Các nhân tố ảnh hưởng đến đổi mới phương pháp học tập trong bối cảnh áp dụng công nghệ mới tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam

ThS. Trần Thị Hồng Vân - SV Nguyễn Thị Phương Anh - Đỗ Thị Nhàn - Lương Thị Trang Nhung - Phan Thị Thương (Khoa Kế toán -  Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến đổi mới phương pháp học tập của sinh viên trong bối cảnh áp dụng công nghệ mới tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị phù hợp với điều kiện hiện nay. Nghiên cứu được tiến hành khảo sát trên 511 sinh viên (SV) tại các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong nước. Từ đó, nghiên cứu phân tích, đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến đổi mới phương pháp học tập (PPHT) trong bối cảnh áp dụng công nghệ mới (CNM) tại các cơ sở GDĐH Việt Nam. Kết quả cho thấy Sự quan tâm, hỗ trợ từ nhà trường có tác động lớn đến đổi mới PPHT. Bên cạnh đó, các nhân tố như Động lực học tập, Nhận thức của SV và Môi trường học tập đều có tác động đến đổi mới PPHT của SV tại các cơ sở GDĐH Việt Nam trong bối cảnh áp dụng CNM.

Từ khóa: đổi mới phương pháp học tập, sinh viên, công nghệ mới.

1. Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, giáo dục Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước đổi mới không ngừng để bắt kịp xu hướng hội nhập. Đặc biệt trong thời đại số, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ với những ứng dụng vượt bậc của các nền tảng, đòi hỏi SV phải thích ứng nhanh, nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt kết hợp PPHT truyền thống với PPHT mới. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến toàn hệ thống giáo dục. Việc tìm kiếm PPHT phù hợp để nâng cao chất lượng GDĐH tại Việt Nam đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các cơ quan quản lý giáo dục. Vì vậy, nâng cao hiệu quả đổi mới PPHT cho SV trong bối cảnh hiện nay đang được các cơ sở GDĐH cũng như cả xã hội quan tâm và cần thiết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến đổi mới PPHT cho SV để đưa ra các giải pháp, khuyến nghị phù hợp với bối cảnh áp dụng CNM tại các cơ sở GDĐH Việt Nam.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng. Phương pháp nghiên cứu định tính gồm: nghiên cứu các ý tưởng, xác định các nhân tố ảnh hưởng đến đổi mới PPHT trong bối cảnh áp dụng CNM tại các cơ sở GDĐH Việt Nam; kiểm tra mô hình và thang đo; bổ sung và điều chỉnh thang đo sơ bộ. Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng để thực hiện kiểm định mô hình nghiên cứu. Sau khi thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua khảo sát 511 SV, nhóm tác giả tiến hành xử lý kết quả, phân tích định lượng với sự hỗ trợ của chương trình phần mềm SPSS, bao gồm: Thống kê mô tả, Kiểm định độ tin cậy thang đo, Phân tích nhân tố khám phá (EFA), Phân tích tương quan Pearson, Phân tích hồi quy đa biến.

2.2. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực trạng về đổi mới PPHT của SV, nhóm tác giả xây dựng và đề xuất mô hình nghiên cứu về “Các nhân tố ảnh hưởng đến đổi mới PPHT trong bối cảnh áp dụng CNM tại các cơ sở GDĐH Việt Nam” gồm 4 biến độc lập: Môi trường học tập, Động lực học tập, Nhận thức của sinh viên, Sự quan tâm, hỗ trợ từ nhà trường và 1 biến phụ thuộc: Đổi mới phương pháp học tập trong bối cảnh áp dụng công nghệ mới. (Hình 1)

Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert từ 1 tới 5 tương ứng với mức độ từ hoàn toàn không đồng ý tới hoàn toàn đồng ý cho các biến độc lập và biến phụ thuộc.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kiểm định và đánh giá thang đo

Kết quả thống kê mô tả các nhân tố cho thấy, các biến quan sát đều có “Mean” cao thể hiện kết quả nghiêng về sự đồng ý của người trả lời.

Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha của 5 thang đo được tổng hợp như bảng sau:

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo

STT

Mã hóa

Thang đo

Số biến quan sát

Hệ số Cronbach’s Alpha

1

MT

Môi trường học tập

5

0.852

2

DL

Động lực học tập

4

0.826

3

NT

Nhận thức của sinh viên

6

0.875

4

QT

Sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà trường

6

0.910

5

PP

Đổi mới PPHT trong bối cảnh áp dụng CNM

4

0.862

Nguồn: Kết quả tổng hợp phân tích dữ liệu từ SPSS

Kết quả cho thấy, 5 nhân tố đều có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0.6 và hệ số tương quan biến tổng >0.3 nên thang đo phù hợp và đạt độ tin cậy.

Thông qua kiểm định nhân tố khám phá EFA, kết quả KMO and Bartlett's Test cho thấy: hệ số KMO = 0.842 > 0.5, hệ số Sig = 0.000 < 0.05. Kết quả tổng phương sai trích chỉ số Total Initial Eigenvalues (1.473) > 1; tổng phương sai trích (Cumulative Extraction Sums of Squared Loadings) đạt 68.451% tổng biến thiên của mẫu khảo sát, 4 nhân tố được rút trích ra giải thích được 68.451% của dữ liệu.

Sau khi thực hiện kỹ thuật EFA, 21 biến quan sát đã hội tụ thành 4 nhóm: nhóm nhân tố về Sự quan tâm, hỗ trợ từ nhà trường (QT3, QT2, QT4, QT1, QT5, QT6), Nhận thức của SV (NT1, NT2, NT5, NT4, NT3, NT6), Động lực học tập (DL2, DL3, DL1, DL4), Môi trường học tập (MT2, MT1, MT5, MT4, MT3) đã được hội tụ thành 4 nhóm theo 4 nhân tố.

3.2. Phân tích tương quan và hồi quy

Phân tích tương quan giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc cho thấy, các biến độc lập và biến phụ thuộc có mối quan hệ tương quan đáng kể với nhau (Sig<0.05). Tuy nhiên sẽ xem xét thêm đến đa cộng tuyến trong phần hồi quy. Kết quả phân tích hồi quy được trình bày trong Bảng 2:

Bảng 2. Phân tích kết quả hồi quy

Coefficientsa

Model

Unstandardized Coefficients

Standardized Coefficients

t

Sig.

Collinearity Statistics

B

Std. Error

Beta

Tolerance

VIF

1

(Constant)

1.105

.150

 

7.380

.000

 

 

MT

.020

.032

.023

.606

.000

.631

1.585

DL

.191

.028

.228

6.799

.000

.831

1.203

NT

.154

.029

.182

5.388

.000

.823

1.215

QT

.402

.032

.504

12.585

.000

.585

1.711

a. Dependent Variable: PP

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu từ SPSS

Kết quả chạy hồi quy cho thấy, hệ số xác định R2 hiệu chỉnh = 0.521, trị số Durbin-Watson = 1.699 nên không có hiện tượng tự tương quan. Ở bảng ANOVA kiểm định F cho thấy mức ý nghĩa Sig = 0.000 < 0.05. Như vậy, mô hình hồi quy phù hợp, các biến độc lập trong mô hình giải thích được 52,1% phương sai của biến đổi mới PPHT trong bối cảnh áp dụng CNM. Còn lại 47,9% là do sự tác động của các yếu tố khác ngoài mô hình.

Các biến độc lập điều có VIF < 2, không có hiện tượng đa cộng tuyến. Các biến MT, DL, NT, QT đã ảnh hưởng đến PP do có mức ý nghĩa < 0.05.

Phương trình hồi quy chuẩn hóa:

PP = 0.023MT + 0.229DL + 0.187NT + 0.520QT + ei.

Qua kết quả phân tích, nghiên cứu đã xác định được 4 nhân tố ảnh hưởng đến đổi mới PPHT trong bối cảnh áp dụng CNM. (i) Biến QT - Sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà trường có sự tác động mạnh nhất do có hệ số βQT= 0.504. (ii) Biến DL - Động lực học tập của SV có hệ số βDL = 0.228; (iii) Biến NT - Nhận thức của SV với βNT = 0.182; (iv) Biến MT - Môi trường học tập với βMT = 0.023. Các biến này tác động cùng chiều tới biến phụ thuộc PP khi hệ số của β dương.

4. Khuyến nghị

Từ kết quả nghiên cứu xác định được các nhân tố ảnh hưởng, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả đổi mới PPHT của SV trong bối cảnh hiện nay:

Một là, tăng cường sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà trường: nhà trường cần có những mục tiêu chiến lược, tầm nhìn để có thể định hướng và phát triển người học, cần có chính sách khuyến khích SV ứng dụng các PPHT áp dụng CNM vào quá trình học. Nhà trường nên lắng nghe, chia sẻ, giải đáp, thấu hiểu SV nhiều hơn. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho SV; tổ chức các hoạt động giao lưu ngoài giờ lên lớp để SV trau dồi thêm kỹ năng. Các cơ sở GDĐH cũng nên thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về đổi mới PPHT, về khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho SV tiếp cận gần nhất với các CNM.

Hai là, thúc đẩy động lực học tập của SV. Để thúc đẩy động lực học tập thì bản thân SV phải ý thức và tự tạo động lực học tập cho mình. SV phải có đủ nghị lực, quyết tâm cao, tập trung sức lực để vượt qua những khó khăn trong việc học tập của mình. Bên cạnh đó, giảng viên cũng nên có biện pháp để thúc đẩy động lực học tập cho SV.

Ba là, nâng cao nhận thức về quá trình học và định hướng học tập của SV. Trong quá trình học, SV cần phải biết sắp xếp thời gian biểu phù hợp với khả năng thích ứng của bản thân; cần chủ động trong việc học, tập thích ứng tốt với môi trường học tập ở đại học: xác định trước mục tiêu học tập và có thái độ cầu tiến. SV phải luôn biết tìm kiếm cơ hội để phát triển những kỹ năng, kiến thức mới, làm quen và tích cực tiếp cận những PPHT mới áp dụng công nghệ để nâng cao trình độ, cách giải quyết vấn đề và thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận thông tin của bản thân.

Bốn là, xây dựng môi trường học tập thuận lợi, lành mạnh. Để SV có hứng thú học tập hiệu quả, Nhà trường nên xây dựng quy mô lớp học phù hợp, xếp lớp có sĩ số SV phù hợp với diện tích của phòng học. Đồng thời, SV cần chủ động trang bị các thiết bị, phương tiện công nghệ và các công cụ hỗ trợ phục vụ cho học tập.

5. Kết luận

Việc lựa chọn PPHT thích hợp, đổi mới PPHT phù hợp với điều kiện thực tế là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Nghiên cứu đã xác định các nhân tố ảnh hưởng tới đổi mới PPHT, từ đó đưa ra khuyến nghị với mong muốn ứng dụng được trong thực tế nhằm nâng cao kết quả học tập của SV tại các cơ sở GDĐH Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, do thời gian nghiên cứu chưa nhiều, phạm vi mẫu khảo sát còn hạn chế, nên kết quả nghiên cứu chưa phản ánh đầy đủ cho toàn bộ tổng thể… Định hướng tiếp theo nhóm tác giả sẽ nghiên cứu đề tài trên một phạm vi rộng hơn, xây dựng thêm một số thang đo để kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Mohd Jasmy Abd Rahman, Mohd Syaril Anwar Mustaza, Md Yusoff Daud et al. (2020), Traditional learning method vs online learning method, Regional Conference on Lesson Study.
  2. Nguyễn Đình Thọ (2013). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, NXB Lao động - Xã hội.
  3. Nguyễn Thị Như Quỳnh (2020). Xác định yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phương pháp học tập tích cực của sinh viên khóa 16DDS Khoa Dược, Đại học Nguyễn Tất Thành, Tạp chí Khoa học & Công nghệ, Số 12, tr.84-94.
  4. Shafqat Hameed, Atta Badii, Andrea J Cullen. (2008). Effective E-Learning Integration with Traditiona Learning in a Blended Learning Environment. European and Mediterranean Conference on Information Systems 2008.
  5. Tạ Thị Thanh Huyền (2014). Nghiên cứu thay đổi phương pháp học tập của sinh viên khoa quản trị kinh doanh đáp ứng yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường Đại học dân lập Hải Phòng. Tiểu luận ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học dân lập Hải Phòng.

Factors affecting the innovation of learning methods for students when Vietnamese higher education institutions have applied new technologies

Master. Tran Thi Hong Van1

Nguyen Thi Phuong Anh2

Do Thi Nhan2

Luong Thi Trang Nhung2

Phan Thi Thuong2

1Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

2Student, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

This study identifies the factors affecting the innovation of learning methods for students when Vietnamese higher education institutions have applied new technologies. The study also analyzes and measures the impact level of each factors on the  innovation of learning methods by surveying 511 students studying at higher education institutions in Vietnam. The study’s results show that the interest and support from the higher education institution have a great impact on the innovation of learning methods. In addition, factors including learning motivation, students' awareness and learning environment all impact the innovation of learning methods for students at Vietnamese higher education institutions.

Keywords: innovating learning methods, students, new technologies.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]