TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu đánh giá các yếu tố tác động đến quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam. Tác giả thu thập dữ liệu từ báo cáo tài chính của 400 DNNVV tại Việt Nam trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2018. Nghiên cứu được tiến hành kiểm định các mối quan hệ quản trị rủi ro tài chính DNNVV Việt Nam. Kết quả cho thấy, yếu tố chi phí kiệt quệ tài chính, thuế, tỷ lệ tiền và tương đương tiền trên tổng tài sản (CSA) đại diện cho tài trợ nguồn bên ngoài và tuổi đời doanh nghiệp (AGE) có tương quan cùng chiều với quản trị rủi ro tài chính.

Từ khóa: Rủi ro tài chính, quản trị rủi ro tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

1. Giới thiệu

Hiện nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu quản trị rủi ro tài chính. Các nghiên cứu này đã chứng minh quản trị rủi ro tài chính có những tác động tích cực nhất định, như: kiệt quệ tài chính, tiết kiệm thuế và khả năng huy động vốn bằng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp (Smith và Stulz, 1985; Nance và cộng sự, 1993; Haushater, 2000; Hoa Nguyen, 2002; Borokhovich và cộng sự, 2004; Purnanandam, 2008; Bartram và cộng sự, 2009; Rashid Ameer, 2010; Sprcic và Sevic, 2012; Kouser và cộng sự, 2016). Thực tế có rất ít các nghiên cứu về quản trị rủi ro tài chính DNNVV, đặc biệt DNNVV tại Việt Nam. Có một vài nghiên cứu về từng loại sản phẩm phái sinh như các hợp đồng giao sau hoặc các quyền chọn cho chiến lược quản trị rủi ro của nhà đầu tư (Nguyễn Thị Ngọc Trang, 2008; Vũ Minh, 2013; Trịnh Thị Phan Lan, 2016). Hiện nay, chưa tìm thấy một công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống về cách thức quản trị rủi ro tài chính cho các DNNVV tại Việt Nam. Vì vậy, vấn đề thực hiện quản trị rủi ro để chủ động đối phó, lường trước các bất ổn có thể xảy ra là một đòi hỏi tất yếu. Quản trị rủi ro hiệu quả ít nhất không những giúp doanh nghiệp giảm thiểu được các rủi ro trong kinh doanh, mà còn tối đa hóa giá trị cổ đông. Tuy nhiên, đối với một nền kinh tế như Việt Nam, việc thực hiện quản trị rủi ro tài chính của DNNVV còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo đó, việc nghiên cứu các yếu tố nào tác động đến quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa là hết sức quan trọng. Từ yêu cầu cấp thiết đó, tác giả chọn chủ đề “Các yếu tố tác động đến quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam”. 

2. Khung lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm về các yếu tố tác động đến quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Lý thuyết quản trị rủi ro làm tăng giá trị cổ đông doanh nghiệp bằng cách giảm biến động dòng tiền, từ đó làm giảm chi phí kiệt quệ tài chính (Smith và Stulz, 1985; Haushalter, 2000; Allayannis và Weston, 2001; Liebenberg và Hoyt, 2003; Carter, Rogers và Simkins, 2006; Hoyt và Liebenberg, 2011; Malik và cộng sự, 2020), giảm thuế (Smith và Stulz, 1985) và các dự án đầu tư (Nguyễn Thị Ngọc Trang, 2007).

2.1. Lý thuyết về quản trị rủi ro làm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp thông qua tác động làm giảm chi phí kiệt quệ tài chính

Theo Smith và Stulz (1985), Liebenberg và Hoyt (2003), Malik và cộng sự (2020), nếu kiệt quệ tài chính là tốn kém, các doanh nghiệp có động lực để làm giảm xác suất và quản trị rủi ro là một trong những phương pháp được lựa chọn thực hiện khi doanh nghiệp đối mặt với khả năng kiệt quệ tài chính. Nếu doanh nghiệp có các biện pháp quản trị rủi ro sẽ làm giảm chi phí khi kiệt quệ tài chính xảy ra, kèm theo giảm chi phí phá sản. Điều đó có nghĩa bằng cách giảm sự biến động của dòng tiền, việc quản trị rủi ro sẽ làm giảm chi phí kiệt quệ tài chính.

Theo Smith và Stulz (1985), việc giảm chi phí kiệt quệ tài chính làm tăng giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ đông nâng cao và khả năng gánh chịu nợ. Ủng hộ còn có Campell và Kracaw (1987), Bessembinder (1991), Dolde (1995), Mian (1996), Haushalter (2000). Haushalter (2000), quản trị rủi ro có liên quan đến chi phí tài chính. Họ lập luận rằng các khoản đầu tư bằng tiền mặt tối đa dẫn đến chi phí cao hơn, chẳng hạn như dự kiến các nghĩa vụ thuế, chi phí kiệt quệ tài chính và chi phí hợp đồng cho thấy rằng việc tăng thêm giá trị tài chính thông qua quản trị rủi ro (DeMarzo và Dufe, 1995; Froot, Scharfstein và Stein, 1993; Leland, 1998; Mayers và Smith, 1982; Smith và Stulz, 1985). Giá trị của cổ đông có thể được nâng cao bằng cách quản trị rủi ro (Allayannis và Weston, 2001; Carter, Rogers và Simkins, 2006; Hoyt và Liebenberg, 2011). Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của doanh nghiệp quản trị rủi ro (QTRR) và giá trị tiềm năng từ việc áp dụng QTRR là trọng tâm (Chen và cộng sự, 2019).

2.2. Lý thuyết về quản trị rủi ro làm tăng giá trị doanh nghiệp thông qua tạo điều kiện cho các dự án đầu tư được chọn

Theo Smith và Stulz (1985), những doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng cao và phải đối mặt với chi phí cao khi tăng nguồn tài trợ dưới tác động của kiệt quệ tài chính sẽ có động cơ để thực hiện nhiều chính sách để quản trị rủi ro hơn so với bình thường.

Còn Modigliani và Miller (1958) có quan điểm, nếu chính sách quản trị rủi ro làm tăng giá trị doanh nghiệp, sở dĩ chính sách này có thể giảm được chi phí ký kết hợp đồng, giảm thuế hoặc thông qua kiểm soát động lực đầu tư. Quản trị rủi ro trong doanh nghiệp là động lực đầu tư khác thường. Động cơ dẫn đến từ bỏ các dự án có hiện giá thuần dương cũng có thể xuất hiện ở các doanh nghiệp tránh được việc xin phá sản. Quản trị rủi ro đã làm tăng thêm khả năng sử dụng nợ của doanh nghiệp hoặc giảm lãi vay mà doanh nghiệp đang gánh chịu (Nguyễn Thị Ngọc Trang, 2007).

2.3. Lý thuyết về quản trị rủi ro có thể làm tăng giá trị doanh nghiệp thông qua các tác động làm giảm thuế

Smith và Stulz (1985) thuế có thể mang lại lợi ích với vị thế thuế trong tương lai. Nếu quản trị rủi ro làm giảm sự thay đổi của giá trị doanh nghiệp trước thuế và nghĩa vụ nộp thuế dự kiến giảm, giá trị sau thuế dự kiến của doanh nghiệp được tăng lên miễn là chi phí của việc phòng ngừa không phải quá lớn. Bằng cách giảm hiệu quả thuế suất trung bình dài hạn các hành động đó làm giảm sự biến động của các báo cáo lợi nhuận và nâng cao giá trị cổ đông. Ủng hộ cho lý thuyết này như: Froot và cộng sự (1993), Nance và cộng sự (1993), Mian (1996), Graham và Smith (1999), Bartram và cộng sự (2009), Rashid Ameer (2010).

3. Mô hình nghiên cứu

3.1. Kiểm định giả thuyết liên quan đến chi phí kiệt quệ tài chính

Bảng 1. Bảng mô tả nghiên cứu và kỳ vọng về dấu

Bảng mô tả nghiên cứu và kỳ vọng về dấu

  Nguồn: Tác giả tự tổng hợp

Đòn bẩy tài chính đề cập đến việc sử dụng nợ trong cơ cấu vốn được dùng làm đại diện cho chi phí kiệt quệ tài chính tác động đến quản trị rủi ro tài chính được đo lường tỷ lệ nợ bằng tổng nợ trên tổng tài sản (Nance và cộng sự, 1993; Getzy và cộng sự, 1997; Haushalter, 2000; Borokhovich và cộng sự, 2004; Purnanandam, 2008; Bartram và cộng sự, 2009; Fan, Huang và Zhu, 2013). Quy mô giao dịch kinh tế đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn khả năng thực hiện quản trị rủi ro nhiều hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Kết quả nghiên cứu cũng chứng minh lợi ích mang lại từ việc quản trị rủi ro phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp (Nance và cộng sự, 1993; Dolde, 1995; Mian, 1996; Getzy và cộng sự, 1997; Haushalter, 2000; Allayannis và Weston, 2001). Từ đây, tác giả xây dựng giả thuyết nghiên cứu.

H1: Biến đại diện Chi phí kiệt quệ tài chính có mối tương quan cùng chiều đến quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bartram và cộng sự (2009) sử dụng tỷ số giữa tài sản cố định hữu hình trên tổng tài sản để đại diện cho tài sản cố định của doanh nghiệp. Froot và cộng sự (1993), Haushalter (2000) cho thấy khi lựa chọn tăng trưởng trong cơ hội đầu tư của doanh nghiệp gia tăng cần thực hiện nhiều hơn các doanh nghiệp quản trị rủi ro tài chính. Còn khi các doanh nghiệp phải đối mặt với sự thiếu hụt trong dòng tiền, các doanh nghiệp sẽ có khuynh hướng gia tăng lượng tiền mặt nắm giữ bằng cách bán tài sản, cắt giảm cổ tức hay tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài để tài trợ cho các cơ hội đầu tư bằng cách vay nợ hoặc phát hành vốn cổ phần. Ngoài ra, còn có biến khác đại diện cho tài trợ nguồn bên ngoài là CSA được đo lường bằng tỷ lệ tiền và tương đương tiền trên tổng tài sản (Keynes, 1936; Froot và cộng sự, 1993; Opler và cộng sự, 1999; Haushalter, 2000). Từ đó, xây dựng giả thuyết nghiên cứu.

H2: Biến đại diện Tài trợ nguồn bên ngoài có mối tương quan cùng chiều với quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để kiểm định giả thuyết về thuế. Tác giả chỉ sử dụng giá trị của kết chuyển lỗ mang sang; một biến giả bằng 1 nếu doanh nghiệp có giá trị của kết chuyển lỗ thuế kỳ trước chuyển sang tính đến cuối năm tài chính và có giá trị bằng 0 nếu không có kết chuyển lỗ (Smith và Stulz, 1985; Graham và Smith, 1999; Allayannis và Ofek 2001; Bartram và cộng sự, 2009; Rashid Ameer, 2010).

H3: Thuế có mối tương quan cùng chiều với quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Độ tuổi của doanh nghiệp sử dụng logarit (Kouser và cộng sự, 2016). Trên cơ sở đó, xây dựng giả thuyết nghiên cứu.

H4: Tuổi có mối tương quan cùng chiều với quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3.2. Cơ sở xây dựng mô hình nghiên cứu:

Tác giả lựa chọn mô hình nghiên cứu là mô hình hồi quy Logistic, để đánh giá những yếu tố nào thật sự tác động đến quản trị rủi ro tài chính của DNNVV tại Việt Nam. Tác giả kế thừa của Smith và Stulz (1985), Nance và cộng sự (1993), Haushater (2000), Hoa Nguyen (2002), Borokhovich và cộng sự (2004), Purnanandam (2008), Bartram và cộng sự (2009), Rashid Ameer (2010), Talat Afza (2011), Sprcic và Sevic (2012), Kouser và cộng sự (2016) để đưa ra mô hình có dạng như sau:

ERMit = f (DEAit, SIZEit,TANGIBLEit, CSAit, TAXit, AGEit).

3.3. Mô hình nghiên cứu

ERMit = β0 + β1DEAit + β2SIZEit + β3TANGIBLEit + β4CSAit + β5TAXit + β6AGEit + eit

Biến phụ thuộc: ERM là ký hiệu của biến quản trị rủi ro tài chính DNNVV i tại năm t. ERM đại diện cho biến phụ thuộc của mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động đến QTRRTC của DNNVV tại Việt Nam. Phân tích các chỉ tiêu từ báo cáo tài chính để nhận diện rủi ro tài chính DNNVV tại Việt Nam. Tác giả kế thừa theo cách của Bartram và cộng sự (2009); Haushalter (2000); Fan, Huang và Zhu (2013); Mã Văn Tuệ (2020) để đo lường quản trị rủi ro tài chính. ERM nhận giá trị là 1 khi DNNVV có một trong các rủi ro lãi suất, đòn bẩy tài chính, rủi ro tỷ giá, rủi ro biến động giá cả hàng hóa, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản từ báo cáo tài chính. Ngược lại, ERM nhận giá trị là 0.

Biến độc lập: DEA, SIZE, EBIR, TANGIBLE, CSA, TAX, AGE

4. Các yếu tố tác động đến quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

4.1. Phân tích đa biến hồi quy Logistic

Bảng 2. Thống kê mô tả các biến

Thống kê mô tả các biến

Nguồn: Tác giả tổng hợp chạy trên phần mềm stata

Bảng 2 AGE có giá trị trung bình bằng 13.58 cho thấy các doanh nghiệp trong có độ tuổi tương đối cao, doanh nghiệp được thành lập lâu nhất là 27 năm, thấp nhất là 3 năm. DEA có giá trị trung bình là 63.35% điều này cho thấy tiềm lực tài chính DNNVV tại Việt Nam chưa tốt, vẫn sử dụng ngân hàng là kênh tiếp cận nguồn vốn chủ yếu nhất; có những DNNVV sử dụng nợ vay gần bằng giá trị tài sản 99.93%. SIZE có trung bình là 24.37, giá trị nhỏ nhất và thấp nhất giao động từ 22.73 đến 29.43. CSA có giá trị trung bình là 0.176 ngụ ý rằng tỷ lệ tiền mặt trong các doanh nghiệp không nhiều, nguồn vốn được sử dụng để phát triển doanh nghiệp. CSA có giá trị lớn nhất là 1.23 và giá trị nhỏ nhất là 0.00017. TAX có giá trị 0.184 cho thấy doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa được ưu đãi về thuế nhiều. TANGIBLE doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu % cho tài sản cố định như văn phòng, nhà xưởng, kho bãi…, biến này có giá trị trung bình là 0.1109 cho thấy doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu giai đoạn 2008-2018 vẫn chưa chú trọng nhiều trong việc đầu tư vào tài sản cố định. Tiếp theo, khi đưa các biến vào mô hình phân tích, tác giả xem xét mức độ tương quan giữa các biến để tránh trường hợp có đa cộng tuyến xảy ra, với những cặp có hệ số tương quan > 0.8 thì sẽ có hiện tượng đa cộng tuyến nếu đưa vào mô hình. Ma trân tương quan giữa các biến trong mô hình ở Bảng 3.

Bảng 3. Phân tích tương quan

Phân tích tương quan

Nguồn: Tác giả tổng hợp chạy trên phần mềm stata

ERM có tương quan dương với biến CSA, ưu đãi TAX và chi cho tài sản cố địnhh TANGIBLE và AGE. Có tương quan âm với đại diện cho vấn đề sử dụng nợ DEA và SIZE. ERM có tương quan lớn nhất với biến SIZE với giá trị là 0.3778 và có tương quan nhỏ nhất với biến TANGIBLE (0.01). Chris Brooks (2014) cho rằng nếu hệ số tương quan của các biến độc lập không lớn hơn 0.8 thì không tồn tại vấn đề đa cộng tuyến trong mô hình. Kết quả phân tích tương quan của mô hình cho thấy điều đó. Để phân tích hồi quy ảnh hưởng của các yếu tố đến quản trị rủi ro tài chính của DNNVV Việt Nam trong giai đoạn 2008-2018, tác giả sử dụng mô hình logistic. Kết quả phân tích mô hình được trình bày ở Bảng 2 và Bảng 4.

Bảng 4. Phân tích hồi quy ảnh hưởng của các yếu tố đến quản trị rủi ro tài chính

Phân tích hồi quy ảnh hưởng của các yếu tố đến quản trị rủi ro tài chính

Nguồn: Tác giả tổng hợp chạy trên phần mềm stata

Bảng 4 phân tích kết quả hồi quy bằng mô hình hồi quy nhị phân logistic được ước lượng để tìm ra ảnh hưởng của các yếu tố đến QTRRTC, kết quả nghiên cứu cho thấy biến EBIR không có bằng chứng để kết luận có ý nghĩa đối với việc QTRRTC.Tác giả loại biến này ra khỏi mô hình và thực hiện lại hồi quy mô hình. Kết quả được thể hiện ở Bảng 5.

Bảng 5. Các yếu tố tác động đến quản trị rủi ro tài chính

Các yếu tố tác động đến quản trị rủi ro tài chính

Nguồn: Tác giả tổng hợp chạy trên phần mềm stata

Bảng 5 cho thấy, DEA (biến giải thích đại diện cho vấn đề sử dụng nợ của doanh nghiệp) và SIZE đại diện cho chi phí kiệt quệ tài chính, CSA, TAX, AGE có tương quan dương với quản trị rủi ro tài chính. Bên cạnh đó, TANGIBLE có tương quan âm với quản trị rủi ro tài chính.

4.2. Kết quả nghiên cứu các yếu tố tác động đến quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

DEA có tương quan cùng chiều với quản trị rủi ro tài chính ở mức ý nghĩa 5%, kết quả này trùng khớp với nghiên cứu của Rashid Ameer (2010), Purnanandam (2008), Lien và Yang (2008). Kết quả này cũng phù hợp với giả thuyết H1. DN có mức sử dụng đòn bẩy tài chính càng nhiều thì rủi ro có thể càng gia tăng. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu sử dụng quản trị rủi ro tài chính để giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp của mình.

SIZE có tương quan cùng chiều với quản trị rủi ro tài chính ở mức ý nghĩa 1%, kết quả này cũng phù hợp với giả thuyết H1 phù hợp với các nghiên cứu của Sprcic và Sevic (2012), Nance, Smith và Smithson (1993). Điều này cho thấy các doanh nghiệp nhỏ có tiến bộ công nghệ thấp.

CSA cũng có tương quan cùng chiều với quản trị rủi ro tài chính với mức ý nghĩa 1%. Kết quả này trùng khớp với Nance và cộng sự (1993), Froot, Scharfstein và Stein (1993). Kết quả cho thấy một khi doanh nghiệp có sẵn dòng tiền sẽ có thanh khoản cao để giảm bớt chi phí đại diện và kiệt quệ tài chính, từ đó họ sẽ sử dụng dòng tiền của mình để sử dụng vào các mục đích phòng ngừa nhằm hạn chế rủi ro tài chính.

TAX có tương quan cùng chiều với quản trị rủi ro tài chính ở mức ý nghĩa 1%, kết quả trùng khớp với giả thuyết H3. Theo lý thuyết phòng ngừa rủi ro có thể dẫn đến giảm số lượng thuế phải nộp khi doanh nghiệp phải chịu một hệ thống thuế lồi (Smith và Stulz 1985), nghĩa là một hệ thống thuế lũy tiến và/hoặc chịu các khoản khấu trừ thuế có thể xảy ra hoặc bù đắp cho các khoản lỗ trong các kỳ kế toán trong tương lai. Điều này là do phòng ngừa rủi ro tạo ra sự ổn định với hiệu suất cao hơn và kéo theo việc giảm số lượng thuế phải nộp. Và kết quả này cũng trùng khớp với các nghiên cứu của Rashid Ameer (2010), Bartram và cộng sự (2009).

TANGIBLE có tương quan ngược chiều với quản trị rủi ro tài chính ở mức ý nghĩa 1%, kết quả nghiên cứu không phù hợp với giả thuyết nghiên cứu của tác giả đồng thời cũng phù hợp với nghiên cứu của Bartram và cộng sự (2009). Kết quả cho thấy một khi doanh nghiệp có tỷ lệ tài sản hữu hình lớn, tức tỷ lệ đảm bảo trong quá trình vay vốn các tổ chức tín dụng còn hiệu quả thì các doanh nghiệp đó chưa quan tâm đến quản trị rủi ro tài chính.

AGE cũng có tương quan cùng chiều với quản trị rủi ro tài chính, tuy nhiên kết quả nghiên cứu chưa có đủ bằng chứng để kết luận. Có thể thấy rằng, doanh nghiệp có tuổi đời càng lớn càng nhận thấy tầm quan trọng của quản trị rủi ro tài chính, vì vậy họ sẵn sàng áp dụng các công cụ phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro cho tổ chức của mình.

5. Hàm ý chính sách

Quản trị rủi ro tài chính DNNVV cần phải được quán triệt và truyền đạt đến các bộ phận và cá nhân có liên quan tại doanh nghiệp cần được theo dõi, kiểm tra và thực hiện một cách nghiêm túc ở tất cả các khâu cụ thể từ việc nhận diện rủi ro, đo lường, kiểm soát rủi ro. Công việc truyền đạt cũng như theo dõi, kiểm tra cần được coi là một phần tất yếu và có tầm quan trọng không thể thiếu của quản trị rủi ro tài chính tại DNNVV. Việc nhận diện các khoản phải thu là tiêu chí hàng đầu và là sự sống còn của DNNVV. Trong khi đó, DNNVV đang có những quan điểm trong tiềm thức sai lầm đó là việc đi thu hồi khoản phải thu là trách nhiệm của bộ phận kế toán, phòng kế toán và khẳng định phòng kế toán có nhiệm vụ chính trong mọi việc giải quyết từ các khoản phải thu. Tuy nhiên, để thực hiện thu hồi các khỏan phải thu cũng như để thu hồi một cách có hiệu quả cần phải có sự phối hợp từ các bộ phận và các phòng ban, cụ thể bộ phận kế toán, phòng kế toán phải có được sự hỗ trợ của bộ phận bán hàng, bộ phận dịch vụ khách hàng, thậm chí của cả ban giám đốc.

Nâng cao nhận thức của ban giám đốc quản trị rủi ro tài chính. Đa số hiện nay ban giám đốc thường chỉ lưu ý rằng doanh nghiệp đang đối diện với một số rủi ro tài chính nhưng rất sơ sài, đồng thời không nêu cụ thể mức độ tác động của rủi ro đó đối với doanh nghiệp như thế nào, các giải pháp cụ thể phòng ngừa hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, thực tế, chất lượng của một tổ chức luôn bắt nguồn từ bộ phận lãnh đạo. Điều này có nghĩa, quản trị rủi ro tài chính cụ thể là ban giám đốc phải am hiểu các hoạt động quản trị rủi ro tài chính trong hoạt động kinh doanh sản xuất. Có thể ban giám đốc không cần phải am hiểu như là một chuyên gia nhưng phải tiếp cận một số khả năng như xác định mỗi công cụ hay biện pháp kiểm soát quản trị rủi ro đó và biết lý do tại sao. Ban giám đốc doanh nghiệp không nhất thiết phải liên quan mật thiết hằng ngày nhưng là người cuối cùng gánh mọi hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước đang duy trì chính sách lãi suất ổn định với biên độ điều chỉnh. Tuy vậy, biên độ cam kết được đưa ra chỉ là bài toán định hướng, còn thực tế, có thể linh hoạt điều chỉnh vì điều hành chính sách tỷ giá còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề thị trường chứ không phải lúc nào cũng như mong muốn của các cơ quan quản lý vĩ mô. Vì vậy, NHTM cần xây dựng chương trình tín dụng phù hợp dành riêng cho DNNVV. Xây dựng và triển khai tốt chương trình tín dụng đối với DNNVV sẽ giúp NHTM gia tăng doanh số tín dụng bởi đây chính là đối tượng khách hàng tiềm năng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, với một chương trình tín dụng phù hợp dành riêng cho DNNVV sẽ tạo được sự hấp dẫn đối với DNNVV, góp phần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Để đảm bảo thực hiện thành công chương trình tín dụng đối với DNNVV, các NHTM cần:

Xây dựng các sản phẩm tín dụng cụ thể dành cho DNNVV: các sản phẩm tín dụng này có thể hướng đến các DNNVV cụ thể theo định hướng trong chính sách tín dụng nói chung của ngân hàng. Trong các sản phẩm tín dụng này, NHTM nên luôn dành sự ưu tiên về lãi suất thấp hơn so với các khoản vay thông thường cho DNNVV, thời gian hoàn trả linh hoạt dựa trên thời gian thu hồi vốn hoặc dòng tiền của doanh nghiệp. Các sản phẩm tín dụng nên được thiết kế đơn giản, dễ hiểu để giảm bớt thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Xây dựng quy trình tín dụng chuẩn cho DNNVV: Quy trình tín dụng cho thấy các nguyên tắc tín dụng, trình tự giải quyết công việc, thủ tục hành chính và thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan. Hiện các NHTM đều đã xây dựng và áp dụng một quy trình tín dụng thống nhất trên toàn hệ thống. Là một đối tượng vay vốn của ngân hàng, DNNVV phải tuân theo quy trình chung này. Tuy nhiên, trong từng bước của quy trình, ngân hàng nên linh hoạt, thay đổi phù hợp với đặc điểm của đối tượng khách hàng là DNNVV. Quy trình tín dụng nên được xây dựng theo hướng rút ngắn thời gian tính từ lúc doanh nghiệp xin vay vốn cho đến lúc giải ngân. Cụ thể: trong khâu lập hồ sơ tín dụng và kiểm tra hồ sơ do DNNVV có quy mô nhỏ, cách thức tổ chức hoạt động thường không chuyên nghiệp, có nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được phương án kinh doanh cụ thể mà mới chỉ có ý tưởng kinh doanh hoặc thiếu các giấy tờ pháp lý sử dụng cho mục đích vay vốn. Vấn đề này đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải nắm bắt tâm lý của khách hàng, có sự nhiệt tình, tận tâm giúp đỡ khách hàng, hướng dẫn doanh nghiệp để họ hoàn thiện hồ sơ, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh.

Mở rộng hình thức tín dụng thuê mua là giải pháp hữu hiệu giúp các DNNVV khắc phục khó khăn về vốn để đầu tư đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất kinh doanh. Với hình thức này các ngân hàng thương mại tháo gỡ được tình trạng "đóng băng" về vốn và đảm bảo an toàn hơn hình thức thế chấp tài sản. Tín dụng thuê mua là loại hình tín dụng trung gian dài hạn, người có nhu cầu vay vốn không nhận tiền mua sắm thiết bị, tài sản cho mình mà nhận trực tiếp tài sản phù hợp với nhu cầu sử dụng. Người thuê mua thanh toán bằng tiền theo phương thức trả dần và sau thời hạn sử dụng nhất định, có thể mua lại chính tài sản đó.

Hàm ý về ưu đãi thuế, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể áp dụng theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, ban hành ngày 13/6/2019. Tuy nhiên, chính sách miễn, giảm, xóa nợ thuế tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế được áp dụng từ ngày 01/7/2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

  1. Bộ Tài chính (2009), Thông tư số 210/2009/TT-BTC: Hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, Hà Nội.
  2. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số133/2016/TT-BTC: Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hà Nội.
  3. Mã Văn Tuệ (2016). Quản trị rủi ro của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhà xuất bản Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Thị Ngọc Trang (2007). Quản trị rủi ro tài chính. Nhà xuất bản Thống kê.
  5. Nguyễn Thị Ngọc Trang (2008). Quản trị rủi ro tài chính trong các doanh nghiệp Việt Nam thời kỳ hậu WTO. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Mã số: B2007-09-26.
  6. Mã Văn Tuệ (2020). Quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thành phố Hồ Chí Minh (sách chuyên khảo). Nhà xuất bản Tài chính.

Tiếng nước ngoài

  1. Eckles, D. L., Hoyt, R. E., & Miller, S. M. (2014). The impact of enterprise risk management on the marginal cost of reducing risk: Evidence from the insurance industry. Journal of Banking & Finance, 49, 409-423.
  2. Kouser, R., Mahmood, Z., Bano, T., & Aamir, M. (2016).Determinants of Financial Derivatives Usage: A Case of Financial Sector of Pakistan. Pakistan Journal of Social Sciences (PJSS), 36(2).
  3. Falkner, E. M., & Hiebl, M. R. (2015). Risk management in SMEs: a systematic review of available evidence. The Journal of Risk Finance, 16(2), 122-144.
  4. Farrell, M., & Gallagher, R. (2019). Moderating influences on the ERM maturity-performance relationship. Research in International Business and Finance, 47, 616-628.
  5. Froot, K. A., Scharfstein, D. S., & Stein, J. C. (1993). Risk management: Coordinating corporate investment and financing policies. The Journal of Finance, 48(5), 1629-1658.
  6. Géczy, C., Minton, B. A., & Schrand, C. (1997). Why firms use currency derivatives. The Journal of Finance, 52(4), 1323-1354.
  7. Giraldo-Prieto, C. A., Uribe, G. J. G., Bermejo, C. V., & Herrera, D. C. F. (2017). Financial hedging with derivatives and its impact on the Colombian market value for listed companies. Contaduría y Administración, 62(5), 1572-1590.
  8. Gisemba, P. N. (2010). The Relationship between Credit Risk Management Practices and Financial Performance of SACCOs in Kenya (Doctoral dissertation, University of Nairobi, Kenya).
  9. Graham, J. R., & Smith, C. W. (1999). Tax incentives to hedge. The Journal of Finance, 54(6), 2241-2262.
  10. Haushalter, G. D. (2000). Financing policy, basis risk, and corporate hedging: Evidence from oil and gas producers. The Journal of Finance, 55(1), 107-152.
  11. Malik, M. F., Zaman, M., & Buckby, S. (2020). Enterprise risk management and firm performance: Role of the risk committee. Journal of Contemporary Accounting &Economics,16(1),100-178.
  12. Hosmer, D., & Lemeshow, S. (1989). Applied Logistic Regression. New York: Wiley & Sons.
  13. Hoyt, R. E., & Liebenberg, A. P. (2011). The value of enterprise risk management. Journal of risk and insurance, 78(4), 795-822.
  14. Hult, G. T. M., Ketchen, D. J., Griffith, D. A., Chabowski, B. R., Hamman, M. K., Dykes, B. J., ... & Cavusgil, S. T. (2008). An assessment of the measurement of performance in international business research. Journal of International Business Studies, 39(6), 1064-1080.
  15. Mayers, D. and Smith Jr., C.W. (1982) On the Corporate Demand for Insurance. Journal of Business, 55, 281-296.
  16. Mayers, D. and Smith Jr., C.W. (1987). Corporate Insurance and the underinvestment problem. The Journal of Risk and Insurance, 54(1), 45-54.
  17. Menard, S. (2001). Applied logistic regression analysis (Vol. 106). USA: SAGE Publications, Inc; 2nd edition
  18. Meulbroek, L. K. (2002). Integrated risk management for the firm: A senior manager's guide. Harvard Business School Working Paper, No. 02-046. https://www.hbs.edu/faculty/Publication%20Files/02-046_1b2591d5-909c-41c8-8bf9-7d605110fa35.pdf
  19. Mian, S. L. (1996). Evidence on corporate hedging policy. Journal of Financial and quantitative Analysis, 31(3), 419-439.
  20. Miller, K. D. (1992). A framework for integrated risk management in international business. Journal of international business studies, 23(2), 311-331.
  21. Modigliani, F., & Miller, M. H. (1958). The cost of capital, corporation finance and the theory of investment. The American economic review, 48(3), 261-297.
  22. Modigliani, F., & Miller, M. H. (1963). Corporate income taxes and the cost of capital: A correction. The American economic review, 53(3), 433-443.
  23. Rashid Ameer (2010). Determinants of corporate hedging practices in Malaysia. International Business Research, 3(2), 120-130.
  24. Smith, C. W., & Stulz, R. M. (1985). The determinants of firms' hedging policies. Journal of financial and quantitative analysis, 20(4), 391-405
  25. Nance, D. R., Smith Jr, C. W., & Smithson, C. W. (1993). On the determinants of corporate hedging. The journal of Finance, 48(1), 267-284.

FACTORS AFFECTING THE FINANCIAL

RISK MANAGEMENT OF SMALL AND MEDIUM-SIZED

ENTERPRISES IN VIETNAM

• Postgraduate student MAI THI TUYET NHUNG

Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

This study assesses the factors affecting the financial risk management of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Vietnam. The study’s data sets were collected from financial statements of 400 SMEs in Vietnam from 2008 to 2018. The study’s results show that the financial exhaustion cost, taxes, the ratio of cash and cash equivalents to total assets (CSA) and the firm age have positive correlations with the financial risk management. 

Keywords: financial risk, financial risk management, small and medium enterprise

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2021]