Cách mạng 4.0 tại các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

ThS. KIỀU THU HƯƠNG và ThS. VŨ LAN HƯƠNG (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chính phủ, doanh nghiệp, kinh doanh, tổ chức, cá nhân, an ninh… Không ngoại lệ, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức và cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới, khi các sản phẩm, dịch vụ được tăng cường với khả năng làm tăng giá trị gia tăng mới.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số sẽ là: Trí tuệ nhân tạo - artificial intelligence (AI), Internet vạn vật/Kết nối vạn vật qua internet - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Trong bài viết, nhóm tác giả tập trung vào hai hoạt động chính mà các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam ứng dụng trong hoạt động kinh doanh là Internet vạn vật/Kết nối vạn vật qua internet - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), đồng thời đề xuất một số giải pháp tăng cường hoạt động này cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp lữ hành.

1. Một số vấn đề cơ bản về các yếu tố của cách mạng công nghiệp 4.0 trong kinh doanh du lịch

Với đặc thù là một ngành Dịch vụ, ngành Du lịch được hình dung có rất nhiều khâu. Đối với du khách, đầu tiên chúng ta phải tìm địa chỉ, seach trên mạng, tìm kiếm hotel, tìm các chỗ đi lại và giá cả hợp lý nhất. Tiếp theo là mua vé máy bay rồi các chỉ dẫn đường đi. Trong mỗi khâu này, cách mạng công nghiệp 4.0 đều có tác dụng.

Bên cạnh đó, với cách mạng 4.0 đã phủ sống toàn cầu, việc sử dụng viber hay dùng các phần mềm khác như zalo… cho phép tương tác gần như tức thì, không có chậm trễ ngay cả khi ở nước ngoài. Nên khi đi du lịch ở nước ngoài vẫn có thể giữ được liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân, giải quyết công việc.

Đối với các đơn vị du lịch, đây cũng là một cơ hội để chúng ta có thể lập hồ sơ khách hàng trên mạng internet, đưa những hình ảnh tốt đẹp lên nhằm quảng bá cho hình ảnh của doanh nghiệp, đồng thời thông qua các diễn đàn trên internet, ghi nhận lại những lời phàn nàn của du khách về chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp mình để có biện pháp sửa đổi, cải tiến chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

1.1. Internet vạn vật

Tại Việt Nam, khái niệm Internet vạn vật đã trở thành cụm từ quen thuộc, được giới công nghệ thông tin nhắc đến nhiều trong mọi sự kiện công nghệ thông tin. Các chuyên gia công nghệ nhận định rằng, trong tương lai, mọi đồ vật sẽ tích hợp phần mềm, cảm biến để có thể kết nối với nhau và tương tác với con người nhằm tạo nên một thế giới vạn vật kết nối Internet. Điều này sẽ làm thay đổi cuộc sống của con người, giúp cuộc sống của chúng ta tiện lợi hơn từ những kết nối thông minh.

Khi mọi thứ đã được kết nối với nhau và kết nối với mạng internet, khách du lịch hoàn toàn có thể điều khiển chúng từ bất cứ đâu chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối mạng. Sở hữu những thành tựu trong lĩnh vực này nghĩa là doanh nghiệp lữ hành đang nắm giữ trong taychìa khóa thành côngtrong tương lai.

Ước tính, đến năm 2020 sẽ có khoảng 50 tỷ vật thể được kết nối Internet trên toàn thế giới. Nó sẽ tạo ra một mạng lưới vạn vật kết nối vô cùng khổng lồ. Đó là thế giới mà mọi thứ sẽ thay đổi liên tục nhờ cảm biến và Internet. Mạng lưới Internet vạn vật không đơn thuần là một cuộc cách mạng, tạo ra những sản phẩm tốt hơn, thông minh hơn với chi phí thấp hơn hay khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, mạng lưới Internet vạn vật có thể sẽ mang đến sự bùng nổ kinh tế mới khi thay đổi phương thức hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp lữ hành nói riêng từ việc tạo ra sản phẩm mới cho đến việc tương tác với khách du lịch. Công nghệ này thực sự có thể thay đổi cuộc sống, công việc và thế giới theo hàng triệu cách khác nhau.

1.2. Dữ liệu lớn (Big Data)

Big Data (“dữ liệu lớn”) là tập hợp dữ liệu có dung lượng vượt mức đảm đương của những ứng dụng và công cụ truyền thống. Thuật ngữ Big Data được sử dụng để chỉ những bộ dữ liệu khổng lồ, chủ yếu không có cấu trúc, được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, Big Data lại chứa trong mình rất nhiều thông tin quý giá mà nếu trích xuất thành công, nó sẽ giúp rất nhiều cho việc kinh doanh.

Trong kinh doanh du lịch, dữ liệu lớn là cơ sở giúp doanh nghiệp phân tích khách hàng và những hành vi của khách hàng, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả.

2. Thực trạng ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 tại các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam

2.1. Ứng dụng internet vạn vật tại các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam

Các doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam khá chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, coi đây là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình như Vietravel, Vietrantour, Five Stars Travel… bắt đầu từ việc cơ bản - số hóa dữ liệu, bao gồm cập nhật thông tin tour tuyến, chương trình ưu đãi, hoạt động của doanh nghiệp lên website; ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm của khách hàng; nâng cấp phần mềm điều hành tour; triển khai cổng thanh toán điện tử; thiết lập kênh tương tác trực tiếp với khách... Thông qua việc tích hợp và minh bạch thông tin, bám sát phản hồi của khách hàng, doanh nghiệp sẽ dần hình thành những sản phẩm du lịch mới theo kịp xu hướng chung. Tức là các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đang cố gắng tạo ra các sản phẩm du lịch thông minh. Du lịch thông minh là một trong những kết quả sự ứng dụng internet vạn vật của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam vào hoạt động kinh doanh của mình.

Để internet vạn vật thực sự phát huy hiệu quả, cũng cần hiểu cho đúng du lịch thông minh. Không phải cứ có công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình là có du lịch thông minh, bởi du lịch thông minh là sử dụng công nghệ hướng tới sự thuận lợi cho các bên.

Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam hiện nay đã ứng dụng Internet vạn vật vào rất nhiều các hoạt động: Internet vạn vật trong các hoạt động với khách hàng, internet vạn vật trong mối quan hệ với các đối tác, với nhà cung cấp, với các cơ quan quản lý về du lịch. Đối với khách hàng, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam ứng dụng Internet vạn vật theo dọc hành trình của khách hàng, từ tạo cảm hứng bằng thông tin hiển thị trên website hấp dẫn với nhiều chương trình khuyến mại, thông tin hiển thị cá nhân hóa, chọn lọc từ hàng nghìn khách sạn và các chương trình tour đến thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc trực tiếp, khuyến khích chia sẻ cảm nhận khách hàng trên facebook, duy trì trải nghiệm khách hàng bằng tương tác điện tử (email, sms)… Việc ứng dụng này có thể chia làm 2 hoạt động chính:

* Truyền thông

Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch về tác động của các kênh thông tin đến hành vi tiêu dùng, khách du lịch thường sử dụng 5 - 6 kênh thông tin để chọn sản phẩm, nhà cung cấp, gồm thông tin truyền miệng (79%), website (71%), ý kiến chuyên gia trên internet (63%), mạng xã hội (63%), 31% khách hàng tin vào những người quen biết, 28% các ý kiến tích cực trên mạng xã hội tác động đến quyết định tiêu dùng. Khảo sát trên cho thấy tiềm năng xúc tiến, quảng bá du lịch qua e- marketing là rất lớn, nếu được ứng dụng thích hợp.

Trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch thông minh qua internet cho khách hàng, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tạo ra các fanpage, website và các apps như là các kênh truyền thông của công ty. Thông qua các phương tiện này và thông qua internet vạn vật, các doanh nghiệp chủ động quảng bá thông tin về tour tuyến, chương trình khuyến mại và cả sự kiện của công ty đến khách du lịch.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cũng chú trọng nâng cấp phần mềm điều hành tour nhằm chuyên nghiệp hóa dịch vụ du lịch, hạ tầng công nghệ, đổi mới - nâng cấp website theo chuẩn giao diện smart phone, ipad, desktop nhằm cải thiện quá trình duyệt thông tin du lịch trên mạng của khách hàng theo hướng thuận tiện hơn. Tạo box livechat (hộp thoại trò chuyện trực tuyến) để khách hàng được chủ động tương tác, nhận giải đáp thắc mắc từ nhân viên tư vấn tức thời, cho phép khách hàng đăng ký nhận tin khuyến mại chủ động. Mở rộng quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội để tiếp cận và tương tác tốt hơn với khách hàng.

Bên cạnh đó, để tăng mức độ tiếp xúc các thông tin truyền thông của doanh nghiệp đến với khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam còn tiến hành quảng cáo qua các banner được đặt trên những website có số lượng độc giả truy cập đông, website rao vặt, tham gia các cổng thông tin thương mại điện tử. Các doanh nghiệp lữ hành còn tiến hành marketing trực tiếp tới khách hàng qua email hoặc viết những bài viết về doanh nghiệp mình trên những diễn đàn liên quan đến du lịch.

* Bán tour trực tuyến

Hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành đã áp dụng internet vạn vật vào việc quản lý bán hàng. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã triển khai website bán tour trực tuyến và cố gắng cải tiến để xây dựng giao diện web có thiết kế ấn tượng và thân thiện hơn với du khách, bổ sung thêm các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách. Hệ thống bán tour trực tuyến cho phép các thành viên trong đoàn du lịch, dù là gia đình hay văn phòng, có thể cùng ngồi ngay trước màn hình máy tính để thảo luận, lựa chọn, hay thiết kế chuyến đi riêng cho cả đoàn. Các cá nhân không cần bước chân khỏi nhà cũng có thể lên mạng tìm thông tin về các tour đang có để cùng nhau ghép thành nhóm. Tất cả các dịch vụ mua bán được tổ chức theo giao diện thân thiện để du khách có thể dễ dàng tìm bằng những thao tác đơn giản.

Ngoài các chương trình tour, địa chỉ bán hàng trực tuyến trong website của các doanh nghiệp lữ hành này cũng giúp du khách lựa chọn và đặt mua trực tuyến tất cả những dịch vụ như hàng không, tàu hỏa, thuê phương tiện vận chuyển, khách sạn, khu nghỉ mát, nhà hàng, các dịch vụ giải trí…

Hệ thống bán tour trực tuyến tại các doanh nghiệp lữ hành này không làm việc một cách độc lập, mà có sự hợp tác của cả một hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ trong cả nước và nhiều nước trên thế giới. Các sản phẩm và dịch vụ của các đối tác được đưa lên hệ thống đặt chỗ tự động để du khách lựa chọn và đăng ký. Nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam còn liên kết e-banking, thanh toán qua các cổng thanh toán… để hoàn tiền, giảm giá cho khách hàng khi mua tour. Nhiều website bán tour trực tuyến trong lĩnh vực lữ hành được đánh giá cao thông qua các giải thưởng chuyên ngành công nghệ thông tin và ngành Du lịch, đã trở thành địa chỉ quen thuộc của đông đảo du khách khi có nhu cầu tra cứu thông tin, đặt các dịch vụ tham quan trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cũng đang hoàn thiện App bán tour trực tuyến để du khách có thêm một phương tiện tìm hiểu thông tin và đặt tour du lịch.

2.2. Ứng dụng big data tại các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam

Trong kinh doanh lữ hành tại Việt Nam, dữ liệu lớn cho phép đo lường các chỉ số hiện có như GDP của ngành Du lịch và những chỉ số mới nhờ phân tích dữ liệu lớn. Nhờ công nghệ dữ liệu lớn, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam thu thập dữ về khách du lịch như quốc tịch, thời gian lưu trú, chỗ ở ưa thích của khách du lịch và địa điểm du lịch họ thích đến và khoản tiền họ chi tiêu từ nhiều nguồn khác nhau. Công nghệ dữ liệu lớn đặc biệt hữu hiệu trong việc thu thập thông tin về quốc tịch, mục đích du lịch (nghỉ dưỡng hay công việc). Dựa trên dữ liệu này, nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tìm ra thị trường mục tiêu cho chính doanh nghiệp mình.

Từ dữ liệu thu thập được, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam xác định chiến lược marketing, đưa ra những gói dịch vụ phù hợp với sở thích của khách hàng và tiếp cận tới thị trường tiềm năng. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam còn sử dụng công nghệ dữ liệu lớn để đưa ra quyết định đúng đắn dựa trên số liệu phân tích. Họ có thể xác định được nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Công nghệ dữ liệu lớn còn giúp đưa ra dự đoán về liệu sản phẩm mới có phù hợp với thị trường mà họ đang nhắm tới không.

Công nghệ dữ liệu lớn không chỉ được dùng như một công cụ dự đoán xu hướng du lịch tương lai mà còn được dùng để dự đoán và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ngay trong thực tại. Công nghệ này giúp các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đưa ra gợi ý phù hợp với sở thích và nhu cầu của khách du lịch.

2.3. Đánh giá chung

2.3.1. Ưu điểm và nguyên nhân

- Các doanh nghiệp lữ hành đã biết áp dụng công nghệ để cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành đòn bẩy phát triển cho doanh nghiệp.

- Tạo điều kiện cho những khách du lịch có thể tìm kiếm thông tin, xây dựng cho mình các tour, sản phẩm thích hợp với khách, gia tăng giá trị cho khách.

Có được những thành công trên là do các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã chủ động nắm bắt được cơ hội, nhận thức được rằng mình cần phải thay đổi nếu không muốn bị lép vế trước các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài - những doanh nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong kinh doanh lữ hành.

2.3.2. Nhược điểm và nguyên nhân

- Hiện nay, hầu như 100% doanh nghiệp lữ hành đã vận dụng Internet vạn vật trong việc phát triển du lịch nhưng vẫn còn ở những giai đoạn sơ khai. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ ứng dụng internet vào hoạt động truyền thông cho sản phẩm. Nếu chỉ dừng lại ở những giai đoạn như này, thì chưa thể khai thác được hết các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, quản lý và điều hành doanh nghiệp. Thực trạng này sẽ dẫn tới năng suất và tính cá thể hoá các sản phẩm dịch vụ còn thấp.

- Mặc dù hệ thống bán tour trực tuyến đã được nhiều doanh nghiệp lữ hành triển khai và thu được kết quả tốt, song với đối tượng khách outbound, cách thức mua này khá mới mẻ và rủi ro, do tâm lý của người dân Việt Nam chưa tin tưởng nhiều vào những giao dịch mua bán qua mạng Internet nên họ chấp nhận việc mất thời gian đến văn phòng công ty, đại lý lữ hành mua chương trình du lịch để đảm bảo hơn. Còn với khách inbound, việc mua các chương trình du lịch qua mạng Internet chưa nhiều do những rào cản, hạn chế về thanh toán trực tuyến. Hình thức thanh toán chưa đa dạng và tiện lợi.

- Trình độ tổ chức tour trực tuyến của nhân viên vẫn còn hạn chế. Nhiều khách hàng phàn nàn đăng ký mua tour trực tuyến, được hứa hẹn rồi bị hoãn chuyến. Sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp để lôi kéo những khách hàng này quay trở lại sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp, điều này sẽ gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp lữ hành thườngkhông có quy chuẩn để thu thập dữ liệu khiến cho dữ liệu lớn không được tận dụng triệt để. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành đến nay vẫn chưa hiểu hết về dữ liệu lớn và ứng dụng của nó. Nguyên nhân của hạn chế này một phần là do thông tin được thu thập thường quá phức tạp và khó hiểu, ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu và thu thập dữ liệu lớn ít. Bên cạnh đó, dữ liệu thu thập phải tập trung vào trải nghiệm của khách du lịch nhưng vẫn phải chú trọng bảo mật thông tin của họ, do đó nên khá khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tận dụng hết ưu điểm bộ dữ liệu lớn trong hoạt động kinh doanh của mình.

3. Một số giải pháp tăng cường ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 tại các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam

- Liên kết với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trong chuỗi du lịch gồm nhà hàng, vận chuyển, khách sạn, đơn vị lữ hành, các ngân hàng, bảo hiểm... Liên kết tạo sự thuận tiện cho khách hàng khi đặt riêng lẻ hoặc tổng hòa các dịch vụ du lịch chỉ bằng một ứng dụng qua Internet nhằm cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến ngày càng hoàn thiện cho đông đảo du khách.

- Chủ động đổi mới mô hình quản lý, phục vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đưa ra các kế hoạch chiến lược và ứng dụng công nghệ thông tin vào các kế hoạch đó nhằm thiết lập hệ sinh thái du lịch thông minh, tăng cường ngân sách dành cho việc số hóa. Tuy nhiên, cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là sự đa dạng. Doanh nghiệp lữ hành Việt muốn nắm bắt xu hướng của cách mạng 4.0 có thể tỏa theo rất nhiều hướng chứ không cần phải giới hạn tư duy trong di động hay thiết bị thông minh. Do đó, nó đòi hỏi sự sáng tạo và nhạy bén của doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh hoạt động đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp. Trong lĩnh vực du lịch, khách hàng không chỉ cần thông tin chi tiết để lựa chọn chuyến đi mà còn cần mua dịch vụ từ xa một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Bán hàng trực tuyến vừa là kênh quảng bá thương hiệu tốt vừa mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhưng nhiều công ty vẫn chưa làm được hoặc có triển khai nhưng làm chưa tốt. Bên cạnh vấn đề vốn đầu tư cho kỹ thuật mà còn liên quan đến việc phát triển nhân sự. Để phát triển kênh bán hàng này, doanh nghiệp phải đào tạo được đội ngũ nhân viên biết cách và có thói quen bán trực tuyến cũng như theo dõi thanh toán, chăm sóc khách và tạo kho sản phẩm đủ lớn.

- Tăng cường ngân sách cho hoạt động số hóa dữ liệu lớn: Cuộc cách mạng 4.0 đang dẫn tới nhu cầu phải cá thể hóa các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có du lịch. Để làm được điều này, chúng ta phải hiểu rõ hơn nhu cầu của du khách thông qua những công nghệ như Internet vạn vật hay dữ liệu lớn. Chuyển đổi số là điều bắt buộc phải làm, nhưng các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn vì mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về số hóa không cao và chưa đồng đều. Khi thực hiện việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp và toàn bộ quy trình kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần bổ sung ngân sách dành cho việc số hóa nhằm đẩy mạnh các hoạt động này.

3. Kết luận

Hiện nay, Việt Nam ở vị trí thứ 17 trong bảng xếp hạng những quốc gia có mức độ phổ cập Internet hàng đầu thế giới và có hơn 53% dân số sử dụng internet hàng ngày. Ngoài ra, có 90% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tra cứu thông tin du lịch qua internet. Đây là những lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển một nền tảng du lịch thông minh nhờ ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Việc chủ động nắm bắt cơ hội để cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành đòn bẩy phát triển, đó là hướng đi đúng của ngành Du lịch Việt Nam. Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần phải nắm được lợi ích của công nghệ và ứng dụng chúng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách linh hoạt, hỗ trợ và gia tăng giá trị cho khách du lịch trong quá trình thực hiện chuyến đi của mình ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bùi Quang Hải (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 - Những thách thức, thời cơ ảnh hưởng đến ngành Du lịch Việt Nam, tapchithethao.vn

2. Karandeep Kaur, Rajdeep Kaur (2016), Internet of Things to promote Tourism: An insight into Smart Tourism, International Journal of recent trends in engineering & research.

3. http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/day-manh-phat-trien-du-lich-thong-minh-o-viet-nam-522024

4. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/24108

INDUSTRY 4.0 IN THE TRAVEL BUSINESS IN

VIETNAM - CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

● MA. KIEU THU HUONG

● MA. VU LAN HUONG

Thuongmai University

ABSTRACT:

The industrial revolution 4.0 impacts strongly on all aspects of socio-economic life, government, enterprises, business, organizations, individuals, security, etc. No exception, travel businesses also face many challenges and opportunities brought by the 4.0 industrial revolution, as products and services are enhanced with the ability to include new value added.

In the Industrial Revolution 4.0, the core elements of Digital will be: artificial intelligence (AI), Internet of Things (IoT) and data Big Data.

In the article, the group focuses on two main activities that Vietnamese travel businesses use in their business: Internet of Things (IoT) and data Big Data, and proposed some solutions to increase this activity for the travel business in Vietnam.

Keywords: Industrial revolution 4.0, travel business.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây