Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh

TỐNG THANH NHỰT (Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh) - TS. LÊ THANH TIỆP (Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính với hình thức thảo luận nhóm và phương pháp định lượng bằng việc khảo sát 298 phụ huynh có con học năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi để đưa vào phần mềm SPSS phân tích và đánh giá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6, bao gồm: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, dịch vụ hỗ trợ, hiệu quả đào tạo, sự tin cậy.

Từ khóa: đào tạo năng khiếu, sự hài lòng của phụ huynh, Nhà Thiếu nhi quận 6.

1. Đặt vấn đề

Con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, vấn đề giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có việc đào tạo năng khiếu trở thành tài năng cho nguồn nhân lực trẻ là vấn đề quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu mới của hội nhập quốc tế, mà còn là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, đời sống người dân cũng ngày càng được nâng cao, nhiều phụ huynh mong muốn cho con có được sự phát triển tốt nhất nên có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển năng khiếu của con. Bởi việc phát triển năng khiếu không chỉ tạo điều kiện cho năng lực và tài năng phát sinh, mà còn giúp cho trẻ tự tin hơn, năng động hơn và có kỹ năng sống cũng tốt hơn, góp phần phát triển trẻ em ngày càng toàn diện.

Nhà Thiếu nhi là một đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng và nhiệm vụ chính là phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển năng khiếu cho thiếu nhi. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, loại hình đào tạo này dần trở thành dịch vụ đào tạo năng khiếu. Hiện nay, việc đào tạo và phát triển năng khiếu ở một số đơn vị còn nhiều hạn chế, chỉ tập trung đào tạo một số loại hình năng khiếu đặc thù, chưa đa dạng loại hình đào tạo. Cùng với đó, đa số địa phương chỉ triển khai hội thi năng khiếu trên một số lĩnh vực nhất định, nên số lượng trẻ được phát hiện có năng khiếu còn ít. Hoặc tình trạng khi phát hiện trẻ đã có năng khiếu, nhưng không có sự quan tâm và đầu tư để giúp trẻ phát triển năng khiếu thành tài năng. Điều này đặt ra vấn đề cần phải làm sao nâng cao hoạt động đào tạo năng khiếu của trẻ ở địa phương.

Hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại các sở, ngành và ủy ban nhân dân các cấp (Phước Minh Hiệp, 2019). Kết quả đánh giá mức độ hài lòng là thước đo hiệu quả công việc và là căn cứ quan trọng để các đơn vị đề ra các giải pháp góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ công. Ngoài ra, công trình nghiên cứu của Vasiliki và cộng sự (2015), Muhammad và cộng sự (2018) cũng đã nêu ra vấn đề cạnh tranh trong ngành Giáo dục đại học đang ngày càng trở nên gay gắt hơn, nên các trường đại học đã tập trung thực hiện việc khảo sát sự hài lòng của sinh viên đối với các dịch vụ đào tạo của Nhà trường, nhằm mục đích nâng cao sự hài lòng của sinh viên. Nhà Thiếu nhi cũng là một đơn vị cung ứng dịch vụ đào tạo năng khiếu, việc khảo sát sự hài lòng của phụ huynh sẽ giúp cho đơn vị thấy được những mặt được và chưa được trong hoạt động đào tạo năng khiếu để có những điều chỉnh phù hợp.

Nghiên cứu nhằm mục đích xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6, từ đó đưa ra các hàm ý quản trị có ý nghĩa mang tính định hướng để nâng cao sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6.

2. Cơ sở lý thuyết

Năng khiếu là những tiền đề bẩm sinh, khuynh hướng đầu tiên sẽ tạo điều kiện cho năng lực và tài năng bộc lộ (Nguyễn Ngọc Bích, 1998). Đặc biệt, năng khiếu của trẻ được hình thành ngay từ khi vừa sinh ra đời và sẽ giảm dần trong quá trình trưởng thành, nên vai trò của phụ huynh vô cùng quan trọng trong việc quan tâm và định hướng phát triển năng khiếu cho trẻ.

Nghiên cứu đã vận dụng thuyết bậc thang nhu cầu của Maslow (1943) để làm sáng tỏ nhu cầu của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6. Đúc kết từ mô hình nhận thức của khách hàng về chất lượng dịch vụ và sự thỏa mãn của Zeithmal và Bitner (2000) để chứng minh mối quan hệ đồng biến giữa chất lượng dịch vụ với sự hài lòng, kết hợp mô hình lý thuyết về chỉ số hài lòng khách hàng ở Việt Nam của Lê Văn Huy và Nguyễn Thị Hà My (2007). Đồng thời, qua lược khảo một số công trình nghiên cứu có liên quan, tác giả nhận thấy các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu rất đa dạng. Từ đó, tác giả đã đề xuất được mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6 như sau: (Hình 1)

Dựa trên phân tích các lý thuyết, các công trình nghiên cứu ngoài nước và trong nước có liên quan, một số giả thuyết (H) được đặt ra cho mô hình nghiên cứu như sau:

H1: Đội ngũ giáo viên có tác động thuận chiều đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6.

H2: Cơ sở vật chất có tác động thuận chiều đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6.

H3: Khả năng phục vụ có tác động thuận chiều đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6.

H4: Sự tin cậy có tác động thuận chiều đến đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6.

H5: Hiệu quả đào tạo có tác động thuận chiều đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6.

H6: Dịch vụ hỗ trợ có tác động thuận chiều đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để đảm bảo tính khoa học, đề tài nghiên cứu được thực hiện qua 2 bước:

- Nghiên cứu định tính được thực hiện dựa trên cơ sở lược khảo các nghiên cứu khoa học có liên quan, đánh giá để đưa ra các giả thuyết nghiên cứu phù hợp với sự ủng hộ của lý thuyết nền tảng. Đồng thời, loại trừ yếu tố không cần thiết và bổ sung các yếu tố mới có ảnh hưởng đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6 để đề xuất mô hình nghiên cứu. Sau đó, tiến hành thảo luận nhóm với những người có chuyên môn, liên quan trực tiếp đến hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6 để tìm ra ý kiến chung nhất về các yếu tố ảnh hưởng, qua đó bổ sung và điều chỉnh thang đo.

- Nghiên cứu định lượng được thực hiện với mục đích kiểm định mô hình lý thuyết  và các giả thuyết được giả định trong nghiên cứu định tính. Đối tượng khảo sát là những phụ huynh có con đang học năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi. Để mức tin cậy cao, nghiên cứu tiến hành khảo sát với 300 phiếu phát ra theo phương pháp chọn mẫu là phi xác suất thuận tiện kết hợp hình thức phân bổ số phiếu khảo sát theo số lớp năng khiếu, nhằm làm giảm các hạn chế trong kết quả khảo sát và kết quả thu về là 298 phiếu hợp lệ. Bảng câu hỏi đã sử dụng thang đo Likert với 5 mức độ, nhằm thu thập dữ liệu đưa vào phần mềm SPSS phân tích và đánh giá.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Kết quả kiểm định độ tin cậy của các thang đo

Một thang đo tốt là tập hợp các câu hỏi phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh của vấn đề cần đo lường và không trùng lặp nhau về nội dung. Thông qua kiểm định hệ số Cronbach’s Alpha, có thể loại bỏ những thang đo không đạt yêu cầu. Tiêu chuẩn để chọn thang đo khi có hệ số Cronbach’s Alpha >= 0.7 (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008) và hệ số tương quan giữa các thang đo phải >= 0.3. Kết quả như sau:

Bảng 1. Kiểm tra độ tin cậy của các thang đo

TT

Thang đo

Biến đặc trưng

Cronbach’s Alpha

1

DNGV

DNGV1, DNGV2, DNGV3, DNGV4, DNGV5

0.844

2

CSVC

CSVC1, CSVC2, CSVC3, CSVC4, CSVC5

0.906

3

KNPV

KNPV1, KNPV2, KNPV3, KNPV4, KNPV5

0.838

4

STC

STC1, STC2, STC3, STC4, STC5

0.792

5

HQDT

HQDT1, HQDT2,HQDT3,HQDT5

0.845

6

DVHT

DVHT2, DVHT3, DVHT4, DVHT5

0.784

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của tác giả, 2022

Kết quả phân tích có hệ số Cronbach’s Alpha của các thang đo đều > 0.7 nên đạt độ tin cậy, cụ thể như sau: DNGV = 0.844, CSVC = 0.906, KNPV = 0.838, STC = 0.792, HQDT = 0.845, DVHT = 0.784 và cho ra 28 biến quan sát đạt độ tin cậy khi có hệ số tương quan giữa các thang đo > 0.3. Sau khi kiểm định độ tin cậy, kết quả này được tiếp tục sử dụng để thực hiện phân tích tiếp theo.

4.2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá

Kết quả phân tích có hệ số KMO = 0.846 > 0.5 và vượt qua kiểm định Bartlette ở mức ý nghĩa 0.0000 (100% tin cậy), cho thấy số liệu thể hiện sự phù hợp cao. Tiếp theo, có 6 yếu tố với hệ số Eigenvalues sau khi xoay đều > 1 (2.537 - 3.759), giống với giả thuyết ban đầu là mô hình có 6 biến độc lập và phương sai của 6 yếu tố này cùng nhau giải thích được 66,9% mô hình phân tích nhân tố, nên đạt yêu cầu. Ngoài ra, thang đo của các biến đều hội tụ về nhóm của nó và có giá trị hội tụ > 0.5. Như vậy, mô hình nghiên cứu ban đầu sau khi phân tích vẫn giữ được 6 biến độc lập là CSVC, DNGV, KNPV, HQDT, STC, DVHT, nhưng còn 27 biến quan sát do có 1 biến không hội tụ về nhóm nên đã loại. Tuy nhiên, để xem xét mối quan hệ thực sự của các biến quan sát này với biến phụ thuộc, cần tiếp tục tiến hành phân tích hồi quy.

4.3. Kết quả phân tích tương quan và hồi quy tuyến tính (Bảng 2, Bảng 3)

Bảng 2. Thông số mô hình

Model

R

R Square

Adjusted R Square

Std. Error of the Estimate

1

.869a

.754

.750

.30714

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của tác giả, 2022

Kết quả phân tích có giá trị hệ số tương quan R = 0.869 > 0.5, vì vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, giá trị hệ số R Square = 0.754 nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 75,4%. Nói cách khác, 75,4% sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6 được giải thích bởi các biến số của mô hình hồi quy. Các phần còn lại là do sai số và các yếu tố khác.

Bảng 3. Sự tác động của các biến trong mô hình

Model

Unstandardized Coefficients

Standardized Coefficients

t

Sig.

B

Std. Error

Beta

1

(Constant)

-.694

.153

 

-4.542

.000

CSVC

.279

.023

.396

11.930

.000

DNGV

.437

.036

.432

12.124

.000

HQDT

.109

.027

.125

4.034

.000

STC

.114

.033

.116

3.407

.001

DVHT

.190

.026

.221

7.297

.000

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của tác giả, 2022

Các biến CSVC, DNGV, HQDT, STC, DVHT đều có giá trị Sig < 0.05 cho nên đều có tương quan ý nghĩa đến sự hài lòng của phụ huynh với độ tin cậy 95% (t > 1,96). Nói cách khác, các biến độc lập này có tác động lên biến phụ thuộc (biến KNPV bị loại bỏ vì có giá trị Sig. = 0.166 > 0.05). Từ kết quả trên, mô hình hồi quy trình bày như sau: SHL = 0,396*CSVC + 0,432*DNGV + 0,125*HQDT + 0,116*STC + 0,221*DVHT

Như vậy, sự hài lòng của phụ huynh chịu tác động của các yếu tố là cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hiệu quả đào tạo, sự tin cậy, dịch vụ hỗ trợ. Các biến này đều tác động thuận chiều đối với sự hài lòng của phụ huynh vì có hệ số Beta dương. Nghĩa là khi tăng thêm 1 điểm đánh giá về cơ sở vật chất sẽ làm cho sự hài lòng của phụ huynh tăng thêm 0,396 điểm và ngược lại.

4.4. Thảo luận

Nghiên cứu đề ra được mô hình mới với các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6. Nghiên cứu cũng chỉ rõ các yếu tố ảnh hưởng đều tác động thuận chiều đối với sự hài lòng của phụ huynh. Nếu 1 trong 5 yếu tố trên tăng, các yếu tố còn lại cố định hoặc cùng tăng thì sự hài lòng của phụ huynh cũng tăng lên và ngược lại. Ngoài ra, khi tiến hành so sánh kết quả nghiên cứu với một vài nghiên cứu có liên quan, nhận thấy có sự tương đối giống với các yếu tố trong nghiên cứu của Trần Hữu Ái (2016) và Phạm Thế Châu (2018). Tuy nhiên, do khác biệt về đối tượng nghiên cứu, loại hình đào tạo và môi trường cụ thể nên các yếu tố này có mức độ ảnh hưởng cũng là khác nhau. Đề tài nghiên cứu đóng góp tích cực cho lãnh đạo Nhà Thiếu nhi quận 6 và là căn cứ quan trọng để các Nhà Thiếu nhi khác trong cả nước nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp giúp nâng cao sự hài lòng của phụ huynh trong hoạt động đào tạo năng khiếu tại đơn vị.

Mặc dù, nghiên cứu đã chọn mẫu lớn để làm giảm các hạn chế, nhưng nếu so với quy mô lớp học và số lượng học viên thì cỡ mẫu của nghiên cứu còn ít nên chưa có tính khái quát cao. Ngoài ra, kết quả giải thích được 75,4% sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6, như vậy còn có thể có các yếu tố khác ngoài 5 yếu tố đã nghiên cứu có ảnh hưởng đến sự hài lòng của phụ huynh. Do vậy, những hạn chế nêu trên sẽ gợi mở cho các hướng nghiên cứu tiếp theo.

5. Kết luận

Nghiên cứu đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của phụ huynh về hoạt động đào tạo năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi quận 6, gồm: đội ngũ giáo viên (β=0,432), cơ sở vật chất (β=0,396), dịch vụ hỗ trợ (β=0,221), hiệu quả đào tạo (β=0,125), sự tin cậy (β=0,116). Các yếu tố đều được kiểm định để kiểm tra độ tin cậy và đều được chấp thuận. Từ kết quả này, đề xuất một số hàm ý quản trị để nâng cao sự hài lòng của phụ huynh trong thời gian tới như sau:

- Đối với đội ngũ giáo viên: Định kỳ kiểm tra kế hoạch và chất lượng giảng dạy. Hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức mới. Khen thưởng giáo viên tích cực trong lao động, học tập và sáng tạo trong công việc. Có chế độ thu hút giáo viên giỏi, đặc biệt là những người trẻ, có tinh thần đổi mới, yêu trẻ và biết nắm bắt tâm lý của trẻ.

- Đối với cơ sở vật chất: Thường xuyên kiểm tra và kịp thời sửa chữa trang thiết bị xuống cấp. Cải thiện không gian xanh và gần gũi với thiếu nhi. Tổ chức sắp xếp khoa học khu học tập, sinh hoạt và thư giãn cho phụ huynh, học viên.

- Đối với dịch vụ hỗ trợ: Bổ sung đầu sách thư viện, đẩy mạnh các hoạt động thi đua kết hợp vui chơi giải trí và rèn luyện các kỹ năng cho thiếu nhi. Tăng cường thông tin tuyên truyền các hoạt động tại Nhà Thiếu nhi đến với phụ huynh và thiếu nhi.

- Đối với hiệu quả đào tạo: Chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để đánh giá chất lượng đào tạo của giáo viên, kết quả thực hành của học viên bằng các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể. Ngoài ra, cần tập trung đầu tư phát triển thành tích cao.

- Đối với sự tin cậy: Duy trì và tiếp tục xây dựng uy tín để phát triển bền vững. Thường xuyên kiểm tra và đôn đốc tiến độ giảng dạy của giáo viên. Thông tin rõ ràng đến phụ huynh và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, tránh gây hiểu nhầm làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín Nhà Thiếu nhi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014). Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Hà Nội.
  2. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.
  3. Lê Văn Huy và Nguyễn Thị Hà My (2007). Xây dựng mô hình lý thuyết và phương pháp đo lường về chỉ số hài lòng khách hàng ở Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, 12, 5-10.
  4. Maslow, A. H. (1943). A Theory of Human Motivation. Psychological Review, 50, 370-396.
  5. Muhammad, N., Kakakhel, S. J., Shah, F. A. (2018). Effect of Service Quality on Customers Satisfaction: An Application of HEdPERF Model. Review of Economics and Development Studies, 4, 165-177.
  6. Nguyễn Ngọc Bích (1998). Tâm lý học nhân cách, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  7. Phạm Thế Châu (2018). Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ đào tạo tại khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Phước Minh Hiệp (2019). Giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân về cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh , <https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/815724/giai-phap-nang-cao-su-hai-long-cua-nguoi-dan-ve-cai-cach-hanh-chinh-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.aspx>.
  9. 9. Trần Hữu Ái (2016). Kiểm định quan hệ giữa chất lượng đào tạo và sự cảm nhận hài lòng của sinh viên khoa Kinh tế, Trường Đại học Văn Hiến. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Văn Hiến, 4, 118-128.
  10. Vasiliki, G. V., Sotirios, G. D., George, J. K. (2015). Students’ Perceptions of Service Quality at a Greek Higher Education Institute. International Journal of Decision Sciences, Risk and Management, 6, 80-97.
  11. Zeithaml, V. A. and Bitner, M. J. (2000). Services Marketing: Integrating Customer Focus Across the Fir. Boston, USA: McGraw-Hill.

Factors affecting the satisfaction of parents about the gifted training activities of the  Children’s House of District 6, Ho Chi Minh City

TONG THANH NHUT

Ph.D LE THANH TIEP

University of Economics and Finance

Abstract:

This study determined the factors affecting on the satisfaction of parents about the gifted training activities at the Children's House of District 6, Ho Chi Minh City. In this study, the qualitative research method with the form of group discussion was used. In addition, the quantitative research method was employed by surveying of 298 parents whose have their children are taking part in gifted training activities at the Children's House of District 6. Collected data was analyzed by using the SPSS Satistics. This study found out that there are five factors affecting the satisfaction of parents about the gifted training activities at the Children's House of District 6, namely: teachers, facilities, support services, training effectiveness, and  trustworthiness.

Keywords: gifted training, parents' satisfaction, the Children's House of District 6.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 4 năm 2022]