Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp FDI về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang

TS. Huỳnh Thanh Nhã (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ)

Tóm tắt:

Nghiên cứu này phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang. Cuộc khảo sát được thực hiện với 195 cán bộ quản lý của các doanh nghiệp có vốn FDI đang hoạt động tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng bao gồm: Nguồn nhân lực, Chi phí đầu vào cạnh tranh, Cơ sở hạ tầng đầu tư, Môi trường sống và làm việc, Lợi thế ngành đầu tư và Chế độ chính sách đầu tư.

Từ khóa: Doanh nghiệp FDI, sự hài lòng, môi trường đầu tư, tỉnh Tiền Giang.

1. Đặt vấn đề

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải huy động và sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực, như: lao động, vốn, khoa học công nghệ,... Để phát huy tốt các nguồn lực trên, các doanh nghiệp FDI giữ vai trò quan trọng, giúp bổ sung thêm nguồn vốn trong nước, đẩy nhanh tiếp thu công nghệ và trình độ quản lý, tạo nguồn thu ngân sách lớn, giải quyết việc làm và thúc đẩy kinh tế trong nước tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Những năm gần đây, nhờ sự phân cấp mạnh của Chính phủ nên việc thu hút FDI của tỉnh Tiền Giang chủ động hơn và tăng đáng kể so với những năm trước đây. Tuy nhiên, so với tiềm năng, việc thu hút FDI của tỉnh vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng và chưa thu hút được nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng và quy mô lớn. Vấn đề thu hút FDI phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó môi trường đầu tư quyết định sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Do đó, nghiên cứu này phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của các doanh nghiệp FDI về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, nhằm cung cấp một số thông tin khoa học hữu ích cho các nhà lãnh đạo, chính quyền địa phương hoạch định và triển khai các chính sách gia tăng khả năng thu hút FDI, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Tiền Giang.

2. Phương pháp và mô hình nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Kurtz & Clow (1998) cho rằng, sự hài lòng là trạng thái cảm nhận của khách hàng về chất lượng dịch vụ so với kỳ vọng. Bên cạnh đó, Kotler (2003) cho rằng, hài lòng là sự cảm nhận vui thích hoặc thất vọng của một người về chất lượng một sản phẩm hoặc một dịch vụ nào đó. Như vậy có thể hiểu rằng, khách hàng hay các nhà đầu tư sẽ thỏa mãn với một địa phương khi họ hoạt động có hiệu quả tại địa phương đó. Khi nhà đầu tư đạt được mục tiêu, họ sẽ có xu hướng tiếp tục quá trình đầu tư của họ tại địa phương, đồng thời sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp (DN) khác đến đầu tư nhiều hơn. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, có khá nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về môi trường đầu tư của các DN có vốn FDI cũng như những vấn đề liên quan đến việc thu hút FDI tại các địa phương trong và ngoài nước. Theo Cheng, L.K. & Y.K. Kwan. (2000), các yếu tố quyết định đầu tư trực tiếp nước ngoài tại 29 khu vực ở Trung Quốc, bao gồm quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi và chi phí tiền lương. Tuy nhiên, chi phí tiền lương ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút FDI tại các khu vực này. Ngoc Anh Nguyen & Thang Nguyen (2007) cho thấy, tầm quan trọng của nhóm yếu tố thị trường, lao động và cơ sở hạ tầng quyết định sự phân bố không gian của dòng FDI ở các tỉnh thành của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nguyễn Mạnh Toàn (2010) cho thấy, các nhân tố tác động đến việc thu hút FDI vào một địa phương của Việt Nam gồm: hạ tầng về kỹ thuật, sự ưu đãi và hỗ trợ của chính quyền địa phương, chi phí hoạt động thấp, thị trường tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, vị trí địa lí và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Lê Tấn Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2013) đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại thành phố Đà Nẵng, các nhóm nhân tố ảnh hưởng bao gồm: Cơ sở hạ tầng, công tác quản lý và hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự hình thành và phát triển của cụm ngành, chất lượng nguồn nhân lực, vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên. Một bằng chứng thực nghiệm từ kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Anh (2016) cho thấy, tiềm năng thị trường, chi phí nhân công, chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, chính sách địa phương tác động đáng kể đến quy mô của các dự án FDI tại các địa phương ở Việt Nam.

Nhìn chung, các nghiên cứu trên đã tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về môi trường đầu tư tại các địa phương, khi hài lòng về môi trường đầu tư sẽ dẫn đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp FDI cũng như việc phân bổ nguồn vốn vào một số địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của các doanh nghiệp FDI về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang. Do đó, để xác định mô hình thực nghiệm phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh Tiền Giang, tác giả dựa trên các lý thuyết và một số mô hình thực nghiệm đã đề cập ở trên để xây dựng mô hình nghiên cứu về sự hài lòng của các doanh nghiệp FDI đối với môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, như sau:

Nghiên cứu thực hiện với 36 biến quan sát thuộc 7 thang đo về sự hài lòng về môi trường đầu tư của các doanh nghiệp FDI tại tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh đó, thang đo Mức độ hài lòng chung gồm 5 biến quan sát. Các biến quan sát được đo lường bằng thang đo Likert 5 điểm.

2.2. Phương pháp thu thập số liệu

Đối với nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá thì tỷ lệ số quan sát/biến quan sát là 5:1 tức là 1 biến quan sát cần có số lượng quan sát là 5 (Hair & cộng sự, 2006). Như vậy, với 36 biến quan sát đưa vào phân tích, nghiên cứu cần thực hiện với cỡ mẫu tối thiểu là 180 quan sát. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đại diện, nghiên cứu này thực hiện với kích cỡ mẫu là 195. Đối tượng được chọn khảo sát là những cán bộ quản lý từ cấp trưởng, phó phòng trở lên của tổng thể 41 DN có vốn FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2.3. Phương pháp phân tích

Nghiên cứu sử dụng phương pháp kiểm định bằng hệ số Cronbachs Alpha để tìm ra các biến quan sát và các thang đo đủ điều kiện cho bước phân tích nhân tố khám phá (EFA). Nếu biến nào có hệ số tương quan tổng biến nhỏ hơn 0,3 thì sẽ bị loại bỏ (Nunnally & Burnstein 1994). Đồng thời, hệ số Cronbach's Alpha của các nhóm nhân tố phải nằm trong khoảng từ 0,6 - 1,0 (Peterson, 1994). Bên cạnh đó, phương pháp phân tích nhân tố khám phá được thực hiện nhằm tìm ra các thang đo đạt yêu cầu. Với các điều kiện: (1) Hệ số tải nhân tố của các biến quan sát lớn hơn 0,5 chứng tỏ các biến quan sát này có độ tin cậy. (2) Hệ số KMO thỏa mãn tính thích hợp của phân tích nhân tố nếu 0,5?KMO?1 (Hair & cộng sự, 2006); (3) Hệ số Sig. = 0,000 < 0,005 của kiểm định Bartlett cho biết các biến quan sát tương quan với nhau trong tổng thể có ý nghĩa thống kê, do đó các quan sát phù hợp cho việc phân tích nhân tố; (4) Trị số phương sai trích hay phương sai cộng dồn > 50% là thích hợp cho phân tích nhân tố (Gerbing & Anderson, 1988). Tiêu chí Eigenvalue >1, giá trị này cho chúng ta xác định số lượng nhân tố được rút trích.

Mô hình hồi qui tuyến tính được sử dụng để phân tích mối tương quan giữa các nhân tố đối với mức độ hài lòng chung về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang. Hàm hồi qui tuyến tính có dạng như sau:

Y = β0 + β1F1 + β2F2 + β3F3 + β4F4 + β5F5 + β6F6 + β7F7 + ɛ (1)

Trong đó:

Biến phụ thuộc Y: Mức độ hài lòng chung về môi trường đầu tư của tỉnh Tiền Giang. Khi đó, biến phụ thuộc Y được xác định dựa trên cách tính điểm trung bình của tất cả các biến quan sát thuộc thang đo Mức độ hài lòng chung.

Các biến độc lập từ F1 đến F7 là các biến được hình thành từ các thang đo: Cơ sở hạ tầng đầu tư, chế độ chính sách đầu tư, môi trường sống và làm việc, lợi thế ngành đầu tư, thương hiệu địa phương, nguồn nhân lực và chi phí đầu vào cạnh tranh.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kiểm định thang đo

Kết quả kiểm định độ tin cậy bằng hệ số Cronbachs Alpha đối với 36 biến quan sát thuộc 7 nhóm thang đo đề xuất ban đầu và 5 biến quan sát thuộc thang đo "Mức độ hài lòng chung" được mô tả ở Bảng 1. Trong đó, để đảm bảo độ tin cậy, các biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3 được loại bỏ, bao gồm: CSHT4, CSHT5, CSDT4, MTS1, MTS7, LTDT4, NNL5, NNL6. Như vậy, sau các bước kiểm định, có 7 thang đo đạt yêu cầu với 28 biến quan sát. Bên cạnh đó, thang đo "Mức độ hài lòng chung" đạt yêu cầu với 5 biến quan sát như ban đầu. (Xem bảng 1)

Như vậy, các thang đo đạt yêu cầu với các biến quan sát được chấp nhận sẽ được sử dụng để thực hiện cho bước phân tích nhân tố khám phá tiếp theo.

3.2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá

Với 28 biến quan sát thuộc 7 thang đo đạt yêu cầu đưa vào phân tích theo phương pháp Principal component và phương pháp xoay nhân tố Varimax, kết quả còn lại 27 biến quan sát thuộc 7 thang đo (Bảng 2). Trong đó, biến MTS4 bị loại do có hệ số tải nhân tố < 0,5. (Xem bảng 2)

Kết quả phân tích nhân tố với 27 biến quan sát tạo thành 7 nhóm nhân tố với các tiêu chí kiểm định đã được đảm bảo: (1) Độ tin cậy của các biến được quan sát (Factor loading > 0,5); (2) Kiểm định tính thích hợp của mô hình với 0,5 < KMO = 0,769 < 1,0 nên phân tích nhân tố thích hợp với dữ liệu trong mô hình; (3) Kiểm định Bartlett về tương quan của các biến quan sát Sig = 0,000 < 0,05 chứng tỏ các biến có tương quan chặt chẽ; (4) Kiểm định phương sai cộng dồn = 73,553% > 50%, điều này có nghĩa là 73,55% phương sai toàn bộ được giải thích bởi các nhân tố. Các nhân tố mới được hình thành, cụ thể như sau:

Nhân tố F1 (Nguồn nhân lực) tập hợp từ 4 biến quan sát: NNL1 (Trường đào tạo nghề đáp ứng được yêu cầu), NNL2 (Lao động phổ thông dồi dào), NNL3 (Lao động có kỹ thuật cao), NNL4 (Lao động có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ tốt). Nhân tố F2 (Chi phí đầu vào cạnh tranh) tập hợp bởi 4 biến quan sát: CPCT1 (Giá thuê đất thấp), CPCT2 (Chi phí lao động rẻ), CPCT3 (Giá điện, nước, vận tải hợp lí), CPCT4 (Giá dịch vụ viễn thông cạnh tranh). Nhân tố F3 (Cơ sở hạ tầng đầu tư) tập hợp bởi 4 biến quan sát: CSHT1 (Hệ thống điện đáp ứng được yêu cầu), CSHT2 (Hệ thống cấp thoát nước đầy đủ), CSHT3 (Thông tin liên lạc thuận tiện), CSHT6 (Ngân hàng đáp ứng được yêu cầu). Nhân tố F4 (Môi trường sống và làm việc) tập hợp 4 biến quan sát: MTS2 (Hệ thống y tế đáp ứng được yêu cầu), MTS3 (Môi trường không ô nhiễm), MTS5 (Người dân thân thiện), MTS6 (Chi phí sinh hoạt hợp lí). Nhân tố F5 (Lợi thế ngành đầu tư) tập hợp 3 biến quan sát: LTDT1 (Thuận tiện về nguyên liệu chính cho sản xuất), LTDT2 (Thuận tiện thị trường tiêu thụ chính), LTDT3 (Gần các DN bạn hàng). Nhân tố F6 (Cơ chế, chính sách đầu tư) tập hợp 4 biến quan sát: CSDT1 (Lãnh đạo địa phương năng động), CSDT2 (Văn bản pháp luật được triển khai nhanh), CSDT3 (Chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn), CSDT5 (Hệ thống thuế rõ ràng). Nhân tố F7 (Thương hiệu địa phương) tập hợp 4 biến quan sát: THDP1 (Tiền Giang là thương hiệu ấn tượng), THDP2 (Tiền Giang đang là điểm đến các nhà đầu tư), THDP3 (Đầu tư theo người khác), THDP4 (Đơn giản là muốn đầu tư ở địa phương).

Bên cạnh đó, kết quả phân tích EFA đối với thang đo Mức độ hài lòng chung cho thấy các biến quan sát đều thuộc 01 nhóm nhân tố, hệ số KMO là 0,756 và mức ý nghĩa Sig. = 0,000. Như vậy, kết quả này phù hợp cho bước phân tích hồi qui tiếp theo. Khi đó, biến phụ thuộc Y được hình thành bởi thang đo Mức độ hài lòng chung và được xác định dựa trên cách tính điểm trung bình của 5 biến quan sát: SAT1, SAT2, SAT3, SAT4 và SAT5.

3.3. Phân tích hồi qui tuyến tính

Kết quả kiểm định mô hình hồi qui cho thấy, tất cả các hệ số VIF của các biến đều khá nhỏ, hệ số (d) của kiểm định Durbin-Watson nằm trong điều kiện cho phép (1,5 < d = 1,747 <2,5). Điều đó chứng tỏ mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến và tự tương quan. Bên cạnh đó, mức ý nghĩa của mô hình sig. = 0,000 cho thấy mô hình có ý nghĩa ở mức 1%, và giá trị R2 = 0,378 cho thấy có 37,8% sự biến thiên của mức độ hài lòng chung về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang được giải thích bởi mối quan hệ tuyến tính của 6 biến độc lập trong mô hình. Trong đó, biến F7 tác động không có ý nghĩa thống kê với biến phụ thuộc Y. Bảng 3 thể hiện kết quả mô hình hồi qui tuyến tính với các nhân tố (F1 - F6).

Kết quả Bảng 3 cho thấy, cả 6 nhân tố đều có mối tương quan thuận chiều với mức độ hài lòng về môi trường đầu tư của các doanh nghiệp FDI ở tỉnh Tiền Giang và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Trong đó, nhân tố Cơ chế, chính sách đầu tư tác động nhiều nhất đến mức độ hài lòng chung về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Toàn (2010) và Hà Nam Khánh Giao & cộng sự (2015). Nhân tố, Môi trường sống và làm việc là nhân tố tác động mạnh thứ hai đến môi trường đầu tư, kết quả này phù hợp với Lý thuyết tiếp thị địa phương (Marketing Places). Nhân tố tác động tiếp theo là Chi phí đầu vào cạnh tranh, kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Toàn (2010), Hà Nam Khánh Giao và cộng sự (2015). Tiếp đến là nhân tố Lợi thế ngành đầu tư, kết quả này khá tương đồng với kết quả nghiên cứu của Phan Văn Tâm (2011), tác giả này cho rằng nhân tố đặc trưng riêng của DN ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào các tỉnh ở Việt Nam. Hai nhân tố tác động còn lại là Cơ sở hạ tầng đầu tư và Nguồn nhân lực cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Toàn (2010) và Lê Tấn Lộc & Nguyễn Thị Tuyết (2013).

4. Kết luận và đề xuất hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại tỉnh Tiền Giang cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về môi trường đầu tư của các doanh nghiệp FDI, bao gồm: Cơ chế, chính sách đầu tư, Môi trường sống và làm việc, Chi phí đầu vào cạnh tranh, Lợi thế ngành đầu tư, Cơ sở hạ tầng đầu tư và Nguồn nhân lực. Qua đó, tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư và thu hút FDI cho tỉnh Tiền Giang. Thứ nhất, đối với cơ chế, chính sách đầu tư, lãnh đạo địa phương cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại với DN để lắng nghe và giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc. Thực hiện chính sách giảm các chi phí không chính thức, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu,… trong thực thi công vụ và tiếp xúc với DN. Thứ hai, về môi trường sống và làm việc, lãnh đạo tỉnh cần có chính sách xây dựng quy hoạch đất và chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư khu chung cư nhằm đảm bảo nơi ở cho công nhân, tiết kiệm các khoản chi phí sinh hoạt. Cần phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng một môi trường sống an ninh, an toàn, trong lành, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước,… tăng cường hệ thống y tế phục vụ sức khỏe cho công nhân, người lao động. Thứ ba, về chi phí đầu vào cạnh tranh, chính quyền địa phương cần có những chính sách, qui định cụ thể về lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư. Các chính sách này phải thật sự hấp dẫn để hướng các nhà đầu tư vào những lĩnh vực thuộc thế mạnh của tỉnh và những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như các huyện: Gò Công Đông, Tân Phú Đông... Thứ tư, về lợi thế ngành đầu tư, tỉnh Tiền Giang cần có chính sách cải thiện về số lượng và chất lượng nông sản. Tiền Giang có lợi thế về nông sản, được mệnh danh là “Vương quốc trái cây”, để giữ vững lợi thế cạnh tranh với các vùng khác và thu hút hơn nữa các DN đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất các mặt hàng nông sản, Tiền Giang cần chuyển đổi từ quy mô trồng nhỏ lẻ sang hình thức trồng tập trung với quy mô diện tích và sản lượng lớn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý cộng đồng vùng trồng trọt tập trung để áp dụng tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu của thị trường. Thứ năm, về cơ sở hạ tầng đầu tư, cần hoàn thiện hạ tầng cơ bản và từng bước nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Mặt khác, chính quyền địa phương cần thực hiện các chính sách đầu tư thu hút và chủ động tìm kiếm các nguồn vốn tài trợ từ các nguồn ODA để đầu tư xây dựng các tuyến giao thông quan trọng. Cần huy động các nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, cảng, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước. Cần có chính sách ưu đãi thu hút các dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch phục vụ cho việc thu hút và kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Thứ sáu, đối với nguồn nhân lực, cần đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề. Thực hiện chính sách thu hút và đãi ngộ nguồn lao động chất lượng cao theo hướng cụ thể hóa về ngành nghề, chế độ thu nhập, học tập, môi trường và điều kiện làm việc cho đối tượng cần thu hút. Cải thiện chế độ trợ cấp và các chế độ khác nhằm tiến tới thu hút cán bộ quản lý giỏi và công nhân lành nghề từ các địa phương khác đến làm việc tại Tiền Giang.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang của các doanh nghiệp FDI, qua đó, một số hàm ý chính sách được đề xuất nhằm góp phần thu hút FDI vào tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu còn hẹp, bài viết chỉ nghiên cứu các doanh nghiệp FDI tại tỉnh Tiền Giang. Do đó, hướng đề xuất cho các nghiên cứu tiếp theo là cần mở rộng về phạm vi nghiên cứu cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tài liệu tham khảo:

1. Cheng, L.K. and Y.K. Kwan. (2000). “What are the Determinants of the Location of Foreign Direct Investment? The Chinese Experience.”Journal of International Economics51(2), 379-400.

2. Dunning, J. H. (1981), International production and the multinational enterprise, London: Allen and Unwin.

3. Gerbing, D.W., Anderson, J.C. (1988), “An updated paradigm for scale development incorporating unidimensionality and its assessment”, Journal of Marketing Research, 25 (2), 186-192.

4. Hà Nam Khánh Giao, Lê Quang Huy, Hà Kim Hồng & Huỳnh Diệp Trâm Anh (2015) “Nghiên cứu các yếu tố tác động đến thu hút vốn đầu tư và tỉnh Cà Mau”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP. HCM, Số 5(44), 38-50.

5. Hair, J.F., Black, W.C., Babin, B.J., Anderson, R.E. & Tatham, R.L. (2006), Mutilvariate data analysis, 6th ed, Upper Saddle River NJ, Prentice - Hall.

6. Kurtz, D, L, and Clow, K, E (1998). Services Marketing. New York: John Wiley and Sons.

7. Lê Tấn Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2013), “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trường hợp nghiên cứu điển hình tại TP. Đà Nẵng”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, Số 11 (21), 73-78.

8. Nguyen Thi Ngoc Anh (2016), “Regional Diterminants of FDI location in Vietnam”, Journal of Economics and Development, Vol.18, No.1, April 2016, pp 19-37.

9. Nguyen, N.A. and Nguyen, T. (2007), Foreign Direct Investment in Vietnam: An overview and analysis the determinants of spatial distribution across provinces, MPRA Paper, No 1921.

10. Nunnally, J. C., & Bernstein, I. H. (1994), Psychometric theory (3rd ed.), New York: McGraw Hill.

11. Peterson, R. A. (1994), “A meta-analysis of Cronbachs coefficient alpha”, Journal of Consumer Research, 21, 381-391.

12. Rugman, A.M. (1981), Inside the multinationals, London: Croom Helm.

13. Phan Văn Tâm (2011)”, Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.

14. Nguyễn Mạnh Toàn (2010), “Các nhân tố tác động đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một địa phương của Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, Số 5(40), 270-276.

Factors affecting the satisfaction of foreign direct investment enterprise about investment environment in tien giang province

PhD. HUYNH THANH NHA

Headmaster of Can Tho Technical Economic College

Abstract:

This study analyzes factors affecting the ability to attract foreign direct investment (FDI) in Tien Giang province. The survey was carried out by 195 managers of FDI enterprises that are operating in Tien Giang province. The results of the study showed that factors affecting the ability to attract FDI in Tien Giang province include: Human resources, Competitive input costs, Infrastructure investment, Living and working environment, Sector investment advantages, and Investment policies.

Keywords: Enterprise FDI, Satisfaction, Investment environment, Tien Giang province.