Cam kết của Việt Nam trong WTO liên quan đến quy tắc xuất xứ và vấn đề nội luật hoá

Những cam kết của Việt Nam liên quan đến quy tắc xuất xứ được thể hiện từ đoạn 239 đến 244 Báo cáo Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO. Trong các cam kết của mình khi gia nhập WTO, Việt Nam xác

 Liên quan đến xuất xứ ưu đãi và không ưu đãi,Việt Nam cam kết khi nhận được yêu cầu của một nhà xuất khẩu, nhập khẩu, hoặc bất kỳ người nào có lý do chính đáng, cơ quan Hải quan của Việt Nam sẽ xác định xuất xứ hàng nhập khẩu và định ra các điều kiện mà theo đó, việc xác định xuất xứ sẽ được tiến hành. Theo các quy định của Hiệp định về Quy tắc Xuất xứ của WTO nói trên, bất kỳ yêu cầu xác định nào như vậy cũng sẽ được chấp nhận ngay cả trước khi việc mua bán hàng hoá được bắt đầu và việc xác định xuất xứ đó sẽ có hiệu lực trong vòng ba năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng cam kết sẽ không sử dụng quy tắc xuất xứ như một công cụ để theo đuổi các mục tiêu thương mại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Được coi là một trong những nội dung quan trọng nhất về hài hoà hoá và thuận lợi hoá các thủ tục thương mại trong trao đổi thương mại quốc tế, việc chuẩn hoá các quy định, quy tắc về nguồn gốc xuất xứ sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng hoà nhập với luật lệ thương mại quốc tế. Tính đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh về quy tắc xuất xứ được đánh giá là phù hợp với Công ước Kyoto và Hiệp định về quy tắc xuất xứ hàng hoá của WTO. Nền tảng của hệ thống các quy định là Luật Thương mại 2005, đây được coi là văn bản gốc điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, trong đó có dành một điều quy định về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá và quy tắc xuất xứ hàng hóa (Điều 33), cụ thể: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ trongcác trường hợp sau đây: Hàng hóa được hưởng ưu đãi về thuế hoặc ưu đãi khác; Theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”. Quy định này đã được cụ thể hoá tại Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hoá, Nghị định quy định rõ về quy tắc xuất xứ ưu đãi và quy tắc xuất xứ không ưu đãi, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá... Nghị định được xây dựng và ban hành dựa trên các yêu cầu chung của pháp luật và thực tiễn thương mại quốc tế mà trước tiên là các quy định của WTO về quy tắc xuất xứ hàng hoá, có kết hợp chặt chẽ thực tiễn nền kinh tế Việt Nam và kết hợp với các quy định của Việt Nam đã có trong quá trình thực hiện các quy tắc xuất xứ đã ban hành trong thời gian trước.

Tiếp sau Nghị định 19/2006/NĐ-CP, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Thông tư số 07/2006/TT-BTM ngày 17/4/2006 hướng dẫn thủ tục cấp và quản lý việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo Nghị định số 19/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hoá; Thông tư số 08/2006/TT-BTM ngày 17/4/2006 hướng dẫn cách xác định xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có xuất xứ không thuần tuý theo Nghị định số 19/2006/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Thông tư số 10/2006/TT-BTM ngày 01/6/2006).

Bên cạnh đó, một loạt các Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá để được hưởng ưu đãi thuế quan cũng đã được ban hành như: Quyết định số 1375/1999/QĐ-BTM ngày 23/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A cho mặt hàng giầy dép xuất khẩu sang thị trường EU; Quyết định số 12/2007/QĐ-BTM ngày 31/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá Mẫu E để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định thương mại hàng hoá thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa; Quyết định số 19/2008/QĐ-BCT ngày 24/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D để hưởng các ưu đãi theo “Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) để thành lập Khu vực mậu dịch tư do ASEAN (AFTA)”; Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT ngày 08/12/2008 của Bộ Công Thương ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá mẫu AJ để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản... Gần đây nhất, ngày 26/02/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2009/TT-BTC hướng dẫn về việc không thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Có thể nói, Việt Nam có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được cập nhật và chuẩn hoá các quy định về quy tắc xuất xứ, phù hợp với nguyên tắc trong Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO, tạo ra một hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, rõ ràng và đầy đủ để điều chỉnh vấn đề về quy tắc xuất xứ. Song cũng cần nhìn nhận trong điều kiện hiện nay, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam đang từng bước mua bán sản phẩm với thị trường thế giới thì các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá vẫn cần được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hơn. Trong thương mại quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn thương nhân thực hành, thương nhân cần tìm hiểu luật pháp quốc gia và quốc tế để hài hóa hóa thủ tục.

  • Tags: