TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu các nhân tố thuộc hệ thống kiểm soát nội bộ tác động đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng tại Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, từ đó tìm kiếm mối quan hệ giữa các nhân tố này. Kết quả chỉ ra rằng có 5 nhân tố thuộc hệ thống kiểm soát nội bộ tác động thuận chiều đến công tác hoàn thuế giá trị gia tăng.

Từ khóa: Hệ thống kiểm soát nội bộ, môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động giám sát.

1. Giới thiệu

Hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một trong những công tác thuộc hoạt động của ngành Thuế, nhằm giải quyết những khó khăn về vấn đề tài chính, giúp DN đầu tư và mở rộng đầu tư vào sản xuất - kinh doanh theo chiều sâu,… góp phần giúp nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, một số DN hoặc một số cán bộ công chức lợi dụng việc hoàn thuế mà có hành vi vi phạm pháp luật thuế nhằm trục lợi cá nhân.

Với ngành Thuế, việc xây dựng và duy trì một hệ thống kiểm soát nội bộ (HT KSNB) là nhu cầu thiết yếu. Bởi bên cạnh các DN chấp hành tốt pháp luật thuế, còn có một số DN không những không tuân thủ mà còn có nhiều kỹ xảo, gian lận trong kê khai, nộp thuế, hoàn thuế,... và còn mua chuộc đội ngũ cán bộ công chức, thông đồng với một số cán bộ công chức để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuế, trong đó có công tác hoàn thuế GTGT.

Mục đích của bài viết xuất phát từ mục tiêu của ngành Thuế nói chung và của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai nói riêng để ngăn chặn, hạn chế các hành vi gian lận thuế khi hoàn thuế GTGT; đồng thời, xây dựng uy tín, hình ảnh ngành Thuế trong sạch, vững mạnh đòi hỏi một HT KSNB gồm các hoạt động kiểm soát, cơ chế trao đổi thông tin và hệ thống thông tin quản lý tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với Hiệp ước Basel.

2. Cơ sở lý thuyết

Theo Alvin và James (2000), HT KSNB bao gồm các chính sách, quy trình, thủ tục được doanh nghiệp thiết kế để đảm bảo độ tin cậy của thông tin, bảo vệ tài sản, tính hiệu quả trong hoạt động; sự gắn bó với các chính sách và thủ tục đã được quy định. HT KSNB bao gồm cả KSNB và con người cùng với những phương tiện có tính chất kỹ thuật, cấu trúc hướng vào kiểm soát mang tính bền vững, ổn định, đảm bảo và lâu dài.

2.1. Các yếu tố cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ

Theo COSO 1992, COSO 2013, hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm 5 nhân tố có mối quan hệ gắn kết, tương tác qua lại lẫn nhau, cụ thể:

Môi trường kiểm soát: Nhằm tạo ra nét đặc trưng cho HT KSNB tại đơn vị, nơi mọi thành viên đều tham gia các hoạt động và thực hiện nghĩa vụ kiểm soát, thì môi trường kiểm soát có ý nghĩa quan trọng trong HT KSNB, là cơ sở, nền tảng cho các thành phần khác của HT KSNB phát huy hiệu quả.

Đánh giá rủi ro: Mỗi cá nhân trong đơn vị phải ý thức được và đối phó với rủi ro có khả năng xảy ra trong công việc mà mình đảm nhận. Cần đề ra các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể cho từng hoạt động và hướng xử lý, giải quyết các mục tiêu này. Đánh giá rủi ro là việc nhận dạng và phân tích các rủi ro có khả năng đe dọa các mục tiêu của mình, nhằm tìm ra hướng xử lý, khắc phục tránh ảnh hưởng đến mục tiêu chung của đơn vị.

Hoạt động kiểm soát: Căn cứ trên các mục tiêu đề ra, đơn vị cần lựa chọn thực hiện các hoạt động kiểm soát nhằm hạn chế các rủi ro hoặc ngăn ngừa các sai sót, gian lận. Đồng thời, triển khai hoạt động kiểm soát thông qua các nội dung, chính sách đã được thiết lập và triển khai chính sách thành các hành động. Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát có thể diễn ra trong toàn đơn vị ở nhiều cấp độ và nhiều hoạt động.

Thông tin và truyền thông: Các thông tin mà DN tiếp nhận phải được nhận dạng, thu thập, trao đổi và chia sẻ trong đơn vị sao cho mọi hoạt động trong đơn vị được thuận lợi và nhiệm vụ ở các vị trí việc làm đều hoàn thành. Thông tin được chứa đựng trong báo cáo và truyền ra bên ngoài cũng như tiếp nhận từ bên ngoài vào phải là các thông tin cần thiết cho mọi hoạt động quản lý và kiểm soát tại đơn vị. Sự trao đổi thông tin hữu hiệu đòi hỏi phải diễn ra theo nhiều hướng: từ cấp trên xuống cấp dưới, từ dưới lên trên và giữa các cấp với nhau. Mỗi cá nhân cần hiểu rõ nhiệm vụ, vai trò của mình trong HT KSNB, cũng như sự tương tác của mình trong mọi hoạt động của đơn vị.

Giám sát: Công tác giám sát nhằm đảm bảo mức độ hoàn thành cũng như chất lượng của HT KSNB qua quá trình thực hiện. Thông qua việc đánh giá HT KSNB, sẽ tìm thấy những khiếm khuyết của HT KSNB và cần có phương án điều chỉnh kịp thời, cần thiết. Thêm vào đó, việc lựa chọn, triển khai và thực hiện đánh giá định kỳ, liên tục để đảm bảo các thành phần nào của HT KSNB hiện hữu và đang hoạt động.

2.2. Các lý thuyết nền tảng 

Lý thuyết thông tin hữu ích: Trên cơ sở bất đối xứng về thông tin dẫn đến thị trường hoạt động kém hiệu quả là lý do cho lý thuyết thông tin hữu ích ra đời dựa trên nhu cầu thông tin được cung cấp cho việc ra quyết định. Bản chất đặc trưng của lý thuyết thông tin hữu ích là: (i) thông tin được cung cấp minh bạch, đáng tin cậy, đầy đủ, kịp thời, đúng lúc giúp cho đơn vị ra quyết định kinh tế; (ii) quản trị nguồn lực kinh tế phù hợp; (iii) duy trì và truyền đạt thông tin cho các bên sử dụng thông qua các báo cáo;... nhằm mang lại lợi ích cho các bên có liên quan đến hoạt động kinh tế (Chambers, 1960; AICPA, 1970).

Trong hoạt động của HT KSNB, thông tin được xem là hữu ích khi thông tin được các thành viên trong đơn vị truyền đạt một cách đầy đủ, kịp thời, chất lượng xuyên suốt đến từng bộ phận trong nội bộ đơn vị theo quy trình hoạt động của đơn vị. Trong phạm vi bài viết, để có thể xem là thông tin hữu ích thì đơn vị phải thiết lập một cơ cấu tổ chức và một quy trình hoạt động, kiểm soát chặt chẽ; phải chú trọng, quan tâm đến yếu tố con người đặc biệt là chú trọng đến tính chính trực, giá trị đạo đức cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực,... Tóm lại, lý thuyết thông tin hữu ích nhằm giải thích cho các nhân tố môi trường, giám sát, kiểm tra, đánh giá trong mô hình nghiên cứu.

Lý thuyết lập quy: Đối với Hertog (2010) lập quy là một công việc về lập pháp, một công cụ được nhà nước sử dụng để thực hiện chính sách KT-XH nhằm đảm bảo hệ thống các nguyên tắc, quy định được sử dụng và thực hiện một cách thống nhất, tuân thủ. Bản chất của quá trình lập quy là hình thành các quy định mà các cá nhân, các tổ chức trong xã hội phải tuân theo các quy định đã được ban hành. Ở một số quốc gia, quyền lập quy được trao cho các cơ quan hành chính nhà nước hoặc các tổ chức độc lập đảm nhận nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên khi thực hiện để thi hành hiến pháp và luật. Với Deegan (2009) lại cho rằng, lập quy là sự hình thành các quy định và được ban hành bởi một tổ chức, được giao quyền để chi phối cách thức thực hiện và tuân thủ nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia, tạo ra sự công bằng và thống nhất, nhất quán trong tất cả các hoạt động đã được quy định.

Bản chất của lý thuyết lập quy cho rằng, việc tuân thủ các quy định mang tính pháp lý có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện, tồn tại và phát triển KT-XH. Tại một đơn vị cụ thể, việc tuân thủ pháp luật không những là công cụ giúp bộ máy quản lý hữu hiệu, tạo ra một môi trường hoạt động hiệu quả, mà còn góp phần bồi đắp nên những giá trị đạo đức giúp cho sự phát triển của ý thức đạo đức con người được nâng tầm và phát triển... Đó là lý do tại sao cần thiết phải có nhu cầu về quy định. Áp dụng lý thuyết lập quy vào bài viết, để HT KSNB của đơn vị hoạt động hữu hiệu, ngoài việc tuân thủ các quy định do các cơ quan nhà nước ban hành, đơn vị còn phải ban hành các quy định, quy trình, thủ tục,... trên cơ sở pháp quy đã ban hành. Đồng thời, các quy định cần phải được ban hành đầy đủ, thống nhất, đồng bộ các văn bản pháp lý liên quan đến kiểm soát nội bộ, đến thuế GTGT đặc biệt là công tác hoàn thuế GTGT, còn phải đảm bảo lợi ích cho các bên thực hiện, tăng cường tính tuân thủ, minh bạch, từ đó có cách thức điều chỉnh hành vi thực thi pháp luật, hướng các bên tham gia theo một trật tự, khách quan, phù hợp với quy luật phát triển và lợi ích của các bên tham gia trong hoạt động KT-XH.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết thực hiện phương pháp nghiên cứu (PPNC) hỗn hợp gồm PPNC định tính kết hợp PPNC định lượng. Tuần tự, tác giả tiến hành thực hiện phương pháp định tính trước, sau đó là phương pháp định lượng. Tại PPNC định tính, tác giả sử dụng phương pháp điều tra phỏng vấn chuyên gia là các cán bộ công chức thuế Cục Thuế tỉnh Đồng Nai thông qua thực hiện kết hợp phương pháp Action Research - là phương pháp nhấn mạnh và tập trung giải quyết sự kiện, vấn đề đã và đang diễn ra có liên quan đến nhiều đối tượng (Eden và Huxham, 1996; Coghlan và Brannick, 2005) và phương pháp Grounded

Theory (GT) - phương pháp xây dựng lý thuyết dựa vào quá trình thu thập và phân tích dữ liệu một cách có hệ thống (Glaser và Strauss, 1967; Creswell, 2003). Bằng cách thăm dò ý kiến, thảo luận, phỏng vấn sâu chuyên gia, tác giả từng bước dò tìm các mục hỏi của từng nhân tố, đồng thời, xây dựng mô hình nghiên cứu dự kiến. Tại PPNC định lượng, sau khi hình thành bảng câu hỏi từ kết quả điều tra của nghiên cứu định tính, tác giả sử dụng PPNC định lượng nhằm kiểm định mô hình nghiên cứu đã đề ra ở bước nghiên cứu định tính và kết quả của nghiên cứu định lượng là cơ sở để tác giả đề xuất một số kiến nghị.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả nghiên cứu định tính

Ngay sau khi tiến hành bóc tách, phân loại và sắp xếp lại các thông tin, kết quả cho thấy có mối quan hệ, liên kết qua lại giữa HT KSNB và hoàn thuế bởi các lý do: (i) Đối với ngành thuế việc thực hiện kiểm soát nội bộ có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý thuế, đặc biệt là công tác hoàn thuế. Bởi nếu HT KSNB thực hiện không chuẩn, không có quy định, quy trình cụ thể dẫn đến nguy cơ gian lận gia tăng không những đối với các DN có nhu cầu hoàn thuế mà còn đối với công chức ngành thuế; (ii) Mục đích chính của ngành là thực hiện nguồn thu NSNN, đảm bảo nguồn thu không bị thất thoát, không bị tổn thất, do đó, đảm bảo các hoạt động có liên quan đến nguồn lực con người phải đảm bảo tuân thủ pháp luật hiện hành và các nguyên tắc, quy định, phải có kỷ cương, có đạo đức; (iii) Nhằm tạo công bằng cho các DN có nhu cầu hoàn thuế, công tác KSNB cũng là một trong những công việc đòi hỏi phải đủ điều kiện, đúng thủ tục, đúng quy trình và nằm trong sự kiểm tra, giám sát. Đồng thời, kết quả còn xác định được 30 thang đo cho 6 nhân tố gồm 3 thang đo cho nhân tố phụ thuộc, và 27 thang đo cho 5 nhân tố độc lập.

4.2. Kết quả nghiên cứu định lượng

Sau bước nghiên cứu sơ bộ, tác giả tiến hành nghiên cứu chính thức với mẫu gồm 292 đối tượng là các cán bộ quản lý cấp cao, cấp trung và các cán bộ quản lý thuế có liên quan đến công tác hoàn thuế tại Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.

Qua bước phân tích nhân tố khám phá - EFA, kết quả còn lại 23 mục hỏi thuộc 6 nhân tố gồm 03 mục hỏi thuộc biến phụ thuộc và 20 mục hỏi thuộc năm biến độc lập đủ điều kiện phân tích hồi quy. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, mỗi biến độc lập có cường độ tác động thuận chiều khác nhau lên biến phụ thuộc, cụ thể (sắp xếp theo thứ tự giảm dần về mức độ tác động): (i) Môi trường kiểm soát tác động mạnh nhất với mức độ là +0,461, (ii) Đánh giá rủi ro tác động mạnh thứ nhì với mức độ +0,354; (iii) Hoạt động giám sát tác động với mức độ +0,240, (iv) Hoạt động kiểm soát tác động với mức độ +0,183; (v) Thông tin và truyền thông tác động với mức độ +0,169.

5. Kết luận và kiến nghị

Bài viết nhằm xem xét (i) mối quan hệ giữa KSNB và hoàn thuế là GTGT, (ii) xác định các nhân tố thuộc HT KSNB và mức độ tác động của các nhân tố này đến việc hoàn thuế GTGT. Tác giả đã thành công trong việc xây dựng mô hình nghiên cứu và kiểm định với mẫu nghiên cứu gồm 292 quan sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi biến độc lập có cường độ tác động khác nhau lên biến phụ thuộc, có khả năng giải thích đạt yêu cầu (R2 = 45,7%). Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đã rút ra một số kiến nghị như sau:

Với nhân tố môi trường kiểm soát: Cần chú trọng cũng như đề cao đến tính chính trực và giá trị đạo đức, loại bỏ những cán bộ có dấu hiệu, hành vi, thông đồng, hoặc phi đạo đức; mạnh dạn xử lý nặng các trường hợp làm xấu hình ảnh của ngành, cần thiết sa thải khỏi ngành. Xây dựng quy chuẩn mực đạo đức, văn hóa giao tiếp, ứng xử, thường xuyên tổ chức tuyên dương tấm gương tiêu biểu; truyền bá, quán triệt tình trạng tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ của cán bộ thuế, tạo một môi trường làm việc trong sạch và lành mạnh. Đồng thời, thiết lập một cơ cấu tổ chức chặt chẽ và một quy trình báo cáo đầy đủ, thường xuyên, kịp thời

Với nhân tố đánh giá rủi ro: Cần chủ động trong việc nhận diện, kiểm soát rủi ro hiện hữu và tiềm tàng; xây dựng quy trình đánh giá, phân tích các rủi ro liên tục và định kỳ nhằm tránh tình trạng thông đồng giữa các cán bộ công chức; từng bước điều chỉnh kịp thời, phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, đồng thời, hình thành nền tảng cốt lõi cho việc quản trị, và xử lý các rủi ro.

Với nhân tố hoạt động giám sát: Cần tăng cường và liên tục giám sát giúp đơn vị phát hiện những sai sót, khắc phục các khiếm khuyết, nhược điểm của môi trường kiểm soát và đánh giá rủi ro. Với nội dung giám sát cần xem xét, kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế đối với NSNN; hay tình hình tuân thủ quy định, quy trình hoạt động của kiểm soát nội bộ của đơn vị với hoạt động hoàn thuế. Với phương thức giám sát có thể thực hiện giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát từ bên trong, giám sát từ bên ngoài,…

Với nhân tố hoạt động kiểm soát: Cần phân công, phân nhiệm cụ thể, chi tiết cho từng vị trí việc làm, luân phiên luân chuyển vị trí việc làm, hạn chế bất kiêm nhiệm về việc phê duyệt, điều hành dễ dẫn đến các sai phạm nhất là sai phạm do cố ý hoặc có hành vi lạm dụng quyền hạn. Xây dựng một quy trình đáp ứng các mục tiêu kiểm soát, đồng thời giải quyết một số công việc trong phạm vi nhất định, nhất thiết phải xây dựng hệ thống phê chuẩn chung và phê chuẩn cụ thể.

Với nhân tố hoạt động truyền thông và thông tin: Xây dựng một hệ thống thông tin, truyền thông xuyên suốt và chất lượng, đảm bảo các thông tin phải rõ ràng, minh bạch, chuẩn xác và phải được cung cấp kịp thời, chính xác đến các cấp có thẩm quyền theo quy định và kênh thông tin này phải được kiểm tra kiểm soát thường xuyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. The American Institute of Certified Public Accountants - AICPA. (1970). Establishing Financial Accounting Standard: Report of the Study on Establishing of Accounting Principle, AICPA.
  2. Alvin A. A & James K.L., (2000). Kiểm toán. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
  3. Chambers, R. J., (1960). Accounting, evaluation and economic behavior. Englewood Cliffs, NJ, USA: Prentice Hall.
  4. Coghlan, D., and Brannick, T., (2005). Doing action research in your own organization (2nd ed.). London, UK: Sage.
  5. Creswell, J. W., (2003). Research design: Qualitative, Quantitative and Mixed Methods Approaches. 2nd ed. Thousand Oaks, USA: Sage publications.
  6. Deegan, C. (2009). Financial accounting theory. 3rd ed. Sydney, Australia: McGraw-Hill Australia Pty Ltd.
  7. Eden, C., Huxham, C., (1996). Action Research for Management Research. British Journal of Management, 7, 75-86.
  8. Glaser, B. G., Strauss, A. L., (1967). The Discovery of Grounded Theory: Strategies for Qualitative Research. Chicago, USA: Aldine.
  9. Hertog, J.D., (2010). Review of economic theories of regulation. Utrecht School of Economics Tjalling C. Koopmans Research Institute - Discussion Paper. Series 10-18.

ELEMENTS OF THE INTERNAL CONTROL SYSTEM AFFECTING

THE VALUE-ADDED TAX REIMBURSEMENT AT THE DEPARTMENT

OF TAXATION OF DONG NAI PROVINCE

•TRAN QUANG NINH

Department of Taxation - Dong Nai Province

ABSTRACT:

This paper is to study the relationships among the elements of the internal control system and the reimbursement of value-added tax at the Department of Taxation of Dong Nai Province. The results show that there are five elements of the internal control system that positively impact the value-added tax reimbursement.

Keywords: Internal control system, control environment, risk assessment, monitoring activities.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]