Các nước EU ủng hộ chiến lược thương mại mới, đa phương, công bằng

27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu đã bày tỏ ủng hộ về việc theo đuổi chiến lược thương mại mới tầm nhìn đến năm 2030 với khái niệm “tự chủ chiến lược mở”. Trọng tâm của chiến lược này là thúc đẩy thương mại đa phương, công bằng và theo luật định.
Uỷ ban Châu Âu Valdis Dombrovskis
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nhấn mạnh EU sẽ tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước Châu Phi trong thời gian tới (Ảnh: Blue Growth)

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis vừa qua đã cho biết 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) lạc quan về chiến lược thương mại mới của khối với những cam kết mạnh mẽ về thương mại mở, công bằng và theo luật định. Ông Valdis Dombrovskis nhấn mạnh đây là điều cần thiết về mặt kinh tế và chính trị.

Cuối tháng 2/2021, EC đã công bố chiến lược thương mại mới tầm nhìn đến năm 2030 với khái niệm “tự chủ chiến lược mở” với trọng tâm tăng cường chủ nghĩa đa phương, cải cách các quy tắc thương mại toàn cầu theo hướng bảo đảm công bằng và bền vững, và thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Theo EC, “tự chủ chiến lược mở” cho phép EU đảm bảo “tính tự chủ” trong việc đưa ra các quyết định và định hình trật tự thương mại thế giới mới theo các tiêu chuẩn của EU. EU xem việc đẩy mạnh tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước Châu Phi là yếu tố mở của chiến lược.

Các yếu tố mở này cũng nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp của EU trước các hành vi cạnh tranh không công bằng, phi thị trường. EU cũng nhấn mạnh họ có quyền thực hiện các hành động nhằm loại bỏ các “tác động tiêu cực” từ cách tiếp cận của Trung Quốc trong thương mại và đầu tư.

Đặc biệt, EU đặt mục tiêu hợp tác với Hoa Kỳ nhằm sớm cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và xem đây là trung tâm điều phối, duy trì các quy tắc cạnh tranh trong tương lai. Ông Valdis Dombrovskis cũng cho biết EU lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa trong thời gian tới nhằm giúp khôi phục nền kinh tế khu vực hậu đại dịch Covid-19.

Sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 5/3, Hoa Kỳ và EU đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa trong vòng 4 tháng liên quan đến vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Boeing (Hoa Kỳ) và Airbus (Châu Âu).

Đây được xem là bước đi đầy thiện chí nhằm giải quyết những tranh chấp giữa hai bên suốt 17 năm qua. Sự kiện này không chỉ đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ và EU, mà còn có ý nghĩa tích cực trong quan hệ thương mại toàn cầu.

Đại diện Airbus cho biết, hãng ủng hộ việc giải quyết tranh chấp kéo dài này bằng đối thoại, thương lượng để tránh các biện pháp “ăn miếng trả miếng” gây tổn hại cho cả hai bên. Trong khi đó, Boeing hy vọng thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán để mang lại một sân chơi bình đẳng cho ngành công nghiệp sản xuất máy bay.

Quang Đặng