Các nhân tố tác động đến việc áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

NGUYỄN TIẾN NHÂN (Công ty TNHH MTV Bê tông TICCO) & PHẠM THỊ KIM SƠN (Trường CĐ Kinh tế TP. HCM) & TRẦN THỊ VÂN NGỌC (Trường CĐ Bến Tre) & NGUYỄN TRẦN THÚY VI (Công ty CP Sản xuất nội thất Z.A.N.O Long An)

TÓM TẮT:

Kế toán quản trị (KTQT) có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho nhà quản lý đưa ra quyết định phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Vì vậy, nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc áp dụng KTQT tại các doanh nghiệp ngành Xây dựng (DN NXD) tỉnh Tiền Giang là vô cùng quan trọng. Kết quả cho thấy có 7 nhân tố tác động đến việc áp dụng KTQT, bao gồm: Quy mô DN; Nhận thức về KTQT của nhà quản trị; Chi phí cho việc tổ chức áp dụng KTQT; Chiến lược kinh doanh; Mức độ cạnh tranh của thị trường; Trình độ nhân viên kế toán và Just In Time (JIT).

Từ khóa: Kế toán quản trị, doanh nghiệp ngành Xây dựng, quy mô doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, mức độ cạnh tranh thị trường, Just in Time (JIT).

1. Giới thiệu

Tỉnh Tiền Giang là một tỉnh kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, hoạt động xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng luôn được chú trọng đầu tư và phát triển liên tục trong những năm qua. Điều này đã tạo cơ hội rất lớn cho sự phát triển nhanh chóng của các DN xây dựng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày nay, các DN này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong huy động vốn, ứng dụng công nghệ mới cũng như kỹ năng quản trị để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Chính vì vậy, việc áp dụng KTQT vào DN sẽ giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết sách đúng, kịp thời và mang lại hiệu quả cho DN. Tuy nhiên, việc áp dụng hiện nay tại các DN NXD là vô cùng khó khăn, vì các DN có quy mô nhỏ và vừa cũng như nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của KTQT vẫn chưa đúng mức. Do vậy, việc nghiên cứu các nhân tố tác động đến áp dụng KTQT tại các DN NXD tỉnh Tiền Giang sẽ giúp các DN hoạt động ổn định, tăng trưởng bền vững và góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

2. Lý thuyết nền nghiên cứu

2.1. Khái niệm kế toán quản trị

Kế toán quản trị là một bộ phận của hệ thống thông tin quản trị trong các tổ chức mà nhà quản trị dựa vào đó để hoạch định và kiểm soát các hoạt động của tổ chức (Kaplan và Atkinson, 2015), hoặc là một hệ thống thông tin định điều hành các tổ chức nhằm đạt hiệu quả cao (Bouquin, 1997).

Bên cạnh đó, theo hiệp hội Kế toán viên Hợp chủng quốc Hoa kỳ: “KTQT là qui trình định dạng, đo lường, tổng hợp, phân tích, truyền đạt các thông tin tài chính và phi tài chính cho các nhà quản trị để điều hành các hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”.

Theo Luật Kế toán số 88/2015/QH13 thì “KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”.

2.2. Các hướng tiếp cận áp dụng kế toán quản trị

Bản chất của nội dung KTQT là những thông tin được đội ngũ quản lý yêu cầu cung cấp, tổng hợp lại theo quy trình nhằm phục vụ công tác quản lý DN. Và một số cách thức tiếp cận KTQT như sau:

Tiếp cận theo chức năng thông tin: Thông tin và cách thức để có được thông tin đáp ứng chức năng hoạch định, định hướng hoạt động kinh doanh, như: dự toán vốn, hàng tồn kho, tiến độ cung cấp hàng hoá, chi phí, dòng luân chuyển vốn, nợ ngắn hạn, tình hình vốn vay đáo hạn.

Tiếp cận theo quy trình công việc: Theo quy trình công việc, nội dung cần cung cấp gồm thông tin và quy trình để có được thông tin hỗ trợ cho nhu cầu nhà quản trị nội bộ ở những hoạt động, lĩnh vực khác nhau.

Tiếp cận theo hệ thống trách nhiệm: Bao gồm: Kế toán trung tâm trách nhiệm chi phí; Kế toán trung tâm trách nhiệm doanh thu; Kế toán trung tâm trách nhiệm lợi nhuận; và Kế toán trung tâm trách nhiệm đầu tư.

2.3. Một số lý thuyết được vận dụng

Để hình thành các giả thuyết, nghiên cứu sử dụng các lý thuyết trước đó như Lý thuyết ngẫu nhiên của Fred Fiedler(1960) để giải thích các quyết định của chủ DN; Lý thuyết đại diện của Jensen và Mec-kling (1976) nhằm giải thích mối quan hệ giữa người đại diện cho DN và các cổ đông; Lý thuyết dự phòng của Fayol (1949); Taylor (1911); và Weber (1946) nhằm giải thích sự phù hợp giữa cấu trúc của tổ chức với môi trường hoạt động; Lý thuyết tâm lý của Argyris (1952, 1953) nhằm giải thích vai trò của yếu tố con người trong tổ chức; Lý thuyết về phân tích mối quan hệ giữa lợi ích và chi phí trong việc ra quyết định.

3. Phương pháp nghiên cứu

Dựa vào lý thuyết nền và các nghiên cứu trước đây (Ahmad, 2013) cũng như mô hình nghiên cứu của Haldma và Lts (2002), các tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc áp dụng KTQT trong các DN NXD như sau:

Từ mô hình nghiên cứu đề xuất, phương trình hồi quy nghiên cứu có dạng như sau:

Y = β1*X1 + β2*X2 + β3*X3 + β4*X4 + β5*X5 + β6*X6 + β7*X7

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ các Nhà quản lý/điều hành, Giám đốc tài chính hoặc các trưởng phòng ban, Kế toán trưởng và kế toán tổng hợp, chuyên viên KTQT và những người tham gia trực tiếp trong công tác KTQT của 145 doanh nghiệp xây dựng DN NXD tỉnh Tiền Giang.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Với 275 bảng khảo sát được gửi đến 145 DN NXD tỉnh Tiền Giang, 223 bảng câu hỏi được thu thồi (tỷ lệ 87,27%). Sau làm sạch dữ liệu, có 198 bảng câu hỏi (tỷ lệ  88,79%) được sử dụng để phân tích kết quả.

Kết quả Bảng 1 cho thấy có 106 đối tượng khảo sát giữ chức vụ trong Ban Giám đốc (tỷ lệ 53.5%), 25 đối tượng là Giám đốc tài chính (tỷ lệ 12.6%), 30 Kế toán trưởng (tỷ lệ 15.2%), 18 kế toán tổng hợp (tỷ lệ 9.1%) và 19 đối tượng giữ chức vụ khác (chiếm tỷ lệ 9.6%). Đồng thời, các đối tượng được khảo sát ở trên đa phần có thời gian công tác từ 5 năm trở lên (chiếm tỷ lệ khoảng 67.7%).

Kết quả kiểm định từ Bảng 2 cho thấy các thang đo đều có hệ số Cronbach's Alpha đạt yêu cầu từ 0.6 trở lên và tất cả các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng > 0.3. Vì vậy, 28 thang đo đạt được độ tin cậy cần thiết.

Số liệu Bảng 3 cho thấy, sau khi phân tích EFA lần 2 và loại thang đo CTTT5,  chỉ số KMO = 0.705> 0.5 và kết quả kiểm định Bartlett’’s Test là 1441.244 với mức nghĩa Sig. = 0.000 < 0.05 chứng tỏ phân tích nhân tố là thích hợp với dữ liệu nghiên cứu, dữ liệu dùng để phân tích EFA là hoàn toàn hợp lý và các biến có tương quan với nhau trong tổng thể. Đồng thời, giá trị Eigenvalue thấp nhất = 1.262 > 1 và tổng phương sai trích là 65.699% > 50%. Điều này cho thấy 7 nhân tố này có thể giải thích được 65.699% sự biến thiên của dữ liệu. Và kết quả kiểm định EFA của biến phụ thuộc cũng có chỉ số KMO thu được bằng 0.771 > 0,5 (thỏa điều kiện 0.5 < KMO < 1) và kết quả kiểm định Bartlett's là 381.070 với mức ý nghĩa Sig = 0.000 < 0.05. Do vậy, các thang đo cũng đo lường tốt cho biến phụ thuộc.

Kết quả kiểm định tương quan Bảng 4 cho thấy cả 7 biến độc lập đều có sự tương quan thuận chiều với nhau biến phụ thuộc với độ tin cậy 99%.

Số liệu Bảng 5 cho thấy cả 7 biến độc lập đều tác động đến việc áp dụng KTQT tại các doanh nghiệp ngành Xây dựng tỉnh Tiền Giang. Phương trình hồi quy kết quả như sau:

KTQT = 0.204*QMDN + 0.254*NTQT + 0.211*CPTC + 0.169*CLKD + 0.187*CTTT + 0.206*TĐKT + 0.136*JIT

Kết quả kiểm định mô hình cũng cho thấy giá trị Sig. = 0,000 của kiểm định ANOVA < 0.05; hệ số VIF của 7 nhân tố đều < 2; và đồ thị phần dư chuẩn hóa và Histogram đều cho thấy các giả thuyết của mô hình hồi quy không bị vi phạm.

Kết quả hồi quy cho thấy 7 biến độc lập QMDN, NTQT, TĐKT, CPTC, CLKD, CTTT, JIT là phù hợp để giải thích về sự thay đổi của biến phụ thuộc KTQT, tương ứng với mức độ giải thích của mô hình là 53.1%. Đồng thời, tất cả các biến độc lập này đều có tác động thuận chiều đến việc áp dụng KTQT trong các DN NXD và nhân tố có tác động mạnh nhất là nhận thức của nhà quản trị doanh nghiệp (hệ số β = 0.254) và nhân tố có tác động ít nhất là tính kịp thời-JIT-Just In Time (hệ số β = 0.136).

5. Kết luận

Nhằm xác định và đánh giá mức độ tác động của các nhân tố tác động đến quyết định áp dụng KTQT của các DN NXD tỉnh Tiền Giang, kết quả nghiên cứu cho thấy có 7 nhân tố tác động cùng chiều với mức độ tác động sắp xếp theo trình tự giảm dần là NTQT (hệ số β = 0.254); CPTC (hệ số β = 0.211); TĐKT (hệ số β = 0.206); QMDN (hệ số β = 0.204); CTTT (hệ số β = 0.187); CLKD (hệ số β = 0.169) và cuối cùng là JIT (hệ số β = 0.136).

Vì vậy, để có thể triển khai việc áp dụng KTQT nhằm tăng cường khả năng cung cấp thông tin để ra quyết định, các tác giả đề xuất các DN NXD tỉnh Tiền Giang cần tập trung tăng cường nhận thức cho nhà quản trị về vai trò và vị trí cũng như tầm quan trọng của KTQT trong DN; xây dựng kế hoạch kinh phí để triển khai và vận hành KTQT; nâng cao trình độ nhân viên kế toán để đảm bảo được sự vận hành tốt nhất của hệ thống KTQT.

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu đã xác định được các yếu tố tác động đến áp dụng KTQT của các DN NXD tỉnh Tiền Giang và mức độ giải thích của mô hình hồi quy là 53.1%. Như vậy, 46.9% sự giải thích cho quyết định áp dụng KTQT phụ thuộc vào các yếu tố khác chưa được phát hiện và đưa vào mô hình. Vì vậy, các nghiên cứu trong tương lai cần tập trung giải quyết vấn đề này ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ahmad, K. (2013). The adoption of management accounting practices in malaysian small and medium-sized enterprises.Asian Social Science,10(2), 236.

2. Bouquin, H. (1997). Management accounting in its social context: Rimailho revisited.Accounting, Business & Financial History,7(3), 315 - 343.

3. Foster, G., & Gupta, M. (1994). Marketing, cost management and management accounting. Journal of Management Accounting Research,6, 43.

4. Haldma, T., & Lts, K. (2002). Contingencies influencing the management accounting practices of Estonian manufacturing companies.Management accounting research,13(4), 379 - 400.

5. Kaplan, R. S., & Atkinson, A. A. (2015). Advanced management accounting. PHI Learning.

6. Luật Kế toán số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015.

FACTORS AFFECTING THE IMPLEMENTATION

OF THE MANAGEMENT ACCOUNTING

AT CONSTRUCTION ENTERPRISES

IN TIEN GIANG PROVINCE

NGUYEN TIEN NHAN

TICCO Concrete Co., Ltd

PHAM THI KIM SON

Ho Chi Minh College of Economics

TRAN THI VAN NGOC

Ben Tre College

NGUYEN TRAN THUY VI

Z.A.N.O Long An Furniture Manufacturing Company

ABSTRACT:

The management accounting plays an essential role in providing information for managers to make rational decisions timely. As a result, it is necessary to study factors affecting the implementation of the management accounting at construction enterprises in Tien Giang Province. The results show that there are seven factors affecting this implementation, namely the size of enterprises, managers consciousness of the management accounting, the cost of implementing the management accounting, business strategies, the level of competition in the market, the capacity of accountants and Just in Time.

Keywords: Management accounting, construction enterprises, the size of enterprises, business strategy, the level of competition in the market, Just In Time.