Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách tham quan Đền Hùng tỉnh Phú Thọ

Bài viết Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách tham quan Đền Hùng tỉnh Phú Thọ do NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG[1] - PHAN THANH AN[2] (1. Giảng viên Kinh tế Chính trị, Đại học Bách khoa Hà Nội - 2. Sinh viên nghiên cứu khoa học, Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của du khách khi tham quan tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng cùa du khách khi tới tham quan tại Đền Hùng gồm: (1) Hoạt động văn hóa; (2) Hướng dẫn viên du lịch; (3) Giá cả dịch vụ; (4) Cảnh quan thiên nhiên; (5) Cơ sở hạ tầng; (6) Hệ thống vệ sinh môi trường. Trong đó, nhân tố Hoạt động văn hóa có tác động nhiều nhất, nhân tố Cơ sở hạ tầng có tác động ít nhất. Bài viết cũng đề xuất biện pháp nhằm nâng cao mức độ hài lòng của du khách, cải thiện ý định hành vi của người dân, giúp Khu du lịch văn hóa Đền Hùng thu hút được nhiều du khách, góp phần vào sự phát triển du lịch văn hóa tỉnh Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Từ khóa: du khách, Đền Hùng, sự hài lòng, Phú Thọ.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới, có rất nhiều các loại hình du lịch. Bên cạnh những loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm… thì du lịch văn hóa là một hình thức đã có từ lâu và phổ biến rộng khắp các quốc gia. Du lịch văn hóa (Cultural tourism) là tập hợp các hoạt động liên quan đến sự tham gia của du khách với nền văn hóa của một vùng đất khác. Du lịch văn hóa được hiểu là sự di chuyển của con người đến các điểm du lịch văn hóa ở các quốc gia hay vùng miền khác, với mục đích khám phá, mở rộng kiến thức về văn hóa. Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm những di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng, các giá trị văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống, các công trình lao động sáng tạo của con người… được sử dụng cho mục đích du lịch. Một số loại hình du lịch văn hóa đã và đang phát triển ở Việt Nam như: du lịch lễ hội, du lịch bảo tàng, du lịch di sản, du lịch ẩm thực…

Một trong những điểm đến du lịch văn hóa nổi tiếng của cả nước đó là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, khu di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ, đã trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phong tục... của dân tộc Việt Nam. Hằng năm, Đền Hùng thu hút hàng triệu lượt khách du lịch tham quan và đóng góp vào sự phát triển kinh tế cho tỉnh Phú Thọ. (Bảng 1)

Bảng 1. Lượt khách và doanh thu Khu di tích lịch sử

Đền Hùng giai đoạn 2018 - 2022

Năm

2018

2019

2020

2021

2022

Lượt khách (triệu người)

7,5

7,6

0,3

0,4

1,5

Doanh thu

(tỷ đồng)

69,8

75,4

6,6

9,4

22,7

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tỉnh Phú Thọ

Ngoại trừ giai đoạn 2020 - 2022 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, có thể thấy, doanh thu từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng vẫn còn rất khiêm tốn. Doanh thu chủ yếu tập trung vào dịp Giổ tổ Hùng Vương (tháng 3 Âm lịch). Do đó, các tiềm lực và tài nguyên du lịch tại Khu di tích vẫn chưa phát huy được hết. Trong khi đó, giá trị di sản Đền Hùng có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa và gìn giữ bản sắc dân tộc. Trước thực trạng này, nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng của khách du lịch tham quan khu di tích Đền Hùng là cần thiết. Trên có sở đó, nghiên cứu sẽ đưa ra một số khuyến nghị nhằm thu hút nhiều khách du lịch đến với Đền Hùng, tạo ra sự phát triển cho công nghiệp văn hóa tỉnh Phú Thọ.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng bằng cách khảo sát khách hàng thông qua bảng hỏi và xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 22. Đối tượng khảo sát là khách du lịch đã từng đến tham quan Đền Hùng. Đối với phân tích nhân tố khám phá (EFA), quy định về số mẫu là tỷ lệ mẫu trên biến quan sát phải đảm bảo tối thiểu theo công thức n > 5*X (Hair & cộng sự, 2006) trong đó, n là cỡ mẫu và X là tổng biến quan sát. Bảng câu hỏi khảo sát trong nghiên cứu này bao gồm 25 biến quan sát, do đó số mẫu tối thiểu là: n > 5*25 = 125 mẫu. Sau khi tiến hành loại bỏ những phiếu trả lời không phù hợp, tác giả thu được 334 phiếu trả lời hợp lệ, đáp ứng các tiêu chí sử dụng cho nghiên cứu.

3. Mô hình đề xuất nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu được xây dựng bằng kỹ thuật thảo luận nhóm với 10 thành viên. Các thành viên tham gia thảo luận gồm 2 chuyên gia, 2 quản lý du lịch và 6 khách du lịch đã từng tham quan tại Đền Hùng. Trên cơ sở lý thuyết, nhóm tác giả lựa chọn mô hình dựa vào các nghiên cứu thực nghiệm bằng mô hình SERVPERF, về sự hài lòng đối với chất lượng dịch vụ đã có một số nghiên cứu liên quan. Nhóm tác giả đề xuất mô hình lý thuyết 6 nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch tham quan Đền Hùng: (1) Hoạt động văn hóa, (2) Hướng dẫn viên du lịch, (3) Giá cả dịch vụ, (4) Cảnh quan thiên nhiên, (5), Cơ sở hạ tầng, (6) Hệ thống vệ sinh môi trường.

Giả thuyết nghiên cứu dựa vào tổng quan lý thuyết và mô hình nghiên cứu, nhóm tác giả thuyết được đề xuất như sau:

Giả thuyết H1: Yếu tố Hoạt động văn hóa có ảnh hưởng tích cực (+) đến sự hài lòng của du khách.

Giả thuyết H2: Yếu tố Hướng dẫn viên du lịch có ảnh hưởng tích cực (+) đến sự hài lòng của du khách.

Giả thuyết H3: Yếu tố Giá cả dịch vụ có ảnh hưởng tích cực (+) đến sự hài lòng của du khách.

Giả thuyết H4: Yếu tố Cảnh quan thiên nhiên có ảnh hưởng tích cực (+) đến sự hài lòng của du khách.

Giả thuyết H5: Yếu tố Cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng tích cực (+) đến sự hài lòng của du khách.

Giả thuyết H6: Yếu tố Hệ thống vệ sinh môi trường có ảnh hưởng tích cực (+) đến sự hài lòng của du khách.

Như vậy, mô hình nghiên cứu có một biến phụ thuộc là sự hài lòng của du khách tham quan Đền Hùng và 6 giả thuyết đưa ra đều có quan hệ đồng biến với sự hài lòng của du khách tham quan Đền Hùng.

sự hài lòng

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả đối tượng điều tra

Trong tổng số 369 phiếu phản hồi từ khách tham quan Đền Hùng, kết quả thu được 334 phiếu hợp lệ. Thống kế mô tả về mẫu nghiên cứu như sau:

- Về giới tính: Tỷ lệ giữa nam và nữ chênh lệch không nhiều, nam chiếm 56,6% và nữ chiếm 43,4%.

- Về độ tuổi: Các đối tượng trả lời chủ yếu ở độ tuổi từ 35-49 tuổi, chiếm tỷ lệ 46,7%. Kế đến là độ tuổi từ 25-34 tuổi, chiếm tỷ lệ 23,7%; độ tuổi từ 50 trở lên chiếm 9,9% và độ tuổi dưới 25 chiếm tỷ lệ 19,8%.

- Về số lần đến tham quan: Trong 334 phiếu trả lời hợp lệ, có 118 du khách mới tham quan Đền Hùng 1 lần (chiếm 59,3%); 89 du khách đã tham quan Đền Hùng 2 lần (chiếm 26,6%) và 49 du khách (chiếm 14,1%) đến tham quan từ 3 lần trở lên.

- Về mục đích chuyến đi: Có 64,1% khách đến Đền Hùng với mục đích tham quan dịp Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương; 10,5% du khách đi công tác kết hợp tham quan và 16,8% khách du lịch đi tham quan kết hợp nghiên cứu học tập, 8,7% còn lại là lựa chọn lý do khác.

- Về hình thức đến tham quan: Có 13,5% khách đến Đền Hùng theo hình thức tour du lịch, trong khi đó 43,7% lựa chọn theo hình thức gia đình tổ chức, 22,5% lựa chọn hình thức cơ quan tổ chức, còn lại 20,4% là do cá nhân tự tổ chức tham quan.

Có thể thấy khách tham quan Đền Hùng chủ yếu ở độ tuổi trung niên, phần lớn đến tham quan dịp Giỗ tổ Hùng Vương hoặc tham quan nghiên cứu học tập. Đánh giá sơ bộ về tính đa dạng của sản phẩm du lịch tại Đền Hùng, có 82,6% du khách cho rằng sản phẩm loại hình du lịch ở đây hiện còn nghèo nàn, đơn điệu.

4.2. Kết quả kiểm định sự tin cậy thang đo các yếu tố

Để đánh giá sự tin cậy của các thang đo đo lường các yếu tố trong mô hình nghiên cứu, tác giả sử dụng hệ số tương quan biến tổng với các tiêu chuẩn lớn hơn 0,6 (Hair và cộng sự, 2006) cho các nghiên cứu kiểm định và hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát lớn hơn 0,3. Kết quả cho thấy, các hệ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0,6 và đạt yêu cầu. (Bảng 2)

Bảng 2. Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha

STT

Biến

Cronbach’s Alpha

1

Hoạt động văn hóa (VH)

0,871

2

Hướng dẫn viên du lịch (HD)

0,861

3

Giá cả dịch vụ (GC)

0,787

4

Cảnh quan thiên nhiên (CQ)

0,893

5

Cơ sở hạ tầng (CS)

0,892

6

Hệ thống vệ sinh môi trường (VS)

0,779

7

Sự hài lòng (SHL)

0,895

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu, 2023

Có thể thấy, thang đo của các yếu tố và thang đo Sự hài lòng đều đạt tính tin cậy và phù hợp. Từ đó, nhóm tác giả tiếp tục thực hiện phân tích nhân tố khám phá EFA.

4.3. Phân tích nhân tố khám phá

a. Kết quả phân tích khám phá nhân tố với các biến độc lập

Sau khi kiểm định độ tin cậy các thang đo của các yếu tố, nhóm tác giả tiến hành phân tích nhân tố khám phá đối với các biến độc lập và thu được kết quả như sau: Hệ số KMO = 0,832 (thuộc đoạn từ 0,5 đến 1). Kiểm định Barlett có ý nghĩa thống kê p-value = 0,000 (nhỏ hơn 0,05). Các hệ số factor loading > 0,5. Giá trị Eigenvalue > 1. Tổng phương sai giải thích = 73,188% (lớn hơn 50%). Từ 22 biến quan sát rút trích về được 6 nhân tố như mô hình lý thuyết.

Dựa vào các đánh giá trên, có thể thấy việc sử dụng phân tích khám phá nhân tố với tập dữ liệu thu thập được là phù hợp. Mô hình nghiên cứu được giữ nguyên như mô hình lý thuyết mà không phải điều chỉnh.

b. Kết quả phân tích khám phá nhân tố Sự hài lòng

Kết quả thu được sau khi phân tích khám phá nhân tố sự hài lòng cụ thể: Hệ số KMO bằng 0,745 (thuộc đoạn từ 0,5 đến 1). Kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê p – value = 0,000 (nhỏ hơn 0,05). Các hệ số factor loading > 0,5. Giá trị Eigenvalue > 1. Tổng phương sai giải thích = 83,275% (lớn hơn 50%). Từ 3 biến quan sát chỉ hình thành duy nhất 1 nhân tố. Dựa vào các đánh giá trên, có thể thấy việc sử dụng các nhân tố là phù hợp.

4.4. Các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng của du khách

Để nhận diện mức độ ảnh hưởng các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách tại điểm đến Đền Hùng, mô hình tương quan tổng thể có dạng: Y = f (X, X, X, X, X, X)

Phương trình hồi quy tuyến tính: Y = β + β X + β X + β X + β X + β X + β X + ξ

Trong đó: Y: là biến phụ thuộc - Mức độ hài lòng của du khách; X: Hoạt động văn hóa; X: Hướng dẫn viên du lịch; X: Giá cả dịch vụ; X: Cảnh quan thiên nhiên; X: Cơ sở hạ tầng; X: Hệ thống vệ sinh môi trường; ξ: Sai số của mô hình

Kết quả kiểm định hệ số hồi quy các biến và mức độ phù hợp của mô hình được thể hiện ở Bảng 2. Từ kết quả mô hình hồi quy tuyến tính cho thấy, các biến độc lập đều có ảnh hưởng tích cực đến mức độ hài lòng của khách hàng, vì hệ số hồi quy của các biến độc lập đều lớn hơn 0 với mức ý nghĩa thống kê cao (< 1 %). (Bảng 2)

Bảng 2. Bảng phân tích hồi quy các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách

Model

Unstandardized Coefficients

Standardized Coefficients

t

Sig.

Collinearity Statistics

B

Std. Error

Beta

Tolerance

VIF

1

(Constant)

.217

.286

 

3.107

.002

 

 

VH

.472

.065

.475

7.310

.000

.693

1.443

HD

.166

.033

.119

2.008

.046

.966

1.035

GI

.151

.071

.147

2.146

.034

.623

1.605

CQ

.185

.055

.206

3.383

.001

.792

1.262

CS

.117

.034

.210

3.422

.001

.095

1.105

VS

.156

.039

.276

4.015

.000

.722

1.385

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu, 2023

Từ kết quả hồi quy, sự hài lòng của du khách tới tham quan Đền Hùng được biểu diễn qua công thức sau đây:

SHL= 0,217 + 0,472 * VH + 0,185 * CQ + 0,166 * HD + 0,156 * VS + 0,151 * GI + 0,117 * CS

Hay: Sự hài lòng của du khách tham quan Đền Hùng = 0,217 + 0,472 * Hoạt động văn hóa + 0,185 * Cảnh quan thiên nhiên + 0,166 * Hướng dẫn viên du lịch + 0,156 * Hệ thống vệ sinh môi trường + 0,151 * Giá cả dịch vụ + 0,117 * Cơ sở vật chất

Nhìn chung, cả 6 yếu tố đều có tác động đến sự hài lòng của du khách tham quan Đền Hùng. Bất kỳ sự thay đổi nào trong 6 yếu tố đều ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách. Trong đó, hệ số Beta của yếu tố Hoạt động văn hóa = 0,472 là cao nhất. Điều này có ý nghĩa, các Hoạt động văn hóa diễn ra tại Đền Hùng là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách. Tiếp đến, lần lượt là các yếu tố Cảnh quan thiên nhiên, Hướng dẫn viên du lịch, Vệ sinh môi trường, Giá cả dịch vụ và Cơ sở vật chất.

Trong điều kiện 5 yếu tố còn lại không thay đổi, nếu yếu tố Hoạt động văn hóa tăng lên 1 đơn vị thì Sự hài lòng của du khách tăng 0.472 đơn vị. Tương tự, trong điều kiện 5 yếu tố còn lại không thay đổi, nếu yếu tố Cảnh quan thiên nhiên tăng 1 đơn vị thì Sự hài lòng của du khách tăng 0,185 đơn vị. Với các yếu tố như Hướng dẫn viên du lịch, Hệ thống vệ sinh môi trường, Giá cả dịch vụCơ sở vật chất khi một trong các yếu tố tăng 1 đơn vị, trong khi các yếu tố còn lại không thay đổi, thì Sự hài lòng của du khách tăng lần lượt là 0,166 đơn vị, 0,156 đơn vị 0,151 đơn vị và 0,117 đơn vị.

Phân tích ANOVA đối với mô hình hồi quy đa biến cho thấy, giá trị kiểm định F có ý nghĩa ở mức thống kê 1% chứng tỏ mô hình hồi quy xây dựng là phù hợp với bộ dữ liệu thu thập được. Kết quả phân tích các hệ số hồi quy cũng cho thấy mối quan hệ tương quan của các nhân tố đã chọn không có hiện tượng đa cộng tuyến, do hệ số phóng đại phương sai của các biên độc lập (V1F) đều nhỏ hơn 2. Giá trị R² của mô hình tổng thể bằng 0,780 cho thấy các biến độc lập trong mô hình giải thích khoảng 78% ảnh hưởng của các nhân tố đang xét đến mức độ hài lòng của du khách, còn lại 22% được giải thích bởi ảnh hưởng của các yếu tố khác ngoài mô hình.

Như vậy, để gia tăng sự hài lòng của du khách tham quan tại Đền Hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ phối hợp cùng Chính quyền địa phương, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng có thể đưa ra các chính sách để tác động và nâng cao từng yếu tố này.

5. Kết luận và khuyến nghị

Qua những phân tích trên, có thể thấy: sự hài lòng của du khách tham quan Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ chịu tác động bởi 6 yếu tố, cụ thể: Hoạt động văn hóa, Cảnh quan thiên nhiên, Hướng dẫn viên du lịch, Hệ thống vệ sinh môi trường, Giá cả dịch vụ và Cơ sở vật chất.

Yếu tố mạnh nhất đến sự hài lòng của du khách tại điểm đến Đền Hùng là Hoạt động văn hóa. Các hoạt động văn hóa tại Đền Hùng như: Nghi lễ thờ cúng, rước kiệu truyền thống, tổ chức hát xoan, đánh trống đồng… là những hoạt động thu hút du khách đến tham quan Đền Hùng. Thông qua các hoạt động này, du khách thêm hiểu hơn về nguồn cội dân tộc về bản sắc văn hóa người Việt. Đó cũng là nét đặc sắc của khu di tích Đền Hùng nhằm thu hút các du khách hàng năm tới thăm quan. Do đó, các hoạt động này cần phải được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư về nội dung, đa dạng hóa các sản phẩm để truyền tải văn hóa cội nguồn Việt Nam một cách có chiều sâu. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa một cách thường xuyên để thu hút khách quanh năm, tránh tình trạng chỉ dồn tập trung vào mùa lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương (tháng 3 Âm lịch) gây ra tắc nghẽn và không khai thác hết được tiềm lực tài nguyên du lịch văn hóa tại Đền Hùng.

Yếu tố ảnh hưởng mạnh thứ hai là Cảnh quan thiên nhiên. Khu di tích Đền Hùng bao quanh bởi những hàng cây xanh cổ thụ, cùng các loài thảo mộc phong phú. Nơi đây có địa hình núi cao hùng vĩ thu hút du khách bởi vẻ đẹp ngàn năm cổ kính. Tuy nhiên, để có thể gìn giữ được vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên trong khi sẵn sàng để tiếp đón lượng lớn du khách tới tham quan, cần có những giải pháp bảo tồn, chăm sóc cảnh quan thiên nhiên thường xuyên. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cùng với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần phối hợp tạo ra mạng lưới điểm đến lân cận xung quanh Đền Hùng (du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm…) để mở rộng phạm vi du lịch cũng như tạo ra một chuỗi giá trị cho ngành Du lịch của tỉnh Phú Thọ.  

Yếu tố ảnh hưởng yếu thứ ba là Hướng dẫn viên du lịch. Ban quản lý khu di tích Đền Hùng cần có các giải pháp tăng cường bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp cho hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các hướng dẫn viên được tham gia các hội thi, lớp tập huấn do Hiệp hội Du lịch tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch… tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng hướng dẫn, khả năng thuyết trình, thái độ phục vụ tốt hơn cho du khách cũng như khả năng ứng dụng các công nghệ cao để quảng bá cho hình ảnh và các hoạt động văn hóa của Đền Hùng.

Các nhân tố Cơ sở hạ tầng cũng như sự thuận tiện trong đi lại khi tham quan, Hệ thống vệ sinh môi trường tại điểm đến có tác động đến mức độ hài lòng của khách tham quan. Điều này cho thấy, việc cải thiện chất lượng các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường có ý nghĩa tích cực trong việc gia tăng điểm số về sự hài lòng của du khách tham quan. Ngoài ra, yếu tố Giá cả dịch vụ cũng ảnh hưởng tới sự hài lòng của du khách. Do đó, tiếp tục duy trì hoạt động công khai niêm yết giá các loại dịch vụ theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, điều chỉnh giá các dịch vụ theo bối cảnh kinh tế, theo từng đối tượng cụ thể.

Tóm lại, sau 3 năm du lịch tại khu di tích lịch sử Đền Hùng chịu ảnh hưởng nặng nể do đại dịch Covid-19, chính sách mở của toàn bộ hoạt động du lịch của Chính phủ hiện nay là cơ hội để du lịch văn hóa tại Đền Hùng phục hồi và bứt phá, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì vậy, việc thấu hiểu du khách để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để tăng cường sự hài lòng là hết sức quan trọng và cấn thiết. Điều này sẽ giúp du lịch văn hóa tại Đền Hùng nói riêng và Phú Thọ nói chung nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút khách du lịch một cách bển vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Văn Sáu, Nguyễn Tương Lai, Nguyễn Phúc Khánh, & Huỳnh Thị Kiểu Thu (2019). Nghiên cứu sự hài lòng của du khách đối với chất lượng dịch vụ du lịch tại thành phố Cần Thơ, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô, số Chuyên đề.
  2. Bùi Nhất Vương, Nguyễn Thị Thanh Huyền (2021). Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách nội địa đối với chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái tỉnh Cà Mau. Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến, số 7 (5).
  3. Cao Thị Thanh & Phạm Thu Hà (2021). Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách với chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch tỉnh Hà Giang. Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Công nghiệp Hà Nội, tập 57, số 6.
  4. Hair, J. E, Anderson R. E, Tatham, R. L., & Black, w. c (2006). Multivariate Data Analysis with Readings, New York.
  5. Tổng cục Du lịch (2020). Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2019. Nhà Xuất bản Lao động.
  6. Nguyễn Thị Phương Dung & Phan Thanh An (2023). Vai trò của di sản Đền Hùng với phát triển du lịch văn hóa. Tạp chí Văn hóa & Nghệ thuật, số tháng 5.

Factors affecting the satisfaction of tourists when visiting Hung King’s Temple in Phu Tho province

Nguyen Thi Phuong Dung1

Phan Thanh An2

1Lecturer in Political Economy, Hanoi University of Science and Technology

2Student, Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

This study analyzes the factors affecting the satisfaction of tourists when visiting Hung King’s Temple in Phu Tho province. The study finds out that there are six factors affecting the tourist satisfaction, including: (1) Cultural activities, (2) Tour guides, (3) Service price, (4) Natural landscape, (5), Infrastructure, and (6) Sanitation system. In which, the cultural activities factor has the highest impact while the infrastructure factor has the lowest impact on the tourist satisfaction. Based on the study’s findings, some measures are proposed to improve the visitor satisfaction and the behavioral intention of local people, and help Hung King’s Temple attract more visitors, contributing to the development of Phu Tho province’s tourism industry in particular and Vietnam’s tourism industry in general.

Keywords: tourist, Hung King’s Temple, satisfaction, Phu Tho province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương