Các nhân tố của việc đi làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên

Nghiên cứu "Các nhân tố của việc đi làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên" do ThS.Lưu Chí Danh, Phạm Hoàng Lan Anh, Phạm Nguyễn Tuyết Ngân và Nguyễn Thị Thùy Vân (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang) thực hiện.

TÓM TẮT:

Mục tiêu của bài viết này là xác định, đo lường và đánh giá các nhân tố của việc đi làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên các trường đại học. Thông qua phương pháp nghiên cứu định lượng với 250 sinh viên thu được kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 nhân tố tác động đến kết quả học tập: loại công việc làm thêm, thời gian làm việc, mức lương, khoảng cách, sự linh hoạt, hỗ trợ từ gia đình. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị cho ban lãnh đạo các trường đại học định hướng cho sinh viên trong quá trình học tại trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Từ khóa: đi làm thêm, sinh viên, kết quả học tập, làm thêm, hướng nghiệp, ảnh hưởng.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, đông đảo sinh viên nói chung đã nhận thức được rằng có rất nhiều cách học, tích lũy kinh nghiệm khác nhau và xu thế ngày nay của rất nhiều sinh viên chọn cách thức học ở thực tế, đó là đi làm thêm. Theo số liệu thống kê năm 2021 của Công ty CareerBuilder, 23% nhà tuyển dụng nói rằng, khả năng và kinh nghiệm của các ứng viên có liên quan đến công việc là yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định tuyển dụng của họ. Có 63% trong số đó xem những kinh nghiệm mà các sinh viên có được qua các hoạt động tình nguyện, các buổi thực hành ở trường và qua những việc làm bán thời gian như là những kinh nghiệm liên quan rất có giá trị. Những con số thống kê này đã cho thấy tầm quan trọng của việc làm thêm đối với sinh viên mới ra trường.

2. Cơ sở khoa học

- Việc làm thêm: Theo Từ điển Bách khoa, thực chất việc làm thêm là một định nghĩa nhằm mô tả hay diễn đạt một công việc mang tính chất không chính thức, không thường xuyên, không cố định, không ổn định bên cạnh một công việc chính thức.

- Kết quả học tập: Theo tác giả Hoàng Đức Nhuận và Lê Đức Phúc (1995), đã đưa ra cách hiểu về KQHT như sau: (i). Đó là mức độ thành tích mà một chủ thể học tập đã đạt, được xem xét trong mối quan hệ với công sức, thời gian đã bỏ ra, với mục tiêu xác định. (ii). Đó còn là mức độ thành tích đã đạt của một học sinh so với các bạn học khác.

- Lý thuyết nền: được sử dụng trong bài nghiên cứu là chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội là phần giá trị lớn nhất của thu nhập hay lợi nhuận đã mất đi, bởi khi thực hiện phương án này ta bỏ qua cơ hội thực hiện phương án khác có mức rủi ro tương tự nó là chi phí không thể hiện chi phí bằng tiền.

- Các nhân tố của việc đi làm thêm: Đã có rất nhiều các bài nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng kết quả học tập của học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là các yếu tố liên quan với việc làm thêm tác động đến kết quả học tập. Cụ thể như sau:

+ Về loại công việc làm thêm: nghiên cứu của (Muluk, 2017) đã xác định “tính chất công việc làm thêm” có ảnh hưởng nhất định đến kết quả học tập của người học. Antonio Di Paolo và Alessia Matano (2016) đã kết luận, kết quả học tập sẽ bị tác động tiêu cực bởi một công việc làm thêm không liên quan đến ngành học, ngược lại, sẽ mang lại tác động tích nếu đó là một công việc làm thêm có liên quan đến ngành học.

+ Về thời gian làm việc: theo nghiên cứu của Furr & Elling, 2000 chỉ ra rằng các sinh viên có khoảng thời gian làm việc từ 1 - 15 giờ mỗi tuần sẽ có điểm trung bình cao hơn đáng kể so với các sinh viên  làm việc 16 giờ trở lên và sinh viên không đi làm. Nghĩa là làm việc với số thời gian hợp lý sẽ tỷ lệ thuận với thành tích học tập tốt.

+ Về mức lương nhận được: với xu hướng ngày càng độc lập về kinh tế và tăng tính tự chủ cá nhân nên sinh viên ngày càng muốn kiếm tiền nhiều hơn (Robinson, 1999). Học phí và chi phí sinh hoạt khiến sinh viên ngày càng áp lực về tài chính, đây là động lực thúc đẩy sinh viên đi làm để tự trang trải cho việc học tập và cuộc sống, đặc biệt là các sinh viên xuất thân từ gia cảnh khó khăn (Sarah Jewell, 2014).

+ Về sự linh hoạt trong công việc: theo nghiên cứu của Watanabe (2005), sự linh hoạt trong công việc thấp sẽ làm sinh viên gặp nhiều khó khăn, không đủ thời gian khi học tập hoặc công việc căng thẳng sẽ dẫn đến giảm sút về kết quả học tập.

+ Về khoảng cách đến nơi làm việc: nghiên cứu của Steven L. & Clayton R. (2005) chỉ ra rằng kết quả học tập của sinh viên sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những công việc xa nơi ở hoặc nơi học.

+ Về hỗ trợ từ gia đình: hỗ trợ tài chính từ gia đình là mức kinh phí nhằm hỗ trợ sinh viên trang trải chi phí học tập. Theo Ermisch & Francesconi, (2001); Agus & Makhbul, (2002), sinh viên nhận được sự quan tâm săn sóc và định hướng hỗ trợ của gia đình sẽ có ít khó khăn hơn trong quá trình học, dẫn đến kết quả tốt hơn so với những sinh viên không nhận được những sự hỗ trợ tương tự.

+ Về cơ sở vật chất của trường học: Theo S.Singh, S.Malik & Priya Singh (2016), nhân tố vô cùng quan trọng tác động đến kết quả học tập của sinh viên là cơ sở vật chất; cơ sở vật chất và kết quả học tập của sinh viên có mối quan hệ tương đồng.

3. Mô hình nghiên cứu

Thông qua việc tổng hợp các nghiên cứu trong nước và ngoài nước cùng với các lý thuyết nghiên cứu, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 7 nhân tố, đó là: loại công việc làm thêm, thời gian làm việc, mức lương, khoảng cách đến nơi làm việc, sự linh hoạt, cơ sở vật chất và cuối cùng là hỗ trợ từ gia đình.       

Đi làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học tập

4. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để xác định các nhân tố của việc đi làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên, từ đó xác định các nhân tố của việc đi làm thêm bằng mô hình hồi quy tuyến tính. Cấu trúc bảng câu hỏi gồm 7 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc. Dữ liệu được thu thập từ việc khảo sát ngẫu nhiên 250 sinh viên của trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 3/2022 và được xử lý bằng phần mềm SPSS 24.0.

5. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định thang đo nháp Cronbach's Alpha, cho thấy cả 7 thành phần trong khung phân tích đều đạt độ tin cậy cao với 24 biến được chấp nhận. Kết quả kiểm định Barllets với chỉ số KMO = 0,750, Sig=0,000 cho thấy phân tích EFA là phù hợp với bộ dữ liệu. Kết quả quan sát đều có hệ số tải lớn hơn 0,5 và được gom thành 6 nhân tố; trong đó nhân tố loại công việc làm thêm và thời gian làm thêm được kết hợp, tạo thành nhân tố mới. Phân tích tương quan cho thấy, mối tương quan giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc ở mức trung bình, mô hình có khả năng không bị vi phạm hiện tượng đa cộng tuyến hay tự tương quan.

Bảng 1. Phân tích hệ số hồi quy

Mô hình

Hệ số chưa chuẩn hóa

Hệ số đã chuẩn hóa

T

Mức ý nghĩa (Sig).

Đa cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Beta

Độ chấp nhận

VIF

01

Hằng số

0,744

0,297

 

2,509

0,013

 

 

Loại công việc làm thêm (LCV)

0,341

0,063

0,380

5,434

0,000

0,565

1,769

Cở sở vật chất (VC)

0,032

0,047

0,040

0,679

0,498

0,806

1,240

Sự linh hoạt trong công việc (LH)

0,007

0,039

0,010

0,188

0,851

0,968

1,033

Hỗ trợ từ gia đình (HT)

-0,047

0,038

-0,073

-1,256

0,211

0,809

1,236

Mức lương (ML)

0,233

0,057

0,247

4,109

0,000

0,764

1,308

Khoảng cách đến nơi làm việc (KC)

0,253

0,054

0,317

4,673

0,000

0,602

1,662

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

Kết quả ước lượng mô hình hồi quy tuyến tính bội (Bảng 1) cho thấy, mô hình đưa ra là phù hợp thông qua các giá trị: Hệ số hồi quy có R2 phương hiệu chỉnh là 58,9% > 50%, Hệ số Durbin-watson có giá trị = 1,911< 3; VIF<5. Các biến như loại công việc làm thêm, khoảng cách đến nơi làm việc, mức lương, có giá trị Sig <0,05 nên đều có ý nghĩa trong mô hình và có tác động cùng chiều với kết quả học tập của sinh viên. Biến còn lại là cơ sở vật chất, sự linh hoạt trong công việc, hỗ trợ từ gia đình không ý nghĩa về mặt thống kê nên không phù hợp cho phân tích. Mô hình hồi quy có dạng như sau:

KQHT = 0,744 + 0,341*LCV + 0,233*ML + 0,253*KC

Khi sinh viên lựa chọn công việc làm thêm càng liên quan đến ngành học thì kết quả học tập sẽ ngày càng tốt lên. Lý do cho việc này là kinh nghiệm, kỹ năng sinh viên tích lũy được qua công việc làm thêm sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn bài giảng ở trường. Đối với các sinh viên mức lương nhận được là yếu tố quan trọng, giúp sinh viên giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống. Ngoài ra, việc kiếm được thu nhập bằng chính công sức của bản thân sẽ giúp sinh viên biết quý trọng đồng tiền hơn, biết vạch ra kế hoạch để chi tiêu hợp lý, từ đó có thể phụ giúp gia đình. Khi vấn đề về kinh tế đã được giải quyết, sinh viên sẽ tập trung hơn vào việc học dẫn đến kết quả học tập sẽ tốt hơn. Về khoảng cách đến nơi làm việc càng gần không chỉ giúp sinh viên tiết kiệm chi phí di chuyển còn giúp sinh viên có thêm thời gian dành cho việc học, dẫn đến kết quả học tập càng ngày càng được cải thiện hơn.

6. Kết luận và kiến nghị

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 nhân tố của việc đi làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên bao gồm: tính chất và thời gian công việc làm thêm, khoảng cách đến nơi làm việc, mức lương. Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với những nghiên cứu trước đây và phù hợp với các nhân tố được đề cập trong khung lý thuyết.

Sinh viên nên lựa chọn những công việc mang tính chất bán thời gian hoặc tạm thời, liên quan trực tiếp đến những gì đang học tại trường đại học, coi công việc đó chính là những bước thực tập đầu tiên để chuẩn bị cho nghề nghiệp sau này.

Sinh viên nên chọn các công việc với mức lương phù hợp vì với mức lương không chỉ giúp sinh viên trang trải chi phí trong sinh hoạt, mà còn giúp cho việc hỗ trợ giải quyết các chi phí phát sinh trong việc học tập. Khi vấn đề chi phí được giải quyết cũng khiến cho áp lực của sinh viên giảm, tạo cho sinh viên một môi trường học tập thuận lợi và sinh viên có thể thoải mái học tập hơn.

Sinh viên nên chọn công việc có khoảng cách di chuyển đến nơi làm việc gần hơn, đồng nghĩa với sinh viên sẽ ít tốn nhiều thời gian hơn để di chuyển, tốn nhiều sức lực và thời gian, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Agus, A., Makhbul, Z. K. (2002). An empirical study on academic achievement of business students in pursuing higher education: An emphasis on the influence of family backgrounds. Paper presented at International Conference on the Challenges of Learning and Teaching in a Brave New World: Issues and Opportunities in Borderless Education, Hatyai Thailand.
  2. Ermisch, J., & Francesconi, M. (2001). Family Matters: Impacts of Family Background on Educational Attainments. Economica, 68(270), 137-156.
  3. Hoàng Đức Nhuận và Lê Đức Phúc (1995). Cơ sở lý luận của việc đánh giá chất lượng học tập của học sinh phổ thông. Chương trình khoa học công nghệ.
  4. Lauren E. Watanabe (2005). The Effects of College Student Employment on Academic Achievement. The University of central Florida undergraduate research journal.
  5. Muluk, S. (2017). Part-Time Job and Students’ Academic Achievement. Jurnal Ilmiah
  6. Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên mới ra trường. Careerbuilder. Available at: .https://careerbuilder.vn/vi/talentcommunity/nha-tuyen-dung-can-gi-o-sv-moi-ra-truong.35a5016c.html
  7. S. P. Singh & Savita Malik (2016). Study of Factors Affecting Academic Achievement in Medical Students. Journal of Medical Science and Clinical Research 1968- 1972.
  8. Robinson, L. (1999). The Effects of Part-Time Work on School Students. LSAY Research Report.
  9. Sarah Jewell (2014). The impact of working while studying on educational and labour Market outcomes. Business and economics journal.
  10. Steven C. Riggert, Mike Boyle, Joseph M. Petrosko, Daniel Ash and Carolyn Rude-Parkins (2005). Review of Educational Research, 76(1), 63-92.

Factors of part-time job affecting the academic performance of students

Master. Luu Chi Danh1

Pham Hoang Lan Anh1

Pham Nguyen Tuyet Ngan1

Nguyen Thi Thuy Van1

1Faculty of Accounting and Auditing, Van Lang University

ABSTRACT:

This study is to identify and measure the factors of part-time job that affect the academic performance of students. By using a quantitative research method with a sample of 250 students, the study finds out that there are six factors affecting the academic results of students when they have part-time jobs, including: Type of part-time job, Working time, Salary, Distance, Flexibility, and Support from family. The study also makes some recommendations for school boards to do career orientation activities for students during their studies in order to improve the training quality.

Keywords: working part-time, students, academic results, career counseling, affecting.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8  tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương