TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), xác định các nhân tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm gia tăng chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM. Trong bối cảnh hiện nay, nghiên cứu và làm rõ vấn đề này là việc làm thực sự cần thiết. 

Từ khóa: Thông tin kế toán, doanh nghiệp xây dựng, chất lượng thông tin, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Giới thiệu

Trong thời đại công nghiệp 4.0, Kế toán không chỉ là người ghi chép các thông tin tài chính và lên báo cáo, mà còn có vai trò quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Một đơn vị muốn phát triển hay muốn tồn tại vững mạnh không thể thiếu một hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả, kiểm soát được mọi hoạt động trong doanh nghiệp. Để làm được điều đó, thông tin kế toán phải được luân chuyển đầy đủ, kịp thời. Hệ thống thông tin kế toán (AIS) chặt chẽ giúp ngăn chặn những gian lận và sai sót một cách hiệu quả, là một phần không thể thiếu trong quản trị nội bộ doanh nghiệp. Chính vì lý do trên, nhóm tác giả đã nghiên cứu đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM”. Đây là một nghiên cứu cần thiết xác định các nhân tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM, từ đó giúp cho các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM có  tầm nhìn tổng quát về mô hình để đưa ra những giải pháp thích hợp.

2. Cơ sở lý thuyết

Theo nghiên cứu của tác giả Heidi Vander Bauwhede (2001) với đề tài nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán, các công ty niêm yết tại châu Âu khoảng thời gian trước khi thông qua kế hoạch hành động và khuyến nghị của Liên minh châu Âu, thông qua việc kiểm tra các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ công bố. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng một số các nhân tố, như: Quyết định của nhà quản lí đối với công tác kế toán, kiểm soát nội bộ và thông tin chất lượng cao có liên quan về cấu trúc vốn và kiểm soát để thực hiện quyền quản trị công ty, kiểm toán độc lập. Những nhân tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng báo cáo tài chính cũng như đưa ra quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp định lượng, cụ thể là mô hình hồi quy tuyến tính.

Tác giả Maria Consuelo Pucheta - Martinez & Cristina De Fuentes (2007) đã có đề tài nghiên cứu về “Tác động các đặc điểm của Ủy ban Kiểm toán đối với việc nâng cao chất lượng thông tin kế toán” tại Tây Ban Nha,  mục đích nhằm phân tích mối quan hệ giữa khả năng công ty sẽ nhận được báo cáo kiểm toán đủ điều kiện (như một thước đo chất lượng thông tin tài chính) và sự tồn tại, đặc điểm của Uy ban Kiểm toán (AC). Các công ty niêm yết đã tự nguyện tạo ra một AC trong giai đoạn sau khi xuất bản năm 1998 của Bộ Luật doanh nghiệp Tây Ban Nha. Tác giả đã sử dụng phương pháp hồi quy Logistic để kiểm tra mối quan hệ giữa trình độ báo cáo kiểm toán và các biến được xác định, một số nhân tố được xác định, gồm: Quy mô của doanh nghiệp; Danh tiếng của doanh nghiệp; Nhiệm kì kiểm toán; Sức mạnh thương lượng của khách hàng; Đòn bẩy; Nhà quản lí; Báo cáo kiểm toán của năm trước; Tập trung quyền sở hữu.

Theo nghiên cứu của Zsuzsanna Tóth (2012) với đề tài “the Current  Role  of accounting information systems”, tác giả khẳng định: xử lý thông tin kế toán là một trong những yếu tố quan trọng nhất của quá trình tiền quyết định.Tức là quá trình quyết định của các nhà quản lý, trong đó AIS là khung của các hoạt động kế toán trong thực tiễn. AIS có vai trò quan trọng trong  việc ra  quyết định của nhà quản lý, giúp nhà quản lý xây dựng hệ thống quản trị chi phí và báo cáo kiểm soát. Bài viết phân tích về vai trò của AIS đối với việc ra quyết định của nhà quản trị; Vai  trò của tin học trong sự phát triển của AIS.

Theo nghiên cứu của Đặng Thị Kiều Hoa (2016) nghiên cứu về “Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) của Doanh nghiệp vừa và nhỏ - Bằng chứng thực nghiệm tại các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP. HCM”,tác giả đưa vào phân tích các nhân tố: Quy định về Thuế; Quy mô công ty; Người lập BCTC; Tổ chức kiểm toán; Quyết định của nhà quản trị; Các quy định pháp lí về kế toán. Để xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến BCTC trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP. HCM, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu: Định lượng (sử dụng mô hình SPSS 22.0) và định tính (xây dựng bảng khảo sát). Kết quả cho thấy, có 4 nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng BCTC, là: Quy định về thuế, quy mô công ty, người lập BCTC, các quy định pháp lý về kế toán.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu của đề tài là phương pháp hỗn hợp, bao gồm phương pháp định tính và định lượng.

Phần nghiên cứu định tính sẽ được sử dụng để xác định các nhân tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM; Xây dựng, hoàn thiện thang đo chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM và thang đo các nhân tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM. Nghiên cứu này được thực hiện bằng nghiên cứu tình huống với công cụ được sử dụng là thảo luận tay đôi và thảo luận nhóm.   Đối tượng tham gia là nhà đầu tư, đồng thời đảm trách công việc quản lý kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quản lý công nghệ thông tin, lãnh đạo, kiểm toán tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có các giảng viên đại học tại khoa kế toán của các trường đại học tại TP.HCM có kinh nghiệm nghiên cứu và chuyên môn về kế toán.

Phần nghiên cứu định lượng sẽ giúp đo lường chất lượng thông tin kế toán và các nhân tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán; Kiểm định tác động của các nhân tố đến chất lượng thông tin kế toán thông qua các phép kiểm định thích hợp; Đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến chất lượng thông tin kế toán bằng mô hình hồi qui; Tìm hiểu sự khác biệt về mức độ tác động của các nhân tố đến chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Kết quả nghiên cứu

Trong phạm vi bài nghiên cứu, tác giả đã tổng hợp và phân tích các quan điểm về các đặc tính chất lượng của các tổ chức nghề nghiệp khác nhau, từ đó rút ra các đặc tính chất lượng, thông tin phù hợp với các công ty xây dựng trên địa bàn TP. HCM để đưa vào nghiên cứu. Dựa trên cơ sở các nghiên cứu trong nước và nước ngoài có liên quan, cùng với phương pháp thảo luận với các chuyên gia để đưa ra các nhân tố phù hợp đối tượng được nghiên cứu, có 6 nhân tố được đưa vào để nghiên cứu sự ảnh hưởng tới chất lượng hệ thống thông tin kế toán tại công ty xây dựng trên địa bàn TP. HCM.

Kết quả kiểm tra độ tin cậy thông qua hệ số Cronbach’s alpha cho thấy 29 biến quan sát của thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM đạt yêu cầu sẽ được đưa vào phân tích nhân tố EFA.

Kết quả kiểm định Barlett cho thấy giữa các biến trong tổng thể có mối tương quan với nhau (sig = 0,000 < 0,05 bác bỏ H0, nhận H1). Đồng thời, hệ số KMO = 0,886> 0,5, chứng tỏ phân tích nhân tố để nhóm các biến lại với nhau là thích hợp và dữ liệu phù hợp cho việc phân tích nhân tố.

Phương sai trích đạt 61,120% (>50%). Hệ số tải nhân tố (factor loading) của các biến đều đạt yêu cầu (>0,5). Đây cũng là lần phân tích nhân tố cuối cùng và 28 biến này được xem xét kết quả rút trích nhân tố ở các bước tiếp theo. Kết quả cho thấy, theo tiêu chuẩn Eigenvalue >1 thì có 6 nhân tố được rút ra và 6 nhân tố này sẽ giải thích được 61,120% biến thiên của dữ liệu. Phương pháp trích nhân tố chính, phép xoay varimax để xoay nhân tố: xoay nguyên góc nhân tố để tối thiểu hóa số lượng biến có hệ số lớn tại cùng một nhân tố, vì vậy sẽ tăng cường khả năng giải thích nhân tố. Cả 6 nhân tố này đều có ảnh hưởng tỷ lệ thuận đến chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM

4.2. Phân tích mô hình hồi quy tuyến tính

Căn cứ mô hình điều chỉnh đã được hiệu chỉnh sau khi phân tích nhân tố khám phá, mô hình hồi quy tuyến tính bội được thể hiện như sau:

Y= β0 + β1*SCK + β2*TDNL + β3*HLDT + β4*CLDL + β5*HQPM + β6* KTSD + ε

Bảng 1: Thông số thống kê trong mô hình hồi quy

thong-so-thong-ke-trong-mo-hinh-hoi-quy

 Nguồn: Phân tích dữ liệu.

Bbảng thông số thống kê trong mô hình hồi quy, khi xét tstat và tα/2 của các biến để đo độ tin cậy  gồm 6 biến: Sự cam kết hỗ trợ của nhà quản lý; Trình độ năng lực kiến thức kế toán nhà quản lý; Huấn luyện và đào tạo; Chất lượng dữ liệu; Hiệu quả của phần mềm và các trình ứng dụng kế toán; Kiến thức sử dụng công nghệ HTTTKT của NQL. Tất cả các biến đều đạt yêu cầu do  tstat > tα/2(6, 299) = 1,967 (nhỏ nhất là 4,888) và các giá trị Sig. thể hiện độ tin cậy khá cao, đều < 0,05 (lớn nhất là 0,000). Ngoài ra, hệ số VIF của các hệ số Beta đều nhỏ hơn 10 (lớn nhất là 1,614) và hệ số Tolerance  đều  > 0,5 (nhỏ nhất là 0,620) cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra (Hoàng Trọng  - Mộng Ngọc, 2008). Mặt khác, mức ý nghĩa kiểm định 2 phía giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc đều thỏa điều kiện (Sig. 2-tailed = 0,000 < 0,05).

Phương trình hồi quy bội được thể hiện dưới dạng sau:

Y= 0,294*HLDT + 0,249*CLDL + 0,252*KTSD + 0,181*TDNL + 0,175*HQPM  + 0,148*SCK

Bảng 2. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến

danh-gia-muc-do-phu-hop-cua-mo-hinh-hoi-quy-tuyen-tinh-da-bien

Nguồn: Phân tích dữ liệu.

Bảng đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến cho thấy, giá trị hệ số tương quan là 0,859>0,5. Do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập.

Hệ số xác định của mô hình hồi quy R2 điều chỉnh là 0,738. Điều này cho biết khoảng 73,8% sự biến thiên các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, có thể giải thích được từ mối quan hệ tuyến tính giữa biến Y với các biến độc lập.

5. Kết luận

Việc xây dựng mô hình “Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM” được dựa trên các nghiên cứu định tính và định lượng đã cho kết quả: Nghiên cứu Huấn luyện và đào tạo là quan trọng nhất trong mô hình hồi quy;Tthứ tự tiếp theo là Chất lượng dữ liệu đứng vị trí quan trọng thứ hai; Kiến thức sử dụng công nghệ hệ thống thông tin kế toán đứng vị trí quan trọng thứ ba; Trình độ năng lực kiến thức kế toán nhà quản lý đứng vị trí quan trọng thứ tư; Hiệu quả của phần mềm và các trình ứng dụng kế toán đứng vị trí quan trọng thứ năm và cuối cùng là Sự cam kết hỗ trợ của nhà quản lý.

6. Hàm ý quản trị nhằm gia tăng chất lượng thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng TP. HCM

6.1. Huấn luyện nhân viên

Nhân viên được tham gia các khóa huấn luyện cần thiết để làm việc hiệu quả hơn, qua đó xác định lại chiến lược và mục tiêu kinh doanh. Nhân viên được huấn luyện và đào tạo cách nhìn nhận lạc quan về tiềm năng phát triển và thành công trong công ty thông qua việc nhìn nhận giá trị của doanh nghiệp như; Giá trị đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, cách thức hoạt động của hệ thống, kỹ năng cần thiết và trách nhiệm của nhân viên trong việc thực hiện và an toàn hệ thống, các kỹ năng cần thiết hiện tại và tương lai, những bằng cấp, thành tích chứng tỏ việc thích hợp với công việc và sự phấn đấu của nhân viên.

Công ty nên đầu tư vào nhân viên có công việc và cơ hội chuẩn bị cho sự thăng tiến qua các chương trình huấn luyện và phát triển sử dụng hệ thống thông tin kế toán là những người tạo dữ liệu và lấy dữ liệu, giám sát, kiểm tra thông tin kế toán. Cụ thể:  Quản lý các bộ phận, kế toán trưởng sẽ đưa ra các chính sách quản lý của bộ phận, xét duyệt thủ công, xét duyệt giám sát nghiệp vụ trên hệ thống; Nhân viên bộ phận chức năng kinh doanh sẽ đưa các dữ liệu về hoạt động kinh doanh theo qui trình xử lý kinh doanh; Nhân viên kế toán thực hiện các thao tác và đưa các dữ liệu liên quan tới chi phí dịch vụ hay giá trị tài sản liên quan nghiệp vụ kinh tế, các  ước tính kế toán cuối kỳ như khấu hao, phân bổ hay lập dự phòng...

6.2. Chất lượng dữ liệu

Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đòi hỏi việc nâng cao chất lượng thông tin kế toán trong hoạt động của doanh nghiệp và áp dụng chính sách bảo mật dữ liệu thông tin kế toán luôn ở mức cao. Thực tế cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp cần tập trung vào một số nội dung : Ghi nhận thông tin rõ ràng, có ý nghĩa, đáng tin cậy và nhất quán, tiếp tục hoàn thiện và hướng dẫn chi tiết thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán. Cơ quan quản lý phải có hướng dẫn chi tiết, thông tin dễ hiểu, hữu ích, phù hợp nhu cầu thông tin người sử dụng về những quy định trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, đồng thời phải đảm bảo tính thống nhất giữa Nghị định của Chính phủ và chuẩn mực đạo đức  nghề nghiệp.

Ngoài ra, hệ thống chuẩn mực kế toán và chuẩn đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán phải tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc  tế. Tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện theo nguyên tắc coi trọng nội dung bản chất hơn hình thức trong việc hướng dẫn ghi nhận và trình bày thông tin kế toán. Tại thời điểm hiện tại, Luật Kế toán cũng quy định rõ, việc lập và trình bày báo cáo tài chính phải bảo đảm phản ánh đúng bản chất của giao dịch hơn là hình thức, tên gọi của giao dịch. Nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kế toán để đáp ứng được các quy định của pháp luật nói chung và gắn liền với việc nâng cao chất lượng thông tin kế toán nói riêng. Khuyến khích kế toán viên nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức theo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Nghiên cứu hoàn thiện công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán trong tình hình hiện nay, như chủ động cập nhật kiến thức trong chương trình đào tạo kế toán tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp theo những thay đổi của chuẩn mực kế toán quốc tế.

6.3. Trình độ, năng lực, kiến thức kế toán nhà quản lý

Nhân tố này được đo lường qua việc nhà quản lý cấp cao có kiến thức về lĩnh vực kế toán, am hiểu kế toán tài chính, có tầm nhìn và khả năng hoạch định đúng các chỉ tiêu kết quả cần đạt được cho các bộ phận thông tin kế toán, khả năng xét duyệt, lựa chọn đúng giải pháp thông tin kế toán, hoạt động hỗ trợ và phản ứng kịp thời với các chống đối thay đổi của nhân viên. Mục tiêu kiểm soát nhân tố nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng được các chính sách quản lý nguồn lực thông tin kế toán, tư vấn và lựa chọn đúng giải pháp để đáp ứng yêu cầu quản lý thông tin kế toán, yêu cầu cho việc thực hiện kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tuân thủ với luật pháp. Rủi ro lớn nhất là nhà quản lý không đủ năng lực, ý thức về trách nhiệm và hành động để điều hành, xét duyệt lựa chọn đúng giải pháp hệ thống thông tin kế toán trong việc triển khai tại các doanh nghiệp xây dựng. Để giúp giảm các sai sót trong quyết định, nhà quản lý nên đặc biệt chú ý  đặc thù ngành nghề của công ty xây dựng, cần chú trọng tới hoạt động giám sát của kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập về từng giai đoạn phát triển hệ thống đặc thù ngành xây dựng. 

6.4. Hiệu quả của phần mềm và các trình ứng dụng kế toán

Hiệu quả của phần mềm kế toán được đánh giá chủ yếu qua việc tích hợp hệ thống, tạo điều kiện cho sự kết hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ các quyết định kinh doanh. Tiếp theo là thời gian đáp ứng của hệ thống cung cấp các phản ứng nhanh chóng, kịp thời để yêu cầu thông tin hoặc hành động nhằm đảm bảo đáp ứng được yêu cầu xử lý kinh doanh và cung cấp thông tin và đảm bảo kiểm soát quá trình nhập liệu. Quá trình sử dụng hệ thống phải linh hoạt, có thể thích ứng với thay đổi điều kiện và nhu cầu sử dụng khác nhau của các công ty xây dựng thuộc địa bàn TP. HCM. Thực tế hiện nay, có rất nhiều nhà cung cấp và các giải pháp khác nhau với nhiều mức giá phù hợp với yêu cầu loại hình hoạt động và qui mô doanh nghiệp khác nhau nhưng đa phần các doanh nghiệp đã tạm hài lòng với phần mềm ứng dụng kế toán mà họ lựa chọn.

6.5. Sự cam kết hỗ trợ của nhà quản lý cấp cao

Sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của dự án hệ thống thông tin kế toán, ban lãnh đạo phải xác định mục tiêu chiến lược, tầm nhìn phát triển phù hợp với phát triển doanh nghiệp. Quản lý cấp cao cam kết học hỏi, tìm hiểu, đổi mới quy trình quản lý để có thể thực hiện quản lý chất lượng thông tin kế toán tại các công ty xây dựng. Dự án hệ thống thông tin kế toán cần phải được định hướng từ trên xuống dưới, cần có người từ đội ngũ lãnh đạo tham gia chỉ đạo, hỗ trợ hàng ngày. Nhà quản lý cấp cao phải trực tiếp theo dõi, giải quyết xung đột, bất đồng, tranh chấp giữa các bộ phận trong quá trình ứng dụng hệ thống tại công ty. Việc giải quyết mâu thuẫn, hay đơn giản là sự không thống nhất quan điểm có thể nảy sinh bất cứ lúc nào giữa thành viên công ty, nhất là trong giai đoạn thiết kế giải pháp và giai đoạn nghiệm thu các dự án xây dựng. Đó là lúc cần sự dung hòa cũng như sự quyết đoán của lãnh đạo. Các cấp lãnh đạo cao nhất phải đảm bảo mục tiêu của dự án xây dựng phù hợp với mục tiêu chiến lược của công ty.

Sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo sẽ là người dẫn dắt, hướng dẫn các quy trình làm việc để đảm bảo tất cả phải tập trung vào những thành phần chính trong hệ thống, từ đó hỗ trợ hoạt động triển khai hệ thống thông tin kế toán, dẫn dắt để đạt được giá trị cho nguồn lực đầu tư, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Nguyễn Đăng Huy (2011), “Tổ chức công tác kế toán trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam”.
  3. Nguyễn Mạnh Toàn, Huỳnh Thị Hồng Hạnh (2011) - Hệ thống thông tin kế toán - Nhà xuất bản Tài Chính.
  4. Đoàn Xuân Tiên và tập thể giảng viên Học viện Tài vhính (2012) “Tổ chức thông tin kế toán quản trị tư vấn cho các tình huống quyết định ngắn hạn trong các doanh nghiệp”.
  5. Nguyễn Đình Thọ (2013), Giáo trình Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Nhà xuất bản Tài chính.
  6. Nguyễn Tấn Quang Vinh, Báo cáo Ngành Xây dựng 2015.
  7. Đặng Thị Kiều Hoa (2016), “Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính của Doanh nghiệp vừa và nhỏ – Bằng chức thực nghiệm tại các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP. HCM”.
  8. Bộ Tài chính, Thông tư 53/2006/TT-BTC, Hướng dẫn áp dụng chế độ kế toán quản trị trong doanh hiệp, ngày 12/6/2006.
  9. Amy Fontinelle “Introduction to accounting information systems”.
  10. António Trigo, Fernando Belfo, Raquel Pérez Estébanez (2014) “Accounting Information Systems: The Challenge of the Real-Time Reporting” - CENTERIS 2014 - Conference on ENTERprise Information Systems / ProjMAN 2014; - International Conference on Project MANagement/ HCIST 2014 - International Conference on Health and Social Care Information Systems and Technologies.
  11. Gilbert Manda “Accounting as an information system”.
  12. Leslie W.Weisenfeld and Larry N. Killough (2001) “One company’s experience with Acounting Information Systerm changes- An analysis of managers’ satisfaction”
  13. Mahdi Salehi (2010) “Usefulness of Accounting Information System in Emerging Economy: Empirical Evidence of Iran”
  14. Mohamed H. Abdelazim (2005) “The role of Accounting Information in organizations’ Strategic management” - Joumal of Economic and Administrative Sciences Vol 21, 1-41.

 

AFFECTING THE QUALITY OF ACCOUNTING INFORMATION IN CONSTRUCTION ENTERPRISES IN HO CHI MINH CITY

 Master. NGUYEN THANH BINH
Faculty of Accounting and Auditing,
Industrial University of Ho Chi Minh City
Master. NGUYEN ANH KIET
Master. LE THI BICH

ABSTRACT:

The study aims to learn about the factors that affect the quality of accounting information in construction enterprises in Ho Chi Minh City, identify the factors of cooperation, addressing the quality of accounting information in Ho Chi Minh City construction enterprises, thereby offering solutions to increase the quality of accounting information in Ho Chi Minh City construction enterprises is a issues that need to be implemented and make sense in the current context.

Keywords: Accounting information, construction enterprises, quality, Ho Chi Minh City.