướng Anh Theresa May một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của bản dự thảo Brexit mà lãnh đạo Anh - EU vừa đạt được. Bản dự thảo này đã đề cập rõ ràng về sự phát triển của chính sách thương mại độc lập dành cho Vương quốc Anh. Bà nhấn mạnh đây là một thỏa thuận tốt đối với Anh, giúp tạo ra một khu vực thương mại tự do với EU không giống với bất kỳ thỏa thuận nào khác. Nữ Thủ tướng Anh cũng cho biết thỏa thuận khung này sẽ cho phép Anh đàm phán các thỏa thuận thương mại trong quá trình chuyển tiếp. Theo bà May, các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn then chốt, và Anh cần nỗ lực hợp tác với các đối tác châu Âu để mang lại một cái kết cho vấn đề Brexit.

Trong khi đó về phía EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo  Anh và EU đã nhất trí trên nguyên tắc dự thảo tuyên bố về Brexit nói trên. Bản dự thảo này đã được cung cấp cho 27 nước thành viên khác trong EU vào sáng 21/11 và sẽ được đưa ra xem xét tại hội nghị thượng đỉnh EU trong tháng  này. Các nhà lãnh đạo phía EU hiện cho họ đã thực hiện “gần như tất cả những gì có thể” để đạt được một thỏa thuận thỏa đáng về việc Anh rời khỏi “mái nhà chung châu Âu”. Tuy nhiên, hiện tại, “bóng đang nằm trong chân Chính phủ Anh”. Thủ tướng Đức Angela Merkel trong phát biểu tại một sự kiện ở Berlin, hôm 22/11, tuyên bố sẽ làm mọi việc có thể để đảm bảo một Brexit trật tự, nhấn mạnh việc rời khỏi EU một cách hỗn loạn không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế hai bên, mà còn phủ bóng đen lên quan hệ tương lai giữa EU và Anh. Nữ Thủ tướng Đức nêu rõ: "Với tư cách là các nước thành viên, chúng tôi chỉ có thể làm 2 điều: đàm phán với Anh trên tinh thần hữu nghị của mối quan hệ đối tác và đoàn kết với tư cách là một khối của 27 nước còn lại".

dieu hanh chong brexit
Giới phân tích và chính trị gia của cả Anh và EU đều nhận định không chắc chắn về tương lai của Brexit.

 

Với tình hình chính trường Anh như hiện tại, giới phân tích và chính trị gia của cả Anh và EU đều nhận định không chắc chắn về tương lai của Brexit. Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox vừa cho biết vẫn có khả năng Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào. Trả lời phỏng vấn hãng CNBC, ông Fox nhận định việc Brexit mà không có thỏa thuận vẫn là một "rủi ro" có thể. Trong khi phía EU một mặt thúc đẩy đàm phán với Anh, mặt khác vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho một kịch bản “brexit không thỏa thuận”.

Trong bối cảnh Brexit đối mặt tương lai vô định, kinh tế Anh đang đứng trước những thách thức lớn. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire trong phát biểu diễn đàn về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) diễn ra ở Paris vừa cảnh báo rằng những người ủng hộ Anh rời khỏi EU cần chấp nhận thỏa thuận giữa Anh và EU hoặc đối mặt với nguy cơ của "một thảm họa kinh tế". Theo ông Le Maire, trong trường hợp để xảy ra kịch bản “Brexit không thỏa thuận”, chính người dân Anh sẽ là những nạn nhân trực tiếp.

Trên thực tế, hồi giữa tháng 11 vừa qua, thông tin tiêu cực từ chính trường Anh liên quan đến Brexit cũng đã khiến đồng bảng Anh lao dốc. Trong phiên giao dịch ngày 15/11, đồng bảng Anh đã giảm 2% so với đồng USD và giao dịch ở mức 1,2778 USD/1 bảng. Trong khi đó, giá cổ phiếu các ngân hàng Anh cũng đồng loạt sụt giảm, trong đó cổ phiếu Lloyds và Barclays mất hơn 4%, cổ phiếu RBS lao dốc gần 10%.  Theo giới đầu tư, đồng bảng Anh đã chịu sức ép lớn từ khi mở cửa phiên giao dịch sau động thái từ chức của một loạt bộ trưởng thuộc Nội các Anh, trong đó có Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, và mới đây nhất là của Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti. Nhà phân tích Chris Beauchamp nhận định nguy cơ thỏa thuận Anh - EU dường như bắt đầu trở thành "một kế hoạch thất bại" đang gây áp lực đối với đồng bảng Anh Đồng bảng và tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Các nguồn tin từ báo chí Anh cho biết, nhiều công ty vận tải tại Anh đang chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất nếu nước này rời EU mà không đạt được thỏa thuận. Nếu kịch bản trên xảy ra, các điểm kiểm tra hải quan mới lập sẽ gây cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguy cơ dẫn đến các chuỗi cung ứng xuyên biên giới bị gián đoạn và ách tắc phương tiện tại các cửa khẩu. Giám đốc điều hành Hiệp hội vận tải đường bộ Richard Burnett ước tính mỗi một phương tiện dừng hoạt động trong một giờ sẽ thất thu 50 bảng Anh (65 USD) và nếu sự việc tái diễn trong nhiều tuần, những công ty vận tải sẽ buộc phải ngừng hoạt động. Để tránh rủi ro khi xảy ra kịch bản tồi tệ nêu trên, các công ty trong ngành vận tải hàng hóa Anh đang thử nghiệm nhiều cảng khác nếu cảng Dover, cửa ngõ chủ chốt của Anh ra vào các nước châu Âu khác, bị ách tắc gây cản trở hoạt động của 16.000 xe tải mỗi ngày. 

Trong bối cảnh tương lai Brexit không rõ ràng, nhiều người lao động EU cũng đang rời bỏ nước Anh. Theo báo cáo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 13/11, trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018, số công dân EU làm việc ở Anh đã giảm 6% xuống còn 2,25 triệu người. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi ONS tiến hành thu thập dữ liệu vào năm 1997, chủ yếu do số người lao động đến từ 8 nước Đông Âu gia nhập EU năm 2004 giảm 15% xuống còn 881.000. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng nguyên nhân dẫn tới làn sóng người lao động EU rời khỏi Anh là do người lao động nước ngoài cảm thấy bất an về tương lai sau khi Anh rời EU vào tháng 3/2019.

Thực tế nêu trên cho thấy, thảm họa đang đến với kinh tế Anh ngay cả khi thời hạn đàm phán Brexit chưa kết thúc. Tuy nhiên, nếu Thủ tướng May không sớm khai thông bế tắc trên chính trường Anh khiến thỏa thuận Brexit chính thức đổ vỡ, thảm họa với kinh tế Anh sẽ là khôn lường.

TS. Nguyễn Quốc Trường