Các nhân tố ảnh hưởng đến việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

TS. GVC. VŨ QUỐC THÔNG (Giảng viên, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) - LƯU BẢO VY (Học viên khoa Sau Đại học, Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) địa bàn tỉnh Trà Vinh. Kết quả cho thấy, có 6 nhân tố ảnh hưởng đến việc sai sót trên báo cáo tài chính theo mức độ giảm dần như sau: Quản trị công ty, Trình độ người kế toán, Chính sách thuế, Kiểm toán độc lập, Chất lượng phần mềm kế toán và Quy mô doanh nghiệp. Từ kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm hạn chế việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Từ khóa: doanh nghiệp nhỏ và vừa, báo cáo tài chính, tỉnh Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Báo cáo tài chính cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng để ra quyết định. Chất lượng thông tin có thể làm tổn hại đến việc ra quyết định của các đối tượng sử dụng thông tin trong báo cáo tài chính. Sai sót báo cáo tài chính là một chủ đề có tính thời sự trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện. Tính phổ biến của sai sót báo cáo tài chính trên thế giới và ở nước ta đặt ra vấn đề cần tìm hiểu bản chất, nguyên nhân và hệ quả của sai sót.

Thực trạng sai sót báo cáo tài chính cũng đặt ra câu hỏi là các DNNVV ở Việt Nam nói chung hoặc trên địa bàn Tỉnh Trà Vinh nói riêng do vẫn tồn tại một cơ chế quản trị công ty chưa tốt, quy trình lập báo cáo tài chính chưa đáng tin cậy, bộ phận kiểm toán nội bộ chưa thật hữu hiệu, tiến hành hoạt động kinh doanh chưa tuân thủ pháp luật, không có đạo đức trong việc không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng lợi nhuận kinh doanh (Ngân Giang, 2019). Với những kết quả nghiên cứu tìm được, tác giả kỳ vọng sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao năng lực quản lý, giúp cho nhà quản lý, người kế toán doanh nghiệp chú ý đến các nhân tố ảnh hưởng đến sót khi lập báo cáo tài chính; đồng thời, giúp cho công chúng hiểu rõ hơn hiện tượng sai sót trên báo cáo tài chính của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Việc tìm hiểu về những nhân tố ảnh hưởng đến việc sai sót trên BCTC là vấn đề cần quan tâm và cấp thiết cho các DNNVV nói chung và DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nói riêng. Do vậy, tác giả lựa chọn đề tài: “Các nhân tố ảnh hưởng đến việc sai sót trên Báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” để nghiên cứu.

2. Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Qua lý thuyết nền và một số nghiên cứu liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

báo cáo tài chính

Dựa theo mô hình đề xuất, nhóm tác giả trình bày các giả thuyết cho nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H1: Quản trị công ty có tác động đa chiều đến việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Giả thuyết H2: Kiểm toán độc lập có tác động đa chiều đến việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Giả thuyết H3: Quy mô doanh nghiệp có tác động cùng chiều đến việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Giả thuyết H4: Chất lượng phần mềm kế toán có tác động cùng chiều đến việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Giả thuyết H5: Trình độ người kế toán có tác động cùng chiều đến việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Giả thuyết H6: Chính sách thuế có tác động cùng chiều đến việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập, nghiên cứu định tính và định lượng:

Phương pháp thu thập: tìm các tài liệu liên quan trong và ngoài nước… Từ các tài liệu có được, kết hợp với mục đích nghiên cứu, tác giả xây dựng mô hình và các giả thuyết nghiên cứu.

Nghiên cứu định lượng: thu thập các thông tin và dữ liệu nhằm có cái nhìn tổng quát về đối tượng nghiên cứu, phục vụ cho thống kê và phân tích.

Nghiên cứu định tính: thu thập các thông tin, dữ liệu về đối tượng nghiên cứu, khảo sát. Sau đó, xử lý dữ liệu được bằng thống kê mô tả số liệu đánh giá độ tin cậy của thang đo và phân tích EFA, phương pháp hồi quy đa biến để kiểm định giả thuyết nghiên cứu.

3. Kết quả

3.1. Thống kê mô tả

Tác giả đã gửi đi 160 phiếu khảo sát và thu về được 156 phiếu, xác xuất phiếu không phản hồi là 2,5%. Kết quả thống kê mô tả khảo sát cho thấy:

Về giới tính, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ nữ giới chiếm nhiều hơn nam giới, lần lượt là 58,3% và 41,7%.

Về trình độ học vấn, đối tượng đáp viên có trình độ trung cấp có số phiếu là 39 chiếm 25%, trình độ học vấn cao đẳng là 48 phiếu chiếm 30,77%, trình độ đại học là 64 phiếu chiếm 41,03%, trình độ sau đại học là 5 phiếu chiếm 3,21%.

Về thâm niên công tác, kết quả khảo sát cho thấy thâm niên từ 1-3 năm và thâm niên từ 5 năm trở lên đều có 40 phiếu (tỷ lệ 25,64%), thâm niên từ 3-5 năm có 76 phiếu (tỷ lệ 48,2%).

Về công tác tại loại hình doanh nghiệp, kết quả cho thấy doanh nghiệp sản xuất có 59 phiếu (37,82%), doanh nghiệp dịch vụ/thương mại có 29 phiếu (18,59%), doanh nghiệp xây dựng/công nghiệp có 57 phiếu (36,54%), doanh nghiệp khác có 11 phiếu (7,05%).

3.2. Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Trọng và Mộng Ngọc (2008), tiêu chuẩn chọn thang đo là khi có độ tin cậy Cronbach’s Alpha > 0.6. Đồng thời, hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đo lường cho nhân tố đạt sẽ lớn hơn 0,3 (Hair et al., 2005).

Kết quả đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của các nhân tố đều lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đo lường cho các nhân tố đều lớn hơn 0,3. Do đó, tất cả các biến đều đạt tiêu chuẩn cho phép.

3.3. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

3.3.1. Phân tích nhân tố EFA cho các biến độc lập

Sau khi thực hiện đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha thì thang đo các biến quan sát trong mô hình là 24 biến quan sát các nhân tố được đưa vào phân tích.

Qua kiểm định EFA (theo Kaiser, 1974; Hair et al., 2005) lần 1 đưa kết quả thì sig = 0,000 <0,05 cho thấy biến quan sát có tương quan với nhau, hệ số KMO = 0,835 > 0,5 cho thấy phân tích nhân tố khám phá phù hợp.  Loại biến QT1 do biến này có hệ số tải nhỏ hơn 0,5. Nên chạy lại lần 2 thì KMO = 0,828 > 0,5 phân tích nhân tố là phù hợp, Sig. = 0,000 (sig. < 0,05) chứng tỏ các biến quan sát tham gia vào phân tích EFA có tương quan với nhau. (Bảng 1)

Bảng 1. Kiểm định KMO và Bartlett

báo cáo tài chính

3.3.2. Phân tích hệ số tương quan

Trước khi tiến hành phân tích hồi quy cần chạy tương quan Pearson nhằm kiểm tra mối tương quan tuyến tính giữa biến phụ thuộc với các biến độc lập.

Kết quả phân tích nhận thấy rằng giữa tất cả 6 biến độc lập với biến phụ thuộc đều có sig < 0,05. Điều đó chứng tỏ không cần loại biến độc lập nào để đưa vào phân tích hồi quy.

3.3.3. Phân tích hồi quy đa biến

Thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính bội để đánh giá sự tác động của các biến độc lập này lên biến phụ thuộc. (Bảng 2)

Bảng 2. Model Summary

báo cáo tài chính

Bảng 2 cho kết quả: R2 hiệu chỉnh (Adjusted R Square) = 0,672 = 67,2%, cho thấy các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy ảnh hưởng 67,2% sự thay đổi của biến phụ thuộc. Giá trị Durbin-Watson = 1,836, nằm trong khoảng 1,5 đến 2,5 nên kết quả không vi phạm giả định tự tương quan chuỗi bậc nhất (Yahua Qiao, 2011). (Bảng 3)

Bảng 3. Kiểm định ANOVA

báo cáo tài chính

Bảng 3 cho giá trị Sig. của kiểm định F = 0,000 < 0,05, như vậy mô hình hồi quy có ý nghĩa.

Bảng 4. Coefficients

báo cáo tài chính

Kết quả tại Bảng 4 cho thấy: 6 biến độc lập đều có giá trị Sig. < 0,05 nên đều có ý nghĩa trong mô hình hồi quy và có sự tác động lên biến phụ thuộc SS. Hệ số phóng đại phương sai - VIF của 6 biến độc lập đều cho kết quả < 10 nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Từ các hệ số hồi quy, xây dựng được phương trình hồi quy chuẩn hóa như sau:

SS = 0,350*QT+ 0,193*KT+0,123*QM + 0,151*CL
+ 0,262TĐ + 0,214CS + ε

4. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các nhân tố đều có tác động đến nhân tố Việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo tỉ lệ thuận, với thứ tự quan trọng giảm dần như sau: Quản trị công ty (β = 0,350), Trình độ người kế toán (β = 0,262), Chính sách thuế (β = 0,214), Kiểm toán độc lập (β = 0,193), Chất lượng phần mềm kế toán (β = 0,151) và Quy mô doanh nghiệp (β = 0,123).

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hạn chế việc sai sót trên báo cáo tài chính tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như sau:

Thứ nhất, về quản trị công ty: Doanh nghiệp cần thực hiện một số biện pháp như hoàn thiện hệ thống pháp lý, công bố thông tin báo cáo tài chính,... Quản trị công ty phải am hiểu sơ bộ trong lĩnh vực kế toán, thường xuyên kiểm tra đến việc vận hành kế toán trong lĩnh vực nhưng không can thiệp quá sâu.

Thứ hai, về trình độ người kế toán: Các doanh nghiệp nói chung và các DNNVV nói riêng nên cơ cấu bộ phận kế toán đảm bảo các yếu tố về trình độ, khả năng đảm nhiệm và xử lý mọi tình huống, nhân lực và đặc biệt là đầu tư cho bộ phận kế toán một phần mềm kế toán chất lượng nhằm mục đích giảm thiểu các công việc thủ công và nâng cao chất lượng trên báo cáo tài chính giảm thiểu việc sai sót.

Các doanh nghiệp cần tạo cơ hội, điều kiện cho nhân viên kế toán nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi và bồi dưỡng kiến thức, cập nhật nhanh và áp dụng các chính sách mới vào hệ thống kế toán tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc sai sót trên báo cáo tài chính. Trong bộ phận kế toán, phải phân chia công việc cụ thể, trách nhiệm mà mỗi người đảm nhận.

Thứ ba, về chính sách thuế: Các doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các quy định do cơ quan thuế đề ra, kê khai đầy đủ hóa đơn đầu vào và ra, chi phí,… Việc thực hiện chính sách thuế cần thực hiện nghiêm túc, trung thực, tuân theo các quy định về kế toán, tránh gian lận, sai sót gây ảnh hưởng đến việc minh bạch trong báo cáo tài chính.

Thứ tư, về kiểm toán độc lập: Trong những năm gần đây, chất lượng báo cáo tài chính trước và sau khi kiểm toán có sự chênh lệch, sai sót, gian lận gây bất lợi cho các đối tượng sử dụng thông tin. Điều này liên quan đến các công ty kiểm toán hiện nay, các công ty kiểm toán cũng ảnh hưởng đến việc sai sót trên báo cáo tài chính. Thông qua việc tham khảo và nghiên cứu cho thấy quy mô công ty và mức độ uy tín cũng ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính có bị sai sót hay gian lận giữa doanh nghiệp và công ty kiểm toán. Việc kiểm toán có minh bạch, chất lượng không bị sai sót trên báo cáo tài chính cũng được các nhà đánh giá khi xem xét lựa chọn. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải nghiêm túc trong việc lựa chọn các công ty kiểm toán độc lập có uy tín, đủ điều kiện để thực hiện kiểm toán.

Thứ năm, về chất lượng phần mềm kế toán: Các DNNVV cần chú trọng đầu tư vào các phần mềm hỗ trợ kế toán, nâng cao chất lượng phần mềm, luôn cập nhật, lựa chọn các phần mềm đem lại hiệu quả cho bộ phận kế toán giúp tiết kiệm tối đa thời gian nhập liệu, hạch toán, thu thập thông tin nhằm giảm thiểu việc sai sót trên báo cáo tài chính, gian lận.

Doanh nghiệp cần đề ra một kế toán, luôn tạo điều kiện cho nhân viên được tiếp cận và ứng dụng tối đa phần mềm kế toán. Đăng ký các lớp kỹ năng về phần mềm cho nhân viên tiếp cận kiến thức.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải sử dụng phần mềm kế toán đã được kiểm định về chất lượng, thường xuyên cập nhật các chính sách, chuẩn mực,…

Thứ sáu, về quy mô doanh nghiệp: Việc sai sót báo cáo tài chính tại các DNNVV một phần nhỏ liên quan đến quy mô doanh nghiệp. Do doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ, việc xây dựng bộ máy kế toán sơ sài, hạn chế việc áp dụng quy trình kế toán, không có sự phân công trách nhiệm rõ ràng rành mạch dành cho các nhân viên, không đầu tư vào việc kiểm soát nội bộ, nguồn tài chính không đủ mạnh, chất lượng thông tin của DNNVV trên báo cáo tài chính không có độ tin cậy cao, không đa dạng đối tượng sử dụng thông tin như các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn sẽ trích ra một khoản để đầu tư cho việc xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ.

Ghi chú:

Nội dung bài báo công bố dựa trên kết quả nghiên cứu thuộc đề tài luận văn của học viên Lưu Bảo Vy - khoa Sau Đại học, Trường Đại học Trà Vinh. Đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. GVC. Vũ Quốc Thông, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abbott, L., Parker, S., Peters., G. (2004). Audit committee characteristics and restatements. Auditing: A Journal of Practice and Theory, 23(1), 69-87.
  2. Beasley, M. S. (1996). An empirical analysis of the relation between the board of director composition and financial statement fraud. The Accounting Review, 71(4), 443-465.
  3. Farber, D. B. (2005). Restoring Trust after Fraud: Does Corporate Governance Matter? The Accounting Review, 80(2), 539-561.
  4. Agrawal, A., Chadha, S. (2005). Corporate governance and accounting scandals. The Journal of Law and Economics, 48(2), 371-406.
  5. Quốc hội (2015). Luật số 88/2015/QH13: Luật Kế toán 2015, ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2015.
  6. Chính phủ (2016). Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 về Quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán.
  7. Bộ Tài chính (2001). Quyết định số 143/2001/QĐ-BTC về ban hành Chuẩn mực kiểm toán số 240 về Gian lận và Sai sót.
  8. Bộ Tài chính (2012). Thông tư số 214/2012/TT-BTC về Ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam - Chuẩn mực kiểm toán số 240: Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính.
  9. Bộ Tài chính (2014). Thông tư số 200/2014/TT/BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
  10. Bộ Tài chính (2016). Thông tư số 133/2016/TT/BTC ngày 26 tháng 08 năm 2016 hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  11. Lê Thị Mến (2016). Tác động của đặc điểm giám đốc điều hành đến chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
  12. Lê Thị Xuân Oanh (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán trên Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh.

FACTORS AFFECTING THE FINANCIAL STATEMENT ERRORS

OF SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES

IN TRA VINH PROVINCE

Ph.D VU QUOC THONG1

• LUU BAO VY2

1Senior lecturer, Faculty of Accounting - Auditing,
Ho Chi Minh City Open University

2 Student, Faculty of Graduate Studies, Tra Vinh University

ABSTRACT: 

This study explores the factors affecting the financial statement errors of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Tra Vinh province. The study finds out that there are six factors affecting the financial statement errors of SMEs. These factors, in descending order of impact level, are corporate governance, qualification of accountants, tax policy, independent audit, quality of accounting software, and business size. Based on the study’s findings, some recommendations are proposed to help SMEs in Tra Vinh province prevent financial statement errors.

Keywords: small and medium-sized enterprises, financial statements, Tra Vinh province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 11 năm 2022]