Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kinh tế tại Trường Đại học Quy Nhơn

ThS. TRẦN THỊ THANH NHÀN (Trường Đại học Quy Nhơn)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm khám phá và xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kinh tế (SVNKT) tại Trường Đại học Quy Nhơn. Kết quả mô hình hồi quy cho thấy, nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp của SVNKT là khả năng khởi nghiệp từ chương trình đại học, tiếp đến là nhận thức xã hội, thái độ bản thân, nguồn vốn khởi nghiệp và cuối cùng là điều kiện thuận lợi. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao nhận thức và ý định khởi nghiệp của SVNKT Trường Đại học Quy Nhơn.

Từ khóa: khởi nghiệp, ý định khởi nghiệp, sinh viên khối ngành Kinh tế, Trường Đại học Quy Nhơn.

1. Đặt vấn đề

Khởi nghiệp luôn có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Sự gia tăng các doanh nghiệp mới là một trong những động lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tạo công ăn việc làm (Davidsson, 1995). Vì vậy, thúc đẩy khởi nghiệp đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp được nhân lên trong những năm gần đây, sau khi Chính phủ phát động phong trào khởi nghiệp và lấy năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp. Nhiều trường đại học đã đưa giáo dục khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, thậm chí xây dựng thành một ngành, chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, số lượng và tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp khởi nghiệp còn rất thấp.

Trong thời gian qua, Trường Đại học Quy Nhơn đã có nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được tư vấn khởi nghiệp, như: tổ chức các cuộc giao lưu giữa sinh viên với các doanh nhân thành đạt, hội thảo cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư, hay tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp khuyến khích sinh viên tham gia,… Tuy nhiên, tính chủ động của sinh viên trong tìm kiếm việc làm, cũng như tự tạo lập doanh nghiệp (khởi nghiệp) trong thời gian qua chưa cao. Vậy, những nhân tố nào tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên? Đây chính là lý do để tác giả thực hiện nghiên cứu này, nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của SVNKT tại Trường Đại học Quy Nhơn.

2. Mô hình nghiên cứu

Trong phạm vi nghiên cứu này, lý thuyết hành vi dự định (TPB) là căn cứ để hình thành nên khung nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu. TPB (Ajzen, 1991), được phát triển từ lý thuyết hành động hợp lý (Fishbein và Ajzen, 1975) với ba nhân tố là thái độ (đánh giá tích cực hay tiêu cực về hành vi thực hiện), ảnh hưởng xã hội và kiểm soát hành vi cảm nhận. Đồng thời, dựa vào đặc điểm thực tế của sinh viên tại Trường Đại học Quy Nhơn, tác giả đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả đề xuất

Các giả thuyết được đặt ra, bao gồm:

H1: Khả năng khởi nghiệp từ chương trình đại học có tác động thuận chiều đến ý định khởi nghiệp của SVNKT.

H2: Thái độ của bản thân có tác động thuận chiều đến ý định khởi nghiệp của SVNKT.

H3: Ảnh hưởng của xã hội có tác động thuận chiều đến ý định khởi nghiệp của SVNKT.

H4: Nguồn vốn khởi nghiệp có tác động ngược chiều đến ý định khởi nghiệp của SVNKT.

H5: Điều kiện thuận lợi có tác động thuận chiều đến ý định khởi nghiệp của SVNKT.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu được thực hiện thông qua bảng khảo sát bằng cách tiến hành khảo sát trực tuyến, nhưng số lượng phản hồi điều tra trực tuyến không nhiều, nên chỉ điều tra được 248 mẫu. Tất cả những câu hỏi trong bảng hỏi khi thiết kế trên biểu mẫu trên ứng dụng Google đều yêu cầu “bắt buộc” người trả lời phải trả lời nên không có trường hợp trả lời thiếu. Chính vì vậy, sau khi kiểm tra, tác giả đã đưa cả 248 mẫu này kiểm định độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá và hồi quy mô hình. Có 17 thang đo cho 5 nhóm yếu tố biến độc lập và 3 thang đo cho yếu tố biến phụ thuộc được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa các thang đo của các nhà nghiên cứu trước. Thang đo Likert 5 mức độ được sử dụng để đo lường khoảng cách.

Phương pháp xử lý số liệu được thực hiện theo trình tự các bước sau: Đầu tiên là kiểm tra độ tin cậy của thang đo, giá trị KMO cho phép từ 0,5 đến 1,0 và kiểm định Bartlett về sự tương quan của các biến quan sát phải chỉ ra giá trị mức ý nghĩa thống kê luôn thấp hơn 5% (Sig. = 0,000 < 0,05). Hệ số độ tin cậy Cronbach’s Alpha được áp dụng để đánh giá có hay không thang đo lường là tốt khi nằm trong khoảng 0,8 đến 1, sử dụng được khi lớn hơn 0,7 hoặc trong nghiên cứu khám phá hệ sô Cronbach’s Alpha cho phép lơn hơn 0,6 (Hair và cộng sự, 1998). Tiếp theo là thực hiện phân tích nhân tố khám phá (EFA). Cuối cùng, phân tích hồi quy đa biến để xác định mối quan hệ nhân quả giữa các biến phụ thuộc và biến độc lập.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kiểm định độ tin cậy của thang đo

Kiểm định độ tin cậy của thang đo qua hệ số Cronbach’s Apha.

Bảng 1. Kiểm định Cronbach’s Apha

Kiểm định Cronbach’s Apha

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

Kết quả Bảng 1 cho thấy tất cả các biến đều có hệ số Cronbach’s Alpha tổng thể lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0,3. Như vậy, các thang đo này đảm bảo chất lượng tốt.

4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA

4.2.1. Phân tích nhân tố cho biến độc lập

Tất cả 17 biến độc lập sau khi phân tích hệ số Cronbach’s Alpha sẽ được đưa vào phân tích nhân tố. Biến KN5 sau khi phân tích nhân tố khám phá lần đầu có hệ số tải nhân tố là 0,342 (< 0,5) nên tác giả đã loại biến này và tiến hành phân tích nhân tố khám phá lần 2 với kết quả như Bảng 2.

Bảng 2. Chỉ số KMO and Bartlett cho biến độc lập

Chỉ số KMO and Bartlett cho biến độc lập

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS

Hệ số KMO = 0,818 và kiểm định Barlett có Sig = 0,000 (< 0,05) cho thấy phân tích EFA là thích hợp.

Bảng 3. Ma trận nhân tố đã xoay (lần 2) 

Ma trận nhân tố đã xoay (lần 2) 

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS

Bảng 3 cho thấy các hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0,5 và không có trường hợp biến nào cùng lúc tải lên cả hai nhân tố với hệ số tải gần nhau. Nên các nhân tố đảm bảo được giá trị hội tụ và phân biệt khi phân tích EFA.

Kết quả phân tích nhân tố cho thấy rằng các biến quan sát được nhóm lại thành 5 nhân tố độc lập.

4.2.2. Phân tích nhân tố biến phụ thuộc

Bảng 4. Kiểm định KMO and Bartlett's Test

Kiểm định KMO and Bartlett's Test

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS

Hệ số KMO = 0,707 và kiểm định Barlett có Sig. = 0,000 (< 0,05) cho thấy phân tích EFA là thích hợp.

Ta thấy chỉ trích được 1 nhân tố duy nhất từ biến quan sát đưa vào và các giá trị trong ô trọng số nhân tố đều lớn hơn 0,5. Việc trích được chỉ 1 nhân tố là điều tốt, nghĩa là thang đo đó đảm bảo được tính đơn hướng, các biến quan sát của biến YD hội tụ khá tốt.

Bảng 5. Ma trận thành phần

Ma trận thành phần

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS

4.3. Phân tích hồi quy đa biến

Tiếp theo, tác giả tiến hành kiểm định mô hình lý thuyết với phương pháp đưa vào một lượt (Enter), theo phương pháp này, 5 biến độc lập là KN, NT, TL, TD, NV và 1 biến phụ thuộc là YD sẽ được đưa vào mô hình cùng một lúc.

Ta có phương trình hồi quy tuyến tính diễn tả các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của SVNKT.

YD  = β1*KN + β2*NT + β3*TL + β4*TD + β5*NV

Bảng 6. Kết quả mô hình hồi quy

Kết quả mô hình hồi quy

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS

Bảng 6 cho thấy mô hình có hệ số R2 là 0,880 và R2 điều chỉnh là 0,878. Như vậy, mô hình giải thích được 87,8% sự biến thiên của biến phụ thuộc. Nghĩa là 5 biến độc lập giải thích được 87,8% ý định khởi nghiệp của SVNKT tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Bảng 7. Kết quả phân tích phương sai

Kết quả phân tích phương sai

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS

Kết quả kiểm định trị thống kê F, với giá trị Sig = 0,000 (< 0,05) từ Bảng 7 cho thấy mô hình hồi quy tuyến tính bội đã xây dựng phù hợp với tập dữ liệu, sử dụng được.

Bảng 8. Kết quả hệ số hồi quy

Kết quả hệ số hồi quy

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS

Bảng 8 cho thấy các giá trị Sig. tương ứng với các biến KN, NT, TL, TD, NV đều nhỏ hơn 0,05. Vì vậy, các biến này có ý nghĩa trong mô hình.

Phương trình hồi quy tuyến tính thu được như sau:

TC = 0,587*KN + 0,419*NT + 0,208*TL + 0,409*TD + 0,388*NV

Hệ số hồi quy mang dấu dương thể hiện các yếu tố trong mô hình hồi quy trên ảnh hưởng tỷ lệ thuận đến ý định khởi nghiệp của SVNKT. Điều này phù hợp với giả thiết trong mô hình nghiên cứu đã trình bày.

Kết quả mô hình hồi quy cho thấy nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp của SVNKT tại Trường Đại học Quy Nhơn là khả năng khởi nghiệp từ chương trình đại học (KN), thứ hai là nhận thức xã hội (NT), thứ ba là thái độ bản thân (TD), thứ tư là nguồn vốn khởi nghiệp (NV) và cuối cùng là điều kiện thuận lợi (TL).

5. Kết luận và đề xuất

Nghiên cứu đã cho thấy có 5 nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên theo mức tác động từ cao đến thấp là khả năng khởi nghiệp từ chương trình đại học, nhận thức xã hội, thái độ bản thân, nguồn vốn khởi nghiệp và cuối cùng là điều kiện thuận lợi. Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao nhận thức và ý định khởi nghiệp của SVNKT Trường Đại học Quy Nhơn như sau:

Nâng cao khả năng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các chương trình học tập, tham quan thực tế doanh nghiệp và giao lưu với doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhân tố khả năng khởi nghiệp từ chương trình đại học ảnh hưởng rất lớn đến định khởi nghiệp của sinh viên. Khi sinh viên cảm thấy mình không đủ năng lực sẽ thiếu tự tin khởi nghiệp. Điều này có thể do sinh viên ít va chạm thực tế, không biết phải làm gì và làm như thế nào, từ đó dẫn đến thái độ lo sợ thất bại, tự ti, sợ mình không làm được. Vì vậy, nhà trường cần đưa học phần khởi sự doanh nghiệp trở thành học phần bắt buộc cho sinh viên tất cả các chuyên ngành đặc biệt là khối ngành Kinh tế.

Cần lồng ghép kiến thức thực tế vào chương trình môn học, cần đưa chương trình tham quan thực tế doanh nghiệp hoặc các chương trình giao lưu với doanh nghiệp vào chương trình đào tạo chính quy hoặc ngoại khóa để giúp sinh viên tiếp cận thực tế nhiều hơn, giúp sinh viên hiểu hơn về thực tế hoạt động của các doanh nghiệp.

Tăng cường nhận thức, thái độ và động lực khởi nghiệp cho sinh viên thông qua tổ chức thường xuyên các hoạt động ngoại khóa hay tổ chức cuộc thi ý tưởng kinh doanh từ cấp khoa, cấp trường để tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên. Từ đó, giúp sinh viên có thái độ tích cực và động lực để khởi nghiệp. Thông qua các cuộc thi, sinh viên cũng sẽ tìm kiếm được các nhà tài trợ cũng như nhận được những chia sẻ quý báu về kinh nghiệm kinh doanh, từ đó giúp sinh viên từng bước tự tin hơn với ý định khởi nghiệp của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ajzen, I. (1991). Theory of planned behavior. Organizational behavior and human decision processes, 50, 179-211.
  2. Autio, E., Keeley, R. H., Klofsten, M., Parker, G. G. C. & Hay, M. (2001). Entrepreneurial Intent among Students in Scandinavia and in the USA. Enterprise & Innovation Management Studies, 2(2), 145-160.
  3. Beukes, C.J. (2009). The relationship between employability and emotional intelligence. Unpublished research report, Department of Industrial and Organisational Psychology, University of South Africa, Pretoria.
  4. Bảo Trung & Nguyễn Thị Tố Loan (2020). Chất lượng dịch vụ giáo dục đại học theo mô hình IPA tại Trường Đại học Tài chính - Marketing. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Marketing, 57, 52-64.
  5. Đinh Việt Hòa (2014). Tinh thần Khởi nghiệp kinh doanh. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Đoàn Thị Thu Trang (2018). Đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp sinh viên khối ngành kỹ thuật. Luận án tiến sĩ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
  7. Galloway, L. & Brown, W. (2002). Entrepreneurship education at university: a driver in the creasion of high growth firms. Education and Training, 44(8-9), 398-405.
  8. Gupta, V.K., & Bhawe, N.M. (2007). The Influence of Proactive Personality and Stereotype Threat on Womens Entrepreneurial Intentions. Journal of Leadership & Organizational Studies, 13(4), 73-85.
  9. Haris, N.A., Abdullah, M., Othman, A.T., & Rahman, F.A. (2016). Exploring the Entrepreneurial Intention Among Information Technology Students. Information Technology Journal, 22, 116-122.
  10. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, tập 1, 2. NXB Hồng Đức.
  11. Nguyễn Hải Quang & Cao Nguyễn Trung Cường (2017). Các yếu tố ảnh hưởng đến khởi sự doanh nghiệp của sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Luật. Tạp chí khoa học Trường Đại học Trà Vinh, 25(3), 10-19.
  12. Nguyễn Thị Quý (2020). Vốn xã hội và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trường hợp các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Marketing, 55, 37-48.
  13. Phan Anh Tú & Giang Thị Cẩm Tiên (2015). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khởi sự doanh nghiệp: Trường hợp sinh viên khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh Trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 38, 59-66.
  14. Wongnaa, C.A. & Seyram, A.Z.K. (2014). Factor influencing polytechnic students decision to graduate as entrepreneurs. Journal of Global Entrepreneurship Research, 2, 1-13.

FACTORS AFFECTING THE ENTREPRENEURIAL INTENTION

OF QUY NHON UNIVERSITYS ECONOMICS STUDENTS

Master. TRAN THI THANH NHAN

Quy Nhon University 

ABSTRACT:

This study aims to explore and determine the influence of the factors affecting the entrepreneurial intention of students majoring in economics at Quy Nhon University. The study’s regression model shows that the factor that has the strongest influence on the entrepreneurial intention of economics students is the ability to start a business from a university program. This factor is followed by social awareness, personal attitude, capital for start-up and favorable conditions. Based on the study’s results, some suggestions are made to improve the awareness and encourage the entrepreneurial intention of Quy Nhon University’s economics students.

Keywords: start-up, entrepreneurial intention, economics students, Quy Nhon University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]