TÓM TẮT:

Mục đích của nghiên cứu là khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến động cơ học tập của sinh viên các trường đại học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Kết quả khảo sát 314 sinh viên tại 4 trường đại học tại Vĩnh Long cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng đến động cơ học tập của sinh viên, bao gồm: yếu tố xã hội và tính chất ngành học, ý chí bản thân, thái độ về ngành học, môi trường học tập và yếu tố gia đình. Từ kết quả đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số hàm ý đề xuất nhằm góp phần nâng cao động cơ học tập cho sinh viên các trường đại học tại Vĩnh Long.

Từ khóa: động cơ học tập, sinh viên, các trường đại học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

1. Đặt vấn đề

Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của cuộc CMCN 4.0”. Trong đó, giáo dục đại học là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, bởi trong bất kỳ điều kiện lịch sử nào, trường đại học luôn là môi trường bồi dưỡng, sáng tạo và chuyển giao những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất, là đầu tàu trong việc tạo ra nguồn lao động chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Để đào tạo được những con người vừa có năng lực, vừa có phẩm chất đạo đức là nhiệm vụ không chỉ của ngành Giáo dục, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực học tập của chính bản thân mỗi sinh viên. Do vậy, một trong các công tác của việc giáo dục là phải làm sao thúc đẩy được động cơ học tập của sinh viên. Tác giả Phạm Minh Hạc (2002) cho rằng, “động cơ của người học quyết định kết quả và hiệu quả của hoạt động giáo dục”. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như giá trị của cả quá trình học tập lâu dài của sinh viên, vì động cơ học tập là một phẩm chất đặc biệt quan trọng trong nhân cách sinh viên. Từ những nguyên nhân trên cho thấy, việc củng cố và phát triển động cơ học tập cho sinh viên ở các trường đại học là một nhiệm vụ hết sức cần thiết, nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, giữ vững định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Do vậy, nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến động cơ học tập của sinh viên các trường đại học địa bàn tỉnh Vĩnh Long” là điều cần thiết, để có những định hướng đúng đắn, thúc đẩy động cơ học tập cho sinh viên.

2. Một số khái niệm và lý thuyết có liên quan

2.1. Một số khái niệm

Khái niệm về động cơ được rất nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đưa ra định nghĩa như lý thuyết động cơ của Woodworth, R. S. (1918); Hull, C. L. (1952); Maslow (1970);… Nhìn chung, các học thuyết ở trên khi đề cập đến khái niệm động cơ đều chỉ ra sự liên hệ giữa nhu cầu và động cơ. Trong đó, Hilgard, E. R. (1977) cho rằng, động cơ là trạng thái bất kỳ có ảnh hưởng đến việc sẵn sàng bắt đầu hay tiếp tục hành vi nhất định. Nguyễn Quang Uẩn và cộng sự (2003) cũng cho rằng, động cơ là cái thúc đẩy con người hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu, là cái làm nảy sinh tính tích cực và quy định xu hướng của hướng tích cực đó. Động cơ là động lực kích thích trực tiếp, là nguyên nhân trực tiếp của hành vi.

Xuất phát từ khái niệm động cơ, khái niệm động cơ học tập cũng được nhiều học giả đưa ra định nghĩa. Tiêu biểu như Gardner, R. C., Lalonde, R. N., và Moorcroft, R. (1985) đã cho rằng, động cơ học tập bao gồm mục tiêu đề ra, nỗ lực học tập của bản thân, mong muốn đạt được mục tiêu đã đề ra và thái độ đúng đắn với hành vi của con người. Edmondson, W. J. (1997) đưa ra định nghĩa động cơ học tập là sự sẵn sàng đầu tư thời gian, sức lực và các tiềm lực khác của con người trong một khoảng thời gian dài để đạt được một mục đích đã đặt ra trước của bản thân. Như vậy, động cơ học tập là sự nỗ lực của bản thân người học để hoàn thành những mục tiêu và thỏa mãn nhu cầu về việc học tập.

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến động cơ học tập và mô hình nghiên cứu

V. Petropxki (1982) khi nghiên cứu về động cơ học tập đã cho rằng động cơ xuất phát từ 2 yếu tố bên trong và bên ngoài. Xuất phát từ yếu tố bên trong bao gồm nhu cầu, sự ham hiểu biết, niềm tin hay sự quan tâm,… của chủ thể đến đối tượng đích thực của hoạt động học tập (kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo). Khi được thúc đẩy bởi động cơ bên trong, người học ít cần đến sự khuyến khích hay trách phạt vì chính hoạt động học và kết quả học tập là phần thưởng lớn nhất đối với người học. Xuất phát từ yếu tố bên ngoài là những tác động bên ngoài lên hoạt động học tập của người học. Khi người học được thúc đẩy bởi loại động cơ này, họ thường không quan tâm tới đối tượng đích thực của hoạt động học, mà chỉ quan tâm tới kết quả cũng như đạt được điểm số cao, phần thưởng, sự trách phạt từ phía cha mẹ hoặc giáo viên, nhận một tấm bằng,... Theo Huitt, W. (2001), động cơ học tập có thể xuất phát từ bên ngoài (bên ngoài con người) hoặc bên trong (bên trong con người). Từ việc tổng hợp lý thuyết và phỏng vấn 7 chuyên gia là những giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nhóm tác giả đã đưa ra mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

- Giả thiết H1: Có mối tương quan thuận

giữa thái độ về ngành học và động cơ học tập của sinh viên.

- Giả thiết H2: Có mối tương quan thuận giữa ý chí bản thân và động cơ học tập của sinh viên.

-Giả thiết H3: Có mối tương quan thuận giữa yếu tố gia đình và bạn bè và động cơ học tập của sinh viên.

- Giả thiết H4: Có mối tương quan thuận

giữa môi trường học tập và động cơ học tập của

sinh viên.

- Giả thiết H5: Có mối tương quan thuận giữa yếu tố xã hội và động cơ học tập của sinh viên.

3. Phương pháp nghiên cứu

Theo Habing và cộng sự (2003), mỗi biến đo lường cần có tối thiểu 5 quan sát. Tuy nhiên, đề tài này có tất cả 30 biến quan sát cần tiến hành phân tích nhân tố. Vì vậy, số mẫu tối thiểu cần thiết là 30 x 5 = 150. Tuy nhiên, với tổng thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long khoảng 14.400 sinh viên, nên tác giả đã tiến hành khảo sát với cỡ mẫu 314 sinh viên thông qua google drive. Sau khi khảo sát xong, nhóm tác giả xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS 20.0 và phân tích Cronbach Alpha, nhân tố khám phá EFA, phân tích hồi quy tuyến tính.

4. Kết quả nghiên cứu

Sau khi tiến hành phân tích Cronbach Alpha để kiểm tra độ tin cậy của thang đo, tác giả đã loại đi 5 biến quan sát và tiếp tục đưa vào phân tích nhân tố. Kết quả cuối cùng trong phân tích nhân tố còn lại 21 biến phù hợp được đưa vào mô hình. Kết quả phân tích nhân tố EFA được thể hiện như Bảng 1.

Bảng 1. KMO and Bartlett's Test

KMO and Bartlett's Test

Nguồn: Nhóm tác giả khảo sát sinh viên tại tỉnh Vĩnh Long, 2021

Qua kết quả khảo sát cho thấy hệ số KMO = 0.859 lớn hơn 0.5 và kiểm định Bartlett’s về tương quan của các biến quan sát có giá trị Sig = 0.000 < 5% nên ta bác bỏ giả thuyết H0, chứng tỏ các biến có liên quan chặt chẽ.

Bảng 2. Bảng ma trận xoay nhân tố

Bảng ma trận xoay nhân tố

Nguồn: Nhóm tác giả khảo sát sinh viên tại tỉnh Vĩnh Long, 2021

Bảng 2 cho thấy có 5 nhóm nhân tố được hình thành và tổng phương sai trích là 70.960 lớn hơn 50%, cho thấy mô hình EFA là phù hợp. Có 5 nhân tố được viết thành phương trình như sau:

- Nhóm 1: “Yếu tố xã hội và tính chất ngành học:

NT1 = 0,232*EN5 + 0,099*EN6 + 0,180*SO1 + 0,183*SO2 + 0,102*SO3 + 0,159*SO4 + 0,209*SO5 + 0,257*SO6.

- Nhóm 2: “Ý chí bản thân”:

NT2 = 0,158*ATW3 + 0,279*ATW4 + 0,162*ATW5 + 0,278*ATW6 + 0,408*ATW7

- Nhóm 3: “Thái độ về ngành học”:

NT3 = 0,449*ATL1 + 0,383*ATL3 + 0,315*EN1

- Nhóm 4: “Môi trường học tập”:

NT4 = 0,385*EN2 + 0,259*EN3 + 0,507*EN4

- Nhóm 5: “Yếu tố gia đình”:

NT5 = 0,634*FA2 + 0,379*FA3

Tiếp theo 5 nhân tố trên được đưa vào phân tích hồi quy với kết quả đạt được như Bảng 3.

Bảng 3. Phân tích Model Summary

Phân tích Model Summary

Nguồn: Nhóm tác giả khảo sát sinh viên tại tỉnh Vĩnh Long, 2021

Hệ số R2 điều chỉnh (Adjusted R Square) = 0,632 nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính bội đã xây dựng phù hợp với tập dữ liệu là 63,2%. Hiểu theo cách khác, với tập dữ liệu thu được, thì khoảng 63,2% động cơ học tập của SV các trường đại học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chịu tác động của 5 yếu tố gồm: Xã hội và tính chất ngành học, Ý chí bản thân, Thái độ về ngành học, Môi trường học tập, Gia đình.

Bảng 4. ANOVAa

ANOVAa

Nguồn: Nhóm tác giả khảo sát sinh viên tại tỉnh Vĩnh Long, 2021

Ta thấy trong kết quả kiểm định này có mức ý nghĩa Sig. = 0,000 < 0,01 (a = 0,01), nên mô hình hồi quy bội vừa xây dựng là phù hợp với tổng thể nghiên cứu và có thể được sử dụng.

Bảng 5. Phân tích Coefficientsa

Phân tích Coefficientsa

Nguồn: Nhóm tác giả khảo sát sinh viên tại tỉnh Vĩnh Long, 2021

Thông qua bảng phân tích mô hình hồi quy (Bảng 5) ta thấy, tất cả 5 nhân tố đều có tác động đến động cơ học tập của sinh viên, vì hệ số sig. đều nhỏ hơn 0.05. Bên cạnh đó, hệ số B đều dương cho thấy 5 nhân tố này tác động cùng chiều đối với động cơ học tập. Từ kết quả trên, ta có phương trình hồi quy như sau:

Y = 0,501NT1 + 0,356NT2 + 0,438NT3 + 0,170NT4 + 0,197NT5

Nhìn vào hàm hồi quy vừa xây dựng, ta có thể thấy rằng, biến có tác động mạnh nhất đến động cơ học tập của sinh viên các trường đại học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là NT1: “Xã hội và tính chất ngành nghề”.

5. Một số hàm ý đề xuất

Một là, hàm ý cho nhóm yếu tố xã hội và tính chất ngành học: Nhà nước nên có các định hướng dài dạn trong nhu cầu về nguồn nhân lực để sinh viên biết được những ngành nghề nào đang cần lao động trên thị trường và lựa chọn để từ đó sinh viên có động cơ học tập đúng hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cũng nên có những cách truyền thông một cách đúng đắn về nhu cầu của các ngành nghề, có những con số chứng minh thực sự về thị trường lao động. Ngoài ra, các trường đại học nên công bố rộng rãi những đặc tính, những tiêu chuẩn mà mỗi ngành nghề cần, để cho sinh viên có những định hướng đúng đắn trong quá trình chọn nghề.

Hai là, hàm ý cho nhóm yếu tố ý chí bản thân: Đối với gia đình và nhà trường cần phải giáo dục sinh viên biết đặt mục tiêu cho bản thân, biết cách độc lập suy nghĩ để vượt qua những khó khăn. Nhà trường và tổ chức đoàn thanh niên phải có những lớp bồi dưỡng kỹ năng để giúp rèn luyện ý chí và truyền động lực cho sinh viên. Đối với bản thân mỗi người sinh viên nên đặt ra những mục tiêu cho mình và biết tự cố gắng trong mọi hoàn cảnh, không nản lòng, kiên trì để thực hiện mục tiêu của bản thân, quyết tâm học tập tốt.

Ba là, hàm ý cho nhóm yếu tố thái độ về ngành học: Bản thân người học trước khi đăng ký vào học ngành đã chọn cần phải tìm hiểu kỹ về ngành học, hiểu được những kỹ năng, những yêu cầu về ngành đó. Các trường phổ thông cần có những giờ hướng nghiệp một cách bài bản và những người hướng nghiệp phải là những chuyên gia am hiểu về các ngành nghề đó.

Bốn là, hàm ý cho nhóm yếu tố môi trường học tập: Giảng viên phải là người gương mẫu trong mọi hoạt động giảng dạy. Cụ thể, giảng viên cần phải có đạo đức và trình độ chuyên môn. Mỗi giảng viên trước hết cần phải tự chấn chỉnh, rèn luyện và thể hiện chuẩn mực đạo đức, gương mẫu trong công tác giảng dạy của mình. Giảng viên nên tổ chức hướng dẫn cho sinh viên tự nghiên cứu, phát hiện ra cái mới, có những cách giải quyết sáng tạo cho nhiệm vụ học tập, có những trải nghiệm tốt đẹp trong quá trình học, dần dần làm phát sinh nhu cầu của sinh viên về tri thức khoa học, nhu cầu giải quyết các vấn đề trong học tập, ứng dụng trong cuộc sống. Thêm vào đó, giảng viên cần phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực mà mình giảng dạy.

Năm là, hàm ý cho nhóm yếu tố gia đình: Các bậc phụ huynh nên khuyến khích, động viên con mình học tập, tìm hiểu, trao dồi kiến thức. Ngoài ra, gia đình nên xây dựng cho con tính kỷ luật cao tập cho con biết đặt ra mục tiêu và theo đuổi mục tiêu của mình.

6. Hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo

Tương tự như bất kỳ nghiên cứu nào, nghiên cứu này cũng có một số hạn chế nhất định. Đề tài được nghiên cứu ở tỉnh Vĩnh Long với khoảng 14.400 sinh viên, nhưng số lượng mẫu khảo sát chỉ có 314 sinh viên, chỉ chiếm khoảng 2% là quá ít. Thêm vào đó, đề tài cũng mới chỉ tìm ra được 63,2% các nhân tố ảnh hưởng đến động cơ học tập của sinh viên. Do vậy, hướng nghiên cứu tiếp theo mà các đề tài khác có thể thực hiện tại địa bàn tỉnh Vĩnh Long là nâng cao số lượng mẫu khảo sát hoặc nghiên cứu để đưa ra thêm những nhân tố khác ảnh hưởng đến động cơ học tập của sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. A.V. Petropxki (1982). Đặng Xuân Hoài dịch. Tâm lý học sư phạm và tâm lý học lứa tuổi. Hà Nội: NXB Giáo dục.
  2. Phạm Minh Hạc (2002). Tuyển tập Tâm lý học. Hà Nội: NXB Giáo dục.
  3. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2005). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Hà Nội: NXB Thống kê.
  4. Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Văn Lũy, Đinh Văn Vang (2003). Giáo trình Tâm lý học đại cương. Hà Nội: NXB Đại học Sư phạm.
  5. Edmondson, W. J. (1997). Language awareness (Vol. 26). Germany: Gunter Narr Verlag.
  6. Gardner, R. C., Lalonde, R. N., & Moorcroft, R. (1985). The role of attitudes and motivation in second language learning: Correlational and experimental considerations. Language learning, 35(2), 207-227.
  7. Habing, B., & Roussos, L. A. (2003). On the need for negative local item dependence. Psychometrika, 68(3), 435-451.
  8. Hilgard, E. R. (1977). Divided consciousness: Multiple controls in human thought and action. USA: Wiley.
  9. Huitt, W. (2001). Motivation to learn: An overview. In Book: Educational Psychology Interactive. Valdosta, GA: Valdosta State University.
  10. Hull, C. L. (1952). A behavior system: An introduction to behavior theory concerning the individual organism. USA: Yale University Press.
  11. Maslow, A. H. (1970). Motivation and Personality. Massachusetts, USA: Brandeis University.
  12. Woodworth, R. S. (1918). Dynamic psychology. Columbia: Columbia University Press.

FACTORS AFFECTING THE LEARNING MOTIVATION

OF STUDENTS IN UNIVERSITIES LOCATED

IN VINH LONG PROVINCE

• Master. LE NGOC DOAN TRANG1

• Master. NGUYEN MINH LAU1

1Lecturer, Cuu Long University

ABSTRACT:

This study explores the factors affecting learning motivation of students in universities located in Vinh Long Province. By surveying 314 students studying at four universities in Vinh Long Province, the study finds out that there are five factors affecting the learning motivation of surveyed students including the social factor and nature of academic major, the strength of will, the attitude of student towards his or her major, the learning environment, and the family of student factor. Based on these results, some suggestions are made to help universities in Vinh Long Province improve their students’ learning motivation.

Keywords: learning motivation, students, universities in Vinh Long Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]