Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà của người dân thành phố Hồ Chí Minh

TS. Phạm Ngọc Dưỡng (Trường Đại học Tài chính – Marketing), Hồ Quang Ái Nhân (Học viên cao học, Trường Đại học Tài chính – Marketing)

Tóm tắt:

Nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà của người dân tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu bằng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp định tính và định lượng, với số liệu khảo sát từ 309 người dân tại quận Gò Vấp đã đầu tư và đang sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà. Kết quả cho thấy có 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà của người dân tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, gồm: (1) Chính sách khuyến khích, hỗ trợ, (2) Chi phí đầu tư hợp lý, (3) Kiến thức về sản phẩm và trải nghiệm, (4) Nhận thức lợi ích và (5) Thái độ đối với môi trường. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị cho các công ty kinh doanh hệ thống phát điện mặt trời áp mái tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng số lượng người dân lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Thành phố.

Từ khóa: ý định, quyết định, điện mặt trời mái nhà, hành động hợp lý, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Lắp đặt hệ thống (ĐMT) áp mái không chỉ giúp gia đình có điện để sử dụng, có thêm thu nhập từ việc bán sản lượng dư thừa cho các công ty cung cấp điện khu vực, mà còn giúp cho Nhà nước giảm tải hệ thống truyền tải điện quốc gia. Chính từ những lợi ích này mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam và Chương trình hành động số 37-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng đặt mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện Thành phố phấn đấu đạt tối thiểu 15% trong giai đoạn 2025 - 2030, tuy nhiên việc lắp đặt và sử dụng ĐMT áp mái tại TP.HCM còn nhiều hạn chế. Khảo sát tại quận Gò Vấp có diện tích 19,73 km2, 192.106 hộ dân với 689.689 nhân khẩu, là một trong những quận có số dân nhiều nhất tại TP.HCM cũng có đến 1.022 hộ dân (0,15%) lắp đặt công trình hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tỷ lệ này rất thấp.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Theo Khoản 1 Điều 3 Quyết đnh số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: “Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của Bên mua điện”. Trên cơ sở lý thuyết về hành động hợp lý (TRA), Lý thuyết về hành vi có kế hoạch (TPB), Thuyết nhận thức rủi ro TPR, Lý thuyết về khuyếch tán sự đổi mới (DIT), mô hình chấp nhận (TAM), Kotler và cộng sự (2008), quy trình ra quyết định với 5 bước gồm nhận dạng vấn đề, thông tin tìm kiếm, đánh giá các lựa chọn thay thế, quyết định mua hàng và hành vi sau khi mua hàng. Một số nghiên cứu ở nước ngoài và trong nước đã được thực hiện như Kessy Stellah Stephahn (2018) về các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời ở Tanzania; Chandan Parsad et al. (2020) nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng năng lượng mặt trời hộ gia đình ở Kerala, Ấn Độ; Duy và Kiên (2014) nghiên cứu yếu tố tác động tới sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam; Duy và cộng sự (2017) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận sử dụng điện mặt trời trong nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển tỉnh Nam Định - Việt Nam, Liêm và Nhàn (2020) về các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng mô hình năng lượng mặt trời trên mái nhà của hộ gia đình tại tỉnh Cà Mau. Nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 5 biến độc lập, là: (1) Chính sách khuyến khích, hỗ trợ, (2) Chi phí đầu tư hợp lý, (3) Kiến thức về sản phẩm và trải nghiệm, (4) Nhận thức lợi ích và (5) Thái độ đối với môi trường ảnh hưởng đến biến phụ thuộc là Quyết định sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà. (Hình 1)

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Phạm Ngọc DưỡngNguồn: Nhóm tác giả tổng hợp và đề xuất

3. Phương pháp nghiên cứu

Sau khi nghiên cứu định tính bảng câu hỏi chính thức được gửi 309 khách hàng tại quận Gò Vấp, số liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS 26.0 để phân tích qua các bước kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích tương quan hồi quy, kiểm định T-Test và Anova.

4. Kết quả và thảo luận

Kết quả độ tin cậy Cronbach’s Alpha của các biến độc lập và biến phụ thuộc của các thang đo đều lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát thuộc các thang đo này đều trên 0,3 cho thấy tất cả các thang đo đều đạt độ tin cậy. Phân tích nhân tố (EFA) cho các biến độc lập, kết quả cho thấy hệ số KMO= 0,810 và thống kê chi-bình phương của kiểm định Bartlett đạt giá trị là 3691,381 ở mức giá trị sig. = 0,000. Cả 23 biến thành phần được rút trích thành 5 nhân tố tại giá trị Eigenvalue = 1,745 lớn hơn 1 với phương sai trích = 67,275%. Phân tích EFA với biến phụ thuộc cũng cho kết quả KMO = 0,664 và kiểm định Bartlett cho giá trị sig. = 0,000 < 0,05 cho thấy bộ dữ liệu là phù hợp.

Kết quả ma trận tương quan cho thấy hệ số tương quan giữa các yếu tố phụ thuộc và yếu tố độc lập đều có giá trị sig. < 0,05 cho thấy các biến độc lập có tương quan với biến phụ thuộc trong mô hình. Kết quả hồi quy tuyến tính được thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1. Kết quả hồi quy tuyến tính

Phạm Ngọc DưỡngNguồn: Kết quả phần mềm SPSS 26.0

Bảng kết quả cho thấy: Giá trị sig. của tất cả các biến độc lập đều nhỏ hơn 0,05. Tất cả các biến đều dương. Kết quả hồi quy như sau:

QD = 0,655 + 0,225*CP + 0,167*LI + 0,158*KT + 0,141*MT + 0,075*CS 

Kiểm định R2 = 0,537 và R2 được điều chỉnh là 0,530 cho thấy sự biến thiên của biến quyết định (QD) được giải thích bởi 5 biến độc lập của mô hình. Kiểm tra Durbin-Watson = 2,019 nằm trong khảng 1 đến 3 nên ta có thể kết luận không có hiện tượng đa cộng tuyến, không có hiện tượng tự tương quan giữa các phần dư.

Như vậy, có thể kết luận rằng, khi “Chi phí đầu tư hợp lý” tăng (hoặc giảm) 1 điểm trong thang đo Likert 5 điểm thì quyết định sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà của người dân cũng sẽ tăng (hoặc giảm) 0,225 điểm. Khi “Nhận thức lợi ích” tăng (hoặc giảm) 1 điểm, quyết định sử dụng điện mặt trời mái nhà cũng sẽ tăng (hoặc giảm) 0,167 điểm. Khi “Kiến thức về sản phẩm và trải nghiệm” tăng (hoặc giảm) 1 điểm, quyết định sử dụng điện mặt trời mái nhà cũng sẽ tăng (hoặc giảm) 0,158. Khi  “Thái độ đối với môi trường” tăng (hoặc giảm) 1 điểm, quyết định sử dụng điện mặt trời mái nhà cũng sẽ tăng (hoặc giảm) 0,141 điểm. Khi “Chính sách khuyến khích, hỗ trợ” tăng (hoặc giảm) 1 điểm, quyết định sử dụng điện mặt trời mái nhà của người dân cũng sẽ tăng (hoặc giảm) 0,075 điểm.

5. Một số hàm ý quản trị

Hệ số hồi quy chuẩn hóa cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà của người dân TP.HCM theo chiều từ mạnh nhất đến yếu, gồm: (1) Chi phí đầu tư hợp lý, (2) Nhận thức lợi ích, (3) Kiến thức về sản phẩm và trải nghiệm (4) Thái độ đối với môi trường, (5) Chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý quản trị sau:

Đối với yếu tố Chi phí đầu tư hợp lý:

Đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định sử dụng hệ thống ĐMT mái nhà với hệ số hồi qui β = 0,445. Kết quả khảo sát cho thấy giá trị trung bình của các biến quan sát trong thang đo cao nhất là = 3,14 thể hiện người dân cho rằng chi phí lặp đặt hệ thống ĐMT còn cao. Như vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời cần xây dựng giá bán hệ thống ĐMT cho người dân một cách hợp lý; xây dựng nhiều chính sách giá, đa dạng hóa các hình thức thanh toán trả ngay, trả chậm, hoặc thuê mua để qua đó nhiều hộ gia đình có thể lắp đặt được hệ thống ĐMT do công ty cung cấp. 

Đối với yếu tố Nhận thức về lợi ích:

Đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh thứ hai đến quyết định sử dụng điện mặt trời mái nhà với hệ số hồi qui β = 0,331. Kết quả khảo sát cho thấy giá trị trung bình của các biến quan sát dao động từ 2,61 đến 3,07. Điều này cho thấy nhận thức về lợi ích đối với việc sử dụng điện mặt trời mái nhà được người dân ở mức trung bình thấp.

Như vậy, các Công ty Điện lực khu vực, các công ty cung cấp thiết bị ĐMT cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền, quảng cáo rộng rãi về lợi ích của điện mặt trời để người dân được biết. Cần phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, công ty điện lực, công ty cung cấp thiết bị ĐMT để truyền thông điệp, nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu được những lợi ích thiết thực của điện mặt trời mái nhà.

Ngành Điện cần tăng cường tổ chức các buổi hhội thảo về giải pháp phát triển điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM, giao lưu trực tuyến về điện mặt trời và năng lượng tái tạo trên các báo, đài,… để giới thiệu về những lợi ích mang lại khi sử dụng điện mặt trời về mặt kinh tế và xã hội.

Đối với yếu tố Kiến thức về sản phẩm và sự trải nghiệm:

Đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh thứ ba đến quyết định sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà với hệ số hồi qui β = 0,313. Kết quả khảo sát cho thấy kiến thức của người dân vẫn còn ở mức trung bình, điểm trung bình của các biến quan sát dao động từ 2,9 đến 3,74.

Vì vậy, các địa phương, ngành Điện và các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách sử dụng điện mặt trời mái nhà đến người dân nhằm nâng cao hiểu biết của người dân trong việc sử dụng điện mặt trời mái nhà. Xây dựng nội dung tuyên truyền, quảng cáo dễ hiểu, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng song song với hình thức truyền thông như báo, đài, tivi, mạng xã hội,... đặc biệt là chú trọng tuyên truyền tại các trường học. Các nhà sản xuất và các nhà cung cấp hệ thống điện mặt trời cần nghiên cứu đưa ra các sản phẩm đơn giản và dễ sử dụng. Cần có lực lượng nhân viên có chuyên môn, kinh nghiệm để hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng và chăm sóc khách hàng sau khi khách hàng lắp đặt sử dụng.

Đối với yếu tố Thái độ đối với môi trường:

Đây là yếu tố ảnh hưởng thứ tư đến quyết định sử dụng điện mặt trời mái nhà với hệ số hồi qui β = 0,306. Kết quả khảo sát cho thấy giá trị trung bình của các biến quan sát trong thang đo thấp nhất là 2,28 và cao nhất là = 3,47. Rõ ràng người dân đã có kiến thức về môi trường và đã nhận thấy được điện năng từ điện lưới quốc gia được sản xuất từ các nguồn năng lượng hóa thạch, như: nhiệt điện than, dầu, khí thiên nhiên,… gây ô nghiễm môi trường một cách đáng kể, tuy nhiên thái độ về bảo vệ môi trường của người dân còn chưa được cao. Như vậy, chính quyền địa phương, các ngành Văn hóa, Giáo dục, Truyền thông phải chung tay để xây dựng các chương trình tuyên truyền giáo dục ngay từ trong nhà trường và cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức đối với môi trường. Các nhà cung cấp sản phẩm điện mặt trời ngoài việc quảng bá sản phẩm, lợi ích về tài chính cần phải quan tâm tuyên truyền lợi ích về việc góp phần bảo vệ môi trường khi sử dụng sản phẩm điện mặt trời mái nhà cũng như các sản phẩm xanh khác.

Đối với yếu tố Chính sách khuyến khích, hỗ trợ:

Đây là yếu tố ảnh hưởng yếu nhất đến quyết định sử dụng điện mặt trời mái nhà với hệ số hồi qui β = 0,127. Kết quả khảo sát cho thấy giá trị trung bình của các biến quan sát trong thang đo giao động từ 2.85 đến 3.38. Điều này cho thấy chính sách của Chính phủ được người dân rất quan tâm, trong đó biến quan sát “Khi hệ thống điện mặt trời mái nhà của tôi sản xuất ra dư điện không dùng hết thì tôi sẽ bán lại phần điện dư này cho ngành Điện dễ dàng” có giá trị trung bình thấp nhất với Mean = 2,85, cho thấy người dân chưa nắm rõ được chính sách khuyến khích sản xuất và bán điện từ ĐMT của Chính phủ. Chính việc chưa nắm rõ được chính sách này là lý do trở ngại lớn đối với những người dân đang có ý định cũng như quyết định đầu tư, sử dụng nguồn năng lượng này, do Quyết định số 13/2020/QĐ-CP ban hành ngày 06/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển đã hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020. Do vậy, Chính phủ cần xem xét sớm ban hành cơ chế mới, chính sách giá mua áp dụng mới đặc biệt đối với đối tượng điện năng lượng mặt trời mái nhà phục vụ cho nhu cầu sử dụng điện tại chỗ, tận dụng khai thác mái nhà sẵn có của người dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt:

  1. Lê Trần Thanh Liêm và Phạm Ngọc Nhàn (2020). Các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng mô hình năng lượng mặt trời trên mái nhà của hộ gia đình tại tỉnh Cà Mau. Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 56(2C), 161-167. Doi: 10 22144/ctu.jnv.2020.043.
  2. Nguyễn Văn Duy & Đào Trung Kiên (2014). Nghiên cứu yếu tố tác động tới sử dụng năng lượng tái tạo. Truy cập tại: https://nangluongvietnam.vn/nghien-cuu-yeu-to-tac-dong-toi-su-dung-nang-luong-tai-tao-10592.html
  3. Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Tiến Hưng, Đỗ Kim Dư & Nguyễn Thị Duyên (2017). Các yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận sử dụng điện mặt trời trong nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển tỉnh Nam Định Việt Nam. Tạp chí Kinh tế & Quản trị kinh doanh, 01(03), 45-50.
  4. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (2020). Nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy điện mặt trời mái nhà. Truy cập tại: https://www.evn.com.vn/d6/news/EVN-Nhieu-hoat-dong-thiet-thuc-thuc-day-dien-mat-troi-mai-nha-141-17-26656.aspx.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Tài liệu tiếng Anh:

  1. Ajzen, I. (1991). The Theory of Planned Behavior. Organizational Behavior an Human Decision Processes, 50, 179-211.
  2. Ajzen, I., & Fishbein, M. (1975). Belief, Attitude, Intention and Behavior: An Introduction to theory and research. Addition-Wesley, Reading, MA, 82(2), 261-277.
  3. Chandan parsad, Shashank Mittal, raveesh Krisnankutty (2020). A study on the factors affecting household solar adoption in Kerala, India. International Journal of productiand Performance, 69(8), 1695-1720.
  4. Davis, F. D. (1989). Perceived Usefulness, Perceived Ease of Use and User Acceptance. MIS Quarterly, 13(3), 319-339.
  5. Kessy Stellah Stephahn (2018). Factors Influencing Adoption of Solar Technology in Tanzania: A Case sudy of Arumeru District. International Journal of Research (IJSR), 8(1), 1542-1546.
  6. Phạm Thanh Phuong & Nguyen Quoc Nghi (2020). Factors effecting Customers’ Decision on Intalling Rooftop Solar power in Binh Thanh Province, Viet Nam. International Journal of Research and Review, 7(5), 137-141.
  7. Roger, E.M (2013). Diffusion of innovations, 5th ed, New York: the Free Press.
  8. Vikas kumar, Bikramit Singhhundal, Kulwinder Kaur (2019). Factors effecting consurmer buying behaviour of solar water pumping system. Smart and Sustainable Buit Environment, 8(4), 351-364.

FACTORS AFFECTING THE DECISION OF PEOPLE IN HO CHI MINH CITY TO USE ROOFTOP SOLAR POWER SYSTEMS

Ph.D Pham Ngoc Duong 1

Master’s student Ho Quang Ai Nhan 1

1 University of Finance and Marketing

Abstract:

This study determined the factors affecting the decision of people in Go Vap District, Ho Chi Minh City to use rooftop solar power systems. Both qualitative and quantitative research methods were used in this study and the study’s survey data were collected from 309 people living in Go Vap District who have used or are interested in using rooftop solar power. The study’s results point out that there are 5 factors affecting people’s decisions to use rooftop solar power, namely (1) Policies to encourage and support the use of rooftop solar power, ( 2) Reasonable investment costs, (3) Knowledge and experience about rooftop solar power, (4) Perception of benefits and (5) Attitude towards the environment. Based on these results, this study proposes some managerial implications for rooftop solar power system trading companies in Ho Chi Minh City to encourage more people install and use rooftop solar power system in the city.

Keywords: intention, decision, rooftop solar power, reasonable action, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]