TÓM TẮT:

“Các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” được tiến hành thực hiện dựa theo phân tích định lượng. Dựa vào việc phân tích các nguồn dữ liệu sơ cấp thu thập được thông qua khảo sát các cá nhân, cán bộ nhân viên hiện đang làm việc và công tác tại các doanh nghiệp trên khắp địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó nghiên cứu đề cập đến việc các yếu tố này tác động như thế nào lên chuyển đổi kỹ thuật số của các DN và đưa ra một số giải pháp.

Từ khóa: chuyển đổi kỹ thuật số, khung TOE, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Cạnh tranh kinh doanh trong thời đại số đang ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi doanh nghiệp liên tục đổi mới, cải tiến để thích ứng với sự thay đổi của khách hàng và nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp kết hợp với đổi mới tư duy để xác định chiến lược lâu dài và lợi thế cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Từ những yêu cầu cấp thiết đặt ra của thị trường, những biến chuyển nhanh chóng từ cuộc cách mạng công nghiệp số 4.0, các yếu tố khách quan như dịch bệnh và những định hướng lâu dài trong chiến lược chiếm lấy ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải tiến hành quá trình biến đổi, chuyển đổi từ việc quản lý, sản xuất một cách truyền thống, thủ công sang việc sử dụng các công cụ mang hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn, mà được gọi là quá trình “Chuyển đổi kỹ thuật số”. Chuyển đổi số ảnh hưởng lên nhiều khía cạnh của xã hội, đặc biệt là sự phát triển của doanh nghiệp và tạo ra những mô hình kinh doanh mới (Berman, 2012).

Sự phát triển và đột phá một cách nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ số (Digital Technologies) đang trở thành kim chỉ nam trong việc thay đổi cách quản trị quốc gia của từng chính phủ, thay đổi phương thức quản trị - hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp và phương thức sống, giao tiếp của mỗi cá nhân trong xã hội. Một thế giới dường như trở nên phẳng hơn và cũng phức tạp hơn khi từng hoạt động xã hội xảy ra kéo theo một lượng thông tin dữ liệu khổng lồ, đòi hỏi đi theo đó là yêu cầu ngày càng cao về tính thông minh, hiệu năng xử lý từ các công nghệ tự động hóa nhằm hướng đến sự kết nối, xử lý dữ liệu. Hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số ngày nay không chỉ còn là xu thế mà còn mang tính tất yếu của thời đại khi dần đóng vai trò không thể thiếu trong mọi hoạt động của loài người.

Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của đại dịch Covid - 19 bùng nổ từ cuối năm 2020 khiến cho hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn mà trước đây chưa bao giờ gặp phải. Doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như việc sản xuất kinh doanh đình trệ, môi trường hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào cũng như đầu ra của doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh mẽ, cách thức sản xuất - kinh doanh truyền thống dần trở nên không còn phù hợp. Đặc biệt, trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 10/2021, hầu hết 63 địa phương trong cả nước đều phải tiến hành các đợt giãn cách xã hội một cách quyết liệt. Trong thời gian này, các doanh nghiệp phải tiến hành hoạt động sản xuất - kinh doanh “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, hoạt động cầm chừng và người lao động phải làm việc tại nhà đã đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc chuyển đổi mô hình hình thức hoạt động nhằm thích ứng trước sự ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh.

Xuất phát từ những yêu cầu mang tính thực tiễn, ứng dụng cao và yêu cầu về chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc tồn tại và phát triển của doanh nghiệp; nghiên cứu này kỳ vọng có thể đưa ra câu trả lời cho những vấn đề đã nêu trên và đưa ra những giải pháp quản trị thiết thực, khả thi để giúp cho lãnh đạo các doanh nghiệp kịp thời chuyển đổi nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển của doanh nghiệp ở thì hiện tại và trong tương lai.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm về chuyển đổi số

Hiện tại, vẫn chưa có một định nghĩa được chuẩn hóa có thể khái quát được hết khái niệm về chuyển đổi số. Khái niệm về chuyển đổi số được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thể hiện dựa trên các định nghĩa, phương hướng phát triển của riêng mình. Hoạt động chuyển đổi số gần đây nổi lên như một vấn đề mới lạ trước những nhu cầu thực tế đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu về cả lý thuyết và thực tiễn. Trên thế giới, việc nghiên cứu về hoạt động chuyển đổi số cũng đang được tiến hành một cách sâu rộng. Tác giả Demirkan và cộng sự (2016) thì cho rằng, hoạt động chuyển đổi số được đề cập đến như là một hiện tượng chuyển đổi nhanh chóng và sâu rộng, trong đó căn bản dựa vào những tiến bộ về kỹ thuật số nhằm ứng dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy trình và mô hình kinh doanh. Tương tự như tác giả Demirkan và cộng sự (2016), Hess và cộng sự (2016) cũng đề cập đến một đặc điểm quan trọng của chuyển đổi số đó là ứng dụng những thay đổi trong công nghệ kỹ thuật số, để từ đó có thể phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh mới, thông qua đó tạo ra được những sản phẩm dịch vụ mới hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật số trong việc chuyển đổi cơ cấu tổ chức, quá trình - quy trình làm việc theo hướng tự động hóa (automatic). Theo Micic (2017), định nghĩa chuyển đổi số được đề cập như là “Tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh dẫn đến những thay đổi trong hoạt động kinh doanh và cung cấp giá trị cho khách hàng”. Trong đó, tác giả Micmic (2017) nhấn mạnh đến chủ thể của việc chuyển đổi số đó là việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và các hoạt động chính của doanh nghiệp đó là sản xuất, xử lý và chuyển giao luồng thông tin. Việc ứng dụng công nghệ số theo Micmic (2017) dựa trên nền tảng của sự phát triển của nhiều loại hình công nghệ khác nhau bao gồm mạng viễn thông, công nghệ điện toán, các kỹ thuật phần mềm.

Như vậy, thông qua các khái niệm ở trên, có thể định nghĩa chuyển đổi số là “Việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ về kỹ thuật số từ đó tiến hành thay đổi phương thức hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp”.

2.2. Vai trò của chuyển đổi số

“Chuyển đổi số” đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp từ khâu quản lý, nghiên cứu và điều hành việc kinh doanh. Theo tác giả Ustundag và Cevikcan (2018) đã phát biểu thì: “Kỷ nguyên chuyển đổi mà chúng ta đang sống khác các thời đại khác là không chỉ mang đến sự thay đổi quá trình kinh doanh cơ bản mà còn làm nổi bật quan niệm sản phẩm tương tác thông minh thể hiện qua các mô hình kinh doanh theo hướng dịch vụ”.

Ngoài ra, lợi ích từ chuyển đổi số đối với DN có thể được cụ thể hóa thông qua các yếu tố sau đây:

- Tăng cường năng lực bán hàng, tiếp cận khách hàng và nguồn cơ sở dữ liệu của người dùng để tiến hành các hoạt động bán hàng, marketing.

- Các nhà quản trị doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết sách nhanh chóng và kịp thời thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, các báo cáo thị trường, các báo cáo, thống kê nội bộ và ngành chuyên sâu.

- Năng suất làm việc của DN cũng được nâng cao thông qua việc tiếp cận các công nghệ số khi hướng đến việc tối đa hóa khả năng, năng suất của người lao động.

2.3. Các nghiên cứu có liên quan

Hiện nay, do tính chất đa dụng mà việc nghiên cứu về vai trò của chuyển đổi số  trên thế giới đã nhận được sự quan tâm vô cùng lớn của giới học thuật. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các nghiên cứu hiện nay vẫn còn tương đối hạn hẹp và sơ sài.

Nghiên cứu của Chử Bá Quyết (2021) là nghiên cứu hiếm hoi khi nghiên cứu khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, chuyển đổi số của doanh nghiệp được xây dựng dựa trên mô hình 3 nhóm nhân tố khác nhau bao gồm nhóm nhân tố công nghệ, nhóm nhân tố thuộc về doanh nghiệp và nhóm nhân tố thuộc về môi trường.

Trái với nghiên cứu của Chử Bá Quyết (2021), nghiên cứu của tác giả Phạm Thị Thanh Huyền (2021) đã tiến hành phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số trong du lịch tại Việt Nam. Phạm Thị Thanh Huyền (2021) đã đề xuất mô hình quá trình chuyển đổi số bị tác động bởi 3 nhóm nhân tố lớn bao gồm thương mại điện tử và nền tảng kỹ thuật số, dữ liệu lớn và hệ thống thông minh, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật. Đến nay, đây là nghiên cứu hiếm hoi tại Việt Nam đề cập đến các yếu tố tác động lên chuyển đổi số tại Việt Nam.

Mô hình nghiên cứu đề xuất:

Thông qua các nghiên cứu của Chử Bá Quyết (2021), Danielle Clark (2019), Blake Morgan (2020), Kevin Zhu và cộng sự (2006), Hwang và cộng sự (2016), đề tài tiến hành đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng lên chuyển đổi kỹ thuật số của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên khung phân tích TOE như sau: (Hình 1)

3. Phương pháp nghiên cứu

- Nghiên cứu định tính: Đề tài tiến hành thông qua quá trình phỏng vấn trực tiếp đối với cá nhân và phỏng vấn nhóm đối với các đối tượng đang làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Từ kết quả phỏng vấn, đề tài sẽ xem xét và các yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số tại doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua đó, tiến hành căn chỉnh và đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất để tiến hành phát triển thang đo khảo sát từ các nghiên cứu về đề tài chuyển đổi số trước đây.

- Nghiên cứu định lượng: Từ kết quả nghiên cứu định tính, đề tài tiến hành phương pháp nghiên cứu và phân tích định lượng thông qua dữ liệu thu thập từ câu hỏi khảo sát được xây dựng. Theo đó, mẫu khảo sát là các cá nhân đang làm việc trong các DN đang hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh và đối tượng được khảo sát sẽ được chọn bằng cách lấy mẫu thuận tiện, phi xác suất.

- Thu thập dữ liệu:

+ Dữ liệu thứ cấp: Việc nghiên cứu hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được trích lọc và thu thập dựa trên các nguồn thông tin từ các báo cáo chuyên ngành, các tài liệu chuyên sâu về chuyển đổi số cũng như là nguồn thông tin đến từ các tài liệu, sách báo nghiên cứu trước đây.

+ Dữ liệu sơ cấp (dữ liệu khảo sát):  Dữ liệu khảo sát được thu thập thông qua việc điều tra trực tiếp các cá nhân bao gồm chủ doanh nghiệp, nhà quản trị doanh nghiệp, các nhân viên của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ bảng câu hỏi soạn sẵn để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số.

4. Kết quả và thảo luận

Sau khi tiến hành kiểm định độ tin cậy thang đo bằng cronbach alpha, đánh giá giá trị thang đo thông qua các tiêu chí cụ thể. Đề tài tiến hành phân tích hồi quy để biết được độ lớn tác động của từng thành phần tác động lên hoạt động chuyển đổi số của DN.

Trước khi đi vào phân tích định lượng bằng phương pháp hồi quy, đề tài trước hết tiến hành phân tích mối tương quan giữa các biến số thông qua phân tích tương quan Pearson. Kết quả từ phân tích tương quan Pearson đã chỉ ra rằng 11 biến độc lập có tương quan với biến phụ thuộc ở mức ý nghĩa thống kê 1%.

Ngoài ra, thông qua ma trận tương quan Pearson, đề tài cũng kết luận rằng vấn đề đa cộng tuyến giữa các biến độc lập cũng đã không còn trong dữ liệu nghiên cứu do hệ số tương quan giữa các biến số thấp (nhỏ hơn 0.7). Vì vậy, các biến số này đạt tiêu chuẩn để tiếp tục tiến hành phân tích hồi quy đa biến.

Thông qua phân tích hồi quy bằng phương pháp Enter, 11 nhân tố được đo lường tác động lên biến phụ thuộc chuyển đổi số (CDS) cho ra được kết quả như sau:

Kết quả hồi quy tuyến tính chỉ r rằng mô hình có hệ số xác định R2 (coefficient of determination) là 0.59 và R2 điều chỉnh (adjusted R square) là 0.574. (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả hồi quy tuyến tính

Mô hình

R

R2

R2 hiệu chỉnh

Sai số chuẩn

1

.770a

.593

.574

.437

Nguồn: Tác giả phân tích

Như vậy, thông qua kết quả của phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính, đề tài đã đưa ra được kết quả như Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả phân tích hồi quy

Mô hình

Hệ số chưa chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa

t

Sig.

Beta

Sai số chuẩn

Beta

 

Hằng số

-.552

.261

 

-2.119

.035

SANCO

.117

.045

.118

2.577

.011

BAO MAT

.120

.042

.147

2.885

.004

CHIENLUOC

.095

.040

.113

2.361

.019

COCAU

.081

.038

.092

2.137

.034

NHANLUC

.143

.037

.177

3.848

.000

DOIMOI

.033

.033

.044

.978

.329

LUACHON

.040

.034

.054

1.176

.241

COVID

.140

.041

.175

3.453

.001

HOTRO

.235

.039

.316

5.996

.000

CANHTRANH

.003

.039

.004

.085

.932

TTQT

.064

.033

.088

1.934

.054

Nguồn: Tác giả phân tích

  Bảng 3. Kiểm định giả thuyết

Các giả thuyết điều chỉnh

Kết quả

H1

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “Số hóa quy trình” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Chấp nhận

H2

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “An toàn - bảo mật” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Chấp nhận

H3

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “Sự sẵn có dữ liệu số và công nghệ” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Chấp nhận

H4

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “khả năng tương thích” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Chấp nhận

H5

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “chiến lược của doanh nghiệp” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh.

Chấp nhập

H6

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “nhân lực của doanh nghiệp” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Chấp nhận

H7

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “cơ cấu và quy trình của doanh nghiệp” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Chấp nhận

H8

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “sự đổi mới của doanh nghiệp” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Bác bỏ

H9

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “sự lựa chọn của khách hàng” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Bác bỏ

H10

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “Áp lực cạnh tranh” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Bác bỏ

H11

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “Chính sách hỗ trợ của chính phủ” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Chấp nhận

H12

Có mối liên hệ tác động của nhân tố “tác động của đại dịch Covid-19” lên chuyển đổi số của DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Chấp nhận

Nguồn: Tác giả phân tích

Như vậy, thông qua việc phân tích hồi quy, đề tài đã đưa đến kết luận đối với các giả thuyết mà đề tài đã đặt ra như sau:

- Bác bỏ các giả thuyết yếu tố sự đổi mới, sự lựa chọn và sự cạnh tranh lên chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Chấp nhận các giả thuyết số hóa quy trình, an toàn - bảo mật, sẵn có, tương thích, nhân lực, cơ cấu, chính sách hỗ trợ và covid lên chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Kết luận và hàm ý quản trị

Kết luận:

Sau khi nghiên cứu các cơ sở lý thuyết cùng với việc thực hiện nghiên cứu định tính, đề tài đã chỉ ra 9 nhân tố theo mô hình TOE tác động lên sự chuyển đổi số của doanh nghiệp cụ thể bao gồm: Quy trình - Sẵn có - Bảo mật - Tương thích - Chiến lược - Cơ cấu - Nhân lực - Hỗ trợ và Covid.

Hàm ý quản trị:

Thông qua kết quả phân tích ở trên đã cho thấy được một số hạn chế, cũng như là ưu điểm về quá trình chuyển đổi số của các DN trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đây là một số giải pháp như sau:

Hoàn thiện quy trình: Các DN có thể tiến hành hoàn thiện quy trình hoạt động của mình nhằm đẩy nhanh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số của DN.

Yếu tố sẵn có của DN: Đối với nhóm giải pháp nhằm nâng cao sự sẵn có đưa ra những giải pháp để nâng cao mức độ sẵn sàng của DN trong quá trình chuyển đổi số.

Yếu tố bảo mật: Phải đảm bảo dữ liệu công việc được chính xác, cấp quyền sử dụng nguồn thông tin dữ liệu công việc là một yếu tố quan trọng và quán triệt nguyên tắc đảm bảo bảo mật.

Yếu tố tương thích: Cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông tại DN. Trong đó, chú trọng xây dựng các cơ sở hạ tầng chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng và tăng cường khả năng tiếp cận và khai thác thông tin từ các nguồn dữ liệu bên trong và bên ngoài.

Yếu tố chiến lược: Các nhà lãnh đạo, nhà quản trị, chủ DN cần chủ động - tích cực trong việc tìm hiểu và nắm bắt các nội dung của chuyển đổi số bao gồm phần cứng, phần mềm, chi phí, chức năng và xu hướng chuyển đổi số, nhằm đảm bảo đưa DN chuyển đổi số đúng hướng và hiệu quả.

Yếu tố cơ cấu: Xây dựng các phòng - ban chuyên môn, cơ cấu chuyên phụ trách hoạt động công nghệ thông tin - viễn thông tại DN. Chủ động nâng cấp, update hệ thống webiste, tạo ra các hệ thống email riêng của DN nhằm đảo bảo tính chủ động cũng là như là bảo mật cho doanh nghiệp.

Yếu tố nhân lực: Mỗi cá nhân người lao động cần thiết phải tự giác và có trách nhiệm trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số. Theo đó, đề tài đưa ra các giải pháp đối với yếu tố nhân lực.

Kiến nghị dành cho Chính phủ: Các cơ quan chức năng, cần có những chủ trương chính sách phù hợp hơn nữa, nhằm động viên và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong DN.

Yếu tố Covid: Thay đổi chiến lược kinh doanh nhằm đảo bảo DN vẫn có thể tồn tại và hoạt động trong trường hợp có những yếu tố khách quan xảy ra ảnh hưởng đến DN như đại dịch Covid.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

  1. Phạm Huy Giao (2020). Chuyển đối số: Bản chất, thực tiễn và ứng dụng. Tạp chí Dầu khí, số 12, 12-16.
  2. Chử Bá Quyết (2021). Nghiên cứu khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học và đào tạo ngân hàng, số 233, 57-70.
  3. Nguyễn Đình Thọ, (2011), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, NXB Lao động Xã hội.
  4. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Hồng Đức.
  5. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, (2008), Thống kê ứng dụng trong kinh tế xã hội, NXB Thống kê.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"

Tiếng Anh

  1. Berman, S. J. (2012). Digital transformation: Opportunities to create new business models. Strategy & Leadership.
  2. Matzner, M., Büttgen, M., Demirkan, H., Spohrer, J., Alter, S., Fritzsche, A.,... & Neely, A. (2018). Digital transformation in service management.
  3. Hess, T., Matt, C., Benlian, A., & Wiesböck, F. (2016). Options for formulating a digital transformation strategy. MIS Quarterly Executive, 15(2).
  4. Mićić, L. (2017). Digital transformation and its influence on GDP. Economics, 5(2), 135-147.
  5. Danielle Clark.(2019). Keys to Successful Digital Transformation.
  6. Blake Morgan. (2020). Accelerate you digital straformation.
  7. Tornatzky and Fleischer (1990), TOE framework. Yoon, T. E., & George, J. F. (2013). Why aren’t organizations adopting virtual worlds? Computers in Human Behavior, 29(3), 772-790.
  8. Zhu, K., Dong, S., Xu, S. X., & Kraemer, K. L. (2006). Innovation diffusion in global contexts: determinants of post-adoption digital transformation of European companies. European journal of information systems, 15(6), 601-616.
  9. Horlacher, A., & Hess, T. (2016, January). What does a chief digital officer do? Managerial tasks and roles of a new C-level position in the context of digital transformation. In 2016 49th Hawaii International Conference on System Sciences (HICSS) (pp. 5126-5135). IEEE.
  10. Siebel, T. M. (2019). Digital transformation: survive and thrive in an era of mass extinction. RosettaBooks.
  11. Akdil, K. Y., Ustundag, A., & Cevikcan, E. (2018). Maturity and readiness model for industry 4.0 strategy. In Industry 4.0: Managing the digital transformation (pp. 61-94). Springer, Cham.
  12. Salkin, C., Oner, M., Ustundag, A., & Cevikcan, E. (2018). A conceptual framework for Industry 4.0. In Industry 4.0: Managing the digital transformation (pp. 3-23). Springer, Cham.
  13. DePietro, R., Wiarda, E., & Fleischer, M. (1990). The Context for Change: Organization, Technology, and Environmental. In Tornatzky, L. G., & Fleischer, M. (Eds.). The Process of Technological Innovation. (pp. 151-175). Lexington, MA: Lexington Books.
  14. Hwang, B. N., Huang, C. Y., & Wu, C. H. (2016). A TOE approach to establish a green supply chain adoption decision model in the semiconductor industry. Sustainability, 8(2), 168.
  15. Fu, Y., & Lee, Y. C. (2021). Investigating determinants of digital transformation: Empirical evidence from Chinese companies. KCI, 24(3), 113-128.
  16. Tripathi, S. Determinants of Digital Transformation in the Post-Covid-19 Business World.
  17. Hair, J.F., Howard, M.C., Nitzl, C. (2020). Assessing measurement model quality in PLS-SEM using confirmatory composite analysis. Journal of Business Research, 109, 101-110.
  18. Hair, J.F.J., Anderson, R.E., Tatham, R.L., Black, W.C. (1998). Multivariate Data Analysis, 5th edn. Upper Saddle River, New Jersey: Prentice Hall.
  19. Tabachnick, B. G., & Fidell, L. S. (1996). Using Multivariate Statistics (3rd ed.). New York: Harper Collins.
  20. Saunders, M., Lewis, P. H. I. L. I. P., & Thornhill, A. D. R. I. A. N. (2007). Research methods. Business Students 4th edition. England: Pearson Education Limited.
  21. Nunnally J.Bernstein. (1994). Psychometric theory. New York: McGraw Hill.

Factors affecting the digital transformation of enterprises in Ho Chi Minh City

Master’s student Dao My Chi1

Ph.D Le Thanh Tiep2

1University of Economics Ho Chi Minh City

2Ho Chi Minh City University of Economics and Finance

Abstract:

This study explores the factors affecting the digital transformation process of enterprises in Ho Chi Minh City by using the quantitative analysis. The study’s primary data is collected by surveying individuals and staff who are working for enterprises located in Ho Chi Minh City. Based on the study’s results, some solutions are proposed to suppor the digital transformation of Ho Chi Minh City’s enterprises.

Keywords: digital transformation, TOE framework, enterprise in Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]