Các quy định về điều kiện đối với cơ sở mua bán thuốc bảo vệ thực vật và những vấn đề đặt ra

ThS. LÊ THANH HIỆP (Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương)

TÓM TẮT:

Để thuốc bảo vệ thực vật đến được với người nông dân, cần thông qua một mạng lưới các cơ sở dịch vụ mua bán thuốc bảo vệ thực vật. Pháp luật đã có các quy định về điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; về điều kiện về nhân lực nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh có điều kiện này. Bài viết đề cập những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về điều kiện đối với cơ sở mua bán thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời nêu một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này.

Từ khóa: Bảo vệ thực vật, điều kiện mua bán, cơ sở kinh doanh.

1. Những vấn đề cơ bản về thuốc bảo vệ thực vật

Trong những năm vừa qua, hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã thực sự góp phần quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của nước ta.

Khoản 16, Điều 3, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật quy định: Thuốc BVTV là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.

Theo thống kê của Cục BVTV từ năm 2011 đến nay, hàng năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 85.000-127.000 tấn thuốc BVTV, có 2 dạng thuốc BVTV nhập khẩu: Thuốc kỹ thuật để sản xuất (phối trộn, gia công) thuốc thành phẩm và thuốc thành phẩm nhập khẩu để sang chai đóng gói sử dụng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, thuốc trừ sâu chiếm 20,4%, thuốc trừ bệnh 23,2%, thuốc trừ cỏ 44,4%, các loại thuốc BVTV khác, như: thuốc xông hơi khử trùng, bảo quản lâm sản, điều hòa sinh trưởng cây trồng chiếm 12%,... Số liệu này chưa tính đến một lượng lớn thuốc BVTV nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và một số nước lân cận khác không qua con đường chính ngạch.

Hiện nay, vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm là những chủ đề nóng luôn được toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Thuốc BVTV nếu không được quản lý và sử dụng đúng quy định, cũng chính là một trong những nguyên nhân của tình trạng thực phẩm nhiễm độc, mất an toàn thực phẩm, gây nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo đối với con người, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. Trong thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để điều chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc BVTV nói chung và điều kiện mua bán thuốc BVTV nói riêng, nhưng thực tế lĩnh vực này vẫn nảy sinh nhiều phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề phát sinh trong công tác quản lý nhà nước.

2. Thực hiện các quy định về điều kiện đối với cơ sở mua bán thuốc bảo vệ thực vật

Mạng lưới phân phối thuốc BVTV ở Việt Nam được thể hiện thông qua sơ đồ 1: 

Sơ đồ 1: Mạng lưới phân phối thuốc bảo vệ thực vật

mang_luoi_phan_phoi_thuoc_bao_ve_thuc_vat

Theo sơ đồ trên và các văn bản pháp luật quy định hiện hành, nội hàm mua bán thuốc BVTV tương đối rộng, bao gồm: những chủ thể sản xuất sau đó bán ra thị trường, các đơn vị phân phối, đại lý và những người mua bán nhỏ lẻ. Tại Việt Nam, đại lý chính là khâu rất quan trọng và quyết định trong chính sách bán hàng của các công ty, đa phần đại lý đóng vai trò là người trực tiếp phân phối, đồng thời cũng là người tư vấn trong phòng trừ sâu bệnh. Trong khi đó, tập quán sử dụng thuốc BVTV của người dân vẫn còn nhiều hạn chế như tâm lý luôn mong muốn sâu bệnh hại được tiêu diệt nhanh nên ít khi thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả theo phương pháp 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách).

Nhiều trường hợp còn lạm dụng thuốc BVTV trong khâu bảo quản nông sản (trộn thuốc bột vào nông sản hoặc ngâm nông sản vào thuốc pha nước) khiến dư lượng thuốc còn tồn lưu trong nông sản vượt mức cho phép dẫn đến ngươi dùng nông sản dễ bị ngộ độc mãn tính; hoặc sau khi sử dụng thuốc thường vứt bỏ bao bì hay đổ thuốc thừa xuống kênh rạch dẫn đến ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, vai trò cung ứng, hướng dẫn, định hướng sử dụng thuốc BVTV cho người dân của đại lý vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất, mua bán và sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam.

Theo thống kê của Cục BVTV, hiện nay cả nước có 32.649 đại lý buôn bán thuốc BVTV. Số liệu thống kê trên chưa tính đến những cơ sở hoạt động theo từng mùa vụ hoặc mua bán nhỏ lẻ tại đồng ruộng chưa đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng. Hệ thống đại lý trên chủ yếu được xây dựng thành mạng lưới vệ tinh của các doanh nghiệp thuốc BVTV. Với mạng lới phân phối thuốc BVTV 3 cấp cơ bản (một số công ty còn phân phối trực tiếp đến đại lý cấp 2) và số lượng lớn nên thuận tiện cho việc cung ứng vật tư BVTV. Tuy nhiên việc mua bán thuốc BVTV vẫn xuất hiện một số tồn tại như:

Nhiều địa điểm mua bán không đáp ứng yêu cầu; tình trạng nhập lậu, buôn bán và sử dụng thuốc ngoài Danh mục, thuốc giả; sử dụng thuốc tùy tiện, không theo hướng dẫn kỹ thuật; chủ cửa hàng bán lẻ đi học lớp tập huấn mua bán thuốc tại Chi cục BVTV tổ chức theo quy định để được cấp giấy chứng nhận nhưng lại giao cho người thân trong gia đình bán hàng nên dễ xảy ra hướng dẫn sai, bán nhầm thuốc (có trường hợp đại lý bán thuốc Carphosate trừ cỏ thay vì thuốc Carbenzim trừ bệnh đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân). Trên thực tế đại lý có tác dụng trực tiếp nhất đối với người sử dụng thuốc và cũng là thành phần chủ yếu của các phi vụ buôn bán thuốc giả, thuốc ngoài Danh mục và nhập lậu thuốc qua biên giới nhưng lại chưa được quản lý chặt chẽ.

Ví dụ: Ngày 02/5/2016, Cục An ninh kinh tế Nông, Lâm, Ngư nghiệp (Bộ Công an) phối hợp với Công an An Giang tiến hành triệt phá đường dây sản xuất và mua bán thuốc BVTV giả với số lượng lớn tại số nhà 1046/53 Võ Văn Hoài, khóm Bình Khánh 6, P. Bình Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang. Đối tượng cầm đầu trong đường dây này là Cao Quốc Tuấn, đồng thời cũng là chủ của 1 của hàng buôn bán thuốc BVTV. Nguyên liệu để sản xuất được mua từ một số tổ chức cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh và An Giang sau đó sản xuất thành nhiều mặt hàng giả mang nhãn hiệu: Chết ngay, Emalufen, Cứng đầu và nhãn hiệu BATMAN 30.0WG có chứa hoạt chất Flubendiamide. Hoạt chất Flubendiamide được Công ty NIHON NOHYAKA (Nhật Bản) đăng ký độc quyền trên toàn cầu đến năm 2019. Toàn bộ lượng hàng sau khi sản xuất sẽ được Tuấn thỏa thuận và chào bán cho nhiều đại lý khác nhau tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp trong một thời gian dài[1].

Chính vì tầm quan trọng của vấn đề tổ chức mạng lưới mua bán thuốc BVTV mà pháp luật đã có những quy định cụ thể về những điều kiện đối với đại lý mua bán thuốc BVTV. Để thuận lợi trong việc phân tích, đánh giá, bài viết chia thành hai nhóm điều kiện:

Thứ nhất, nhóm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013; Điều 4 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP và đặc biệt Điều 33 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT quy định cụ thể và chi tiết từng nội dung về địa điểm, diện tích, kho chứa, kệ trưng bày, ánh sáng, phòng cháy chữa cháy, sổ ghi chép,… bao gồm:

- Địa điểm cửa hàng buôn bán thuốc BVTV phải có địa chỉ rõ ràng, ổn định, thuộc sở hữu của chủ cơ sở hoặc có hợp đồng thuê địa điểm đặt cửa hàng hợp pháp tối thiểu là 1 năm.

- Diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, tối thiểu là 10 mét vuông (m2). Phải là nhà kiên cố, bố trí ở nơi cao ráo, thoáng gió.

- Không được bán thuốc BVTV chung với các loại hàng hóa là lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y.

- Cửa hàng buôn bán thuốc BVTV không được nằm trong khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện.

- Cửa hàng phải cách xa nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 mét (m); có nền cao ráo, chống thấm, không ngập nước; tường và mái phải xây dựng bằng vật liệu không bén lửa.

-  Nơi chứa thuốc BVTV của cửa hàng phải đáp ứng quy định tại Điều 61 của Thông tư này.

Trường hợp cơ sở buôn bán không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp, địa chỉ rõ ràng; có sổ ghi chép việc mua bán, xuất, nhập thuốc BVTV và đáp ứng quy định tại Điều 32 Thông tư này[2].

Các quy đinh trên là căn cứ quan trọng, tiêu chí khá cụ thể và phù hợp trong việc cấp phép và quản lý mặt hàng đặc biệt này. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, việc áp dụng các điều kiện trên chưa thống nhất, triệt để, hệ thống kho chứa và cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV nhiều địa phương chưa được quy hoạch rõ ràng. Do đặc thù kinh doanh nên phần lớn các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV nằm khá gần khu dân cư (76,4%) và chưa có hệ thống kho chứa riêng biệt. Cá biệt một số nơi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra tình trạng mua bán ngay trên đồng ruộng, kề sông, rạch gây nguy cơ ô nhiễm đối với nguồn nước là rất lớn. Việc bổ sung quy định về lượng hóa khoảng cách cơ sở mua bán thuốc BVTV trong khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện là cần thiết và phải được quán triệt thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để.

Vấn đề lớn đặt ra trong hệ thống phân phối thuốc BVTV hiện nay là cần sắp xếp hệ thống đại lý phân phối theo một trật tự được cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy việc xác định đại lý cấp 1, cấp 2 hay cấp 3 như hiện nay chủ yếu do các công ty tự quy ước với đại lý dựa trên doanh số bán hàng, quan hệ làm ăn lâu năm hoặc tình cảm cá nhân. Đó chính là nguyên nhân của tình trạng vỡ nợ dây chuyền thường xuyên xảy ra trong thời gian qua và tình trạng “bắt tay” làm giá thuốc gây thiệt hại cho người dân. Vì chưa có quy định pháp lý ràng buộc mối quan hệ và trách nhiệm pháp lý các bên nên thực tế thường xuyên xảy ra tình trạng người dân sử dụng thuốc BVTV gây thiệt hại trên cây trồng do lỗi của sản phẩm thuốc nhưng công ty và đại lý vẫn cố tình né tránh trách nhiệm bồi thường và khắc phục hậu quả gây ra.

Trường hợp sản phẩm Hope 27WP của Công ty Cổ phần Thuốc BVTV Việt Trung là một ví dụ. Tháng 11/2016, nhiều hộ dân tại Bến Tre và Tiền Giang đồng loạt gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng khi sử dụng sản phẩm trên cây hoa cúc và cây lúa làm cây bị chết hàng loạt đã thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho người dân. Khi tiếp nhận xử lý vấn đề này cơ quan chức năng nhận thấy Hope 27WP là sản phẩm đăng ký đặc trị bệnh thán thư trên cây vải nhưng Công ty Việt Trung vẫn phân phối trên khu vực phía Nam và các đại lý vẫn hướng dẫn để người dân mua và sử dụng rộng rãi trên các loại cây trồng khác. Sau khi thiệt hại xảy ra, các đại lý đổ lỗi cho công ty, còn Công ty Việt Trung có công văn ngày 15/11/2016 từ chối nhận trách nhiệm này. Sự việc trên gây tranh cãi trong thời gian dài, do sợ ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín doanh nghiệp, Công ty Việt Trung mới đồng ý khắc phục hậu quả với danh nghĩa “hỗ trợ” thiệt hại chứ không phải “bồi thường” do hành vi lỗi gây ra[3].

Qua nghiên cứu Khoản 6 Điều 33 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT dẫn chiếu Điều 61 không phải quy định nơi chứa thuốc BVTV mà quy định về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật. Tác giả nhận thấy đây là sai sót do lỗi kỹ thuật văn bản, tuy nhiên cần ghi nhận và chỉnh sửa thống nhất trong thời gian tới.

Thứ hai, nhóm điều kiện về nhân lực: Khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013, Điều 32 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT quy định: “Chủ cơ sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc BVTV phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV”. Tuy nhiên Điều 4, Nghị định số 66/2016/NĐ-CP quy định: “Chủ cơ sở bán thuốc, người trực tiếp bán thuốc BVTV phải có trình độ trung cấp trở lên về một trong các chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, hóa học, lâm sinh hoặc có Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về thuốc BVTV do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp”.

Trước yêu cầu và thực trạng việc sản xuất, mua bán thuốc BVTV trong thời gian qua, việc quy định về chuẩn hóa đối với người mua bán thuốc BVTV là phù hợp. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ các quy định trong thời gian gần đây cho thấy tính ổn định của hệ thống pháp luật chưa cao, một số văn bản quy phạm pháp luật thay đổi thường xuyên. Ví dụ: Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ngày 11/3/2013 quy định về quản lý thuốc BVTV cho phép những người tốt nghiệp trung cấp nông học, lâm nghiệp được phép buôn bán thuốc BVTV; đến khi Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013, Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT không cho phép những người tốt nghiệp nông học, lâm nghiệp nhưng bổ sung ngành Hóa học được phép buôn bán thuốc BVTV; sau đó Điều 4 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP công nhận những người tốt nghiệp chuyên ngành hóa học, bổ sung ngành lâm sinh được phép buôn bán thuốc BVTV.

3. Một số kiến nghị

- Thứ nhất, hệ thống pháp luật quy định điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đề ra với cách nhìn khái quát của các tiêu chuẩn chung để gọi là đại lý thuốc BVTV. Tuy nhiên, với yêu cầu cao hơn trong tình hình mới, ngoài việc chỉnh sửa, bổ sung kỹ thuật văn bản luật, cần nghiên cứu bổ sung, lượng hóa khoảng cách các cơ sở mua bán thuốc BVTV đối với khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện (khoảng cách này có thể 100 mét, 200 mét,… ) và do cơ quan chuyên môn khảo sát, quyết định.

- Thứ hai, trên tinh thần từng bước giảm bớt số cửa hàng bán lẻ thuốc BVTV, sắp xếp hệ thống mua bán thuốc BVTV theo trật tự nhất định gắn liền với từng loại tiêu chuẩn đại lý cấp 1, cấp 2 hay cấp 3 pháp luật cần quy định cụ thể: vốn pháp định đối với từng loại đại lý; mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên giao đại lý (công ty sản xuất thuốc BVTV) và bên nhận đại lý (cơ sở mua bán); trách nhiệm cụ thể của bên giao đại lý và bên nhận đại lý nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân khi xảy ra những thiệt hại ngoài ý muốn nhưng các bên từ chối trách nhiệm gây ra.

Theo đó bên giao đại lý chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc, hướng dẫn, huấn luyện về đặc tính kỹ thuật từng loại thuốc và chỉ giao đại lý với những cơ sở đủ các điều kiện theo luật định; bên nhận đại lý chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và những thiệt hại do lỗi chủ quan quá trình tư vấn, buôn bán thuốc BVTV gây ra. Theo định kỳ, cơ quan chuyên ngành, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, đánh giá các tiêu chí của điều kiện đối với từng đại lý, cương quyết rút giấy phép đối với những cửa hàng vi phạm (bán thuốc giả, thuốc ngoài Danh mục, thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc,…).

- Thứ ba, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về chuẩn hóa trình độ của người buôn bán thuốc BVTV nhưng việc thực thi còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều địa phương lúng túng và gây phản ứng trái chiều đối với vấn đề này. Một phần của nguyên nhân trên chính là việc quy định các điều khoản về trình độ người buôn bán thuốc BVTV chưa thống nhất và thường xuyên thay đổi. Để giải quyết tình trạng này, tác giả kiến nghị việc quy định trình độ của người mua bán thuốc BVTV cần dựa trên các chứng chỉ nhất định do Bộ NN & PTNT quy định thống nhất, cụ thể. Những ngành học nào có số tín chỉ phù hợp, tương đương sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, những trường hợp chưa đáp ứng đủ số tín chỉ phù hợp thì đăng ký bổ sung kiến thức cần thiết. Việc quy định này vừa tiết kiệm cho phí, vừa đảm bảo quản lý thống nhất, dễ dàng trong toàn ngành.

4. Kết luận

Việt Nam là nước nông nghiệp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm, thích hợp cho các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển và đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi các đối tượng dịch hại hình thành. Lịch sử nông nghiệp Việt Nam cho thấy những trận đại dịch đối với cây trồng xuất hiện trong thời gian qua (dịch rầy nâu hại lúa những năm 1978, 1990; dịch bệnh vàng lùn  xoắn lá lúa giai đoạn 2006-2009; bệnh thối nhũn gốc, tuyến trùng hại rễ cây tiêu; bệnh xì mủ bệnh nấm hồng trên cao su miền Đông Nam Bộ,…). Nếu không có thuốc BVTV thì khó có thể bảo vệ được cây trồng, phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, mất nguồn nông sản xuất khẩu, ổn định cuộc sống người dân. Do vậy, cần khẳng định vai trò không thể thiếu của thuốc BVTV và hệ thống phân phối thuốc BVTV. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có những quy định chặt chẽ và hợp lý hơn trong công tác quản lý các cơ sở mua bán thuốc BVTV nói riêng và ngành thuốc BVTV nói chung.

Tóm lại, về điều kiện đối với cơ sở  mua bán thuốc BVTV, hệ thống pháp luật quy định điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với cơ sở mua bán thuốc BVTV cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đề ra. Vấn đề chính là cần quán triệt chặt chẽ các điều kiện trong thực tế, nếu tinh thần trên được quán triệt nghiêm túc thì số lượng đại lý mua bán thuốc BVTV không quá nhiều như như hiện nay. Về trình độ của chủ thể mua bán lẻ thuốc BVTV, hiện nay chưa được quy định thống nhất tại các quy định và thường xuyên thay đổi gây lúng túng trong vận dụng thực tế. Tác giả kiến nghị việc quy định trình độ của người mua bán thuốc BVTVcần dựa trên các chứng chỉ, những ngành học nào có số tín chỉ phù hợp, tương đương sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, những trường hợp chưa đáp ứng đủ thì đăng ký bổ sung kiến thức cần thiết.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Nguồn: Cục An ninh kinh tế Nông, lâm, ngư nghiệp (Bộ Công an).

[2]Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Điều 33 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT.

[3] Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đào Trọng Ánh (2002), Cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý và hiệu quả thuốc hoá học BVTV trong tình hình hiện nay, Luận án Tiến sỹ nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.
  2. Chính phủ (2013), Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (kèm theo tờ trình số 110 /TTr-CP ngày 19 /3/2013).
  3. Đường Hồng Dật (1997), Nông nghiệp sạch với BVTV, NXB Nông nghệp.
  4. Nguyễn Xuân Hồng (2012), Thực trạng và một số giải pháp tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, Tạp chí Bảo vệ thực vật, tr30-32.
  5. Thế Nghĩa (2009), Xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, Tạp chí Công nghiệp Hóa chất, Số 7, 2-4.
  6. Thế Nghĩa (2005), Triển vọng của nông nghiệp thế giới và xu hướng giảm sử dụng thuốc BVTV, Tạp chí Công nghiệp Hóa chất, Số 9, tr.2.
  7. Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam (2014), Báo cáo số 226/KĐKNTPN-BC ngày 12/12/20114 về tổng kết công tác năm 2014.
  8. Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn (2016), Báo cáo thường niên ngành thuốc BVTV Việt Nam năm 2015 và triển vọng năm 2016.
  9. Nguyễn Thơ (2013), Tổ chức và quản lý sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp bền vững, Tạp chí Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước, tr.10-11.
  10. Quốc hội (2013). Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25/11/2013.
  11. Chính phủ (2015). Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT ngày 08/6/2015 về quản lý thuốc BVTV.
  12. Chính phủ (2014). Nghị định số 116/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/12/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
  13. Chính phủ (2016). Nghị định số 66/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016 quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.
  14. Chính phủ (2009). Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
  15. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2011). Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT ngày 29/03/2011 quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản.
  16. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT ngày 08/6/2015 về quản lý thuốc BVTV.

 

CONDITIONS FOR PLANT PROTECTION DRUG STORES CONDITIONS AND RELATED ISSUES

Master. LE THANH HIEP

Division of Economic Security, Police Department of Binh Duong Province

 

ABSTRACT:

Plant protection drugs are provided to farmers via a trading network which consists plant protection drugs stores. The Government of Vietnam has promulgated laws on business conditions, facilities, equipment and human resources in trading plant protection drugs in order to ensure the safety. This article addresses issues arising during the enforcement of laws on plant protection drugs trading conditions and presents some recommendations to perfect the laws and enhance the efficiency of the laws’ enforcement.

Keywords: Plant protection, purchase and sales conditions, business establishment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 17, tháng 7 năm 2020]