Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu tại tỉnh Cao Bằng

PGS. TS. NGUYỄN HOÀNG LONG - NCS. THS. NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG (Trường Đại học Thương Mại)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích các yếu tố yếu tố ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế hướng tới xuất khẩu tại tỉnh Cao Bằng thời gian qua và hiện nay. Từ đó, nêu ra một số kiến nghị mang hàm ý giải pháp với hệ thống quản lý nhà nước Trung ương và tỉnh Cao Bằng trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2025.

Từ khóa: chính sách kinh tế, xuất khẩu, phát triển kinh tế, tỉnh miền núi, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Cao Bằng là một tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Việt Nam. Cao Bằng có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng, trữ lượng khá lớn, chất lượng tốt; có 332 km đường biên giới giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc, với 2 cửa khẩu chính (Tà Lùng, Trà Lĩnh), 4 cửa khẩu phụ (Sóc Giang, Pò Peo, Lý Vạn, Bí Hà). Trong bối cảnh Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng về thương mại, Cao Bằng luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bài viết  đã tâp trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế hướng tới xuất khẩu tại tỉnh Cao Bằng, nhận dạng và đo lường mức tác động , từ đó đưa ra một số khuyến nghị hàm ý giải pháp để hoàn thiện chính sách bộ phận của chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý luận

Chính sách kinh tế hướng đến xuất khẩu được khởi đầu từ thập kỷ 30 ở các nước Mỹ La-tinh, 30 năm sau, chính sách này mới được áp dụng tại một số quốc gia của châu Á, và thành công ở các nước công nghiệp mới NICs, gồm Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hong Kong (Seringhaus và Rosson, 1991). Nhìn chung, chính sách kinh tế hướng đến xuất khẩu là chính sách nhắm đến mục tiêu phát triển kinh tế thông qua hoạt động xuất khẩu hàng hóa/ dịch vụ. Chính sách này được coi là giải pháp trọng yếu để một quốc gia có thể đạt đến trình độ cao hơn, thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ đó duy trì được sự tăng trưởng bền vững (Mandel và Müller, 1974). Hệ thống kinh tế quốc gia trên cơ sở các chính sách bộ phận của các ngành kinh tế, của các địa phương.

Từ một số công trình nghiên cứu đã công bố và được áp dụng trong thực tế các yếu tố môi trường cơ bản tác động đến chính sách phát triển kinh tế hướng tới xuất khẩu của một tỉnh miền núi (Naidu và các cộng sự, 1997; Owens và Wood, 1997; Linnemann Hans, Van Dijck Pitou, Verbruggen Harmen, 1988; Vũ Thị Lộc, 2018; Lê Thanh Tuấn, 2019), bao gồm:

* Các yếu tố môi trường quốc tế và hội nhập quốc tế:

Các yếu tố môi trường quốc tế và khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách phát triển kinh tế hướng tới xuất khẩu của quốc gia và qua đó đến một tỉnh/thành phố như: Tình hình sự phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới và khu vực nói chung, các chỉ số kinh tế vĩ mô (giá trị tổng sản lượng, kim ngạch xuất khẩu) mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xu hướng phát triển các khu vực kinh tế, xu hướng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ… Đặc biệt là các hiệp định kinh tế thương mại song phương, đa phương… Sự phát triển của khối ASEAN, các hiệp định kinh tế thương mại đa phương (với EU, với Đông Bắc Á, các đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương và song phương (với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản,…) và xu hướng bảo hộ thương mại các nước lớn, sự tác động của cách mạng công nghệ 4.0 đã có tác động trực tiếp và rất mạnh đến Việt Nam.

* Các yếu tố môi trường vĩ mô quốc gia:

Các yếu tố môi trường vi mô quốc gia là những điều kiện tiền đề và có tác động đến chính sách phát triển kinh tế hướng tới xuất khẩu của một tỉnh / thành phố. Các yếu tố chủ yếu gồm: Môi trường chính trị pháp luật (Sự ổn định và tính đồng bộ của hệ thống luật pháp về kinh tế, xã hội); Tình hình và nhịp điệu phát triển kinh tế vĩ mô (GDP; lạm phát, tăng giá, cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế…). Đặc biệt là các chính sách quản lý phát triển kinh tế - xã hội nói chung, chính sách phát triển thương mại, thương mại xuất nhập khẩu của quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đến hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các chính sách bộ phận trong chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu của tỉnh, thành phố.

* Các yếu tố địa lý, kinh tế - xã hội đặc thù tỉnh miền núi, trong đó các yếu tố then chốt gồm có ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu của tỉnh miền núi gồm:

- Điều kiện tự nhiên: Khi xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế hướng tới xuất khẩu tại tỉnh miền núi cần cân nhắc kỹ lưỡng đến yếu tố điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu) để có chính sách phát triển các loại sản phẩm xuất khẩu phù hợp và có các biện pháp khắc phục những mặt hạn chế của điều kiện tự nhiên của tỉnh vùng núi để phát triển hạ tầng, điều kiện tổ chức cung ứng dịch vụ xuất khẩu.

- Trình độ phát triển kinh tế và điều kiện hạ tầng phát triển kinh tế: Do hạn chế về điều kiện tự nhiên, kinh tế của các tỉnh miền núi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu tố điều kiện hạ tầng phát triển kinh tế thấp, thô sơ. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế còn yếu kém. Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội tăng đạt những kết quả khả quan nhưng còn những hạn chế bất cập… là những yếu tố cần nghiên cứu kỹ lưỡng và toàn diện để xây dựng và thực thi chính sách.

- Trình độ và chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động: Tại tỉnh miền núi, nguồn lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Phần lớn nguồn nhân lực ở khu vực này có trình độ tiểu học và trung học cơ sở, số người có trình độ cao đẳng và đại học rất thấp. Phần lớn là lao động chưa qua đào tạo với trình độ chuyên môn kỹ thuật, kiến thức và tay nghề con kém. Đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo ở những khu vực này có trình độ và kiến thức còn hạn chế. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cao, chủ yếu tham gia sản xuất theo hướng truyền thống, theo kinh nghiệm và dựa trên trình độ thấp.

- Trình độ phát triển khoa học công nghệ: Khi xây dựng thực hiện các chính sách bộ phận của chính sách phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu cần chú trọng xem xét kỹ lưỡng yếu tố khoa học công nghệ vì việc đưa khoa học công nghệ đến với tỉnh miền núi là cần thiết, tuy nhiên, để có thể triển khai các dự án chuyển giao khoa học công nghệ hiệu quả cao, việc lựa chọn ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, trong xuất nhập khẩu đóng vai trò rất quan trọng và quyết định.

- Bản sắc văn hóa - xã hội: Các yếu tố văn hóa xã hội (như phong tục tập quán, đạo đức, niềm tin, các giá trị văn hóa, trình độ lao động, giáo dục đào tạo,…) chi phối suy nghĩ và hành vi của những người tham gia và thực hiện chính sách phát triển kinh tế hướng tới xuất khẩu của các tỉnh miền núi. Sự đa dạng về văn hóa là yếu tố cần được coi trọng. Bên cạnh những thuận lợi có được từ sự đặc sắc và đặc thù của văn hóa, vấn đề tổ chức, quản lý xã hội và phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu cũng chịu nhiều tác động trái chiều, phức tạp. Cần được cân nhắc toàn diện với quá trình xây dựng, thực hiện chính sách.

2. Khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xuất nhập khẩu của tỉnh Cao Bằng

Cao Bằng là một tỉnh miền núi ở phía Bắc Bắc bộ. Phía Bắc và phía Đông Cao Bằng giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Tuyên Quang và Hà Giang, phía Nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn. Trong vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực có bước phát triển và đạt kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh năm 2019 đạt 7,13%, cao nhất trong giai đoạn 2015 - 2019, trong đó: lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng 16,34%; lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,55%; lĩnh vực dịch vụ tăng 6,05%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 2015 đến năm 2019 đạt bình quân 5,99%/năm. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát triển trên đà tăng trưởng cao, nhất là trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản. Sản xuất công nghiệp năm 2019 có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018, một số doanh nghiệp chế biến khoáng sản đã khắc phục khó khăn tổ chức lại sản xuất, làm giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ; giá trị thương mại - dịch vụ năm 2019 đạt 9.563 tỷ đồng (xem Bảng 1).

Bảng 1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chính của Cao Bằng

Các chỉ tiêu

2015

2016

2017

2018

2019

Dân số (nghìn người)

522,0

524,2

526,4

528,7

530,9

Tăng trưởng GDP (%)

4,31

4,38

7,09

7,02

7,13

GDP giá hiện hành (tỷ đồng)

11.347

12.056

14.495

16.191

17.921

Xuất khẩu (triệu USD)

1,79

2,24

143,00

47,99

13,12

Tăng trưởng (%)

-85,6

25,6

6274

-66,4

-72,7

Nhập khẩu (triệu USD)

27,10

19,65

22,81

41,20

37,06

Kim ngạch XNK (triệu USD)

28,89

21,89

165,81

89,19

50,18

Nguồn: Niêm giám thống kê tỉnh Cao Bằng

Trong nửa cuối năm 2020 và tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu sự tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 nhưng bằng những giải pháp triển khai phù hợp, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng về cơ bản vẫn duy trì được mức tăng trưởng gần như năm 2019. Trong đó các hoạt động xuất nhập khẩu được duy trì, thương mại xuất khẩu Việt Nam, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và lớn hơn so với thương mại xuất nhập khẩu với Lào, Campuchia.

Theo số liệu của Tổng Cục hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm tỉ trọng 81,5% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu biên giới đất liền (trị giá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam -- Lào chiếm 3,21%; Việt Nam -, Campuchia chiếm 15,3%). Trong đó, tính riêng xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm 79,08%; nhập khẩu chiếm 82,92% tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam với 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia.

3. Thực trạng một số yếu tố ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng

- Sự kiện trở thành thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á ASEAN năm 1995 và Tổ chức Thương mại thế giới WTO năm 2007 đã đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, thương mại của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Gần đây Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CTTPP được ký kết ngày 8/3/2018 và có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 tại Việt Nam; Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu EVFTA, đã có hiệu lực từ năm 2020, dự kiến sẽ tăng 44,37% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030 khi Hiệp định cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế từ Việt Nam sang EU. - Hội nhập với thế giới về văn hóa -- xã hội là một trong những chủ trương của Nhà nước để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra bạn bè quốc tế cũng như phát triển một số mô hình văn hóa đối ngoại khác. Thực hiện theo Quyết định số 210/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng đã có những chủ trương mới, bằng cách đưa các trò chơi dân gian, phong tục tập quán của các dân tộc sống trên địa bàn vào hoạt động du lịch. Nhờ đó, đã có khoảng 1,5 triệu lượt khách ghé thăm tỉnh Cao Bằng, doanh thu đạt 470 tỷ đồng vào năm 2019 (tăng 29,3% so với năm 2018).

- Cùng với sự hội nhập quốc tế về kinh tế và văn hóa -- xã hội, Việt Nam cũng phát triển nhiều loại hình khoa học kỹ thuật được trao đổi, du nhập từ nước ngoài. Từ năm 2016, tỉnh Cao Bằng có khoảng 59 đề tài, dự án với mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất -- kinh doanh. Trong đó, các đề tài chủ yếu nghiên cứu về nhiều lĩnh vực như công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, hay khoa học xã hội và nhân văn,...

Tuy nhiên, các đề tài trên chỉ đang ở giai đoạn nghiệm thu và thực hiện bước đầu; hệ thống tổ chức, quản lý còn trong quá trình rà soát lại. Nhìn chung, quá trình áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào thực thiện ở tỉnh Cao Bằng bước đầu có biến chuyển tốt có tác động tích cực đến triển khai các chính sách bộ phận trong chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu.

* Thực trạng các yếu tố môi trường vĩ mô Việt Nam:

- Thể chế chính trị của Việt Nam ổn định và hệ thống luật pháp luôn được hoàn thiện, cập nhật trong thực tiễn đã có những tác động tích cực, thúc đẩy toàn diện sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều chính sách và đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội, thương mại xuất nhập khẩu của các tỉnh miền núi như tỉnh Cao Bằng.

- Trong khi năm 2019 là một năm đầy biến động đối với nền kinh tế thế giới thì Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới. Theo số liệu niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của nước ta đạt 7,02%, tăng 0,81% so với năm 2016 (6,21%). Theo đó, tốc độ tăng trưởng năm 2019 cũng vượt mức mục tiêu Quốc hội đề ra và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu. Ngoài ra, nhờ việc thực hiện đồng bộ các biện pháp thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế, nền kinh tế vĩ mô của cả nước cũng ổn định và vững chắc hơn. Trong năm 2020, đầu năm 2021 mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và các tỉnh miền núi, trong đó có Cao Bằng gần như vẫn duy trì và đạt kết quả thấp hơn không nhiều so với năm 2019.

- Theo số liệu niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số lạm phát theo chỉ số giá tiêu dùng PCI năm 2019 là 2,79%, đạt mục tiêu kiểm soát chỉ số lạm phát dưới 4% do Nhà nước đề ra và có xu hướng giảm so với năm 2018. Từ năm 2019, tỷ giá VND/USD đã được điều chỉnh khá ổn định. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 7,8% năm 2019, tuy thấp hơn so với năm 2018 nhưng nhìn chung cả năm, Việt Nam vẫn là nước xuất siêu với 9,1 tỷ USD. Nhờ vào tình hình cung -- cầu ngoại tệ ổn định bởi nhận được nguồn đầu tư nước ngoài, mà cán cân thương mại (đặc biệt là hoạt động xuất khẩu) có những chuyển biến tích cực và nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng tăng cao, lên đến 73 tỷ USD.

- Quyết định số 1531/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt ngày 30/08/2013, đặt ra mục tiêu xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu trở thành khu vực kinh tế động lực của từng địa phương ở biên giới, theo hướng hiện đại và đồng bộ. Đối với tỉnh Cao Bằng, chính quyền đã cho thực hiện Quyết định số 3197/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, đề ra mục tiêu phát triển ngành thương mại tỉnh Cao Bằng phải chú ý đến kinh tế cửa khẩu và hoạt động xuất -- nhập khẩu, đóng góp vào GDP toàn tỉnh nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

* Thực trạng các yếu tố nguồn lực nội tại của tỉnh Cao Bằng:

- Cao Bằng là một trong các tỉnh có nhiều cửa khẩu thương mại, đường mòn, lối mở giao lưu với nước bạn Trung Quốc, thúc đẩy hoạt động xuất -- nhập khẩu không chỉ các mặt hàng của tỉnh, mà còn của hàng hóa từ các tỉnh khác chuyển đến cửa khẩu tỉnh Cao Bằng. Bên cạnh những ưu thế về mặt tự nhiên, tỉnh Cao Bằng cũng gặp không ít khó khăn. Do địa hình phức tạp và nhiều đồi núi, giao thông vận tải bị hạn chế và không được nâng cấp thường xuyên, dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa xuất --nhập khẩu. Thêm vào đó, Cao Bằng có nhiều đường mòn, lối mở tự phát, hoạt động quản lý an ninh trên địa bàn chưa chặt chẽ, còn xuất hiện các hình thức xuất khẩu hàng lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, hàng cấm,... gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế cửa khẩu.

- Những năm gần đây, thực trạng phát triển kinh tế ở tỉnh Cao Bằng có chuyển biến khá tích cực: tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2010 - 2019 bình quân đạt 7,5%; giai đoạn 2017 - 2019, tốc độ tăng trưởng GDP không có năm nào dưới 7%. Có thể thấy, tuy giá trị tăng trưởng của tỉnh Cao Bằng khá nhỏ nhưng nhìn chung vẫn có xu hướng tăng lên. Về công nghiệp và xây dựng, cơ cấu ngành tăng liên tiếp trong giai đoạn 2017 - 2019 (18,74% - 20,24% - 21,42%) và có giá trị sản xuất đạt 3.286,1 tỷ đồng năm 2017, tăng 42,74% so với năm 2016. Trong khi đó, cơ cấu nông, lâm, ngư nhiệp có xu hướng giảm nhẹ theo các năm từ 2017 - 2019 (23,14%, 22,08%, 21,57%).

- Dân số các tỉnh khu vực phía Bắc khá ít, đa số là dân tộc ít người và trình độ học vấn chưa cao. Về chuyên môn, phần lớn nhân lực của tỉnh là lao động chưa qua đào tạo. Do quy mô cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp tương đối nhỏ và chưa chuyên nghiệp nên yêu cầu trình độ nhân công thấp, chỉ đủ đáp ứng cho doanh nghiệp trên địa bàn. Theo số liệu thống kê, trong 5 năm từ 2015 - 2019, tỷ lệ lao động có qua đào tạo của tỉnh Cao Bằng luôn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. năm 2019 đạt tỷ lệ 20,8% - thấp hơn 2,8% so với cả nước. Về năng suất lao động, vì các doanh nghiệp hầu hết vẫn chưa cải tiến cơ sở hạ tầng nên vẫn hoạt động dịch vụ cung ứng logistics theo mô hình 1.0 và 2.0, trong khi cả nước đã tiến đến mô hình 3.0 và 4.0.

- Hiện nay, có khoảng gần 60 đề tài, dự án nghiên cứu các vấn đề khoa học công nghệ ở Cao Bằng; hơn một nửa số đề tài đã đưa vào thực hiện và được kì vọng sẽ sớm áp dụng vào đời sống và trong sản xuất hàng hóa hay các dịch vụ phục vụ kinh tế xuất khẩu. Tuy nhiên, số đề tài đang được triển khai vào thực tế vẫn khá khiếm tốn, chưa phát huy được thế mạnh vốn có về nhiều mặt của tỉnh. Tuy là một tỉnh vùng núi và cách xa trung tâm chính trị - hành chính, nhưng những năm gần đây, Cao Bằng đã nỗ lực phát triển hạ tầng viễn thông cả về điện thoại và internet. Theo Niên giám thống kê tỉnh Cao Bằng, tỷ lệ tăng trưởng số thuê bao sử dụng điện thoại và internet đã tăng lên đáng kể: sử dụng điện thoại đạt tỷ lệ 52%; tỷ lệ tăng trưởng số thuê bao sử dụng iternet là 61,99% năm 2020.

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có khoảng 28 dân tộc cùng chung sống và phát triển, chủ yếu là các dân tộc Tày (41%), Nùng (31,1%), H’Mông (10,1%), Dao (10,1%), Việt (5,8%). Do có sự đa dạng về dân tộc nên nơi đây nổi tiếng với những mảng văn hóa phong phú và được lưu giữ lâu đời. Chính quyền tỉnh Cao Bằng cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa - xã hội trong việc phát triển toàn diện. Sau 10 năm thực hiện theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/05/2009 về Chiến lược phát triển văn hóa, Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động văn hóa và du lịch trên địa bàn. Nhờ vậy, doanh thu từ du lịch của tỉnh Cao Bằng năm 2019 đã tăng 29,3% so với năm 2018 với 470 tỷ đồng.

4. Một số kiến nghị hàm ý giải pháp

* Kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của hệ thống quản lý nhà nước Trung ương:

Thứ nhất, hệ thống quản lý nhà nước Trung ương cần chú trọng xây dựng cơ chế chính sách quản lý cụ thể, với các mục tiêu hợp lý, rõ ràng, có thể định lượng và đo lường được, với lộ trình cụ thể và sự phân định trách nhiệm của các bên liên quan rõ ràng, hệ thống thông tin và báo cáo minh bạch, cụ thể và cập nhật, từ đó tạo môi trường để triển khai chính sách phát triển kinh tế hướng tới xuất khẩu hiệu quả hơn.

Thứ hai, việc định hướng và điều tiết các hoạt động kinh tế xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng cần được thực hiện qua những chính sách rõ ràng và công bằng áp dụng cho tất cả các thành phần của nền kinh tế.

Thứ ba, hệ thống quản lý nhà nước cần ban hành các chính sách trên cơ sở đảm bảo quan hệ chặt chẽ với các đối tác, kết nối với các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, các nhà ga, bến xe, các cửa khẩu, các khu công nghiệp và khu sản xuất hàng hóa tập trung..., đồng thời đảm bảo kết nối với các khách hàng tiêu thụ, trong đó trọng tâm là các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ hàng hóa, các nhà xuất khẩu,...

Thứ , hệ thống quản lý nhà nước Trung ương cần xây dựng và triển khai chính sách phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội phục vụ hoạt động xuất khẩu, cần được thực hiện đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phục vụ hiện tại và tính đến khả năng phục vụ lâu dài trong tương lai, hướng tới hệ thống công trình cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu trong tương lai.

Thứ năm, thực tiễn quản lý nhà nước cũng đặt ra yêu cầu phải thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý logistics tại Việt Nam. Hiện nay ở Việt Nam, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý kinh doanh dịch vụ logistics (Theo Quy định của Luật Thương mại 2005), nhưng các loại dịch vụ vận tải lại do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, các dịch vụ liên quan đến bưu chính do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, các dịch vụ về hải quan do Tổng cục Hải quan quản lý,...

* Một số kiến nghị hàm ý giải pháp với tỉnh Cao Bằng:

Dựa trên quan điểm chỉ đạo xây dựng thực hiện chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu tỉnh Cao Bằng; căn cứ các luận cứ khoa học phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước, phát huy tối đa các lợi thế của tiểu vùng và của toàn tỉnh đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao trong thực hiện, các tác giả nêu ra một số kiến nghị với hàm ý giải pháp sau:

- Tăng cường quá trình nghiên cứu và quá trình phân tích các yếu tố môi trường quốc tế, môi trường quốc gia và môi trường của tỉnh Cao Bằng nhằm xác định xác đáng, đo lường chính xác các thời cơ đe dọa với chính sách. Từ đó, xác định mục tiêu các giải pháp triển khai khả thi và hiệu quả với các chính sách bộ phận và chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030.

- Hoàn thiện các chính sách phát triển hạ tầng kinh tế và nguồn nhân lực, chú trọng vào: (1) Hạ tầng kinh tế giao thông vận tải, công nghệ thông tin và hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật, sản xuất kinh doanh phục vụ đời sống; (2) Phát triển đồng bộ nâng cao hiệu quả hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng các doanh nghiệp hộ gia đình; (3) phát triển, nâng cao trình độ kỹ năng sản xuất quản lý của đội ngũ nhân sự bao gồm: của các tổ chức trong hệ thống quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân.

- Phát triển các chính sách nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ xuất khẩu bao gồm: Năng lực để lựa chọn và đề xuất giá trị dịch vụ xuất khẩu cung ứng cho các đối tác và khách hàng nhập khẩu (chủ yếu với các nhà nhập khẩu Trung Quốc) phát triển các dịch vụ cung ứng xuất khẩu và nâng cao giá trị bao gồm cả giá trị gia tăng trong triển khai các hoạt động dịch vụ xuất khẩu trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu.

- Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chính sách xúc tiến đầu tư và xúc tiến xuất khẩu trên cơ sở gia tăng sức thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến xuất khẩu. Chú trọng vào các hình thức xúc tiến xuất khẩu điện tử.

- Nâng cao hiệu quả của quy hoạch triển khai sản xuất các sản phẩm của địa phương và phát triển thị trường/đoạn thị trường xuất khẩu của các sản phẩm này nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu trên cơ sở đáp ứng các quy định của quốc gia nhập khẩu, các quy định khối hiệp ước và trong các hiệp định thương mại tự do nhất là với các hiệp định thương mại song phương Việt Nam, Trung Quốc cũng như các thỏa thuận thương mại biên giới giữa các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.  

6. Kết luận

Bài viết đã tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế hướng đến xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng. Trong đó, đã phân tích các yếu tố chủ yếu trong 3 nhóm yếu tố được lựa chọn nghiên cứu, đó là: yếu tố môi trường quốc tế, yếu tố môi trường vĩ mô Việt Nam và yếu tố nội tại của tỉnh Cao Bằng. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết đã đưa ra một số kiến nghị hàm ý giải pháp với hệ thống quản lý nhà nước Trung ương và tỉnh Cao Bằng.

Do những giới hạn về thời gian, nguồn dữ liệu số liệu nghiên cứu và năng lực thực tế của nhóm nghiên cứu, bài viết không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Nhóm tác giả hy vọng bài viết sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích cho các đối tượng có liên quan tham khảo trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Thanh Tuấn (2019), Phát triển kinh tế biên giới Việt - Trung (tỉnh Quảng Ninh): vấn đề và giải pháp, LATS kinh tế, Viện Hàn lâm - Khoa học xã hội Việt Nam, Học Viện khoa học xã hội.
  2. Linnemann Hans, Van Dijck Pitou, Verbruggen Harmen. (1988). Export-Oriented Industrialization in Developing Countries, Singapore: Singapore University Press.3. Mandel M., Müller J. (1974). Aims of an export-oriented economic policy. Acta Oeconomica, 13(1), 35-47.
  3. Naidu G.M., Cavusgil S. Tamer, Murthy B. Kinnera, Sarkar Mitrabarun. (1997). An export promotion model for India: Implications for public policy. International Business Review, 6(2), 113-125.
  4. Owens Trudy, Wood Adrian. (1997). Export-oriented industrialization through primary processing? World Development, 25(9), 1453-1470.
  5. Seringhaus F. H. R., Rosson P. J. (1991). Export development and promotion: The role of public organizations. Norwell, MA: Kluwer Academic Publishers.
  6. Sở Thống kê tỉnh Cao Bằng, Niêm giám thống kê tỉnh Cao Bằng 2019, NXB Thống kê.
  7. Vũ Thị Lộc (2018), Xây dựng chiến lược phát triển thương mại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2030, LATS, Trường Đại học Thương mại.

Factors affecting export-oriented economic development policies of Cao Bang Province

Assoc.Prof. Ph.D Nguyen Hoang Long

Ph.D’s student, Master. Nguyen Phuong Hang

Thuongmai University

ABSTRACT:

This paper analyzes the factors affecting export-oriented economic development policies of Cao Bang Province. Based on the paper’s findings, some recommendations to the state management agencies and Cao Bang Province’s authorities to improve the export-oriented economic development making process in Cao Bang Province until 2025.

Keywords: economic policy, export, economic development, mountainous province, Cao Bang Province, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]