TÓM TẮT:

Từ sau đổi mới, ở Việt Nam, kinh tế tư nhân (KTTN) là khu vực kinh tế có rất nhiều đóng góp tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội: từ tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp cho ngân sách nhà nước, đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước, cho đến góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Thời gian qua, KTTN đã tạo được nhiều thành quả tích cực và liên tục trong nhiều năm. Bài viết của tác giả sẽ lược khảo quá trình phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay, nhằm làm rõ hơn nữa mối quan hệ giữa chính sách pháp luật và phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân.

Từ khóa: kinh tế tư nhân, sau đổi mới, phát triển kinh tế, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế với mục tiêu nhanh chóng đưa đất nước hội nhập chung vào nền kinh tế toàn cầu, trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển. Để thực hiện điều đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện phát triển kinh tế nhiều thành phần, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nền kinh tế có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), được bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc (ĐHĐBTQ) lần thứ VI (1986) và các chính sách về phát triển kinh tế nhiều thành phần được hoàn thiện dần qua các kỳ ĐHĐBTQ tiếp theo.

Vì vậy, việc nghiên cứu các chính sách pháp luật để tìm ra các rào cản cũng như các tác động tích cực hỗ trợ cho kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển trong giai đoạn sắp tới là điều thật sự cần thiết.

2. Khái quát về KTTN, các quan điểm, chính sách của Nhà nước về phát triển KTTN

KTTN là một loại hình kinh tế phát triển dựa trên sở hữu tư nhân về toàn bộ các yếu tố sản xuất (cả hữu hình và vô hình) được đưa vào sản xuất - kinh doanh. Nó hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, cụ thể là: tự chủ về vốn, tự chủ về quản lý, tự chủ về phân phối sản phẩm, tự chủ lựa chọn hình thức tổ chức, quy mô, phương hướng sản xuất - kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trước pháp luật của Nhà nước.

Theo tinh thần NQTW 5 Khóa IX của Đảng Cộng sản Việt Nam: KTTN gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và KTTBTN hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình DNTN".

Khu vực KTTN: là khu vực kinh tế bao gồm những đơn vị được tổ chức dựa trên sở hữu tư nhân.

Theo tìm hiểu của người nghiên cứu, hiện nay ở các quốc gia khác nhau có rất nhiều cách hiểu khác nhau về KTTN. Ở các quốc gia phát triển thì mọi hoạt động kinh tế không thuộc khu vực KTNN đều được coi là khu vực KTTN. Các công ty tư nhân hay các hợp tác xã, các công ty hợp danh của một nhóm người hay các công ty cổ phần xuyên quốc gia cũng đều có đặc điểm chung là những đơn vị sản xuất kinh doanh không phải của Nhà nước, các quyết định cho hoạt động của doanh nghiệp luôn do cá nhân, hay đại diện của một nhóm cá nhân đề ra. Việc nhìn nhận này không chỉ thấy hết tiềm lực KTTN của một quốc gia, mà còn là cơ sở cho phương thức quản lý thống nhất, bình đẳng đối với các loại hình sản xuất - kinh doanh trong xã hội.

Ở Việt Nam cũng có những cách hiểu khác nhau về khu vực KTTN:

Cách hiểu thứ nhất: Khu vực KTTN gồm các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới dạng liên doanh hay 100% vốn nước ngoài. Các DNTN trong nước bao hàm cả các hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp phi nông nghiệp. Việc hiểu khu vực KTTN theo nghĩa rộng như vậy tạo cơ sở đánh giá hết tiềm năng của KTTN đối với phát triển kinh tế Việt Nam, song lại gặp khó khăn trong công tác thống kê, khi muốn tách bạch phần góp vốn của Nhà nước trong các công ty cổ phần, cũng như trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, theo cách phân biệt này, việc phân tích có khi sẽ gặp khó khăn, bởi không phải tất cả các bộ phận trong khu vực KTTN đều được Nhà nước đối xử như nhau. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhìn chung luôn nhận được những điều kiện thuận lợi hơn các DNTN trong nước, cũng như công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ kinh doanh cá thể.

          Cách hiểu thứ hai: Khu vực KTTN cũng có thể được hiểu là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Cách nhìn này dựa trên việc chia nền kinh tế thành 3 khu vực kinh tế: Khu vực kinh tế quốc doanh, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Một số chuyên gia cho rằng, việc đưa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi khu vực KTTN trong nước sẽ không đánh giá đúng tiềm năng, cũng như vai trò của khu vực này cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện kinh tế mở, từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế hiện nay.

          Cách hiểu thứ ba: Khu vực KTTN bao gồm các loại hình DNTN trong nước, nhưng không bao hàm hộ kinh doanh cá thể. Cách hiểu này bộc lộ nhiều hạn chế. Tuy nhiên, các số liệu thống kê của Việt Nam thường theo cách phân loại này.

          Theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện trong Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ IX:

Việc hiểu KTTN gắn liền với khái niệm thành phần kinh tế (TPKT) và trong nền kinh tế của nước ta theo quan niệm lúc đó có 6 TPKT: KTNN; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Hộ kinh doanh cá thể là hình thức tồn tại của TPKT cá thể, tiểu chủ, dựa trên sở hữu tư nhân nhỏ về tư liệu sản xuất. Hình thức này chủ yếu sử dụng lao động trong gia đình, việc sử dụng lao động làm thuê không thường xuyên. Hộ kinh doanh cá thể là đơn vị kinh tế độc lập tự chủ trong sản xuất kinh doanh, là chủ thể trong mọi quan hệ sản xuất và tự chịu trách nhiệm về kết quả tài chính của mình.

Các loại hình doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN là DNTN, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh. Các loại doanh nghiệp này là hình thức tồn tại của TPKT tư bản tư nhân, dựa trên sở hữu tư nhân lớn về tư liệu sản xuất.

Theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam tại ĐHĐBTQ lần thứ X: Việc hiểu KTTN tiếp tục gắn liền với khái niệm TPKT. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định có 5 TPKT: KTNN, kinh tế tập thể, KTTN (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

KTTN gồm: Kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân, được xác định có vai trò quan trọng, là động lực của nền kinh tế.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam tại ĐHĐBTQ lần thứ XI: Việc hiểu KTTN tiếp tục gắn liền với khái niệm TPKT. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định KTTN có vai trò quan trọng, là động lực của nền kinh tế.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam tại ĐHĐBTQ lần thứ XII: việc hiểu KTTN tiếp tục gắn liền với khái niệm TPKT. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các TPKT bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật,...

3. Thực trạng phát triển KTTN ở Việt Nam

Sau khi thống nhất đất nước (năm 1975), mặc dù trên lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH có nhiều TPKT, nhưng trong thực tế một số TPKT luôn bị ngăn cấm phát triển và phạm vi hoạt động càng ngày càng bị thu hẹp dần, đặc biệt là thành phần KTTN. Dù bị ngăn cấm và bị chèn ép nhưng TPKT này vẫn hoạt động, dù không công khai, hầu hết các “hoạt động ngầm” này Nhà nước dù biết nhưng không thể kiểm soát hết được. Trong khi đó, việc tồn tại và hoạt động của kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể luôn ở mức kém phát triển và trì trệ; các công ty hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất... chỉ là hình thức, chưa cho thấy bóng dáng của một mô hình kinh tế thực sự cho nên nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này thực sự là một thách thức và gặp rất nhiều khó khăn trong cả lý luận lẫn thực tiễn.

Trước những yêu cầu bức bách của thời đại, trước những đòi hỏi của lịch sử, trước yêu cầu phát triển kinh tế để đưa đất nước hội nhập với kinh tế quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đường lối kinh tế nhằm đưa đất nước thoát khỏi trì trệ đói nghèo với cách tư duy mới: đổi mới trên mọi phương diện, đổi mới cả trong tư duy nhận thức và đổi mới cả trong hành động.

Việt Nam bắt đầu thực hiện đổi mới từ nửa cuối thập niên 1980 với mong muốn xóa bỏ cơ chế bao cấp của nền kinh tế kế hoạch hóa, tiến tới phát triển một nền kinh tế năng động và hiện đại hơn, trong đó hướng đến tự do hóa thương mại và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Sau ĐHĐBTQ lần VI (1986) nền kinh tế nhiều thành phần tại Việt Nam đã được thừa nhận cả trên thực tiễn và trong lý luận. Từ đây KTTN có điều kiện trỗi dậy mạnh mẽ. Trong các Văn kiện ĐHĐBTQ tiếp theo (VII, VIII, IX, X, XI và XII) Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước tiếp tục khẳng định phải phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN, và trong quá trình phát triển đó phải phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong đó có kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước.

Các quan điểm về đường lối phát triển kinh tế, tại ĐHĐBTQ lần thứ IX, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2001, tr.86).

Trong quá trình đổi mới đó, nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế, đặc biệt là KTTN đã có sự thay đổi căn bản so với trước đây. Thực tế cho thấy, KTTN ngày càng chứng tỏ vai trò của nó, trở thành một đối chứng hiện thực năng động để các khu vực kinh tế khác phấn đấu vươn lên, tự đổi mới, tự hoàn thiện và nâng cao hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. KTTN được coi là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, được đối xử và hoạt động bình đẳng như các khu vực kinh tế khác. Tại ĐHĐBTQ lần thứ X, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định rằng: “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2006, tr.83).

 Tại ĐHĐBTQ lần thứ XI tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011, tr.83).

ĐHĐBTQ lần thứ XII (2015) khẳng định rõ: Nền KTTT định hướng XHCN có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều TPKT, trong đó KTNN giữ vai trò chủ đạo, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các TPKT bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật... (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016). Quan điểm trên của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, phát triển các TPKT trong đó có KTTN là chủ trương nhất quán, là vấn đề chiến lược lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam.

Bên cạnh các chủ trương đường lối chính sách của Nhà nước, Luật Công ty (1990) và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) được Quốc hội khóa VIII thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1990, theo đó các loại hình được phép thành lập các tổ chức kinh tế thuộc tư nhân như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (theo Luật Công ty) và Doanh nghiệp tư nhân (thành lập theo Luật DNTN). Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/1996 Việt Nam có 1.439.683 đơn vị kinh doanh tư nhân, trong đó gồm 1.412.166 cá nhân và nhóm kinh doanh, 17.535 DNTN, 6.883 công ty TNHH, 153 công ty cổ phần và 2.946 hợp tác xã. (TCTK, 1997).

Tuy vậy, để tìm cách đáp ứng những nhu cầu phát triển cũng như quản lí sự phát triển mạnh mẽ của KTTN, việc soạn thảo và ban hành Luật Doanh nghiệp đã được Nhà nước giao cho Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương soạn thảo và thực hiện. Kết quả là sau gần 9 năm thi hành Luật Công ty (1990) và Luật DNTN (1990), Luật Doanh nghiệp đã được Quốc hội khóa X thông qua ngày 12 tháng 6 năm 1999 để thay thế Luật Công ty và Luật DNTN trước đó, Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời (có hiệu lực năm 2001) quy định chi tiết hơn các loại hình tổ chức kinh tế tư hữu trước đó. Để đẩy nhanh hơn nữa quá trình phát triển kinh tế, ngày 29 tháng 11 năm 2005, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Doanh nghiệp 2005, có hiệu lực ngày 01 tháng 7 năm 2006. Luật Doanh nghiệp 2005 thống nhất các quy định về thành lập, quản lý doanh nghiệp. Trên thực tế,  Luật Doanh nghiệp 2005 đã thay thế Luật Doanh nghiệp 1999 một cách có kế thừa và bổ sung nhiều vấn đề mới trong thành lập, tổ chức và điều hành quản lý doanh nghiệp. Tuy vậy, mỗi giai đoạn phát triển của nền kinh tế đều có những vấn đề phát sinh và Luật Doanh nghiệp cũng cần được bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với xu thế phát triển. Để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, ngày 26 tháng 11 năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp 2014, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và các hoạt động liên quan của doanh nghiệp.

Kết quả sau hơn 20 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, từ Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005 cho đến Luật Doanh nghiệp 2014, những đóng góp tích cực mà Luật Doanh nghiệp mang đến cho phát triển kinh tế nói chung và cho KTTN nói riêng không thể phủ nhận Cụ thể: số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng gần 760 nghìn doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp khu vực KTTN chiếm gần 80% số doanh nghiệp của cả nước (TCTK, 2019). Trong năm 2019, có khoảng 138 ngàn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng số vốn là 1.730 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng kí là 1.252,4 nghìn lao động, tăng 5,2% về số DN và 17,1% về vốn đăng ký và tăng 13,3% về số lao động so với năm trước; vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 39,4 ngàn DN quay lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018, nâng tổng số DN thành lập mới và DN trở lại hoạt động năm 2019 lên con số 177,5 nghìn DN, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy vậy, số DN ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chờ giải thể cũng tăng cao (TCTK, 2019).

Về vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2019 đạt mức tăng 10,2% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 17,3% với tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay (46%). Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giữ đà phát triển, tăng 7,9% so với năm trước, số vốn FDI thực hiện là 20,4 tỷ USD cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vốn đầu tư khu vực nhà nước tăng 2,6%, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa cải thiện nhiều, tăng 5,8% so với năm trước (TCTK, 2019).

Về tình hình xuất nhập khẩu, có thể thấy: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2019 ước tính đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 84,99 tỷ USD, tăng 21,9%, chiếm 32,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 179,20 tỷ USD, tăng 3%, chiếm 67,8% (tỷ trọng giảm 3,6 điểm phần trăm so với năm trước). Trong năm 2019, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%) (TCTK, 2019).

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2019 ước tính đạt 253,36 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 108,71 tỷ USD, tăng 14,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 144,65 tỷ USD, tăng 1,9%. Trong năm 2019, có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (trong đó có 3 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 31,5%). Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 xuất siêu 10,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,5 tỷ USD (TCTK, 2019).

Mặc dù với quan điểm và đường lối chính sách dành cho phát triển KTTN đã được luật hóa một cách cụ thể, nhưng các doanh nghiệp khu vực KTTN ở Việt Nam vẫn chưa thực sự lớn mạnh về quy mô, trình độ công nghệ, quản lý, năng lực tài chính, sức cạnh tranh thấp và tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm…, điều đó thực sự cần có một số giải pháp chính sách từ phía Nhà nước để KTTN xứng đáng là “động lực” của nền kinh tế.

4. Một số khuyến nghị

Mặc dù các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước cho phát triển KTTN ở Việt Nam sau đổi mới rất ấn tượng và đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó, môi trường pháp lý cho phát triển khu vực kinh tế này còn nhiều bấp bênh, nên đã tạo ra những rào cản nhất định cho sự phát triển. Trong phạm vi bài viết của mình, tác giả đề xuất một số giải pháp chính sách để phát triển KTTN như sau:

Thứ nhất, cần tăng cường nhận thức trong nhân dân bằng công tác truyền thông về KTTN để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm tạo điều kiện phát triển và tăng cường phát huy thế mạnh cho KTTN

Thứ hai, cần đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập tốt môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh bằng các cơ chế chính sách cụ thể, hình thành, ban hành, bổ sung các khiếm khuyết của các Bộ Luật liên quan đến đầu tư tư nhân nhằm tạo sự an tâm cho KTTN.

Thứ ba, tạo lập hành lang pháp lý cụ thể, minh bạch trong quản lý, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN; xóa bỏ các rào cản hành chính can thiệp trực tiếp vào hoạt động KTTN; tạo lập sân chơi bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong việc tiếp cận các nguồn lực cũng như thông tin đầu tư, thị trường,…

Thứ tư, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy hợp tác tư - công, cùng vì mục tiêu chung cho phát triển kinh tế đất nước.

Tóm lại, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, trong nước còn nhiều khó khăn, có thể thấy sau gần 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam nói chung và KTTN Việt Nam nói riêng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. KTTN thực sự đã có chỗ đứng vững vàng trong tổng thể các bộ phận cấu thành nền kinh tế hiện nay. Điều đó đã được minh chứng bằng sự phát triển ổn định của khu vực kinh tế này, bằng những con số cụ thể trong việc đóng góp vào tăng trưởng và phát triển KT-XH của nước nhà.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Kinh tế Trung ương (2017), Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Sự thật, Hà Nội.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Sự thật, Hà Nội.
  8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Sự thật, Hà Nội.
  9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb Sự thật, Hà Nội.
  10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Văn kiện Nghị quyết hội nghị Trung ương V khóa XII.
  11. Lê Danh Vĩnh (2009), Hoàn thiện thể chế về môi trường kinh doanh của Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  12. Luật Doanh nghiệp 2005 (2006), Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  13. Luật Doanh nghiệp 2014 (2015), Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  14. Niên giám thống kê 2019 (2020), Nxb Thống kê, Hà Nội.                                 

THE IMPACTS OF LAWS ON THE DEVELOPMENT OF

PRIVATE ECONOMIC SECTOR IN VIETNAM

SINCE THE COUNTRY’S ECONOMIC REFORM IN 1986

NGUYEN HUU TRINH 1

NGUYEN VAN TUAN 2

LE VAN TAN 3

PHAN DONG PHU 4

1 Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

2 Ben Tre City Party Committee

3 Cu Chi Homestay Cooperative

4 Association for Scientific Research on Southeast Asia - Vietnam

Abstract:

Since the economic reform in 1986, the private sector in Vietnam has significantly contributed to the country’s socio-economic development, such as: creating more jobs, contributing to the state budget, contributing to the country’s Gross Domestic Product and restructuring the national economy. This paper is to review the development of the private economy in Vietnam since the 6th National Congress of the Communist Party of Vietnam in 1986 in order to further clarify the relationship between the legal system and the economic development, especially the private sector development.

Keywords: private economy, after the economic reform, economic development, legal system.