Các nhân tố ảnh hưởng và lợi ích của phương pháp học tập cộng tác trong trường đại học

ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH NGUYỆT (Viện Kinh tế và quản lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Học tập cộng tác là một phương pháp học tập tích cực đã và đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trong xu hướng phát triển của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, học tập cộng tác cũng là một trong số những phương pháp dạy và học đã và đang được lựa chọn triển khai có hiệu quả tại nhiều cơ sở đào tạo đại học trong cả nước. Bài viết tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng và lợi ích của phương pháp học tập cộng tác trong trường đại học.

Từ khóa: học tập cộng tác, học tập tích cực, giáo dục đại học, giáo dục hiện đại.

1. Đặt vấn đề

Học tập là một quá trình tích cực, theo đó người học được truyền thụ lần lượt những nội dung, khối kiến thức tương đối lớn theo một lộ trình đã được thiết kế, kiểm duyệt trước đó cho từng chủ đề học tập và cho từng khóa học khác nhau. Để đảm bảo được những yêu cầu về chất lượng nội dung, kết quả học tập, tính khả thi của công trình nghiên cứu trong một khoảng thời gian nhất định đã thúc đẩy người dạy - người học hướng tới một phương pháp học tập mới, thay vì phương pháp học tập truyền thống, đó là học tập cộng tác.

Học tập cộng tác là một phương pháp học tập tích cực đã và đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những lợi thế của phương pháp học tập này trong việc cải thiện kết quả học tập, thúc đẩy phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện... và gia tăng sự hài lòng trong trải nghiệm học tập của người học. Tại Việt Nam, trong xu hướng phát triển của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, học tập cộng tác cũng là một trong số những phương pháp dạy và học đã và đang được lựa chọn triển khai có hiệu quả tại nhiều cơ sở đào tạo đại học trong cả nước.

Khác với học tập truyền thống, học tập cộng tác là một phương pháp học tập tích cực trong đó người học được chia thành các nhóm nhỏ để tăng cường học tập thông qua làm việc, phối hợp cùng nhau để giải quyết một vấn đề, hoàn thành nhiệm vụ học tập, nghiên cứu hoặc tìm hiểu một khái niệm mới hay để tạo ra một sản phẩm mới. Theo Gerlach (1994), "học tập cộng tác dựa trên ý tưởng học tập là một hành động xã hội tự nhiên, trong đó những người tham gia tương tác, nói chuyện với nhau, qua đó, hoạt động học tập mới xảy ra". Khi tham gia vào nhóm học tập cộng tác, với mỗi một vấn đề được đưa ra thảo luận, mỗi người trong nhóm đều cùng được hưởng lợi khi được lắng nghe, tiếp thu các quan điểm, ý tưởng đa dạng từ những thành viên khác trong nhóm. Do đó, việc học tập, nghiên cứu sẽ đạt được hiệu quả cao nếu được thực hiện trong một môi trường xã hội mà ở đó có thể diễn ra nhiều những cuộc trao đổi, có được sự tương tác tích cực giữa những thành viên trong nhóm.

Khi nói đến học tập cộng tác, người ta dễ bị nhầm lẫn với học tập hợp tác. Với học tập hợp tác, những người tham gia vào nhóm hợp tác sẽ chỉ chịu trách nhiệm về một phần cụ thể cho kết quả học tập, sự thành công của chính họ và thành công của cả nhóm. Trong học tập hợp tác, mỗi cá nhân phải sử dụng kiến ​​thức và nguồn lực của mình để đảm bảo tất cả các thành viên còn lại sẽ hiểu rõ các khái niệm mà họ nghiên cứu, thành công của nhóm học tập hợp tác phụ thuộc vào sự kết nối hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, và phải có một trưởng nhóm, người đứng đầu đóng vai trò giám sát quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Đối với học tập cộng tác, mỗi thành viên trong nhóm có phần công việc, nhiệm vụ riêng để phát triển, nhưng công việc của họ sẽ chỉ thành công nếu tất cả các thành viên khác đều học tập, nghiên cứu và thực hiện đúng phần việc của mình. Mặc dù mỗi người có một vai trò riêng biệt trong công việc, nhưng toàn bộ nhóm đều có một phần đóng góp vào sự thành công của những người khác.

Trong học tập cộng tác, cá nhân người tham gia cũng phải chịu trách nhiệm về việc học tập và thành công của nhóm, nhưng vai trò, nguồn lực và tổ chức của cá nhân là tùy thuộc vào mỗi thành viên. Không có người điều hành quản lý, vì vậy bản thân các thành viên nhóm phải tự phối kết hợp thực hiện. Học tập, làm việc cộng tác là một xu hướng đang trở nên khá phổ biến bởi những ưu việt mà nó mang lại. Không chỉ đối với mỗi cá nhân, mà nhóm nghiên cứu, lớp học và cả các cơ sở đào tạo hay tổ chức đều được hưởng những lợi ích nhất định khi triển khai mô hình học tập, làm việc cộng tác.

2. Các nhân tố ảnh hưởng tới kết quả học tập cộng tác

2.1. Nhân tố thuộc về cá nhân

Nhóm nhân tố này bao gồm động cơ học tập, thái độ hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm. Động cơ học tập là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hiệu quả học tập của người học. Đối với sinh viên nói chung, động cơ học tập được hình thành trong quá trình học tập và rèn luyện, động cơ xuất phát từ mục đích sống, định hướng của gia đình cũng như từ chính nhận thức của cá nhân mỗi người. Những người có động cơ học tập rõ ràng, có mục tiêu phấn đấu sẽ có ý thức, thái độ cũng như quyết tâm cao trong quá trình học tập và sẽ tìm được phương pháp học tập phù hợp một cách nhanh chóng.

Một yếu tố nữa khi tiếp cận với phương pháp học tập theo nhóm cộng tác đòi hỏi người học phải có được thái độ hợp tác, phải tự ý thức được vị trí, vai trò cũng như trách nhiệm của cá nhân mình đối với nhiệm vụ được giao và phải sẵn sàng chịu một phần trách nhiệm với công việc chung của tập thể. Trong bất cứ nhiệm vụ nào dù lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp, đã gắn với yếu tố tập thể thì điều kiện tiên quyết chính là thái độ cầu thị và hợp tác, nếu chỉ một cá nhân nào đó trong nhóm thiếu đi tinh thần này, nhiệm vụ khó có thể hoàn thành được.

Ngoài ra, học tập cộng tác đòi hỏi mỗi cá nhân cần có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc nhóm, kỹ năng này là một tập hợp các năng lực như giao tiếp, lắng nghe, phản biện, đồng cảm, giải quyết xung đột, quản lý thời gian, đàm phán, thuyết phục, ra quyết định... Những kỹ năng này cho phép cá nhân có thể làm việc một cách hiệu quả trong một nhóm có tổ chức. Bên cạnh đó, mức độ sử dụng thành thạo các thiết bị máy tính, cách thức tra cứu thông tin, học liệu số, sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội cũng là một trong những lợi thế quan trọng, giúp cho người học đạt được những kết quả mong đợi.

2.2. Nhóm nhân tố thuộc về môi trường học tập cộng tác

Nhóm nhân tố này bao gồm giảng viên, thành viên nhóm học tập cộng tác và  nhiệm vụ học tập cộng tác. Môi trường học tập cộng tác mặc dù là nhân tố bên ngoài, nhưng lại có tác động không nhỏ đến kết quả của quá trình học tập cộng tác. 

Giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập môi trường cộng tác, thiết kế, giao nhiệm vụ học tập nghiên cứu, cũng là người trực tiếp đánh giá kết quả của nhóm cộng tác. Nghiên cứu của Zalayaeva E.O và Solodkova I.M (2014) cho thấy, giáo viên đóng vai trò như một điều phối viên, tạo mối quan hệ tích cực và lành mạnh trong lớp học. Trên thưc tế, sự tương tác giữa người dạy và người học là yếu tố then chốt tạo, nên bầu không khí cho lớp học.

Mức độ tương tác giữa các thành viên hay giữa các nhóm học tập ngay trong một lớp, một khóa học cũng đóng vai trò quan trọng tác động trực tiếp đến kết quả học tập cộng tác. Một nhóm học tập cộng tác mà ở đó tất cả các thành viên đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng chia sẻ, biết lắng nghe, tiếp thu và phối hợp hành động sẽ là một nhóm học tập hiệu quả. Bởi mỗi thành viên sẽ có những điểm mạnh và có góc nhìn riêng. Khi tập hợp lại với nhau, vấn đề đưa ra sẽ được phân tích đa chiều, khách quan, qua đó có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn cũng như xây dựng và lựa chọn được giải pháp tối ưu cho vấn đề nghiên cứu. Hơn thế nữa, sự cạnh tranh lạnh mạnh giữa các nhóm học tập cộng tác ngay trong lớp học cũng sẽ thúc đẩy hiệu quả nghiên cứu của tất cả các nhóm học tập cộng tác.

Ngoài ra, một nhân tố nữa thuộc về môi trường học tập cộng tác cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập cộng tác, đó chính là nhiệm vụ học tập cộng tác: Tùy thuộc vào mục đích học tập, quy mô lớp học, thời gian hoàn thành cũng như cách thức sắp xếp, tổ chức phân nhóm thành viên học tập mà giảng viên có thể đưa ra những yêu cầu, nhiệm vụ học tập riêng cho từng nhóm. Mức độ đơn giản hay phức tạp của nhiệm vụ tùy thuộc vào phạm vi cũng như đối tượng nghiên cứu của nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiệm vụ được đưa ra đòi hỏi phải chi tiết, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với chương trình đào tạo cũng như trong khả năng của người học.

Tóm lại, môi trường học tập cộng tác lý tưởng đóng một vai trò quan trọng quyết định đến kết quả học tập cộng tác, cũng như thành tựu của mỗi cá nhân.

2.3. Nhóm nhân tố thuộc về nền tảng hỗ trợ

Nền tảng hỗ trợ cho hoạt động học tập cộng tác bao gồm tài liệu học tập (tài liệu truyền thống và tài liệu số), phương tiện kết nối và đặc biệt là mạng xã hội phục vụ cho hoạt động học tập cộng tác.

Quá trình dạy và học, kể cả quá trình tự nghiên cứu tìm hiểu cũng không thể không kể đến vai trò của tài liệu học tập. Sự đa dạng phong phú về nguồn cũng như số lượng bao gồm tài liệu học tập truyền thống và nguồn học liệu số đã giúp cho quá trình nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ học tập cộng tác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt với nguồn học liệu số, những thông tin, số liệu được thống kê từ tất cả các lĩnh vực của khoa học và đời sống được cập nhật hàng ngày, hàng giờ, thậm chí được cập nhật theo từng phút đã mở ra cơ hội cho cả người dạy và người học tiếp cận, thu thập được nguồn tri thức khổng lồ một cách nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên, để tiếp cận được với nguồn dữ liệu online này, một yêu cầu đặt ra là cả người dạy và người học cần được trang bị các phương tiện kết nối, truyền dẫn dữ liệu, đó chính là những chiếc máy tính, là ipad, là những chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet. Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ trong những năm gần đây đã cho phép con người có thể tự do giao tiếp, chia sẻ thông tin dù ở bất cứ đâu trên thế giới chỉ sau một cú click chuột. Nhân tố thứ ba đặc biệt quan trọng thuộc nhóm nền tảng hỗ trợ ,đó chính là mạng xã hội. Mạng xã hội là  một kênh giúp người học có thể học tập và theo dõi tất cả những thông tin, hoạt động của nhà trường, lớp học cũng như tương tác với giảng viên một cách nhanh nhất. Khi được sử dụng với mục đích sư phạm, mạng xã hội có thể đảm nhiệm vai trò của một công cụ dạy - học hữu hiệu trong một hệ sinh thái học tập bao gồm đầy đủ các chức năng của một lớp học thực tế như: cập nhật thông tin, hiển thị thông báo nhắc nhở... khi giảng viên đăng nhập vào lớp để cập nhật bài giảng, tài liệu học tập, giao bài tập, đề kiểm tra và giao nhiệm vụ học tập cho học sinh.

Ngược lại, người học sẽ dùng những chức năng sẵn có của mạng xã hội để thực hiện nhiệm vụ học tập, như: điểm danh, nộp bài tập, kết quả nghiên cứu, cũng như có thể nhắn tin, tạo phòng họp để trao đổi, chia sẻ thông tin với các thành viên trong nhóm, trong lớp và trao đổi tham vấn với giảng viên. Mạng xã hội hỗ trợ cho người dạy trong việc thống kê tổng hợp những tương tác, phản hồi của sinh viên, qua đó đánh giá được một cách chính xác kết quả học tập, tiếp thu kiến thức của người học.

3. Lợi ích của học tập cộng tác

3.1. Đối với mỗi cá nhân học tập cộng tác

- Biến việc học thành một quá trình thực sự tích cực: Người học phải sắp xếp các suy nghĩ của họ, trình bày một lập luận chặt chẽ để chứng minh quan điểm của mình, bảo vệ quan điểm đó với bạn bè, cộng sự và thuyết phục người khác lập luận của mình là đúng. Sự tham gia tích cực này giúp cho mỗi cá nhân nâng cao ý thức học hỏi và chủ động ghi nhớ, giữ lại được nhiều kiến ​​thức hơn.

- Học hỏi được từ quan điểm của người khác: Người học được hưởng lợi từ việc được nghe nhiều ý kiến, các quan điểm khác nhau được trình bày bởi tất cả các thành viên trong nhóm. Các nghiên cứu cho thấy, khi một người tiếp xúc với các quan điểm đa dạng, đặc biệt là từ những người có hoàn cảnh khác nhau, họ sẽ học hỏi được nhiều điều hơn.

- Rèn luyện tư duy và phản biện: Trong môi trường học tập cộng tác, người học phải nhanh chóng tổng hợp các câu trả lời và nếu thấy lập luận của mình còn thiếu sót, cần phải nhanh chóng điều chỉnh ý tưởng của mình. Thông qua đó, các cá nhân rèn luyện được phương pháp tư duy, đồng thời tiếp thu thông tin mới và điều chỉnh quan điểm của riêng họ khi các ý tưởng mới được đưa ra.

- Học cách lắng nghe những lời chỉ trích và ghi nhận lời khuyên: Người học cũng sẽ lắng nghe những người khác nói về ý tưởng của mình và phải đưa ra ý kiến riêng, ủng hộ hoặc phản đối lập luận của các thành viên của nhóm. Cách tiếp cận năng động này có nghĩa là người học sẽ có được sự hiểu biết đầy đủ hơn về chủ đề, vì họ phải xem xét nó từ mọi góc độ.

- Phát triển kỹ năng nói trước đám đông và lắng nghe tích cực: Các cá nhân học cách nói tốt trước khán giả là bạn bè, cộng sự, học được cách lắng nghe, tích cực xây dựng, trình bày ý tưởng của mình kết hợp với các thành viên khác trong nhóm, sự thoải mái, tự tin trong giao tiếp sẽ giúp các cá nhân hòa nhập và đạt được gắn kết cả về tình cảm và công việc.

- Cải thiện việc tiếp thu và lưu giữ kiến ​​thức: Các nghiên cứu đã chỉ ra việc sử dụng học tập cộng tác có thể dẫn đến tăng cường sự tham gia và lưu giữ kiến ​​thức tốt hơn. Quá trình học tập cộng tác cho phép người tham gia đạt được mức độ suy nghĩ cao hơn và thông tin được lưu giữ lâu hơn nhiều so với khi học trong môi trường không hợp tác.

- Cải thiện sự hợp tác: Khi được đưa ra một mục tiêu cụ thể, người học có nhiều khả năng tham gia thảo luận cụ thể chi tiết mọi vấn đề với nhau hơn, qua đó giúp nâng cao hiểu biết về chủ đề, gắn kết với nhau hơn, tôn trọng cộng sự hơn.

3.2. Đối với mỗi lớp học, tổ chức, cơ sở giáo dục

- Hỗ trợ vận hành lớp học: Khi người học được giao nhiệm vụ làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung có nghĩa là người học đang được tạo cơ hội để phát triển các kỹ năng cấp cao (kỹ năng tự quản lý và lãnh đạo). Việc triển khai thực hiện các yêu cầu về kỹ năng tổ chức, phân công, sắp xếp đồng thời giúp người học học được cách quản lý chính bản thân và thành viên khác trong nhóm, trong lớp học, góp phần tinh gọn bộ phận quản lý, điều phối, hỗ trợ các lớp học trong các cơ sở đào tạo.

- Cải thiện mối quan hệ giữa các nhóm học tập cộng tác trong một lớp học: Khi các cá nhân có liên hệ hạn chế giữa các thành viên khác trong nhóm, rất khó để thúc đẩy kết nối và làm việc theo nhóm. Học tập cộng tác buộc các cá nhân phải kết nối, tiếp cận và tìm cách làm việc cùng nhau. Điều này có thể đặc biệt có lợi cho các lớp học hay các tổ chức mà đều phụ thuộc vào người học hay nhân viên làm việc từ xa, vì việc tăng cường kết nối chặt chẽ giữa những thành viên ở xa có thể khó khăn.

- Thúc đẩy sự gắn bó, tinh thần đoàn kết trong môi trường học tập, nghiên cứu: Những thành viên được trao cơ hội học hỏi các kỹ năng mới có xu hướng hài lòng hơn trong học tập, công việc và ít có xu hướng xao nhãng, bỏ bê học tập nghiên cứu. Khi người học thấy hài lòng, người học sẽ có thái độ học tập tích cực hơn, hăng hái tham gia, có hứng thú hơn cũng như chú trọng vào nhiệm vụ học tập nghiên cứu, dẫn đến kết quả học tập cũng như hiệu quả công việc của nhóm, lớp, nhà trường được cải thiện.

- Nâng cao uy tín, khẳng định vị trí của tổ chức: Khi tham gia học tập cộng tác do các cơ sở đào tạo thiết lập, mỗi cá nhân đang được phát triển một loạt các kỹ năng và kiến ​​thức, không chỉ củng cố các kỹ năng hiện có bằng cách phải truyền đạt cho người khác, mà sẽ học hỏi thêm được nhiều các kỹ năng mới từ những thành viên khác trong nhóm. Điều này làm giảm nhu cầu đào tạo chính thức cho lớp học lớn hay một tổ chức, đồng thời với sự tiến bộ và những kết quả đạt được của người học cũng sẽ giúp cho lớp học, tổ chức, các cơ sở giáo dục đạt mục tiêu đào tạo, khẳng định vị trí của tổ chức.

Tóm lại, học tập cộng tác là một phương pháp học tập tích cực, có vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của công tác giảng dạy, đồng thời mang lại những lợi ích rõ rệt cho mỗi cá nhân, các cơ sở đào tạo khi áp dụng triển khai mô hình học tập cộng tác. Mô hình dạy và học tiến bộ này sẽ thực sự có hiệu quả nếu được thiết kế phù hợp với quy mô của mỗi lớp học, phù hợp với mỗi nội dung của chương trình đào tạo và đảm bảo được thực hiện một cách nghiêm túc.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu là một phần của đề tài T2021-PC-057. Xin chân thành cảm ơn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Kinh tế và Quản lý đã hỗ trợ tác giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aysun Bozanta, Sona Mardikyan. (2017). The effects of socical media use on collaborative learning: A case of Turkey.
  2. Chiu, M. M. (2000). Group problem solving processes: Social interactions and individual actions. Theory of Social Behavior, 30, 1, 27-50, 600-631.
  3. Gerlach, J.M. (1994). Is this collaboration? In Bosworth, K. & Hamilton, S.J. (Eds.), Collaborative Learning: Underlying Processes and Effective Techniques, New Directions for Teaching and Learning, No. 59. (pp.5-14). San Francisco, USA: Jossey-Bass Publishing.
  4. Hung, H. T., & Yuen, S. C. Y. (2010). Educational use of social networking technology in higher education. Teaching in higher education, 15(6), 703-714.
  5. Skinner, E. A., & Belmont, M. J. (1993). Motivation in the classroom: Reciprocal effects of teacher behavior and student engage.
  6. Widdowson, H.G. (1987). The roles of teachers and learners. ELT Journal, 41, 2, 83-8
  7. ZalyaevaO, Solodkova I.M (2014). Teacher-student collaboration: Institute of economics an finance Kazan federal university approach.

Factors affecting the application of collaborative learning method in universities and the benefits of this learning method

Master. Nguyen Thi Bich Nguyet

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

Collaborative learning, an active learning method, has been applied in many countries around the world. In the development of Vietnam’s education field in general and the development of higher education in particular, collaborative learning is one of some teaching and learning methods that have been effectively used in higher education institutions across the country. This paper analyzes the factors influencing the application of collaborative learning method in universities and the benefits of this learning method.

Keywords: collaborative learning, active learning, higher education, modern education.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 4 năm 2022]