Cải cách hành chính Bộ Công Thương: Nhìn từ sự vận hành và từ phía doanh nghiệp

Công cuộc cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Công Thương có thể nhìn từ 2 phía. Nhìn từ sự vận hành, đó là ý thức mới trong thực thi công vụ của một nền hành chính phục vụ; và nhìn từ kết quả, là sự hư

Nền hành chính phục vụ

Với doanh nghiệp và công luận, nhiều người sẽ nhớ đến 3 cột mốc với chùm những con số ấn tượng. Cuối năm 2016 là Quyết định số 4846 của Bộ trưởng Bộ Công Thương bãi bỏ 15 thủ tục và đơn giản hóa 108 TTHC.

Cột mốc thứ hai, tháng 9/2017, với Quyết định 3610a/QĐ-BCT, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 134 TTHC. Đồng thời, cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện, tương đương 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong 16 ngành, nghề; xóa bỏ 420/720 mã HS kiểm tra trước thông quan; triển khai 161 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, và 4

Cột mốc thứ ba, theo quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27/4 vừa qua, có 54 TTHC được bãi bỏ, đơn giản hóa. Trong đó, bãi bỏ 12 thủ tục và đơn giản hóa 42 thủ tục trong 10 lĩnh vực.

3 cột mốc nói trên mang dấu ấn bao trùm, đằng sau những con số thống kê là tầm nhìn mang tính hệ thống, đột phá về quan điểm phát triển. Tư duy mới về quan điểm phát triển đó được hình thành ngay từ đầu nhiệm kỳ. Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến (tháng 5 năm 2016) lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ ra 5 nhiệm vụ đến cuối năm, trong đó nhấn mạnh đến “một nền hành chính phục vụ” với 3 nhiệm vụ. Đó là: Quyết liệt CCHC phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy pháp pháp luật và các đề án, chiến lược, quy hoạch; tập trung đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nền hành chính phục vụ là gì? Người đứng đầu Bộ Công Thương giải thích bằng cách đưa ra 2 thước đo: “Cải cách hành chính không chỉ nhằm vào thứ hạng của Bộ Công Thương mà còn phải đo bằng sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp”. Thước đo “Thứ hạng” là thực hiện tốt 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần, theo chuẩn “form” của Bộ Nội vụ, thể hiện sự chuyên nghiệp của tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, thước đo thứ hai “sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp” là đích đến của mọi cuộc CCHC.

Để tạo ra tinh thần, ý thức công vụ mới dựa trên triết lý kiến tạo, phát triển, lãnh đạo Bộ không chỉ giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị mà còn chỉ đạo thống kê, đo lường khối lượng, tiến độ thực hiện. Tại một cuộc họp ngày 6/6/2016, hẳn nhiều thủ trưởng đơn vị phải giật mình khi Bộ trưởng yêu cầu Cục trưởng Cục Thương mại điện tử thống kê số đơn vị đã thực hiện Quyết định 2226 (mới có hiệu lực 4 ngày trước đó) về sử dụng hệ thống xử lý văn bản điện tử (iMOIT), đồng thời yêu cầu nêu đích danh những đơn vị chưa thực hiện.

Đến nay, việc thống kê, đo lường đã trở thành nề nếp. Trong Báo cáo tổng kết công tác CCHC hàng năm của Bộ Công Thương đều có những phụ lục liệt kê những đầu mục, nhiệm vụ đã làm; những đầu mục, nhiệm vụ còn nợ, chi tiết tới từng số phần trăm nhiệm vụ.

Ý thức công vụ mới gắn chặt trách nhiệm tham mưu của cấp cục, vụ; cầu thị lắng nghe người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia độc lập dẫn đến bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một loạt văn bản pháp quy theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân như 3 dấu ấn, 3 cột mốc đã nói ở trên.

Cũng với ý thức mới, guồng máy hành chính Bộ Công Thương đề cao trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân về mọi hoạt động của mình, như tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia về vận hành hồ thủy điện an toàn; thuê công ty nước ngoài tư vấn quy hoạch ngành thép; giải trình hiện trạng bán hàng đa cấp, thu mua nông sản ở địa phương…

Ý thức công vụ mới tạo động lực cho cán bộ - công chức chủ động hơn, có tầm nhìn rộng mở hơn theo hướng lấy tất cả những gì ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến thị trường, đến sự làm ăn của người dân, doanh nghiệp… làm chức năng, nhiệm vụ của mình. Có lẽ, không gì hơn là lấy dẫn chứng từ 3 cuộc họp trong 3 tuần liên tiếp của tháng 9/2017 để minh họa cho câu chuyện: Ý thức công vụ mới tạo ra nền hành chính phục vụ. Đầu tiên là cuộc họp ngày 5/9, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị phải rà soát 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKKD) để cắt giảm. Tiếp đó là cuộc họp ngày 15/9, Tổ công tác đặc biệt của Bộ trưởng đề xuất 2 phương án: Hoặc cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số ĐKKD; hoặc cắt giảm 612 ĐKKD, tương đương với 50,3%. Tuy nhiên, điểm nhấn của cuộc họp này là chuyện Bộ trưởng thống nhất với ý kiến của Tổ công tác “Vẫn còn khoảng 100 ĐKKD khác cần tiếp tục được rà soát để cắt giảm bổ sung”.

Đây chính là cơ sở để ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký ban hành Quyết định 3610a/QĐ-BCT với 675 ĐKKD được cắt giảm, cao hơn 63 điều kiện của phương án cao nhất và chiếm tới 55,5% ĐKKD.

Tương tác với người dân, doanh nghiệp

Công cuộc CCHC của Bộ Công Thương có thể nhìn từ 2 phía. Nhìn từ sự vận hành, đó là ý thức mới trong thực thi công vụ của một nền hành chính phục vụ như đã nói ở trên; và nhìn từ kết quả, là sự hưởng lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư khi sử dụng dịch vụ công thuộc Bộ.

Hai năm qua, tại các hội nghị, họp giao ban hay xuống làm việc trực tiếp tại cơ sở, có lẽ doanh nghiệp là người cảm nhận rõ nét nhất sự khẩn trương của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ như đang chạy đua với thời gian để bắt kịp những cơ hội mở hướng đột phá cho ngành, cho doanh nghiệp.

Sự quyết liệt của Bộ Công Thương được thể hiện một cách mạnh mẽ từ Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Công Thương đã đưa ra định hướng tìm những giải pháp cụ thể thông qua việc tăng cường tương tác với người dân, với doanh nghiệp để khơi thông cho sản xuất, xuất khẩu.

Việc cắt giảm TTHC và ĐKKD 3 đợt trong hai năm qua chính là kết quả của sự tương tác với người dân, doanh nghiệp thông qua các hội nghị, hội thảo, qua Cổng thông tin Điện tử của Bộ. Và Chính phủ điện tử, nền hành chính điện tử chính là môi trường lý tưởng để cơ quan quản lý thực hiện sự tương tác này.

Sự tương tác của Bộ Công Thương với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thông qua nhiều ứng dụng khác nhau, như trao đổi trực tiếp qua thư điện tử, sử dụng các công cụ tra cứu, tải xuống các biểu mẫu và tài liệu. Trong các năm 2016, 2017, và những tháng đầu năm 2018, Cổng thông tin của Bộ đã trả lời trực tuyến hàng nghìn câu hỏi của người dân và doanh nghiệp.

Các tương tác này giúp tiết kiệm thời gian và có thể thực hiện trực tuyến 24 giờ, thay vì 8 giờ hành chính theo cách thức truyền thống. Sự tiết kiệm thời gian khiến cho năng suất làm việc của công chức tăng lên, sự hưởng lợi của doanh nghiệp tăng lên. Ít ai có thể hình dung số lượng hồ sơ được Bộ Công Thương xử lý trên môi trường mạng mỗi năm lên tới hơn 700.000 hồ sơ! Hai năm 2016 và 2017 Bộ Công Thương, gửi hơn 200.000 bộ hồ sơ điện tử tới Cơ chế một cửa quốc gia. So với tổng số hơn 400 ngàn bộ hồ sơ hành chính mà 10 bộ ngành đã xử lý trên Cơ chế một cửa quốc gia thì số hồ sơ điện tử của Bộ Công Thương chiếm gần một nửa.

Lợi ích thực tế mà doanh nghiệp được hưởng từ một cửa quốc gia là gì? Thay cho việc chạy đi chạy lại nộp hồ sơ ở các bộ, ngành, đợi sự kiểm tra, chấp thuận rồi “ôm” bộ hồ sơ ấy về nộp cho Hải quan, thì doanh nghiệp chỉ việc gửi hồ sơ trực tuyến là xong. Các bộ, ngành có trách nhiệm xử lý hồ sơ và gửi tới Cơ chế một cửa quốc gia. Tiếp đến, cơ quan Hải quan lấy trực tiếp kết quả hồ sơ trên mạng, rồi làm thủ tục thông quan ngay cho doanh nghiệp.

Theo tính toán, thời gian chuẩn bị hồ sơ điện tử nhập khẩu giảm 30 giờ (từ 106 giờ xuống còn 76 giờ); thời gian chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu giảm 33 giờ (từ 83 giờ xuống còn 50 giờ). Chi phí trung bình để chuẩn bị hồ sơ khoảng 2,5 USD/giờ. Mỗi lô hàng việc rút ngắn khoảng 30 giờ tiết kiệm được 75 USD. Với hơn 20 triệu lô hàng xuất nhập khẩu trong năm 2016, và 2017, chỉ riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ ước tiết kiệm được khoảng gần 2 tỷ USD.

Và điều quan trọng nhất, thông qua sự tương tác trên môi trường mạng, mọi người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có thể tham gia xây dựng chính sách, đóng góp vào quá trình xây dựng luật pháp, quá trình điều hành của Bộ Công Thương một cách tích cực.

Nếu tính từ văn bản đầu tiên thuộc nhiệm kỳ mới Bộ Công Thương 2016-2021 là Quyết định 1934/QĐ-BCT ngày 19/5/2016 về kiện toàn đầu mối CCHC của Bộ Công Thương, thì đến nay công tác cải cách TTHC, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ đã được 2 năm.

Qua 2 Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 và 2018, Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là bộ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, trong cơ cấu lại bộ máy, trong xây dựng thể chế, thực hiện tốt Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Sự đi đầu trong cải cách TTHC mang đến cho nền kinh tế những chỉ số ấn tượng về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, tăng trưởng bán lẻ... Sự đi đầu trong cải cách TTHC còn vun bồi, xây dựng được tầm nhìn mang tính hệ thống trong quản lý, và mang đến niềm tin về nền hành chính hiệu lực, hiệu quả; sự chính trực, công minh trong thực thi công vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp bỏ vốn làm ăn.