Các bài học từ chính sách và thực tiễn phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam

Trong vài năm lại đây, nhờ các chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với ĐMT mà nguồn ĐMT mái nhà đã phát triển rất nhanh, góp phần đáng kể vào sản xuất và cung cấp năng lượng sạch cho đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành công đạt được, quá trình phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà cũng đã phát sinh không ít các vấn đề bất cập, cần phải được nhận dạng, đánh giá nguyên nhân và tìm các giải pháp khắc phục, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển bền vững nguồn điện sạch này trong thời gian tới.

Nguồn Điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam

Thực tiễn đã cho thấy, nguồn điện mặt trời (ĐMT) có rất nhiều ưu việt và có tính kinh tế ngày càng cao. Do đó, ĐMT đã trở thành nguồn điện quan trọng và phát triển nhanh nhất trong các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) trên thế giới và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên,  một trong những vấn đề lớn đối với việc phát triển nguồn ĐMT là tốn diện tích để lắp dàn pin mặt trời (PMT). Trung bình, để lắp một 1 MWp, cần khoảng 1,2 ha (hay 12.000 m2). Để khắc phục vấn đề này, gần đây người ta đã phát triển các loại hình nguồn ĐMT mới, trong đó các dàn PMT được lắp trên các mái nhà hay trên mặt nước, … để tận dụng các diện tích “nhàn rỗi” này. Các nguồn ĐMT có dàn PMT lắp trên mái nhà hay trên mặt nước được gọi là nguồn ĐMT mái nhà (ĐMTMN, còn gọi là nguồn ĐMT áp mái) hay nguồn ĐMT nổi. Dưới đây chúng ta chỉ đề cập ĐMTMN nối lưới.

điện mặt trời mái nhà
Hình ảnh các dàn PMT lắp trên mái nhà trong trong khu công nghiệp


Như đã nói, nguồn ĐMTMN là nguồn ĐMT có dàn PMT được lắp trên các mái nhà như nhà ở, các tòa nhà công vụ, tòa nhà thương mại (trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, khách sạn, …), Trường học, bệnh viện, các nhà xưởng sản xuất trong các khu công nghiệp, v.v… Mặc dù đa dạng về loại tòa nhà và mái nhà, nhưng các nguồn ĐMTMN ngoài các đặc điểm chung đối với nguồn ĐMT như không ổn định do phụ thuộc vào thời tiết, hệ số công suất thấp, v.v…, thì còn có các đặc điểm riêng sau đây: (1) Công suất mỗi nguồn nhỏ, chỉ vài MWp do diện tích các mái nhà hạn chế; (2) Phân bố phân tán; (3) Được nối lưới hạ áp (dưới 35 kV); (4) Chủ sở hữu và chủ đầu tư chủ yếu là các hộ gia đình hay các chủ sở hữu tòa nhà.

Nguồn ĐMTMN ở Việt Nam

Sớm nhận thấy vai trò và tiềm năng của nguồn ĐMTMN, nên Chính phủ đã kịp thời ban hành một số chính sách đúng đắn nhằm khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của nguồn điện sạch quý báu này.

Các Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg [1] và số 13/2020/QĐ-TTg [2] đưa ra chiến lược cũng như các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ phát triển ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng. Các nội dung quan trọng nhất trong các Văn bản này là sự hỗ trợ đáng kể về giá điện (FIT) và Hợp đồng mua điện ổn định dài hạn [3] đối với các nhà đầu tư về nguồn ĐMTMN.

Theo đó, nguồn ĐMTMN được nhà nước hỗ trợ nối lưới và mua với giá ưu đãi 9,35 Uscent/kWh (tương đương 2.162 VNĐ/kWh) trước 31/6/2019 (QĐ số 11/2017/QĐ-TTg) và 8,38 Uscent/kWh (tương đương 1.938 VNĐ/kWh) từ 1/7/2019 đến 31/12/2020 (QĐ số 13/2020/QĐ-TTg). Mỗi hệ thống ĐMTMN được ký Hợp đồng mua bán điện riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực [4].

Gần đây nhất, Nghị Quyết số 55/NQ/TW [5] của Bộ Chính trị là Văn bản rất quan trọng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng đến năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, trong đó về mục “Nhiệm vụ và Giải pháp chủ yếu” đã nhấn mạnh  “khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước”.

Nhờ các chính sách đúng đắn, kịp thời và mạnh mẽ nói trên mà ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng đã có bước phát triển rất mạnh mẽ. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ năm 2017 đến năm 2020, từ một nước chỉ mới có vài trăm MWp (năm 2016),  Việt Nam đã đạt đến công suất 19.400 MWp vào cuối năm 2020. Nhờ đó Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ ĐMT thế giới.

Nói riêng về ĐMTMN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo số liệu cập nhật, đến hết ngày 31/12/2020 đã có hơn 100.000 nguồn ĐMTMN đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ các nguồn ĐMTMN lũy kế năm 2020 đã đạt hơn 1,16 tỷ kWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng điện của toàn hệ thống điện quốc gia [6].

Các vấn đề phát sinh và nguyên nhân

Như đã thấy, mặc dù ĐMTMN đã góp phần tích cực vào cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, v.v… nhưng nhìn lại quá trình phát triển của nguồn điện này trong thời gian qua, có thể nhận thấy một số vấn đề bất cập cần phải rút kinh nghiệm cho chính sách phát triển bền vững ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng trong thời gian tới. Dưới đây là một số vấn đề chính đáng quan tâm.

Chất lượng nhiều nguồn ĐMTMN không đảm bảo

Như ta biết, trên thị trường, giá dịch vụ trọn gói đối với nguồn ĐMTMN trung bình là 15 triệu đồng cho 1 kWp. Nhưng trong thực tế, một số Công Ty hoạt động về ĐMT vẫn có thể “chiều khách hàng”, nhận lắp đặt với giá rất thấp, có thể xuống đến 10 triệu đồng/kWp. Tất nhiên, “tiền nào của ấy”, để thực hiện Hợp đồng, các Công Ty này phải sử dụng các loại thiết bị ĐMT (như tấm pin mặt trời, Bộ biến đổi điện (Inverter), khung dàn lắp tấm PMT, dây cáp và hộp nối điện, v.v…) là loại  rẻ tiền, chất lượng thấp. Ngoài ra, việc lắp đặt cũng không đảm bảo kỹ thuật như không chắc chắn, không lắp đặt hệ tiếp đất, chống sét, định hướng tùy tiện, v.v…. Kết quả là chất lượng chung của cả nguồn điện thấp, dẫn đến nhiều hậu quả tai hại như hiệu suất phát điện thấp, hiệu quả đầu tư kém; mau hư hỏng, sớm phải bảo trì bảo dường; v.v… Nguy hại nhất là với các Bộ Inveter giá rẻ, chất lượng thấp sẽ gây ra ảnh hưởng xấu, gây nhiễu loạn lưới điện và hệ thống điện.

Gây quá tải cục bộ và ảnh hưởng đến chất lượng điện năng

Phải nói rằng, thời gian vừa qua, nguồn ĐMTMN đã có các điều kiện phát triển rất thuận lợi như: (i) Được hỗ trợ nối lưới, (ii) Không phải xin giấy phép hoạt động điện lực; (iii) Không bị các quy định hạn mức ĐMTMN cho lưới điện hạ áp khu vực; (iv) Việc lắp đặt dễ dàng, nhanh chóng và chi phí đầu tư lại khá thấp; (v) Trong thời kỳ đại dịch Covid, các Ngân hàng khó khăn trong việc cho vay, nên đã giảm lãi suất cho vay xuống thấp, điều kiện vay dễ dàng hơn; (vi) Giá mua điện (FIT) đối với ĐMTMN tương đối cao (chỉ được áp dụng đến ngày 31/12/2020).

Nhờ đó mà nguồn ĐMTMN đã phát triển rất nhanh, rất nóng, đến mức mất kiểm soát, nhất là đối với các tỉnh Miền Nam vào các tháng cuối năm 2020. Kết quả là nhiều lưới điện phân phối hạ áp khu vực bị quá tải, gây ra không ít khó khăn cho công tác đảm bảo chất lượng điện và vận hành lưới điện.

Có dấu hiệu trục lợi từ chính sách về ĐMTMN

Do sự thiếu rõ ràng trong định nghĩa nguồn ĐMTMN nên nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng để được hưởng giá bán điện ưu đãi của Nhà nước. Các hộ này vội vàng dựng lên các mái che sơ sài bằng tôn hay nhựa trên các chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trên các khu trồng hoa, rau, quả, cây cảnh; thậm chí trên các ao hồ, v.v… rồi sau đó lắp các dàn PMT vào các mái đó để được hưởng giá điện  ưu đãi đối với nguồn ĐMTMN.

Ngay cả đối với nhiều địa phương miền núi và trung du ở Miền Bắc, nơi bức xạ mặt trời rất kém, nhưng do thiếu hiểu biết, lại được các Công Ty dịch vụ về ĐMT “tư vấn liều” như giá bán điện cao, thời gian thu hồi vốn ngắn, thường họ nói 4 hay 5 năm, 15 năm sau đó là “ngồi thu tiền”, v.v… nên đã có khá nhiều hộ dân vay tiền ngân hàng để lắp nguồn ĐMTMN mà không biết rằng ở các khu vực bức xạ mặt trời thấp này nguồn ĐMT sẽ rất kém hiệu quả, thời gian thu hồi vốn phải trên 10 - 15 năm.

Nguyên nhân của các vấn đề bất cập trên

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập về ĐMTMN trong thời gian vừa qua. Có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính sau đây.

- Chưa có Bộ Tiêu Chuẩn Kỹ Thuật quốc gia về ĐMTMN và ĐMT. Cho đến nay, mặc dù ĐMT ở Việt Nam đã phát triển đến công suất khá lớn (19.400 MWp, trong đó ĐMTMN là 9.300 MWp) nhưng chúng ta vẫn chưa có Bộ Tiêu chuẩn Kỹ thuật quốc gia về ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng. Vì vậy, việc mua bán, sử dụng thiết bị, đặc biệt là Bộ Inverter, không được kiểm soát, kiểm định, dẫn đến hiện tượng nhiều nguồn ĐMTMN kém chất lượng vẫn được nối và bán điện lên lưới. Điều này cũng gây ra khó khăn cho các điện lực địa phương khi phải đánh giá và nối lưới các nguồn ĐMTMN kém chất lượng.

- Đối với nguồn ĐMTMN thì khái niệm “mái nhà” trong các chính sách về ĐMT đã ban hành chưa rõ ràng, dẫn đến hiện tượng trục lợi chính sách như đã nói ở trên.

- Quy trình kiểm định chất lượng nguồn ĐMTMN trước khi nối lưới cũng chưa chặt chẽ và quy chuẩn. Đáng lẽ ra phải có quy định bắt buộc các bước hay các hạng mục phải đo đạc và kiểm định, các giá trị cho phép của các thông số, v.v… Quá trình và số liệu kiểm định phải được ghi và lưu đầy đủ trong Biên bản kiểm định mẫu. Sau đó các chuyên gia về ĐMT và hệ thống điện sẽ đánh giá liệu nguồn ĐMTMN có thể được nối lưới hay không. Nhưng thời gia qua chúng ta chưa làm được như vậy. Việc kiểm định còn mang nhiều yếu tố định tính và chủ quan.

- Trình độ cán bộ điện lực các địa phương về ĐMT còn hạn chế, thêm vào đó lại thiếu thiết bị đo kiểm chuyên dụng nên việc kiểm định chất lượng nguồn ĐMTMN còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc kiểm định còn sơ sài.

- Chưa có hạn mức về ĐMTMN đối với các lưới điện hạ áp khu vực. Khi phát triển nguồn ĐMTMN nói chung lưới điện hạ áp vẫn như cũ, không được nâng cấp. Vì vậy việc ồ ạt nối thêm vào các nguồn ĐMTMN – loại nguồn điện không ổn định – sẽ dẫn đến quá tải cục bộ lưới phân phối, dẫn đến giảm chất lượng điện và chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho khu vực.

Một số kiến nghị

Như ta thấy, nguồn ĐMTMN là nguồn điện có nhiều ưu việt và phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, ĐMTMN vẫn là nguồn điện cần được khuyến khích phát triển trong thời gian tới. Để tiếp tục phát triển nguồn ĐMTMN bền vững và hiệu quả hơn, theo chúng tôi cần thiết phải giải quyết những vấn đề sau đây.

• Sớm xây dựng và ban hành Bộ Tiêu chuẩn Kỹ thuật quốc gia về ĐMT, trong đó có ĐMTMN. Trên cơ sở Bộ Tiêu chuẩn này chúng ta mới kiểm soát được chất lượng thiết bị, chất lượng thi công lắp đặt và do đó chất lượng của cả nguồn ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng.

• Cần sớm nghiên cứu, ban hành chính sách phát triển ĐMTMN mới. Để chính sách mới đi vào cuộc sống thì cần đánh giá lại các cái được cũng như các vấn đề tồn tại của các chính sách, cơ chế phát triển ĐMTMN đã ban hành trong thời gian qua. Từ đó xây dựng, ban hành chính sách mới đúng đắn hơn và đặc biệt là cần ổn định và dài hạn hơn, tránh hiện tượng phát triển chụp dật, giải quyết tình thế, mất kiểm soát,… như đã thấy từ hệ quả của các chính sách quá ngắn hạn của các Quyết định số 11 và số 13 đã ban hành trong các năm 2017 và 2020. 

• Nên nghiên cứu và đưa ra các hạn mức về ĐMTMN đối với các khu vực trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng về hạ tầng lưới điện phân phối hạ áp khu vực.

• Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho các đơn vị điện lực địa phương có nhiệm vụ kiểm định và nối lưới các nguồn ĐMTMN. Cung cấp đầy đủ trang thiết bị đo kiểm chuyên dụng về nguồn ĐMT cho các đơn vị này để họ có công cụ thực hiện tốt nhiệm vụ.

• Cần lập các Mẫu Biên Bản Kiểm định nguồn ĐMTMN chuẩn, trong đó phải quy định các bước và các thông số phải đo kiểm và khoảng giá trị phải đạt. Cần quy trách nhiệm rõ ràng đối với các Đơn vị điện lực thực hiện kiểm định. Họ phải chịu trách nhiệm nếu việc đo kiểm không thực hiện đúng theo yêu cầu của các quy định chuẩn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế hỗ trợ phát triển ĐMT.

[2] Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 thay thế, bổ sung QĐ số 11.

[3] Thông Tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 hướng dẫn thực hiện QĐ số 11.

[4] Công Văn số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà.

[5] Nghị Quyết số 55/NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[6] Đức Dũng: Bùng nổ điện mặt trời mái nhà, công suất đạt gần 9.300 MWp
(https://bnews.vn/bung-no-dien-mat-troi-mai-nha-cong-suat-dat-gan-9-300-mwp/182582.html)

PGS.TS Đặng Đình Thống

Hội KHCN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA)