Các nhân tố tác động đến tính hữu hiệu của hệ thống thông tin kế toán tại các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre

TĂNG TRÍ HÙNG - TRẦN THỊ KIM PHƯỢNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) - ĐỖ PHƯƠNG THẢO (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) - TRẦN DƯƠNG MINH HIẾU (Học viên Cao học Trường Đại học Tôn Đức Thắng)

TÓM TẮT:

Hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT) tăng cường hiệu quả và giá trị thông tin cung cấp cho người ra quyết định. Nghiên cứu này đã tìm hiểu và cho thấy sự phức tạp của HTTTKT; sự tham gia, kiến thức HTTTKT và kiến thức kế toán của nhà quản lý; tính hữu hiệu từ chuyên gia tư vấn bên ngoài tạo nên tính hữu hiệu của HTTTKT của các doanh nghiệp tại Bến Tre. Trong đó, sự phức tạp của HTTTKT và tính hữu hiệu chuyên gia tư vấn bên ngoài là hai nhân tố có tác động mạnh nhất.

Từ khóa: hệ thống thông tin kế toán, tính hữu hiệu của hệ thống thông tin kế toán, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre.

1. Giới thiệu

ALsarayreh và các cộng sự (2011) đã chỉ ra rằng thông tin kế toán nghèo nàn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nghiêm trọng, dẫn đến các quyết định sai lầm và làm cho doanh nghiệp thất bại. Ngược lại, HTTTKT sẽ đảm bảo thông tin đầu ra hữu dụng và kịp thời, là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh kinh doanh gắn liền với áp lực cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp đã và đang được các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre khuyến khích, theo dõi và thúc đẩy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với HTTTKT yếu kém, chưa đạt tính hữu hiệu như mong đợi dẫn đến việc gia tăng các chi phí hoạt động, xuất hiện các lỗi trong báo cáo tài chính.

Vì vậy, nghiên cứu này góp phần làm sáng rõ các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của HTTTKT. Qua đó, góp phần tăng cường tính hữu hiệu của HTTTKT và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp tỉnh Bến Tre.

2. Lý thuyết nền nghiên cứu

2.1. Hệ thống thông tin kế toán

Theo OBrien & Marakas (2011), hệ thống thông tin là sự kết hợp một cách có tổ chức giữa con người, phần cứng, phần mềm, các mạng lưới truyền thông, các nguồn dữ liệu, các chính sách và các thủ tục; nhằm thực hiện việc thu thập, lưu trữ dữ liệu, chuyển đổi dữ liệu thành thông tin và truyền thông tin trong một tổ chức.

Theo Rommey và Steinbart (2017), HTTTKT được định nghĩa là một hệ thống thông tin cơ bản của một tổ chức được cấu thành bởi 6 thành phần, gồm: (1) Người dùng hệ thống; (2) Những thủ tục và hướng dẫn thu thập, xử lý, lưu trữ dữ liệu; (3) Dữ liệu tổ chức và hoạt động kinh doanh của đơn vị; (4) Phần mềm; (5) Cơ sở hạ tầng; và (6) Công nghệ thông tin.

Chức năng của HTTTKT là: (1) Thu thập, xử lý dữ liệu về các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; (2) Cung cấp thông tin tài chính cho đối tượng bên ngoài doanh nghiệp; thông tin cho việc lập kế hoạch; thông tin cho việc kiểm soát thực hiện kế hoạch; thông tin cho việc điều hành hoạt động hằng ngày; (3) Kiểm soát: tuân thủ qui trình hoạt động kinh doanh; bảo vệ tài sản, vật chất thông tin; đảm bảo họat động xử lý và chất lượng thông tin.

2.2. Tính hữu hiệu của hệ thống thông tin kế toán

Theo Ismail (2009), tính hữu hiệu HTTTKT được biểu hiện thông qua mức độ mà HTTTKT thực sự góp phần đạt được các mục tiêu của tổ chức. Theo đó, mục tiêu bao gồm: mục tiêu báo cáo, mục tiêu tuân thủ cụ thể như tiết kiệm chi phí, cung cấp báo cáo kịp thời, nhanh chóng.

Bên cạnh, theo Lý thuyết thông tin hữu ích, các chuẩn mực kế toán là tiêu chuẩn cung cấp thông tin tài chính hữu ích nhất cho người dùng trong quá trình ra quyết định của họ. Qua đó, các nhân tố tác động đến tính hữu hiệu của HTTTKT phải đảm bảo tính hữu hiệu và đầy đủ. Đồng thời, lý thuyết dựa trên nguồn lực của Wernerfelt (1995) cho thấy các công ty là tập hợp các nguồn lực, trong đó giá trị của nguồn tài nguyên là một phần phụ thuộc của các nguồn lực khác nhau. Do vậy, những doanh nghiệp nhỏ và vừa có xu hướng điều chỉnh nguồn lực tài chính hạn chế của họ để thực hiện HTTTKT. Do đó, HTTTKT cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của các nguồn lực này. Hơn nữa, lý thuyết phổ biến công nghệ đề cập đến sự hỗ trợ từ bên ngoài doanh nghiệp để khắc phục hạn chế về chuyên môn của doanh nghiệp và nguồn lực của doanh nghiệp. Qua đó, các yếu tố từ bên ngoài cũng là một phần nguồn lực góp phần tăng cường tính hữu hiệu của HTTTKT.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Giả thuyết nghiên cứu

Mức độ tinh vi của công nghệ thông tin và HTTTKT tích hợp đã được phát hiện có tác động tích cực và đáng kể đến khả năng điều chỉnh chiến lược công nghệ thông tin và chiến lược kinh doanh của các công ty (Hussin và cộng sự, 2002; Ismail & King, 2007). Do đó, các công ty có HTTTKT phức tạp hơn thì tính hữu hiệu của HTTTKT cao hơn. Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất:

H1: Tồn tại mối quan hệ tích cực giữa sự phức tạp của HTTTKT và tính hữu hiệu của HTTTKT.

Tính hữu hiệu của HTTTKT phụ thuộc vào các nhân tố bên trong doanh nghiệp cũng như bối cảnh hoạt động kinh doanh. Trong đó, sự tham gia của nhà quản lý trong đầu tư, triển khai, vận hành HTTTKT là vô cùng quan trọng (Ismail N. A., 2009). Chỉ có họ mới có thể đảm bảo cung cấp các nguồn lực cần thiết sự vận hành của HTTTKT (Thong, 2001). Sự tham gia của họ cũng sẽ khuyến khích người dùng phát triển thái độ tích cực đối với dự án HTTTKT, và do đó có nhiều khả năng dẫn đến HTTTKT tính hữu hiệu. Qua đó, giả thuyết được đề xuất:

H2: Sự tham gia của nhà quản lý có mối quan hệ tích cực với tính hữu hiệu của HTTTKT.

Sự hiểu biết và nhận thức của nhà quản lý về kế toán và hệ thống thông tin có vai trò quyết định đến tính hữu hiệu của hệ thống này. Chỉ có nhà quản lý mới có thể am hiểu tường tận mọi hoạt động của tổ chức và gắn HTTTKT thành một thành phần trong mục tiêu và chiến lược hoạt động của doanh nghiệp cũng như sử dụng nguồn lực vào việc thực thi HTTTKT (Ismail N. A., 2009). Do đó, hai giả thuyết nghiên cứu được đề xuất:

H3: Kiến thức HTTTKT nhà quản lý có ảnh hưởng tích cực đến tính hữu hiệu HTTTKT.

H4: Kiến thức kế toán của nhà quản lý có ảnh hưởng tích cực đến tính hữu hiệu HTTTKT.

Một yếu tố chính đóng góp vào tính hữu hiệu của việc triển khai HTTTKT ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa là sự tham gia của các chuyên gia HTTTKT bên ngoài bao gồm các nhà cung cấp và tư vấn (Thong, 1999). Tuy nhiên, Yap và Thong (1997) cho rằng sự hỗ trợ của Chính phủ, ngoài các nhà cung cấp và tư vấn, cũng đóng một vai trò quan trọng không kém trong việc thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, Davis (1997) cho rằng các công ty kế toán là một nguồn tư vấn thay thế nhưng không kém phần quan trọng về việc áp dụng HTTTKT cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, các tác giả kỳ vọng rằng:

H5: Có mối quan hệ tích cực giữa tính hữu hiệu nguồn chuyên gia tư vấn bên ngoài và tính hữu hiệu của HTTTKT.  

3.2. Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở kế thừa mô hình nghiên cứu của Ismail (2009) và các công trình nghiên cứu trước đó của Nicolaou (2012) và Shagari và cộng sự (2017), các tác giả đề xuất mô hình các nhân tố tác động đến tính hữu hiệu của HTTTKT như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Nguồn: Các tác giả đề xuất

Từ mô hình nghiên cứu đề xuất, tác giả đề xuất phương trình hồi quy chưa chuẩn hóa để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu có dạng như sau:

THH = β0 + β1PT + β2NQL + β3KTHT + β4KTKT + β5CGBN + εi

Trong đó: THH là Tính hữu hiệu HTTTKT; PT, NQL, KTHT, KTKT, CGBN lần lượt là biến độc lập lần lượt: Sự phức tạp của HTTTKT, Sự tham gia của nhà quản lý, Kiến thức HTTTKT nhà quản lý, Kiến thức kế toán của nhà quản lý, Tính hữu hiệu của nguồn chuyên gia tư vấn bên ngoài; β0: Hằng số; β1, β2, β3, β4, β5: Hệ số các biến giải thích; εi: Sai số.

3.3. Thu thập dữ liệu

Trên cơ sở các nghiên cứu trước của Ismail (2009); Ismail và King (2007); Thong (2001) cùng các công trình nghiên cứu khác, bảng câu hỏi khảo sát được xây dựng và hiệu chỉnh thông qua phương pháp chuyên gia sao cho đảm bảo các mục tiêu nghiên cứu (Alreck và Settle, 2004). Các thang đo được đo lường bằng thang đo Likert 5 mức độ từ không đồng ý đến hoàn toàn đồng ý và được gửi trực tiếp hoặc email tới các đáp viên đã và đang làm việc tại bộ phận kế toán tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre với kinh nghiệm tối thiểu 2 năm. Đồng thời, số lượng mẫu được thu thập theo công thức của Hair và các cộng sự với 5*số quan sát, tương ứng với mẫu tối thiểu 135 mẫu, để đảm bảo số lượng khảo sát tác giả tăng thêm 30%, tương đương với thực hiện khảo sát 170 người.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Sau khi tiến hành khảo sát các đáp viên là các giám đốc, kế toán trưởng, kế toán viên, kết quả có 3 bản bị loại do một vài câu trả lời trong khảo sát bị bỏ trống. Cuối cùng có 167 bản trả lời hợp lệ được tiến hành mã hóa thông tin để thực hiện phân tích. Kết quả thông tin của đáp viên như sau:

Về vị trí công tác: phần lớn đáp viên là kế toán viên tại các doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 44,9%. Số đáp viên là Kế toán trưởng và Phó giám đốc có số lượng bằng nhau chiếm tỷ lệ 32 người tương ứng 19,2% cho từng vị trí. Đồng thời, có 28 người ở vị trí giám đốc, chiếm tỷ lệ 16,8%.

Về giới tính: có 64 đáp viên là Nam (chiếm tỷ lệ 38,3%) và còn lại 103 đáp viên là Nữ (chiếm tỷ lệ 61,7%).

Về độ tuổi: có 105 đáp viên có độ tuổi khảo sát chiếm nhiều nhất là từ 30 tuổi đến 40 tuổi, chiếm tỷ lệ 62,9%. Độ tuổi có số đáp viên ít nhất là trên 50 tuổi với 8 phiếu trả lời, chiếm tỷ lệ 4,8%.

Về trình độ chuyên môn: đáp viên có trình độ cao đẳng, đại học có 141 người, chiếm tỷ lệ 84,4%. Số đáp viên trả lời có trình độ sau đại học thấp hơn, chiếm tỷ lệ 15,6% tương đương với 26 người.

Về số năm kinh nghiệm làm việc: số đáp viên có kinh nghiệm làm việc từ 5-10 năm chiếm tỷ lệ 37,7% với 63 người trả lời. Kinh nghiệm làm việc từ 11-15 năm chiếm tỷ lệ 31,7% với 53 đáp viên. Số đáp viên có kinh nghiệm trên 15 năm chiếm tỷ lệ 19,2% tương đương 32 người.

Nhìn chung, thông tin đáp viên cho thấy họ có đủ sự hiểu biết và kinh nghiệm chuyên môn để trả lời khảo sát. Qua đó, đảm bảo độ tin cậy của số liệu thu thập cũng như kết quả khảo sát.

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo bằng Cronbach’s Alpha

Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo bằng Cronbach’s Alpha

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy có 27 biến quan sát đạt yêu cầu (gồm 21 quan sát của các biến độc lập và 6 quan sát của biến phụ thuộc) với hệ số tương quan biến tổng của tất cả quan sát > 0,3. Như vậy, số quan sát đảm bảo tính đại diện cho các biến được đưa vào thực hiện EFA là 27.

Bảng 2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến độc lập

Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến độc lập

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Từ số liệu Bảng 2, hệ số KMO = 0,811 > 0,5 và kiểm định Barlett có giá trị Sig. = 0,000, đồng thời giá trị Eigenvalue của 5 nhóm biến độc lập đều > 1 (thấp nhất là 1,622) và giá trị tổng phương sai trích là 64,843. Điều này chứng tỏ 64,843% sự biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 5 nhân tố, còn lại 35,157% được giải thích bằng các nhân tố khác không có trong mô hình nghiên cứu.

Bảng 3. Kết quả kiểm định tương quan

Kết quả kiểm định tương quan

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả kiểm định Bảng 3 cho thấy cả 5 biến độc lập đều có tương quan cùng chiều (tích cực) với biến phụ thuộc THH với hệ số tương quan từ 0,338 đến 0,501 với độ tin cậy 99%. Ngoài ra, giữa các biến độc lập cũng có tương quan với nhau dẫn đến mô hình có khả năng xảy ra đa cộng tuyến.

Bảng 4. Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Bảng 4 - Kết quả hồi quy cho thấy giá trị Sig. của 5 nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu HTTTKT đều < 0,05 nên các biến độc lập đều có ý nghĩa thống kê. Đồng thời hệ số hồi quy của 5 nhân tố đều > 0. Phương trình hồi quy chưa chuẩn hóa về các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu HTTTKT tại các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre được xác định như sau:

THH = 1,101 + 0,153PT + 0,148NQL + 0,091KTHT + 0,089KTKT + 0,131CGBN + εi

Bên cạnh, kết quả kiểm định ANOVA với Sig. = 0,000b < 0,05 cho thấy mô hình nghiên cứu là phù hợp; chỉ số R2 hiệu chỉnh = 0,478 chứng tỏ mô hình với năm biến độc lập giải thích được 47,8% sự biến thiên của biến phụ thuộc, 52,2% còn lại là do các nhân tố khác không có trong mô hình nghiên cứu; hệ số VIF của 5 nhân tố đều < 2 cho thấy không xảy ra có hiện tượng đa cộng tuyến.

Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy cả năm giả thuyết đã đặt ra đều được chấp nhận. Trong đó, nhân tố tác động mạnh nhất là tính phức tạp của HTTTKT với hệ số Beta = 0,289. Điều này là khá phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp. Sự phức tạp của HTTTKT chính là nguyên nhân chính gây cản trở quá trình áp dụng công nghệ thông tin trong kế toán của các doanh nghiệp cũng như thiếu nguồn lực để triển khai, vận hành và kiểm soát hệ thống thông tin. Kết quả nghiên cứu này một lần nữa cho thấy được các nhân tố có ảnh hưởng tích cực đến tính hữu hiệu của HTTTKT và tương đồng với kết quả của các công trình nghiên cứu trước đó của Ismail (2009); Ismail và King (2007); Thong (2001).

5. Kết luận

Nghiên cứu cho thấy có 5 nhân tố có ảnh hưởng tích cực đến tính hữu hiệu HTTTKT của các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre theo mức độ giảm dần, bao gồm: sự phức tạp của HTTTKT, hiệu quả nguồn chuyên gia tư vấn bên ngoài, sự tham gia của nhà quản lý, kiến thức HTTTKT của nhà quản lý, kiến thức kế toán của nhà quản lý. 

Do vậy, để tăng cường tính hữu hiệu của HTTTKT trong các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre hiện nay, ban giám đốc của các doanh nghiệp nên có những chiến lược phù hợp về áp dụng công nghệ trong công tác kế toán; lên kế hoạch tham vấn các chuyên gia tư vấn độc lập càng sớm càng tốt để có lộ trình phù hợp; cũng như tích cực nâng cao kiến thức về hệ thống thông tin cũng như kiến thức kế toán để có cái nhìn tổng quan và nhận thức được đầy đủ vai trò của HTTTKT.

Tóm lại, nghiên cứu đã mở rộng sự hiểu biết về tính hữu hiệu HTTTKT. Tuy nhiên, mức độ giải thích của mô hình chỉ 47,8% và được thực hiện với 5 biến độc lập thay vì 8 biến như trong mô hình gốc của Ismail (2009) cũng là hạn chế cần được khắc phục trong các nghiên cứu tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. ALsarayreh, M. N., Jawabreh, O. A., Jaradat, M. M., and ALamro, S. A. (2011). Technological impacts on effectiveness of accounting information systems (AIS) applied by aqaba tourist hotels. European Journal of Scientific Research, 59(3), 361-369.
  2. Hair J.F.J., A. R. (1998). Multivariate Data Analysis. Upper Saddle River, NJ: Prentice hall.
  3. Ismail, N. A. (2009). Factors Influencing AIS Effectiveness Among Manufacturing SMEs: Evidence From Malaysia. The Electronic Journal of Information Systems in Developing Countries, 38(10), 1-19.
  4. Ismail, N., and King, M. (2007). Factors influencing the allignment of accounting information systems in small and medium sized Malaysian manufacturing firms. Journal of Information and Small Business, 1, 1-20.
  5. Romey Marshall, B., and Steinbart Paul, J. (2012). Accounting information system. London: Peason Education.
  6. Thong, J. Y. (2001). Resource constraints and information systems implementation in Singaporean small businesses. Omega, 29(2), 143-156.

FACTORS AFFECTING THE EFFECTIVENESS

OF ACCOUNTING INFORMATION SYSTEM

OF BEN TRE PROVINCE’S ENTERPRISES

• TANG TRI HUNG

• TRAN THI KIM PHUONG

Faculty of Accounting, Ton Duc Thang University

• DO PHUONG THAO

Faculty of Accounting - Auditing, Ho Chi Minh City Open University

• TRAN DUONG MINH HIEU

 Masters student, Ton Duc Thang University

ABSTRACT:

An accounting information system (AIS) is to enhance the efficiency and increase the value of provided information for decision-makers. This study finds out that the complexity of AIS; the participation, AIS knowledge and accounting knowledge of managers; and the effectiveness of external consultants contribute to the AISs effectiveness of enterprises in Ben Tre Province. In which, the complexity of AIS and the effectiveness of external consultants are the two most influential factors.

Keywords: accounting information system, effectiveness of accounting information system, enterprises in Ben Tre Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2021]