Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội, thách thức cho ngành dệt may

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS cho biết, cuộc CMCN 4.0 với các ứng dụng phổ biến của tự động hóa, Internet kết nối vạn vật (IoT) … đang tạo ra cả thách thức và cơ hội lớn cho ngành dệt may.

Để giúp các doanh nghiệp chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) cũng như giảm thiểu các thách thức, ngày 9/7, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tổ chức hội thảo kết nối kỹ thuật số với tên gọi “Sản xuất tốt hơn với sự trợ giúp kỹ thuật số trong ngành dệt may” tại Hà Nội.

Mục đích hội thảo nhằm giới thiệu các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, chia sẻ kiến thức và tăng cường hợp tác trong ngành dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc và các nước châu Á. Đây là chương trình đào tạo thường niên mà KITECH và VITAS phối hợp tổ chức để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS cho biết, cuộc CMCN 4.0 với các ứng dụng phổ biến của tự động hóa, IoT, dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI)… đang tạo ra cả thách thức và cơ hội lớn cho ngành dệt may.

Cụ thể, với việc áp dụng tự động hóa, giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất, ngành dệt may sẽ có cơ hội sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu tồn kho…

CMCN4.0 ngành dệt may
Doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc giới thiệu sản phẩm dệt may tại Hội thảo “Sản xuất tốt hơn với sự trợ giúp kỹ thuật số trong ngành dệt may”. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

 

Việc áp dụng công nghệ in 3D cho phép tạo ra sản phẩm phù hợp với từng cá thể sử dụng, thỏa mãn tối đa nhu cầu người dùng và qua đó giảm lãng phí cho nhà sản xuất.

Đặc biệt, năng suất lao động cao sẽ tạo cơ hội cho người lao động có thu nhập cao, giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định.

Ông Hoàng Xuân Hiệp, đến từ Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu trong những ngành thâm dụng lao động có kỹ năng thấp.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cũng nhận định, CMCN 4.0 cũng đặt ra thách thức cho ngành dệt may đó là người máy (robot), AI sẽ thay thế sức lao động của con người; hoạt động sản xuất, chế tạo trong tương lai sẽ tập trung tại các nước công nghiệp phát triển. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, chi phí nhân công và các công đoạn gia công, lắp ráp ngày càng ít quan trọng và dần được thay thế hoàn toàn bởi người máy với chi phí thấp hơn.

Theo chương trình hội thảo, ngày 10/7, các đại biểu sẽ tới tham quan Nhà máy dệt may Bảo Minh tại Nam Định./.