Các xu hướng nghiên cứu thực nghiệm trong kế toán

ThS. NGUYỄN THANH TÙNG (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng) - ThS. NGUYỄN THANH NHÃ (Cơ sở đào tạo Sơn Tây, Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Các nghiên cứu thực nghiệm trong kế toán không những giúp ích cơ quan nhà nước thiết lập các nguyên tắc kế toán tạo nên khung lý thuyết để lập báo cáo tài chính (BCTC) mà còn giúp ích cho nhà đầu tư trong việc giải thích và dự báo các hiện tượng, hiểu rõ thêm về bản chất của các thông tin trên BCTC. Bài viết đã giới thiệu tổng quát một vài xu hướng nghiên cứu thực nghiệm chủ đạo trong lĩnh vực kế toán trên thế giới. Với mỗi một xu hướng, bài báo đã đề cập đến các ý tưởng “nguồn”, cách thức đo lường cũng như kết quả nghiên cứu của từng nghiên cứu cụ thể.

Từ khóa: kế toán, nghiên cứu thực nghiệm, xu hướng nghiên cứu.

1. Đặt vấn đề

Cho tới nay, kế toán và các xu hướng nghiên cứu thực nghiệm trong kế toán có lịch sử phát triển lâu đời. Tại thời điểm ban đầu, các nghiên cứu thực nghiệm trong kế toán tập trung bàn về vấn đề kế toán cần thực hiện như thế nào, thay vì kế toán đang được làm thế nào và được xếp vào loại nghiên cứu chuẩn tắc.

Các nghiên cứu thực nghiệm trong kế toán không những giúp ích cho cơ quan nhà nước thiết lập các nguyên tắc kế toán tạo nên khung lý thuyết để lập BCTC (nghiên cứu chuẩn tắc), mà còn giúp ích cho nhà đầu tư trong việc giải thích và dự báo các hiện tượng, hiểu rõ thêm về bản chất của các thông tin trên BCTC (nghiên cứu thực chứng). Việc phát triển các nghiên cứu thực nghiệm trong kế toán tại Việt Nam là nguyện vọng của các chuyên gia trong ngành kế toán (Phan Lê Thành Long, 2010) và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành Kế toán và của nền kinh tế đất nước.

2. Một số lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm trong kế toán

2.1. Nghiên cứu định giá dựa vào các mô hình thu nhập bất thường

Xu hướng này xem xét mối quan hệ giữa giá cả trên thị trường chứng khoán với định giá được tạo ra bởi các mô hình dựa trên thu nhập còn lại, thu nhập kế toán và các thành phần khác nhau của thu nhập. Các bài nghiên cứu thường giả định tính hiệu quả của thị trường và kiểm tra giả định đó. Abarbanell, J., & Bernard, V. (2000) đã nghiên cứu xem liệu thị trường chứng khoán Hoa Kỳ có phải là thị trường phi lý, có cái nhìn hạn hẹp hay không, theo nghĩa tỷ trọng thích hợp của thu nhập dự kiến trong dài hạn được kỳ vọng ít hơn. Hay các tác giả xem xét giả định thị trường chứng khoán Hoa Kỳ có đánh giá quá cao thu nhập trong ngắn hạn và đánh giá thấp thu nhập trong dài hạn hay không.

Dựa trên mô hình định giá của Ohlson (1995), các tác giả đã chỉ ra sự liên quan của giá cả với thu nhập dự kiến tại các thời điểm khác nhau, dưới sự vô hiệu của hiệu quả thị trường. Sử dụng đồng thời mô hình này và việc dự báo dòng giá trị các thu nhập của một tập mẫu các công ty trong giai đoạn từ 1978-1993, các tác giả đã ước tính giá trị mà một thị trường hiệu quả sẽ xác định cho giá trị sổ sách của các công ty cũng như thu nhập trong ngắn hạn và dài hạn của các công ty đó.

Lee, Charles M.C. và các cộng sự (1999) sử dụng mô hình định giá thu nhập còn lại để đo lường giá trị nội tại của các cổ phiếu. Đồng thời, mô hình hóa mối quan hệ theo chuỗi thời gian của giá cả và giá trị giống như một hệ thống mà trong đó về lâu dài, giá cả và giá trị sẽ hội tụ. Các giá trị ước tính trong thực tế không chỉ theo sát giá cả, mà còn là những yếu tố dự đoán tốt hơn về thu nhập của các cổ phiếu sau đó. Các tác giả cho thấy, từ năm 1978, các chỉ báo truyền thống về giá trị thị trường như B/P (hay P/B - chỉ số giá chứng khoán với giá trị ghi sổ), E/P (hay P/E - ghi số giá với thu nhập), và D/P (chỉ số cổ tức với giá)… có ít khả năng dự đoán cho thu nhập tiếp theo. Ngược lại, tỷ lệ V/P (value to price -  giá trị nội tại so với giá cả) dựa trên mô hình thu nhập thặng dư đã dự đoán được khá tin cậy lợi nhuận tổng thể của thị trường trong một khoảng thời gian ngắn như một tháng. Phân tích sâu hơn, các tác giả cho thấy tỷ lệ chiết khấu theo thời gian và dự báo của các nhà phân tích theo thông tin thu nhập trong tương lai có tầm quan trọng hơn yếu tố phần bù rủi ro trong tính hiệu quả mô hình này.

2.2. Chi phí vốn cổ phần

 Gebhardt, và cộng sự (2001) sử dụng mô hình chiết khấu thu nhập thặng dư để ước tính chi phí vốn cổ phần. Kết quả cho thấy tác động các đặc điểm của công ty đến chi phí vốn chủ sở hữu ước tính. Các đặc điểm đó là: chỉ số B/M (book/market - chỉ số giá trị ghi sổ trên giá trị thị trường), tốc độ tăng trưởng dự báo trong dài hạn và sự phân tán các thu nhập dự báo. Kết quả là các biến này giải thích khoảng 60% sự thay đổi trong tương lai (2 năm tới) của chi phí vốn được đề cập tới.

Theo Botosan, C., & Plumlee, M. (2005), việc tìm kiếm một biến đại diện thực nghiệm đáng tin cậy cho chi phí vốn cổ phần của một công ty cụ thể là khả thi nếu có thể quan sát, tính toán được dự báo dòng tiền trong tương lai của thị trường và giá cổ phiếu hiện tại. Các tác giả đã đánh giá 5 phương pháp để ước tính chi phí vốn cổ phần và đã tìm ra 2 phương pháp ước tính chiếm ưu thế hơn vì có thể dự đoán được rủi ro của ước tính, đồng thời, rủi ro này có tính nhất quán hơn rủi ro của các ước tính khác.

2.3. Định giá sai thông tin kế toán

Các nghiên cứu này nghiên cứu về sự kém hiệu quả hay các bất thường của thị trường chứng khoán theo các thông tin kế toán được công bố như: sự chênh lệch sau thông báo, công bố thông tin thu nhập, sự bất thường của các khoản dồn tích hay việc định giá sai dựa theo các giá trị kế toán hào nhoáng, thổi phồng.

Có nhiều nghiên cứu tìm cách giải thích về "chênh lệch sau thông báo thu nhập" như các nghiên cứu nền tảng trước đó của Ball và Brown (1968), là những người đầu tiên nhận định, ngay cả sau khi thu nhập được công bố, lợi nhuận "bất thường" tích lũy ước tính vẫn tiếp tục tăng đối với các công ty "có tin tốt" và giảm đối với các công ty có "tin xấu".

Foster, Olsen, và Shevlin (1984) ước tính trong 60 ngày giao dịch sau khi công bố thu nhập, vị thế mua ở những cổ phiếu có thu nhập bất ngờ ở mức cao nhất, kết hợp với vị thế bán ở những cổ phiếu ở mức thấp nhất, mang lại lợi nhuận hàng năm "bất thường" khoảng 25%, chưa tính chi phí giao dịch. Các giải thích cạnh tranh cho sự chênh lệch sau khi công bố thu nhập được chia thành 2 nhóm:

(1) Nhóm một cho biết, khả năng một phần phản ứng của giá đối với thông tin mới bị trì hoãn. Sự chậm trễ có thể xảy ra do nhà giao dịch thất bại trong tiếp thu hoặc hiểu thông tin có sẵn, hoặc do một số chi phí nhất định (chẳng hạn như chi phí giao dịch hoặc chi phí cơ hội để thực hiện và giám sát một chiến lược giao dịch) vượt quá lợi nhuận từ việc khai thác thông tin hiện tại xảy ra với một số lượng đủ lớn nhà giao dịch.

(2) Nhóm giải thích thứ hai cho rằng, mô hình định giá vốn - tài sản (CAPM) được sử dụng để tính toán lợi nhuận bất thường là không đầy đủ hoặc bị đánh giá sai, các nhà nghiên cứu không thể điều chỉnh lợi tức danh nghĩa (raw return) đầy đủ rủi ro. Kết quả cho thấy, lợi nhuận bất thường là sự đền bù công bằng cho việc gánh chịu rủi ro được định giá nhưng không được CAPM ước tính bởi các nhà nghiên cứu. Trong trường hợp chênh lệch sau khi công bố thu nhập, giải thích này yêu cầu các công ty có thu nhập không đoán được cao (thấp) trở nên rủi ro nhiều (ít) hơn trên một số khía cạnh không được công nhận.

Các nghiên cứu khác về mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và thông tin kế toán có thể kể đến nghiên cứu Sloan, R. (1996). Nghiên cứu này điều tra giá cổ phiếu có phản ánh thông tin về thu nhập trong tương lai, cái được dự đoán từ các thành phần thu nhập dồn tích và dòng tiền mặt của thu nhập hiện tại, hay không? Mức độ hiệu suất thu nhập hiện tại vẫn tồn tại trong tương lai (sự bền vững của thu nhập) phụ thuộc vào mức độ tương đối của tiền mặt và các thành phần thu nhập dồn tích của thu nhập hiện tại.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu được cho là không phản ánh đầy đủ thông tin có trong các thành phần dồn tích và dòng tiền của thu nhập hiện tại cho đến khi thông tin đó ảnh hưởng đến thu nhập trong tương lai. Kết quả của giá cổ phiếu không phù hợp với quan điểm của thị trường hiệu quả truyền thống. Tuy nhiên, việc phát hiện giá cổ phiếu không phản ánh đầy đủ tất cả các thông tin công bố công khai không nhất thiết ám chỉ sự phi lý của nhà đầu tư hoặc sự tồn tại của các cơ hội sinh lời chưa được khai thác.

2.4. Quản lý hay thao túng thu nhập

Một nhóm nghiên cứu kiểm tra các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thu nhập, trong khi nhóm nghiên cứu khác tập trung vào hậu quả của chất lượng thu nhập khác biệt, gắn liền với chi phí vốn, phản ứng của thị trường vốn, và các quyết định kinh tế thực tế. Tuy nhiên, khó khăn của các nghiên cứu về chất lượng thu nhập nằm ở cả việc lên ý tưởng và đo lường chất lượng thu nhập. Vì vậy, trong nghiên cứu thực nghiệm, các nghiên cứu thường tập trung vào các phương pháp phổ biến để đo lường thu nhập được quản lý và không được quản lý: tách biệt các khoản dồn tích tùy ý và không tùy ý, xây dựng mối liên hệ của các khoản dồn tích với dòng tiền và kiểm tra phân phối thu nhập xung quanh các ngưỡng.

Jones, J. (1991) nghiên cứu có hay không sự điều chỉnh làm giảm thu nhập thông qua quản lý, thao túng thu nhập của các công ty được hưởng lợi từ việc cứu trợ nhập khẩu (ví dụ: tăng thuế quan và giảm hạn ngạch) trong các cuộc điều tra cứu trợ nhập khẩu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC). Việc sử dụng các con số kế toán trong quy định về cứu trợ nhập khẩu rõ ràng tạo động lực cho các nhà quản lý để quản lý thu nhập, nhằm tăng khả năng được cứu trợ nhập khẩu hoặc tăng số tiền cứu trợ được cấp. Đóng góp của Jones, J. (1991) là đưa ra một mô hình dồn tích để kiểm định giả thuyết quản lý thu nhập. Sự hấp dẫn của mô hình Jones là đo lường cách thức chủ ý của ban quản lý trong việc kiểm soát việc hạch toán các khoản dồn tích tùy ý, nhằm tác động đến mức độ và thời điểm thu nhập có ảnh hưởng đến môi trường kinh tế vĩ mô. Cụ thể, mô hình đó là:

NDAt = α1(1/At-1) + α2(REVt/At-1) + α3(PPEt/At-1)              (1)

Trong đó: NDAt là các khoản tích lũy không tùy ý trong năm t; ∆REVt = doanh thu trong năm t trừ doanh thu trong năm t - 1; PPEt = tổng tài sản nhà máy và thiết bị trong năm t; At-1 = tổng tài sản tại thời điểm t-1; và α1, α2, α3 là các tham số cụ thể của công ty.

Các ước tính của các tham số cụ thể cho công ty, α1, α2, α3 được tạo bằng mô hình sau trong khoảng thời gian ước tính:

TAt/At-1  = α1(1/At-1) + α2(REVt/At-1) + α3(PPEt/At-1) + Vt       (2)

Trong đó: α1, α2, α3 biểu thị các ước tính OLS của α1, α2, α3 và TA là tổng các khoản dồn tích, At là tổng tài sản trong năm t. Vt là thuật ngữ lỗi.

Cuối cùng, dẫn đến việc đo lường các khoản dồn tích tùy ý (DAit) của công ty i tại thời điểm t là: DAit = TAit - NDAit

Dechow, Patricia & Dichev, ID. (2002) đề xuất một thước đo mới về chất lượng của các khoản dồn tích dạng vốn lưu động và thu nhập. Một vai trò của các khoản dồn tích là tác động đến việc ghi nhận các luồng tiền theo thời gian để các con số thu nhập đã điều chỉnh đo lường hiệu quả hoạt động của công ty tốt hơn. Tuy nhiên, các khoản dồn tích đòi hỏi các giả định và ước tính về các dòng tiền trong tương lai. Theo các tác giả, chất lượng của các khoản dồn tích và thu nhập đang giảm do mức độ sai số của ước tính các khoản dồn tích.

Thước đo thực nghiệm về chất lượng các khoản dồn tích đó được tính toán thông qua hồi quy của những thay đổi trong vốn lưu động trên các dòng tiền hoạt động của từng công ty cụ thể trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong đó, biến phụ thuộc “thay đổi trong vốn lưu động” năm “t” được mô tả có mối quan hệ trong một phương trình với các biến độc lập dòng tiền hoạt động sản xuất - kinh doanh năm “t-1”, dòng tiền từ hoạt động sản xuất - kinh doanh năm “t”, dòng tiền từ hoạt động sản - xuất kinh doanh năm “t+1” và thu nhập ước tính của năm “t” (được ước tính từ thu nhập của năm trước đó, đại diện cho tính ổn định của thu nhập). Các tác giả ghi nhận các đặc điểm có thể quan sát được của công ty có thể được sử dụng làm tác động đến chất lượng dồn tích (ví dụ: sự biến động của các khoản dự thu và sự biến động của thu nhập). Cuối cùng, họ cho thấy thước đo chất lượng của các khoản dồn tích có liên quan tích cực đến tính ổn định của thu nhập.

Degeorge, F., Patel, J., & Zeckhauser, R. (1999) đã giới thiệu các ngưỡng hành vi của quản lý thu nhập. Hay nói cách khác, họ phân bổ thu nhập của các công ty thành các ngưỡng và nghiên cứu sự phân phối của các phân bổ đó. Mô hình cho thấy, cách các ngưỡng tạo ra các loại quản lý thu nhập cụ thể. Khám phá thực nghiệm của họ xác định việc quản lý thu nhập vượt qua từng ngưỡng trong 3 ngưỡng: báo cáo lợi nhuận dương (tránh báo cáo lỗ), duy trì hiệu suất gần đây (quản lý, thao túng để thu nhập tăng trưởng) và đáp ứng kỳ vọng của nhà phân tích.

Trong đó, quản lý thu nhập để đạt được ngưỡng lợi nhuận dương được chứng tỏ là cách quản lý thu nhập chủ yếu. Còn động cơ hiệu suất trong tương lai của các công ty có khả năng tăng thu nhập chỉ vượt qua một ngưỡng có vẻ kém hơn. Các tác giả nghiên cứu hàm mật độ cho thu nhập gần mỗi ngưỡng. Nếu nhà quản lý thực sự quản lý thu nhập để đạt đến ngưỡng, các tác giả cho thấy sẽ quan sát được báo cáo thu nhập ''quá ít'' ngay bên dưới và ''quá nhiều'' tại hoặc ngay trên ngưỡng đó. Họ đã đưa ra biểu đồ phân phối với từng giả định quản lý thu nhập. Nếu kiểm tra thống kê cho sự gián đoạn ở ngưỡng được phỏng đoán là đáng kể thì đó là bằng chứng của quản lý thu nhập.

2.5. Lựa chọn trong công bố báo cáo

Một lượng lớn khác trong nghiên cứu kế toán đề cập đến việc công bố thông tin bắt buộc và tự nguyện của các công ty. Các tác giả tập trung vào các vấn đề trong báo cáo của các công ty, đó là: ghi nhận thông tin so với công bố thông tin, và lựa chọn phân loại khoản mục trong báo cáo. Các nghiên cứu cũng đề cập đến tác động qua lại giữa tiết lộ bắt buộc và tự nguyện, chi phí tiết lộ, công bố thông tin, các vấn đề về tính đồng nhất trong các lựa chọn báo cáo, và chính sách tiết lộ cố định.

Ahmed và cộng sự (2006) nghiên cứu tầm quan trọng của ghi nhận thông tin so với công bố thông tin của các ngân hàng với các nhà đầu tư trong việc định giá các công cụ phái sinh. Điểm độc đáo trong thiết kế nghiên cứu của các tác giả là sự ra đời của quy định SFAS số 133 bắt buộc ghi nhận giá trị hợp lý phái sinh sau khi quy định này có hiệu lực đã giúp giảm thiểu nhiều vấn đề trong thiết kế nghiên cứu. Trước đó, quá trình công bố thông tin và thực hành kế toán của các ngân hàng trước SFAS số 133 đã cung cấp một cơ sở tự nhiên các mẫu để so sánh tầm quan trọng của thông tin được ghi chép so với thông tin công bố về giá trị hợp lý các công cụ phái sinh.

Thứ nhất, với mẫu các ngân hàng nắm giữ các công cụ phái sinh, đồng thời được ghi chép và công bố trước SFAS số 133, hệ số định giá trên các công cụ phái sinh được ghi chép thông tin là đáng kể, trong khi hệ số định giá trên các công cụ phái sinh được công bố thông tin là không đáng kể.

Thứ hai, sử dụng một mẫu các ngân hàng chỉ công bố thông tin các công cụ phái sinh trước SFAS số 133, nhưng được công nhận ghi chép sau SFAS số 133 cho thấy, dù hệ số định giá trên các công cụ phái sinh được công bố thông tin không có ý nghĩa, nhưng hệ số định giá trên các công cụ phái sinh được công nhận ghi chép thông tin là rõ ràng, có ý nghĩa. Phát hiện này phù hợp với quan điểm việc thừa nhận ghi chép thông tin và công bố thông tin là không đồng nhất và không thể thay thế được cho nhau.

Các nghiên cứu về công bố thông tin như: mối quan hệ của công bố thông tin tự nguyện và công bố thông tin bắt buộc của Einhorn, E. (2005) cho thấy, công bố thông tin bắt buộc của doanh nghiệp có ảnh hưởng đáng kể trong việc xác định chiến lược công bố thông tin tự nguyện của họ.

Trong “tiểu luận về công bố thông tin”, Verrecchia, R. E. (2001) đã phân loại các mô hình công bố thông tin khác nhau từ các nghiên cứu trước đó và cho rằng giảm sự bất cân xứng thông tin như một điểm khởi đầu tiềm năng cho một lý thuyết toàn diện về công bố thông tin. Tác giả khuyến nghị giảm bất cân xứng thông tin như một phương tiện để thể hiện sự hiệu quả của việc lựa chọn công bố thông tin.

Các tác giả đã đưa ra bằng chứng cho thấy, các nhà quản lý có khả năng chuyển các chi phí từ chi phí cốt lõi (giá vốn hàng bán, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí quản lý doanh nghiệp) sang các khoản mục đặc biệt. Sự dịch chuyển chi phí theo chiều dọc này không làm thay đổi thu nhập cuối cùng, nhưng phóng đại thu nhập "cốt lõi". Ngoài ra, các nhà quản lý sử dụng công cụ quản lý thu nhập này để đáp ứng tiêu chuẩn thu nhập dự báo của nhà phân tích, vì các khoản mục đặc biệt có xu hướng bị loại trừ khỏi cả định nghĩa thu nhập theo quy ước và trong phân tích.

3. Kết luận

Bài viết đã giới thiệu tổng quát một vài xu hướng nghiên cứu thực nghiệm chủ đạo trong lĩnh vực kế toán trên thế giới. Với mỗi một xu hướng, bài báo đã đề cập đến các ý tưởng “nguồn”, cách thức đo lường cũng như kết quả nghiên cứu của từng nghiên cứu cụ thể. Các nghiên cứu này thường là ý tưởng cho việc áp dụng cụ thể cách tiếp cận trong các ý tưởng đó vào từng thị trường, từng nước cụ thể. Ngoài ra, các vấn đề được trình bày, các tranh luận trong các nghiên cứu cũng gợi mở các vấn đề nghiên cứu trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abarbanell, J., & Bernard, V. (2000). Is the U.S. Stock Market Myopic? Journal of Accounting Research, 38(2), 221-242.
  2. Ahmed, Anwer & Kiliç, Emre & Lobo, Gerald. (2006). Does Recognition Versus Disclosure Matter? Evidence From Value-Relevance of Banks' Recognized and Disclosed Derivative Financial Instruments. The Accounting Review, 81, 567-588.
  3. Ball, R., & Brown, P. (1968). An empirical evaluation of accounting income numbers. Journal of Accounting Research, 6, 159-178.
  4. Bernard, V., & Thomas, J.K. (1989). Post-Earnings-Announcement Drift: Delayed Price Response or Risk Premium?. Journal of Accounting Research, 27, 1-36.
  5. Botosan, C., & Plumlee, M. (2005). Assessing Alternative Proxies for the Expected Risk Premium. The Accounting Review, 80(1), 21-53.
  6. Dechow, Patricia & Dichev, ID. (2002). The Quality of Accruals and Earnings: The Role of Accrual Estimation Errors. The Accounting Review, 77, 35-59.
  7. Degeorge, F., Patel, J., & Zeckhauser, R. (1999). Earnings Management to Exceed Thresholds. The Journal of Business, 72(1), 1-33.
  8. Einhorn, E. (2005). The Nature of the Interaction between Mandatory and Voluntary Disclosures. Journal of Accounting Research, 43(4), 593-621.
  9. Foster, G., Olsen, C. and Shevlin, T. (1984). Earnings Releases, Anomalies, and the Behavior of Security Returns. Accounting Review, 59, 574-603.
  10. Gebhardt, W., Charles M. C. Lee, & Swaminathan, B. (2001). Toward an Implied Cost of Capital. Journal of Accounting Research, 39(1), 135-176.
  11. Gode, Dan & Mohanram, Partha. (2001). What Affects the Implied Cost of Equity Capital?. Review of Accounting Studies, 8, 1-31.
  12. Jones, J. (1991). Earnings Management During Import Relief Investigations. Journal of Accounting Research, 29, 193-228.
  13. Kanodia, Chandra. (2006). Accounting Disclosure and Real Effects. Foundations and Trends R in Accounting, 1, 167-258.
  14. Lakonishok, J., Shleifer, A., & Vishny, R. (1994). Contrarian Investment, Extrapolation, and Risk. The Journal of Finance, 49(5), 1541-1578.
  15. Lee, Charles M.C. and Myers, James N. and Swaminathan, Bhaskaran. (1999). What is the Intrinsic Value of the Dow?. Journal of Finance, 54(5), 1693-1741.
  16. Ohlson, J.A. (1995). Earnings, Book Values, and Dividends in Equity Valuation. Contemporary Accounting Research, 11, 661-687.
  17. Sarah Elizabeth McVay. (2006). Earnings Management Using Classification Shifting: An Examination of Core Earnings and Special Items. The Accounting Review, 81(3), 501-531.
  18. Sloan, R. (1996). Do Stock Prices Fully Reflect Information in Accruals and Cash Flows about Future Earnings?. The Accounting Review, 71(3), 289-315.
  19. Verrecchia, R. E. (2001). Essays on Disclosure. Journal of Accounting and Economics, 32(1-3), 97-180.

MAJOR EMPIRICAL ACCOUNTING

RESEARCH TRENDS IN THE WORLD

• Master. NGUYEN THANH TUNG

Faculty of Accounting - Auditing, Banking Academy

• Master. NGUYEN THANH NHA

Banking Academy - Son Tay Campus

ABSTRACT:

Empirical studies in accounting not only help state agencies to establish accounting principles which form a theoretical framework for preparing financial statements, but also help investors understand financial statements and make financial forecasts. This paper introduces some major empirical accounting research trends in the world. For each trend, the paper presents the core idea, measuring methods and research results.

Keywords: accounting, empirical research, research trends.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]