Cam kết vào cuộc cùng Bắc Giang thúc đẩy tiêu thụ nông sản, khôi phục sản xuất an toàn

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đối với Bắc Giang lúc này, sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Công Thương là cần thiết và cấp thiết hơn bao giờ hết để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu và duy trì sản xuất an toàn.

Phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Bắc Giang sáng nay (25/5/2021), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, Bắc Giang là một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 những ngày qua. Dịch bệnh bùng phát không chỉ ảnh hưởng đến cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, mà còn gây khó khăn cho tiêu thụ nông sản đến vụ nói chung và sản phẩm vải thiều đặc trưng của Bắc Giang nói riêng. 

Nghiêm trọng hơn, dịch Covid-19 xuất hiện tại các nhà máy trong khu công nghiệp làm ngưng trệ sản xuất, thậm chí nếu kéo dài có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng bởi nhiều doanh nghiệp tại Bắc Giang là mắt xích trong chuỗi của các Tập đoàn đa quốc gia như Samsung. 

“Do đó, đây là thời điểm các Vụ, Cục thuộc Bộ cần phối hợp tốt nhất với Bắc Giang. Bộ Công Thương sẽ là cầu nối giữa Bắc Giang với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên cả nước để đảm bảo hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng chủ trì buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Bắc Giang sáng 25/5/2021
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng chủ trì buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Bắc Giang sáng 25/5/2021

Giảm mục tiêu công suất, tăng mục tiêu chống dịch 

Theo báo cáo của Bắc Giang, đến 17h30 ngày 24/5/2021, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.024 ca dương tính, chủ yếu là công nhân tại KCN Quang Châu. Do đó, Bắc Giang đã tạm dừng hoạt động 4/5 KCN, 340/344 doanh nghiệp trong các KCN tạm đóng cửa với 172.000 công nhân ngừng việc.

Trước khi đóng cửa các KCN, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã tổ chức họp trực tuyến với tất cả các doanh nghiệp, khẳng định quyết tâm tổ chức nối lại sản xuất theo tinh thần sống chung với dịch. Tỉnh đã thành lập 35 tổ công tác để tiến hành hướng dẫn, kiểm tra về điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại các nhà máy, xí nghiệp trong KCN. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp đăng ký khôi phục sản xuất theo mô hình mới đảm bảo phòng chống dịch. Hiện đã có 6 doanh nghiệp nộp đề nghị và đang được xem xét mở lại sản xuất. Một số nhà cung cấp (vendor) của Samsung cũng đã đề nghị được tiếp tục sản xuất tuy nhiên chưa có đề xuất mô hình cụ thể.

Các doanh nghiệp sẽ có sự đánh giá, kiểm định an toàn dịch như bố trí nhà xưởng đã hợp lý chưa, giãn cách công nhân thế nào; xét nghiệm rà soát toàn bộ công nhân 2 lần trước khi vào nhà máy, có kết quả âm tính tiếp tục tổ chức xét nghiệm trong nhà máy 1 lần cuối nếu âm tính mới tiến hành sản xuất.

Đồng thời, Bắc Giang cũng đưa cán bộ y tế vào để giúp doanh nghiệp tự thành lập tổ kiểm soát, ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống dịch bệnh trong nội bộ.

Lãnh đạo tỉnh nêu rõ, các doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu 40% hoặc 70% công suất tùy theo quy mô, không đặt nặng mục tiêu sản lượng mà trước hết là đảm bảo dây chuyền hoạt động an toàn, ổn định trong bối cảnh dịch bệnh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang báo cáo qua về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tại buổi làm việc
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang báo cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tại buổi làm việc

Với đà này, mỗi tuần Bắc Giang sẽ đồng ý cho một số doanh nghiệp đi vào sản xuất trở lại nếu doanh nghiệp cam kết phối hợp quyết liệt với địa phương trong phòng chống dịch.

“Doanh nghiệp chỉ cần phối hợp thực hiện tốt mô hình sản xuất, việc chống dịch đã có chính quyền hỗ trợ”, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tuyên bố.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng trong quá trình đó nên ưu tiên các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của Samsung để đảm bảo thông suốt sản xuất. Tuy nhiên, cũng cần kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo biện pháp phòng chống dịch, có phân vùng khu sản xuất, giãn cách công nhân phù hợp và huy động nguồn lực xã hội hóa trong xét nghiệm, tiêm vắc xin cho người lao động.

Tối ưu hóa thị trường nội địa

Sản xuất công nghiệp về cơ bản đã tìm được phương án phục hồi, nhưng điều khiến Bắc Giang lo lắng còn là vấn đề tiêu thụ nông sản của tỉnh. Với 28.000 ha, năm nay vải thiều Bắc Giang được mùa, sản lượng ước tính 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020, trong đó vải chín sớm đã bắt đầu thu hoạch là khoảng 45.000 tấn.

Do nhu cầu cao và sản lượng cũng không nhiều, nên hiện nay lượng vải sớm đã tiêu thụ được khoảng 3.700 tấn, trong đó có 1.700 tấn xuất khẩu. Dù con số này chưa nhiều, nhưng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ không đáng lo ngại bằng việc tiêu thụ 135.000 tấn vải chính vụ sắp tới, dự kiến thu hoạch từ 10/6.

Khu vực trồng và thu hoạch vải đều đã được khoanh vùng, đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch, kiểm soát chặt chẽ ra vào, “tổng động viên” tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, Bắc Giang còn khoảng 9.000 tấn dưa hấu, 9.000 tấn dứa, 20.000 tấn nhãn, 15.000 tấn na đang vào vụ thu hoạch và các sản phẩm nông sản khác như cam, bưởi, táo… cho thu hoạch từ nay đến cuối năm; gần triệu con lợn cho sản lượng thịt 44.000 tấn, 20 triệu gia cầm sản lượng gần 10.000 tấn, trên 12.000 ha diện tích nuôi thủy sản, sản lượng gần 17.000 tấn. 

Bộ Công Thương làm việc trực tuyến với tỉnh Bắc Giang

Theo lãnh đạo tỉnh, do ảnh hưởng của dịch bênh, việc lưu thông sản phẩm nông sản của Bắc Giang, đặc biệt là lưu thông, vận chuyển nông sản từ Bắc Giang sang các địa phương khác cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu đang gặp khó khăn.

Việc phải dừng lại hoàn tất thủ tục tại quá nhiều chốt kiểm dịch của các địa phương khắp tuyến đường từ Bắc vào Nam khiến vận chuyển mất nhiều thời gian, khó khăn cho lưu thông, chất lượng nông sản từ đó không còn đảm bảo. Cũng vì lý do này mà dù đã liên hệ với các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối để hỗ trợ tiêu thụ nhưng nông sản vẫn gặp khó. Ngoài ra, đối tác xuất khẩu chính là Trung Quốc thì các thương nhân do dịch bệnh không thể sang Việt Nam để thu mua, các thị trường xuất khẩu khác chỉ gồm hợp đồng nhỏ nên không đáng kể.

Ngày 26/5 và 8/6 tới, Bắc Giang sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều với sự tham gia trực tuyến của nhiều thương vụ Việt Nam tại các nước, các đối tác xuất khẩu, các hệ thống phân phối trong nước,…, hy vọng thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Bộ Công Thương vẫn là rất cần thiết và cấp thiết.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, Bắc Giang xác định chuyển từ tỷ lệ tiêu thụ nội địa 50% như các năm trước sang đẩy mạnh lên tiêu thụ 70% tại thị trường trong nước, cần lắm vai trò kết nối của Bộ Công Thương ở đây.

Đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ cho biết nhiều giải pháp đã được đề xuất để triển khai hỗ trợ Bắc Giang thời gian qua. Trong đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu về sản phẩm vải thiều, cũng như về các biện pháp phòng chống dịch bệnh chặt chẽ của Bắc Giang; kết nối với các địa phương trong nước và đối tác xuất khẩu tiềm năng; tận dụng nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, thương mại điện tử,… được cho là những ưu tiên trên hết để gỡ khó cho tiêu thụ nông sản Bắc Giang tại thời điểm hiện nay.

Đáng chú ý, Cục Xuất nhập khẩu cho biết đã trao đổi với ban quản lý một số cửa khẩu lớn để thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ ngay tại cửa khẩu, tạo điều kiện tối đa cho các xe nông sản Bắc Giang thông quan nhanh chóng.

Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Bắc Giang

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, 190 thương nhân đối tác từ Trung Quốc dù không thể sang Việt Nam trực tiếp thu mua nhưng vẫn bày tỏ thiện chí mong muốn được nhập khẩu sản phẩm vải thiều Bắc Giang. Do đó, Vụ sẽ phối hợp với các thương vụ tại một số tỉnh thuộc Trung Quốc để cử chuyên viên, cán bộ đến kết nối trực tiếp với thương nhân nước bạn tại khu vực cửa khẩu, giúp Bắc Giang giữ được thị trường xuất khẩu quan trọng này.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, để đảm bảo hàng hóa đầy đủ phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt người dân tại các khu cách ly, Bộ Công Thương sẵn sàng là cầu nối để điều phối hàng hóa thiết yếu hỗ trợ nếu Bắc Giang có nhu cầu. Lực lượng quản lý thị trường cũng đang theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại.

Cam kết vào cuộc mạnh mẽ hơn

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, rõ ràng nhu cầu đối với quả vải Bắc Giang là vẫn nhiều, nhưng một phần khó khăn đang ở các cửa khẩu, nên Bộ Công Thương sẽ làm việc với các địa phương liên quan như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh để phối hợp, hỗ trợ hàng hóa nông sản được vận chuyển từ Bắc Giang lên khu vực cửa khẩu. 

Ngoài ra, Bắc Giang cũng cần làm đúng theo hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch theo công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 1/3/2021 mà Bộ Công Thương đã gửi UBND các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Trong khi đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề nghị Bắc Giang làm việc với Bộ Y tế để cấp các chứng nhận đảm bảo chất lượng về y tế của sản phẩm, tạo lòng tiên về số lượng, chất lượng, quy cách đối với các thương nhân không thể đến thu mua trực tiếp vì dịch bệnh.

Tỉnh cũng cần vận động doanh nghiệp, thương nhân chuyển sang xuất khẩu theo hướng chính ngạch để bảo đảm quyền lợi của mình, trên cơ sở chia sẻ các chi phí với đối tác.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Chia sẻ với quan điểm của các bên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng 3 mục tiêu lớn trong thời gian tới mà ngành Công Thương cần khẩn trương vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ Bắc Giang vượt qua khó khăn dịch bệnh là: thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt sản phẩm vải thiều; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu; khôi phục sản xuất đi đối với đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Về tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương và Bắc Giang thống nhất thị trường trong nước là quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại, “những năm trước chỉ 50% thì giờ phải lên gấp rưỡi”, khó khăn từ dịch bệnh cũng sẽ chính là cơ hội để thực hiện các giải pháp tối ưu hóa thị trường 100 triệu dân lý tưởng.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm xuất khẩu với mục tiêu duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và mức xuất như các năm. Đặc biệt, Bộ trưởng chỉ đạo “có thể giảm sản lượng nhưng không giảm giá, chỉ ở mức bằng hoặc hơn để giữ được thương hiệu đồng thời giữ được thị trường”, thay vào đó có thể bàn bạc, chia sẻ các chi phí trong thực hiện hợp đồng thương mại với đối tác. 

“Ở đây chúng ta không dùng khái niệm giải cứu, mà là hỗ trợ tiêu thụ, bởi các sản phẩm này của Bắc Giang là sản phẩm có thương hiệu và từng tiêu thụ rất tốt, hiện chỉ gặp khó do điều kiện dịch bệnh. 

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phối hợp với tỉnh để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối cung cầu, tận dụng nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử để đưa sản phẩm tiêu thụ trong - ngoài nước.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, cửa khẩu để bảo đảm thông quan dễ dàng, thuận lợi hơn nữa, ưu tiên luồng xanh ở các cửa khẩu chính ngạch cho sản phẩm vải thiều. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và tăng cường nhân lực hỗ trợ Bắc Giang nếu cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Về cung ứng hàng hóa, mục tiêu cao nhất là không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ người dân, không để xảy ra hiện tượng chuộc lợi. Bộ trưởng đề nghị Bắc Giang xây dựng phương án 4 tại chỗ và kịch bản hàng hóa tương ứng với các cấp độ khác nhau của dịch bệnh, từ đó đưa ra đề xuất danh mục, số lượng hàng hóa cần Bộ Công Thương và các địa phương cung ứng hỗ trợ. 

“Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cam kết sẽ làm hết mình, làm tròn trách nhiệm để giúp kết nối hoặc trực tiếp cung ứng hàng hóa trong mọi hoàn cảnh”, Bộ trưởng khẳng định.

Về sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bắc Giang tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép, ngành Công Thương địa phương cần phối hợp với Bộ Công Thương để tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, có lộ trình cụ thể trong khôi phục sản xuất để duy trì chuỗi cung ứng. “Nơi nào không đảm bảo an toàn thì dứt khoát chưa cho hoạt động trở lại, nhưng phải tích cực kiểm tra để hỗ trợ các nơi đã đủ điều kiện”. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ về ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhận tại các KCN nói chung, đặc biệt các KCN sản xuất mặt hàng xuất khẩu để đảm bảo giữ vững thị trường đối tác.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục kêu gọi các Tập đoàn, Tổng Công ty hướng về Bắc Giang, hỗ trợ tỉnh vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ sau buổi làm việc khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp với Bắc Giang trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng, trong đó đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu rõ ràng, đảm bảo tính hiệu quả. Lãnh đạo Bộ sẽ quan tâm chỉ đạo, ban hành các văn bản để cùng với Bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong thời gian sớm nhất.

Thy Thảo