Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2019, chính quyền cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã áp hàng loạt mức thuế suất cao lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá lên đến 370 tỷ USD, tương đương 2/3 tổng giá trị hàng hoá được nước này nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dựa theo số liệu của hãng dữ liệu Trade Data Monitor (Hoa Kỳ), tính đến thời điểm hiện tại, các mức thuế suất cao của Hoa Kỳ chỉ còn tác dụng đối với 250 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc do các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã giảm thu mua hàng từ Trung Quốc.

Một trong những mục tiêu mà ông Donald Trump áp thuế cao lên hàng hoá Trung Quốc là nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường sản xuất hơn trong nội địa. Tuy nhiên, dường như mục tiêu này chưa thể đạt được khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ đơn giản chỉ tìm nguồn cung từ các nước khác ở Châu Á như Việt Nam, Malaysia để thay thế Trung Quốc.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia đặc biệt hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Theo Thời báo Wall Street Journal (Hoa Kỳ), trong danh sách các nhà xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, Việt Nam đã thăng hạng 6 bậc, từ vị trí thứ 12 trong năm 2018 lên vị trí thứ 6 trong năm 2020.

Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Trung Quốc (USCBC) cho biết “Nếu mục tiêu của Hoa Kỳ là giảm nhập khẩu từ Trung Quốc thì chính sách này (việc áp thuế cao) đã thành công. Nhưng nếu mục tiêu là gia tăng việc làm trong ngành sản xuất tại Hoa Kỳ thì tôi cho rằng chính sách này chưa đạt được điều gì. Và nếu mục tiêu là tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác tại Châu Á hoặc tăng việc làm khối ngành sản xuất tại Việt Nam thì chính sách này đã thành công”.

Chất bán dẫn là ví dụ điển hình cho lập luận trên. Đây là mặt hàng được Hoa Kỳ áp thuế ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh thương mại, dẫn đến sự sụt giảm mạnh lượng chất bán dẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Hoa Kỳ lại tăng cường nhập khẩu chất bán dẫn từ Việt Nam và Malaysia.

Tăng trưởng xuất khẩu
 Tăng trưởng xuất khẩu của một số quốc gia sang Hoa Kỳ từ năm 2016 đến nay (Ảnh: The Wall Street Journal)

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được thoả thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu năm 2020 nhằm tìm kiếm một giải pháp cho những bất đồng trong quan hệ thương mại song phương. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên các mức thuế suất cao nhằm đảm bảo Trung Quốc sẽ thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thoả thuận.

Trong giai đoạn vừa qua, Trung Quốc liên tục thúc ép Hoa Kỳ giảm việc đánh thuế lên hàng hoá nước này khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ rời bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc để chuyển sang các nhà cung cấp tại Việt Nam, Malaysia và Mexico. Việc phải trả mức thuế cao khi nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc đã khuyến khích các doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyển dịch chuỗi cung ứng đến các đối tác mới.

Ngành hàng nội thất
 Sự thay đổi kim ngạch nhập khẩu ngành hàng nội thất của Hoa Kỳ kể từ năm 2018 (Ảnh: The Wall Street Journal)
Chuyển dịch sản xuất
 Sự thay đổi kim ngạch nhập khẩu chất bán dẫn của Hoa Kỳ kể từ năm 2018 (Ảnh: The Wall Street Journal)

Đối với một số lĩnh vực, việc Hoa Kỳ áp thuế cao lên hàng hoá Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình rời khỏi Trung Quốc mà họ đã vạch ra trước đó. Ví dụ, với ngành hàng nội thất, ngay cả trước khi cuộc chiến tranh thương mại nổ ra, số doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyển qua nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam đã tăng lên".

Ông Craig Allen cho biết “Chi phí lao động tại Trung Quốc đang tăng lên và rất nhiều hãng sản xuất đã chuyển hoạt động sang các nước khác”.

Cụ thể, Hoa Kỳ không áp thuế lên các sản phẩm điện thoại thông minh nhưng các tập đoàn như Apple vẫn chuyển dần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới Samsung cũng đã hoàn tất việc di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc với lý do chi phí nhân công tăng cao và kế hoạch đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Dữ liệu từ Trung tâm Hàng hải Nhật Bản (JMC) cho thấy lượng container loại 20 feet đi từ Việt Nam đến Hoa Kỳ trong năm ngoái đã đạt mức kỷ lục 1,99 triệu container, tăng mạnh 24,8% so với năm 2019. Nhờ đó, tỷ trọng container xuất xứ từ Việt Nam trong tổng số container đến Hoa Kỳ đạt 10,8%, tăng 1,8% so với năm 2019.

Trong khi đó, tỷ trọng container đi từ Trung Quốc trong tổng số container đến Hoa Kỳ trong năm ngoái đã giảm 0,9% xuống còn 58,9%. Đây là năm thứ hai liên tiếp, chỉ số này của Trung Quốc giảm xuống và ở dưới ngưỡng 60%.

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 12/5 vừa qua, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét kỹ lưỡng các mức thuế suất đối với hàng hoá Trung Quốc.

Trước đó, trong ngày 5/5, bà Katherine Tai cho biết việc dỡ bỏ các mức thuế suất đối với Trung Quốc phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa hai bên và kết quả thực hiện thỏa thuận giai đoạn 1 của Trung Quốc.

Các dữ liệu cho thấy, Trung Quốc còn cách khá xa các mục tiêu thu mua hàng hóa từ Hoa Kỳ như đã cam kết trong thoả thuận thương mại giai đoạn 1 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.