Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ

LÊ DUY TRƯỜNG (Vietcombank chi nhánh Cần Thơ) - TS. NGÔ VĂN THIỆN - THS. NGUYỄN THỊ QUỲNH NHƯ - THS. NGUYỄN QUỐC VƯƠNG (Trường ĐH Kiên Giang)

TÓM TẮT:

Đề tài nghiên cứu nhằm mục đích tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, từ đó đề ra các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các hộ kinh doanh trên địa bàn.

Bằng việc sử dụng mô hình logit và điều tra 177 hộ kinh doanh trên địa bàn cho thấy, có 5 yếu tố tác động gồm: Trình độ học vấn, Kinh nghiệm làm việc, Thu nhập, Tài sản đảm bảo và Lịch sử vay vốn của hộ kinh doanh. Để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh thời gian tới, tác giả cho rằng cần có các giải pháp như đảm bảo thanh toán nợ đúng hạn, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, mở rộng tài sản đảm bảo, nới lỏng các điều kiện về vay vốn và tăng cường tham gia các hoạt động hội nhóm kinh doanh.

Từ khóa: Tín dụng chính thức, hộ kinh doanh cá thể, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Quận Cái Răng nằm ở phía Đông Nam của thành phố Cần Thơ. Trong những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cá nhân sản xuất - kinh doanh tại đây có sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn quận Cái Răng với khả năng cung ứng vốn tín dụng ổn định, lãi suất phù hợp luôn là nơi mà các cá nhân sản xuất kinh doanh tìm đến đầu tiên khi có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, việc cung ứng vốn tín dụng ngân hàng đến cá nhân sản xuất kinh doanh đôi lúc vẫn còn chưa kịp thời. Việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ kinh doanh phải dùng đến tín dụng đen để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. Vì vậy, việc nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ” là điều cần thiết và cấp bách hiện nay.

2. Tổng quan về tín dụng chính thức đối với hộ kinh doanh cá thể

Tín dụng là một phạm trù kinh tế phản ánh mối quan hệ giao dịch giữa hai chủ thể, trong đó một bên chuyển giao một lượng giá trị sang bên kia sử dụng trong một thời gian nhất định, đồng thời bên nhận được phải cam kết trả với một lượng giá trị lớn hơn theo thời hạn đã thỏa thuận. Thị trường tín dụng cùng tồn tại hai phương thức cho vay là chính thức và phi chính thức. Tín dụng chính thức là hình thức tín dụng chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, cụ thể là các tổ chức tín dụng hoạt động dưới sự giám sát của ngân hàng Nhà nước, hoạt động theo quy định của Luật Ngân hàng.

Sử Ngọc Anh (2012) nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng của hộ tiểu thương tại trung tâm thương mại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả đã sử dụng mô hình logit, kết quả nghiên cứu cho thấy những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng bao gồm giới tính của chủ hộ, dân tộc, trình độ học vấn, số năm hoạt động kinh doanh, doanh thu bán hàng, vốn kinh doanh, thuế phải nộp hàng tháng, phí nộp Nhà nước, thu nhập hàng tháng, hợp đồng thuê sạp và địa bàn kinh doanh tại An Đông.

Vũ Thị Hường Ngát (2015) nghiên cứu về khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tác giả sử dụng mô hình hồi quy Logit, kết quả hồi quy cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể bao gồm giấy tờ nhà đất, số năm kinh doanh, doanh thu, vốn kinh doanh, lãi suất cho vay. Trong đó, biến giấy tờ nhà đất ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng tiếp cận tín dụng của hộ.

Hongjiang và cộng sự (2006) đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vay vốn tại ngân hàng của các hộ kinh doanh tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Qua phỏng vấn 245 hộ kinh doanh đang hoạt động tại tỉnh Tứ Xuyên, bằng mô hình hồi quy Logistic, kết quả chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng chính thức của các hộ kinh doanh bao gồm: Tổng tài sản, nợ/tổng tài sản, lợi nhuận và điểm tín dụng.

Ubon và Chukwuemeka (2011) nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và không chính thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Nigeria. Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ 264 doanh nghiệp. Phương pháp phân tích để giải quyết mục tiêu nghiên cứu là mô hình hồi quy Logistic. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những yếu tố có ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của các DNNVV gồm giới tính, tuổi doanh nghiệp, vốn xã hội, trình độ học vấn, chi phí lãi và quy mô doanh nghiệp.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để đánh giá khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, dựa vào các nghiên cứu trước và vận dụng các mô hình kinh tế lượng, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu là mô hình hồi quy logistic (hồi quy logit), có dạng như sau:

Trong đó:

Y là biến phụ thuộc (Khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ).

X1, X2, X3, X4, X5, X6 là các biến độc lập (Tương ứng: Giới tính, Trình độ học vấn, Kinh nghiệm kinh doanh, Thu nhập, Giá trị tài sản đảm bảo, Lịch sử vay vốn).

Đối tượng khảo sát: Đối tượng khảo sát của nghiên cứu là những hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Cỡ mẫu: Theo nghiên cứu của Tabacknick và Fidell (1996), đối với phân tích hồi quy logistic, cỡ mẫu tối thiểu là 50+8*m (trong đó m là số biến độc lập). Theo đó, trong mô hình nghiên cứu tác giả đề xuất có 6 biến độc lập, do vậy cỡ mẫu phù hợp là 50 + 8*6 = 98 đối tượng khảo sát. Tuy nhiên, để tránh những trường hợp sai sót trong quá trình khảo sát tác giả tiến hành khảo sát 177 đối tượng trên địa bàn, điều này phù hợp với nghiên cứu của Tabacknick và Fidell. (Bảng 1)

Bảng 1. Bảng tóm tắt các biến và kỳ vọng

Yếu tố

Ký hiệu

Ý nghĩa của các biến số

Kỳ vọng

Khả năng tiếp cận tín dụng

Y

Nhận giá trị 1 nếu hộ kinh doanh cá thể tiếp cận được tín dụng chính thức, nhận giá trị 0 nếu hộ kinh doanh cá thể không tiếp cận được tín dụng chính thức.

 

Giới tính

X1

Biến giả, nhận giá trị 1 nếu HKD có giới tính là nam, nhận giá trị 0 nếu HKD có giới tính là nữ.

-

Trình độ học vấn

X2

Đo lường qua số năm đến trường của HKD (năm)

+

Kinh nghiệm kinh doanh

X3

Đo lường qua số năm hoạt động kinh doanh của HKD (năm)

+

Thu nhập

X4

Đo lường qua tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của HKD (trăm triệu đồng/tháng)

+

Tài sản thế chấp

X5

Đo lường qua giá trị tài sản thế chấp (trăm triệu đồng)

+

Lịch sử vay vốn

X6

Biến giả, nhận giá trị 1 nếu HKD từng có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng, nhận giá trị 0 nếu ngược lại.

-

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả các biến số trong mô hình nghiên cứu

Để thực hiện phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, tác giả đã thực hiện khảo sát 177 hộ kinh doanh trên địa bàn. Kết quả thống kê mô tả các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu được thể hiện trong Bảng 2.

Bảng 2.Thống kê mô tả các biến số trong mô hình nghiên cứu

Biến

Đơn vị tính

Giá trị thấp nhất

Giá trị cao nhất

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Giới tính

Biến giả

0,000

1,000

0,740

0,440

Trình độ học vấn

Năm

2,000

16,000

11,277

3,804

Kinh nghiệm

Năm

1,000

25,000

10,876

6,260

Thu nhập

Trăm triệu đồng

0,050

0,800

0,208

0,161

Giá trị tài sản đảm bảo

Trăm triệu đồng

0,000

104,500

11,696

18,091

Lịch sử vay vốn

Biến giả

0,000

1,000

0,316

0,466

Nguồn: Kết quả khảo sát 177 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, 2020

4.2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Sau khi thực hiện phân tích tương quan, không có hiện tượng đa cộng tuyến tồn tại trong mô hình nghiên cứu. Do đó, cả 6 yếu tố đề cập ở mô hình nghiên cứu đề xuất được đưa vào thực hiện phân tích hồi quy Binary Logistic. Qua phân tích kiểm định có 5 yếu tố tác động đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, bao gồm: Trình độ học vấn, Kinh nghiệm kinh doanh, Thu nhập, Tài sản đảm bảo, Lịch sử vay vốn. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước và giả thuyết ban đầu.

Yếu tố giới tính không có ý nghĩa thống kê, do đó không có tác động đến sự tiếp cận tín dụng của các hộ kinh doanh. Theo giả thuyết nghiên cứu ban đầu hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh thường do người phụ nữ đảm nhiệm, vậy nên dễ dàng tiếp xúc và có cơ hội tiếp cận được các nguồn tín dụng chính thức. Nhưng trên thực tế, hoạt động kinh doanh là của hộ kinh doanh và được thực hiện bởi cả hộ gia đình, do đó cơ hội tiếp cận được nguồn tín dụng của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ là như nhau.

Bảng 3. Kết quả hồi quy Logistic 

Nhân tố

Ký hiệu

Hệ số

ước lượng

dy/dx

P>|z|

Hằng số

 

-41,849

 

0,078

Giới tính

X1

-8,597

-0,007

0,105

Trình độ học vấn

X2

1,774

0,001

0,093

Kinh nghiệm

X3

1,569

0,001

0,083

Thu nhập

X4

0,994

0,042

0,088

Giá trị tài sản đảm bảo

X5

55,133

0,001

0,048

Lịch sử vay vốn

X6

-15,244

-0,963

0,084

Số quan sát

 

 

177

Prob > χ2

 

 

0,000

Pseudo R2

 

 

0,952

Log likelihood

 

 

-5,814

Xác suất dự báo đúng

 

 

98,170

Nguồn: Kết quả khảo sát 177 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, 2020

             

5. Gợi ý chính sách

Để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, thời gian tới cần có các giải pháp như sau:

-  Đảm bảo thanh toán nợ tín dụng đúng hạn

Hiện nay, thông tin tín dụng của mọi khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đều được lưu trữ trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Theo kết quả nghiên cứu, nếu hộ kinh doanh từng có nợ quá hạn thì sẽ làm giảm khả năng vay vốn tại ngân hàng, vì vậy muốn nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, các hộ kinh doanh cần phải trả nợ đúng hạn. Về phía các TCTD cũng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện trả nợ đúng cam kết.

- Cải thiện hoạt động kinh doanh nâng cao thu nhập

Thời gian qua, do tình hình diễn biến thất thường của dịch bệnh COVID-19, hoạt động kinh doanh của phần lớn các thành phần trong nền kinh tế, trong đó có hộ kinh doanh cá thể đều gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ chi phí cho nguồn đầu vào tăng, mà còn khan hiếm một số mặt hàng, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân lại giảm đi. Do đó, để ổn định thu nhập cho hộ kinh doanh cá thể là một bài toán khó trong tình hình hiện tại. Mặt khác, theo kết quả nghiên cứu thể hiện thì thu nhập là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn. Chính vì thế, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ cần cải thiện hoạt động kinh doanh, tăng thu nhập nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng chính thức.

- Mở rộng các chính sách về tài sản đảm bảo

Đối với hộ kinh doanh cá thể, thường có hoạt động kinh doanh với quy mô rất nhỏ và rất khó kiểm soát vì không có sổ sách quyết toán. Cho nên, các tổ chức tín dụng thường phải chịu nhiều chi phí trong khâu thẩm định để giảm bớt rủi ro đối với những khoản cho vay này. Điều này làm cho các tổ chức tín dụng thường yêu cầu khắt khe về tài sản đảm bảo đối với những hộ kinh doanh cá thể khi tiếp cận tín dụng. Theo đó, bên cạnh các hình thức vay thế chấp với tài sản đảm bảo là bất động sản, động sản, thì các tổ chức tín dụng có thể áp dụng hình thức cho vay tín chấp đối với những hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện an toàn đối với khoản vay; cần chú trọng đến việc đánh giá kế hoạch kinh doanh, tình hình tài chính, uy tín khách hàng, khả năng kinh doanh,… Đây cũng là một cách thức góp phần làm giảm khả năng xảy ra rủi ro tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Đối với hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, phải luôn tạo uy tín với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là phải luôn trung thực trong việc khai báo hồ sơ vay vốn, đáp ứng các yêu cầu từ phía tổ chức tín dụng để việc xét duyệt hồ sơ được diễn ra nhanh chóng.

-  Nới lỏng điều kiện vay về số năm hoạt động

Phần lớn các tổ chức tín dụng luôn có quan niệm khi khách hàng có nhiều năm hoạt động kinh doanh thì sẽ có nhiều kinh nghiệm để ứng biến với những khó khăn, do đó các tổ chức tín dụng sẽ có cái nhìn thiện cảm và ưu tiên cho những khách hàng này khi xét duyệt hồ sơ vay vốn. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, kinh nghiệm kinh doanh là một yếu tố tác động thuận chiều đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, trong thực tế, có không ít những hộ kinh doanh dù chưa có nhiều năm hoạt động kinh doanh, nhưng kết quả kinh doanh vẫn đạt hiệu quả tốt. Ngược lại, những hộ kinh doanh có nhiều kinh nghiệm hoạt động kinh doanh, nhưng kết quả hoạt động lại không hiệu quả, dẫn đến không có khả năng hoàn trả nợ cho tổ chức tín dụng. Mặt khác, đối với những hộ kinh doanh còn hạn chế kinh nghiệm thường là những hộ kinh doanh còn trẻ, mới bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, họ là những người có nhiệt huyết và những ý tưởng kinh doanh mới mẻ, đúng với xu thế. Do đó, nếu xét về nguồn vốn có thể hộ kinh doanh còn hạn chế kinh nghiệm có thể thất bại, nhưng về ý tưởng và chiến lược kinh doanh của những hộ này còn có thể vượt trội hơn so với những hộ kinh doanh có kinh nghiệm. Chính vì thế, các tổ chức tín dụng cần có những chính sách về việc thời gian hoạt động của hộ kinh doanh khi xem xét hồ sơ vay vốn.

- Tham gia các tổ chức/hội nhóm về lĩnh vực kinh doanh

Trình độ học vấn sẽ giúp cho hộ kinh doanh có nhiều kiến thức có thể áp dụng vào hoạt động kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Kết quả hồi quy cho thấy, trình độ học vấn là một yếu tố tác động thuận chiều đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Hơn thế, khi xem xét hồ sơ vay vốn, trình độ học vấn của chủ hộ kinh doanh cá thể cũng được các tổ chức tín dụng quan tâm. Tuy nhiên, trình độ học vấn của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ không ở mức cao. Hơn thế, để nâng cao trình độ học vấn cho chủ hộ kinh doanh cá thể là một việc không khả thi vì phần lớn hộ kinh doanh hoạt động với quy mô nhỏ, hộ tập trung thời gian vào hoạt động kinh doanh, nên rất khó khăn cho việc nâng cao trình độ học vấn. Chính vì thế, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ cần tham gia các tổ chức hoặc hội nhóm về lĩnh vực hoạt động kinh doanh để tự nâng cao năng lực kinh doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

  1. Sử Ngọc Anh (2012), Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của tiểu thương tại Chợ, Trung tâm thương mại trên địa bàn quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  2. Đinh Phi Hổ (2008), Kinh tế học nông nghiệp bền vững. NXB Phương Đông.
  3. Vũ Thị Hường Ngát (2015), Khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Luận văn thạc sĩ. Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Lê Văn Tề (2009), Tín dụng ngân hàng. Nhà xuất bản Lao động.

Tiếng Anh

  1. Diagne, A (1999), Determinants of househol access to and participation in formal and informal credit markets on Malawi. FCND Discussion Paper, No. 67.
  2. Hongjiang Zhao, Wenxu Wu, Xuehua Chen (2006), What Factors Affect Small and Medium-sized Enterprise’s Ability to Borrow from Bank: Evidence from Chengdu City, Capital of South-Western China’s Sichuan Province. Working Papers of the Business Institute Berlin at the Berlin School of Economics, No. 23.

Factors affecting the access to formal credit of individual business households in Cai Rang District, Can Tho City

Le Duy Truong

Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam, Branch of

Can Tho City

Ph.D Ngo Van Thien

Kien Giang University

Master. Nguyen Thi Quynh Nhu

Kien Giang University

Master. Nguyen Quoc Vuong

Kien Giang University

ABSTRACT:

The study aims to find out the factors affecting the access to formal credit of individual business households in Cai Rang District, Can Tho City, thereby proposing solutions to help them access more easily to formal credit sources. By using the logistic regression analysis and surveying 177 individual business households, this paper finds out five factors affecting the access of individual business households to formal credit sources. These five factors are education level, work experience, income, collateral and loan history. In order to help individual business households access more easily to formal credit sources, it is important to have solutions which ensure timely debt payments, improve business performance, accept more types of collateral, lossen loan conditions and enhance business group activities.

Keywords: Formal credit, individual business households, Cai Rang District, Can Tho City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]