Các điều ước quốc tế về chiến tranh và sự tham gia của Việt Nam

Các điều ước quốc tế về chiến tranh và sự tham gia của Việt Nam do ThS. Trần Thị Loan (Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện

TÓM TẮT:

Những xung đột vũ trang đang diễn biến phức tạp tại một số nơi trên thế giới, đòi hỏi các quốc gia tham chiến phải tuân thủ những quy định của các điều ước chiến tranh để giảm thiểu thiệt hại do chiến tranh gây ra. Bài viết nghiên cứu các điều ước quốc tế về chiến tranh kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập và sự tuân thủ của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước này trong bối cảnh hiện tại của đất nước.

Từ khóa: xung đột vũ trang, luật chiến tranh, luật nhân đạo quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Trong suốt lịch sử phát triển, thế giới đã và đang trải qua nhiều cuộc chiến tranh dẫn tới những hậu quả thảm khốc về sinh mạng, cũng như của cải vật chất. Do đó, các quốc gia trên thế giới đều mong muốn và đồng thuận rằng phải đặt ra các giới hạn của xung đột, bạo lực để giảm bớt những hậu quả của chiến tranh. Vì thế, các điều ước quốc tế về chiến tranh được ra đời với nỗ lực nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý về việc sử dụng vũ lực, cũng như đặt ra các nguyên tắc điều chỉnh hành vi của các bên tham chiến, đồng thời cũng hạn chế những phương pháp và phương tiện sử dụng trong chiến tranh.

Việt Nam là quốc gia đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước trong lịch sử. Nhận thức rõ về những hệ quả nghiêm trọng do các cuộc xung đột vũ trang gây ra, Việt Nam đã tham gia các Công ước Geneva 1949 về bảo vệ những người ngoài vòng chiến đấu, hoặc đã bị loại khỏi cuộc xung đột từ năm 1957, cùng nhiều điều ước quốc tế khác liên quan đến chiến tranh và luôn tôn trọng, tuân thủ các điều ước về chiến tranh mà Việt Nam là thành viên. Do pháp luật quốc tế điều chỉnh về chiến tranh gắn liền với diễn biến lịch sử của hòa bình và an ninh trên toàn thế giới, số lượng các điều ước quốc tế và các tập quán quốc tế liên quan đến vấn đề này không nhỏ. Bài viết này nghiên cứu trong phạm vi các điều ước quốc tế về chiến tranh kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập năm 1945 mà Việt Nam đã là thành viên của Điều ước đó.

2. Các điều ước quốc tế điều chỉnh về chiến tranh

Trong pháp luật quốc tế, chiến tranh được điều chỉnh ở hai khía cạnh. Thứ nhất là các quy định về tính hợp pháp của cuộc chiến tranh nhằm hạn chế chiến tranh xảy ra, thông qua những điều kiện mà nó đặt ra đối với các quốc gia muốn tiến hành chiến tranh. Thứ hai là các quy định điều chỉnh về hành vi của các bên tham chiến trong một cuộc xung đột vũ trang nhằm hạn chế các hậu quả không đáng có nếu có chiến tranh gây ra, bất kể cuộc chiến tranh đó có hợp pháp hay không.

- Về khía cạnh thứ nhất, tính hợp pháp của cuộc chiến tranh chủ yếu dựa trên một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất của luật Quốc tế, đó là nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực và các ngoại lệ của nguyên tắc này. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc này được quy định ở trong Hiến chương Liên hợp quốc. Năm 1945, Liên hợp quốc ra đời với mục đích quan trọng nhất là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như đã thông qua bản Hiến chương, trong đó có ghi nhận: “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc kiềm chế đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc” (Khoản 4 Điều 2)[1]. Tuy nhiên, qua thực tiễn của Liên hợp quốc, nghĩa vụ “kiềm chế” như trong quy định tại Hiến chương đã được chuyển hóa thành nghĩa vụ cấm và việc cấm sử dụng vụ lực cũng không chỉ bị hạn chế vào những mục đích chống lại “sự toàn vẹn lãnh thổ”, “độc lập chính trị” hoặc “trái với Mục đích của Liên hợp quốc” tại Điều 2(4). Như vậy, luật pháp quốc tế hiện nay cấm việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia với nhau [2].

Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, các quốc gia vẫn được phép sử dụng vũ lực. Trước hết là trong trường hợp một quốc gia thực hiện quyền tự vệ chính đáng. Theo Điều 51 của Hiến chương, nếu một quốc gia bị tấn công vũ trang, họ có thể thực hiện quyền tự vệ chính đáng trong khoảng thời gian từ khi bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra quyết định thực hiện các biện pháp để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những biện pháp mà các quốc gia áp dụng để bảo vệ quyền tự vệ chính đáng phải được báo ngay cho Hội đồng Bảo an và không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng Bảo an.

Bên cạnh đó, Hiến chương Liên hợp quốc cũng cho phép việc sử dụng vũ lực nếu được Hội đồng Bảo an thông qua. Theo đó, khi có mối đe dọa đến hòa bình, xâm phạm hòa bình và hành vi xâm lược thì Hội đồng Bảo an có quyền quyết định cho phép quốc gia áp dụng các biện pháp sử dụng vũ lực trong trường hợp nếu các biện pháp phi vũ lực đã thực hiện trước đó không có hiệu quả nhằm để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.

- Về khía cạnh thứ hai, khi có xung đột vũ trang xảy ra, luật pháp quốc tế có những quy định nhằm giảm thiểu thiệt hại do các cuộc xung đột gây ra hay nói cách khác nhằm hướng đến mục đích “nhân đạo hóa” các cuộc xung đột vũ trang. Ngành Luật chứa đựng các quy phạm này được được biết đến với tên gọi là Luật Nhân đạo quốc tế (hay còn gọi là Luật Chiến tranh, Luật Xung đột vũ trang). Trong đó, ngày luật này điều chỉnh điều chỉnh hành vi của các bên tham chiến cũng như điều chỉnh về các phương tiện, phương pháp tiến hành chiến tranh. Các điều ước quốc tế cơ bản và quan trọng của Luật Nhân đạo quốc tế là 4 Công ước Geneva năm 1949 và 2 Nghị định thư bổ sung với mục đích bảo vệ những người không trực tiếp tham gia hoặc không còn tham gia cuộc xung đột, bao gồm: binh lính của các bên tham chiến nhưng không còn khả năng tham chiến (thương binh, bệnh binh, tù binh) và dân thường. Cụ thể là:

Công ước Geneva (I) về bảo vệ những người bị thương và bị bệnh trong lực lượng vũ trang trên đất liền; Công ước Geneva (II) về bảo vệ những người bị thương, bị ốm, bị đắm tàu thuộc các lực lượng vũ trang trên biển; Công ước Geneva (III) về việc đối xử với tù binh; Công ước Geneva (IV) về bảo hộ thường dân trong thời gian chiến tranh;

Nghị định thư (I) về bảo vệ các nạn nhân trong các cuộc xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế năm 1977 đã khẳng định và nhấn mạnh thêm các quy định trong các Công ước Geneva năm 1949, đồng thời giải thích thêm một số vấn đề còn gây khó hiểu trong quá trình áp dụng luật và hình thành thêm những quy định mới để phù hợp sự phát triển của chiến tranh quốc tế hiện đại sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc[3].

 Nghị định thư (II) về bảo vệ các nạn nhân trong các cuộc xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế năm 1977 nhằm cung cấp bảo vệ tốt hơn cho các nạn nhân trong các cuộc xung đột vũ trang nội bộ diễn ra trong biên giới của một quốc gia.

Như vậy, 4 Công ước này và 2 Nghị định thư đã thiết lập các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về các quy tắc cư xử nhân đạo cho những người không được/không còn vũ trang trong chiến tranh. Còn đối với những người được vũ trang trong chiến tranh, luật pháp quốc tế có những nguyên tắc, quy phạm liên quan đến các phương tiện, phương thức chiến đấu để hạn chế những hậu quả nặng nề có thể xảy ra. Liên quan đến phương tiện, phương thức chiến đấu, có thể kể đến một số điều ước quốc tế như:

Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ các loại vũ khí vi trùng (sinh học) và vũ khí độc hại cũng như về sự hủy diệt của các loại vũ khí đó 1972;

Công ước về một số vũ khí thông thường 1980 là những loại vũ khí có thể gây nên số thương vong quá mức hoặc có thể gây ra những hậu quả không lường hết được bao gồm cùng với 5 Nghị định thư bổ sung [4];

Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí hóa học và về sự hủy diệt của chúng 1993.

Công ước về cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất và chuyển giao các loại mìn sát thương cá nhân và về sự hủy diệt của chúng 1977.

Ngoài ra, một số nội dung khác liên quan đến điều chỉnh hành vi của các bên tham chiến cũng được luật pháp quốc tế đề cập như: nội dung bảo vệ tài sản văn hóa trong tình huống xung đột vũ trang đã được quy định chi tiết trong Công ước La-hay 1954 và 2 Nghị định thư đi kèm; hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định trong các điều ước quốc tế về chiến tranh cũng sẽ bị xét xử theo Quy chế Rome năm 1998 về Tòa án Hình sự quốc tế. Quy chế Rome liệt kê các hành vi vi phạm nghiêm trọng xâm hại đến sự tồn tại của hòa bình nhân loại sẽ bị coi là tội phạm chiến tranh và phải chịu sự xét xử của Tòa án này (Điều 8).

Có thể thấy, mục đích cuối cùng của các điều ước quốc tế về chiến tranh hướng đến là hạn chế tối đa các xung đột vũ lực có thể xảy ra và giảm thiểu xuống mức thấp nhất những tổn thất về mọi mặt nếu có xung đột vũ lực. Kể từ khi Liên hợp quốc ra đời, Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế về chiến tranh khác đã giúp củng cố, duy trì an ninh và hòa bình trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hiệu quả thực thi của nhóm các điều ước quốc tế về chiến tranh còn thấp so với các điều ước thuộc các ngành luật quốc tế khác. Bởi hiện nay, các cuộc xung đột vũ trang vẫn xảy ra bất chấp các quy định về tính hợp pháp của cuộc xung đột vũ trang đó và vi phạm các quy định về phương tiện tiến hành xung đột, xảy ra nhiều mất mát, thiệt hại về tài sản và tính mạng con người, trong đó có nhiều người thuộc đối tượng cần được bảo vệ của các điều ước nhân đạo quốc tế. Ví dụ, thực tế đang diễn ra đó chính là trong cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina[5]. Vì vậy, việc nâng cao nghĩa vụ thực thi của các quốc gia đối với các điều ước quốc tế về chiến tranh trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang vẫn đang tiếp diễn trên khắp thế giới vẫn còn thực sự là một thách thức lớn. Nguyên nhân của sự yếu kém này một phần do những hạn chế của các quy định trong các điều ước quốc tế về chiến tranh trước những thách thức mới như sự xuất hiện của các phương tiện tác chiến từ xa hiện đại, hình thức chiến tranh mới như chiến tranh trên không gian mạng…[6] Ngoài ra, phần lớn phụ thuộc và chính thái độ chính trị của các quốc gia và các nhóm vũ trang. Để đảm bảo sự tuân thủ chặt chẽ các điều ước quốc tế về chiến tranh, đòi hỏi phải có sự quan tâm nhiều từ phía các cá nhân, các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước, các nhóm vũ trang hay thậm chí là tất cả mọi thành viên của xã hội.

3. Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc và thực hiện các điều ước quốc tế về chiến tranh

Lịch sử Việt Nam hiện đại đã trải 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Trong thời gian chiến tranh, với tư cách là thành viên của 4 Công ước Geneva năm 1949 từ năm 1957, Việt Nam đã tiến hành việc trao đổi thông tin, viện trợ thuốc men, vệ sinh nước sạch cho người bị thương, đối xử nhân đạo với tù binh, trao trả tù binh,… Năm 1977, Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều điều ước quốc tế về chiến tranh và các điều ước có liên quan khác, như: Công ước về Quyền Trẻ em 1989 và Nghị định thư không bắt buộc về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang 2000; Nghị định thư Geneva về khí độc và các phương pháp sinh học; Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ các loại vũ khí vi trùng (sinh học) và vũ khí độc hại cũng như về sự hủy diệt của các loại vũ khí đó 1972; Công ước về một số vũ khí thông thường (CCW) 1980; Công ước cấm vũ khí hóa học 1993; Hiệp ước cấm sử dụng vũ khí hạt nhân 2017;…

Thực thi nghĩa vụ thành viên của các điều ước quốc tế về chiến tranh, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của các điều ước. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của các công ước, Việt Nam cũng đã có cụ thể hóa một số quy định trong các điều ước quốc tế về chiến tranh vào pháp luật quốc gia. Điều này được thể hiện trong các quy định trong pháp luật hình sự. Các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế về chiến tranh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, điều đó tạo nên một cơ chế bảo đảm thực hiện và sự tôn trọng các điều ước quốc tế về chiến tranh của nước ta. Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015, việc nội luật hóa các quy định của các điều ước quốc tế về chiến tranh được thể hiện trong hai chương XXV về “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu” và chương XXVI về “Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh”.

Trong chương XXV với việc thể chế hóa nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với tù binh, Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 đã đưa ra chế tài đối với hành vi ngược đãi đối với tù binh, hàng binh, nếu vi phạm sẽ “bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm” (Điều 420). Để nâng cao trách nhiệm trong việc cứu giúp thương binh, thu lượm xác chết trong chiến tranh, Điều 417 đã quy định chế tài: “Người nào có trách nhiệm mà cố ý bỏ thương binh, tử sĩ tại trận địa hoặc không chăm sóc, cứu chữa thương binh dẫn đến không tìm thấy thương binh, tử sỹ hoặc thương binh bị chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm”.

Ngoài ra, hành vi chiếm đoạt di vật của tử sĩ cũng bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (Điều 417).

Như vậy, nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với tù binh được thể chế hóa rất cụ thể trong Luật Hình sự Việt Nam. Đặc biệt, trong chương XXVI, 3 nội dung rất quan trọng về chiến tranh và hòa bình được chi tiết hóa vào trong Luật Hình sự Việt Nam, đó là Tội chống loài người (Điều 422), Tội phạm chiến tranh (Điều 423), Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê (Điều 424); Tội làm lính đánh thuê (Điều 425) với các chế tài pháp lý rất nghiêm khắc.

Ngoài ra, cụ thể hóa Công ước Geneva 1949, các Nghị định thư bổ sung  năm 1977 về hoạt động Chữ thập đỏ, đảm bảo các hoạt động đó tôn trọng các nguyên tắc của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Việt Nam đã ban hành Luật Hoạt động Chữ thập đỏ 2008 khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam đối với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trong việc thực thi các điều ước mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy tiến trình mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo kể cả ở trong nước và ngoài nước[7]. Trong Luật, hoạt động Chữ thập đỏ cũng đã quy định vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đó là “nhiệm vụ tuyên truyền giá trị nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ” (Điều 2).

4. Kết luận

 Trước những thách thức toàn cầu nhân loại đang phải đối mặt như các cuộc xung đột kéo dài, gia tăng và bất chấp các quy định của các điều ước quốc tế về chiến tranh là những vấn đề cực kỳ phức tạp, các quốc gia không thể tự mình đối phó được mà cần phải có sự hợp tác cùng nhau thông qua hệ thống pháp luật quốc tế để bảo toàn những giá trị hòa bình của nhân loại. Việc tuân thủ các điều ước quốc tế về chiến tranh, đảm bảo rằng các điều khoản của các điều ước này được thực hiện một cách trung thực và đi đến mục tiêu: hạn chế những rủi ro không đáng có do các cuộc xung đột vũ trang gây ra sẽ đóng vai trò cốt lõi để giải quyết những cuộc xung đột trên thế giới hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

  1. Hiến chương Liên hợp quốc (United Nations Charter) (1945). https://www.un.org/en/about-us/un-charter/full-text.
  2. Trần Hữu Duy Minh (2023). Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, https://iuscogens-vie.org
  3. Nguyễn Phương Nhung, (2015). Bảo vệ quyền con người trong bốn công ước Geneva, Luận văn thạc sỹ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  4. Nghị định thư I về những mảnh vỡ không phát hiện được 1980; Nghị định thư II về cấm hoặc hạn chế sử dụng mìn, bẫy chông hoặc các loại vũ khí khác 1980; Nghị định thư III về việc cấm hoặc hạn chế sử dụng những vũ khí gây cháy 1980, Nghị định thư liên quan tới các loại vũ khí la-de gây mù mắt (Nghị định thư IV mới của Công ước 1980) 1995, Nghị định thư về cấm hoặc hạn chế sử dụng mìn, bẫy chông và các loại vũ khí khác 1996 (Nghị định thư II được sửa đổi đối với Công ước năm 1980).
  5. Cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành cuộc chiến tàn khốc nhất ở châu Âu kể từ sau chiến tranh lạnh, với gần 19.000 dân thường đã thiệt mạng và bị thương. Gần 13 triệu người, tức hơn 1/3 dân số Ukraine phải rời bỏ nhà cửa. Ukraine cũng đã mất quyền kiểm soát một dải bờ biển, trong khi nền kinh tế bị tê liệt. Ngân hàng thế giới ước tính, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã tàn phá nền kinh tế Ukraine, khiến quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bị thu hẹp 1/3, với thiệt hại lên tới 350 tỷ USD. Nguồn: Báo Điện tử VTV News, Tròn 1 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine chịu thiệt hại nặng nề, https://vtv.vn/the-gioi/tron-1-nam-nga-phat-dong-chien-dich-quan-su-dac-biet-ukraine-chiu-thiet-hai-nang-ne-2023022400202814.htm
  6. Vũ Công Giao, Nguyễn Anh Đức, (2020). Sự phát triển và những vấn đề đang đặt ra với Luật nhân đạo quốc tế, Tạp chí Pháp luật về Quyền con người, số 4.
  7. Thu Hương (2019). 70 năm ra đời Công ước Geneva 1949, https://chuthapdophutho.org.vn/phong-trao-quoc-te/70-nam-ra-doi-cong-uoc-geneva-1949-1360.html

INTERNATIONAL TREATIES

ON WAR AND THE COMPLIANCE

OF VIETNAM WITH THESE TREATIES

• Master. TRAN THI LOAN

Institute of State and Law, Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Armed conflicts are becoming complicated in some parts of the world, requiring warring countries to comply with the provisions of war treaties to minimize damage. This paper presents and analyzes international treaties on war since the United Nations was established and Vietnam's compliance with the implementation of these treaties in the current context.

Keywords: armed conflict, the Law of War, international humanitarian law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]

Tạp chí Công Thương